3.3.2.1. Những điều kiện để thiết lập một tiêu đề hay
Mọi cái hay trong văn bản đều được xây dựng từ tiền đề là những cái đúng. Cái đúng chính là nền tảng của cái hay. Một tiêu đề thỏa mãn tất cả những điều kiện để có một tiêu đề đúng thì càng gần với tiêu đề hay. Bởi một tiêu đề vi phạm cái chuẩn ngôn ngữ thì không thể là tiêu đề hay được. Như vậy, mọi cái hay trong ngôn ngữ đều được xây dựng từ những tiền đề của cái đúng. Vậy, cái hay của tiêu đề văn bản được xây dựng trên những điều kiện nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta gặp một khó khăn lớn là tiêu đề là tiêu đề của một văn bản cụ thể, mà nói tới văn bản là nhắc tới phong cách cụ thể, thể loại cụ thể. Về lí thuyết, không thể có tiêu chuẩn chung cho mọi chủng loại tiêu đề, tức cũng có nghĩa là ở mỗi phong cách, mỗi thể loại văn bản hình thành một cái chuẩn thẩm mĩ riêng.
Tuy nhiên, cần phải nói lại rằng, đúng là không thể đánh đồng cái hay cho mọi loại tiêu đề nhưng về mặt khái quát, bên cạnh cái riêng, hẳn phải tồn tại một số chuẩn quy tắc chung nào đó. Những điểm chung này có thể có những biểu hiện khác nhau trong từng loại phong cách ngôn ngữ, trong từng thể loại cụ thể, nhưng cái riêng không thể che khuất được cái chung. Với cách hình dung đó, xét từ nhiều phương diện, kể cả phương diện có tính thực dụng cao là tàng trữ thông tin, bình diện khái quát thì cái hay của tiêu đề được xây dựng trên những điều kiện sau: tính tiêu biểu, tính hấp dẫn, tính hàm súc.
a.Tính tiêu biểu
Tiêu biểu là tiêu biểu cho nội dung văn bản và cho phong cách ngôn ngữ của văn bản. Nghĩa là ý nghĩa của tiêu đề phải phản ánh những điều cốt lõi nhất, quan trọng nhất của nội dung văn bản. Qua tiêu đề, người đọc thấy được bộ mặt văn bản, cũng như thấy được đặc trưng của phong cách ngôn ngữ văn bản. Điều đó, tùy thuộc vào việc lựa chọn từ ngữ hoặc có sức khái quát cao, hoặc thể hiện các điểm nút có tính quan yếu, hiểu như là đường dây, trong tuyến quan hệ, qua chữ nghĩa của tiêu đề, giúp cho người đọc thụ đắc được những hàm nghĩa và hàm ý của người lập văn bản (nếu có). Trong quan hệ với nội dung văn bản, việc lựa chọn từ ngữ một cách thích hợp và thỏa đáng làm kết cấu tiêu đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thể hiện tính tiêu biểu cho văn bản.
b. Tính hấp dẫn
Một tiêu đề hấp dẫn là tiêu đề khiến người đọc chú ý. Muốn thu hút sự chú ý, từ đó, kích thích óc tò mò, sự thích thú cho họ. Tiêu đề, trong điều kiện cho phép phải sử dụng các phương thức tạo nên nghĩa hàm ẩn. Bởi vì, như đã biết, chính tính chất trí tuệ, dí dỏm, hài hước, lấp lửng…đều do các phương thức ấy làm nên. Nó cũng là biện pháp có khả năng khêu gợi nhu cầu nhận thức, khám phá và đặc biệt là những khả năng liên tưởng bất ngờ đối với người giải mã văn bản.
Tiếp nữa, giữa tiêu đề văn bản và nội dung văn bản phải có độ chênh nhất định. Một độ chênh mà tạo ra được sự hụt hẫng giữa những suy tưởng xảy ra trong óc người giải mã khi chưa đọc nội dung văn bản, tức là mới chỉ ở bước nhận chân ý nghĩa của tiêu đề và sự kiện thực tế thể hiện trên câu chữ hay được suy ra từ sự kiện tình thái của văn bản thì dễ tạo nên sự thú vị. Nếu không sử dụng ý nghĩa hàm ẩn thì ngay trong tầng nghĩa hiển ngôn của tiêu
đề, trong một số trường hợp, cũng phải kích thích được thị hiếu, phải đánh trúng vào nhu cầu nhận thức có tính cấp thiết của đông đảo mọi tầng lớp hoặc một tầng lớp cụ thể người giải văn bản mà tiêu đề hướng tới.
c. Tính hàm súc
Tính hàm súc bao gồm hai nội dung: nén chặt và gợi mở.
+ Tính nén chặt có nghĩa là tiêu đề phải ngắn gọn ở mức cao nhất, tránh dài dòng một cách dư thừa. Đương nhiên có thể sử dụng độ dư như phương thức lặp chẳng hạn. Nhưng không phải lặp để mà lặp, trái lại phải có hàm ý. Chẳng hạn như các tiêu đề sau:
Ngân phiếu thanh toán, bối cảnh ra đời và nhận định: Không phải tiền, mà là tiền, mà không phải là tiền! (Tuổi trẻ, 17/1/1992); Lịch 94 từ cú “việt vị” đầu tiên, hậu quả dài dài (Tuổi trẻ, 30/11/1993).
Rõ ràng, ở tiêu đề trước cách diễn đạt một cách luẩn quẩn không bình thường: “không phải tiền, mà là tiền, mà không phải là tiền!”, phần nào cũng góp phần tạo nên hàm ý phê phán về tính chất bấp bênh của tờ ngân phiếu thanh toán vào thời điểm đó.
Để cho kết cấu tiêu đề nén chặt và cô đúc, trước hết phải giản hóa kết từ. Trong tiếng Việt, trong một số tổ hợp từ, việc có hay không có kết từ vẫn có thể diễn đạt một cách rõ nghĩa, đối với trường hợp vừa nêu nên lược bỏ. Chỉ sử dụng chúng trong kết cấu tiêu đề ở những vị trí bắt buộc. Giản hóa các bổ tố, định tố không cần thiết. Giản hóa các kết cấu đề - thuyết thành chỉ có phần đề hay chỉ có phần thuyết khi điều kiện cho phép…Nhìn chung, mọi sự giản hóa phải tuân theo nguyên tắc sau:
Dùng câu một phần mà diễn đạt được ý hơn là những câu hai phần. Dùng câu đơn đảm bảo được nội dung vẫn hơn sử dụng câu ghép. Dùng cụm từ mà vẫn trọn vẹn ý hơn là dùng câu đơn.
Dùng từ ghép mà vẫn đảm bảo nội dung chính của tiêu đề hơn là dùng cụm từ; dùng cụm từ mà rõ nghĩa vẫn hơn dùng câu; dùng câu chủ động mà vẫn diễn đạt đuợc ý hơn là dùng câu bị động…, chỉ sử dụng câu bị động khi có hàm ý. Bởi vì, hình thức bị động luôn làm cho câu dài hơn, kém hiệu quả hơn.
Tất nhiên, trong những trường hợp giản hóa như vậy, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm bảo tính rõ ràng tránh sự giản lược dẫn đến hiểu lầm hay kết hợp sai.
+ Tính gợi mở nghĩa là từ cấu trúc hình thức lẫn ý nghĩa của tiêu đề gợi ra được một không gian rộng lớn về các chiều liên tưởng, có thể có, từ phía người đọc. Lẽ thường kết cấu của tiêu đề càng nén chặt thì ý nghĩa của nó càng gợi mở. Tính nén chặt không đồng nghĩa với sự chật chội, nghèo nàn về mặt nội dung. Trái lại, tính nén chặt gắn liền và thống nhất với tính gợi mở. Điều này cũng dễ hiểu vì: Trong ngôn ngữ, càng miêu tả chi tiết chừng nào thì nội dung càng cụ thể, càng được cá thể hóa từng đó. Còn miêu tả cô đọng nén kín chừng nào thì nội dung càng khái quát và sức lan tỏa càng rộng. Quan hệ về mức độ nén chặt và sự giãn nở trong kết cấu tiêu đề cũng không vượt ra ngoài quy luật đó. Ba đặc trưng tiêu biểu, hấp dẫn, hàm súc có mối quan hệ gắn bó với nhau.
Tóm lại, về mặt khái quát, một tiêu đề gây được sự chú ý, khiến cho người đọc thích thú. Từ đó kích thích họ về nhu cầu nhận thức và khám phá làm cho họ không thể không đọc hết văn bản và khi đọc xong lại tìm thấy độ hẫng bất ngờ đầy thú vị giữa tiêu đề và nội dung văn bản thì tiêu đề đó đạt được yêu cầu về cái hay. Như vậy, tiêu đề phải chứa trong mình một chuỗi kích thích dương tính.
3.3.2.2. Cái hay của tiêu đề văn bản trong một số thể loại báo chí tiêu biểu
Cái hay của tiêu đề, như đã nói ở trên được xây dựng trên những điều kiện là tiêu đề đó phải có tính tiêu biểu, tính hấp dẫn, tính hàm súc. Đó là những điều kiện chung nhất. Trong hoạt động hành chức, các tiêu chí này có thể có những biểu hiện hoàn toàn khác nhau chứ không hoàn toàn đồng nhất, nhất là trong phong cách thông tấn báo chí. Trong phong cách thông tấn, các thể loại tin tức, phỏng vấn…có những yêu cầu rất gần với đòi hỏi của phong cách khoa học và phong cách hành chính.
a. Thể loại tin tức
+ Tính tiêu biểu: Ý nghĩa của tiêu đề phải mang thông tin chính của văn bản, không dùng các phương thức hàm ngôn, không xuất hiện các yếu tố bình giá, tất cả phải khách quan. Tiêu đề phải là một kết cấu tường thuật, không có dạng thức hỏi. Ví dụ: Khởi công xây dựng đường trên cao ở Hà Nội (Tuổi trẻ, 27/3/2011); ĐH Kiến trúc TP. HCM công bố chỉ tiêu theo ngành (Tuổi trẻ, 24/3/2011);…
+ Tính hấp dẫn: Ý nghĩa rõ ràng, chính xác tùy theo yêu cầu có thể nhấn mạnh đến nhu cầu nhận thức và thị hiếu của người đọc. Ví dụ: Nông dân chế
tạo máy vặt hạt điều (Tuổi trẻ, 25/3/2011); Bắt được “đinh tặc” thưởng 5 triệu đồng (Tuổi trẻ, 26/3/2011); Không biết mình làm hiệu trưởng (Tuổi trẻ, 24/3/2011);…
+ Tính hàm súc: Ngắn gọn và cô đúc, làm sao để khi người ta đọc tiêu đề có thể nắm rõ toàn bộ sự việc liên quan đề cập đến trong văn bản, nếu cần thiết, các thông số 5Wh và 1 H của văn bản có thể xuất hiện ngay trong kết cấu của tiêu đề. Ví dụ: Sông Hồng mất màu phù sa do thủy điện thượng nguồn (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Hai chiến sĩ cảnh sát cơ động bị ô tô đâm tử vong
(Tuổi trẻ, 5/3/2011); 3 ngày, 3 vụ cháy ở Bảo Lộc (Tuổi trẻ, 6/3/2011);… b. Thể loại phóng sự
+ Tính tiêu biểu: Ý nghĩa của tiêu đề phải nói đến vấn đề chính được nói đến trong văn bản hay hướng giải quyết chính của vấn đề. Ví dụ: Những bác sĩ trẻ về với buôn làng (Nguyễn Công Hậu - Kim Huệ, Nhân Dân, 27/2/2011);
Kiên quyết dẹp rao vặt trái phép (Phúc Huy, Tuổi trẻ, 19/3/2011); Giao chồng ranh đất đã có sổ đỏ (Phúc Huy, Tuổi trẻ, 12/3/2011); Mạnh tay với giao dịch USD trái phép (A.Hồng, Tuổi trẻ, 9/3/2011); Tái chế dầu ăn từ rác
(Nguyễn Triều, Tuổi trẻ, 7/3/2011);“Cò” lộng hành ở bệnh viện ung bướu
(Quốc Ngọc, Tuổi trẻ, 5/3/2011); Lật tẩy trò lừa đảo đi Mỹ (Hoàng Khương, Tuổi trẻ, 3/3/2011);…
+ Tính hấp dẫn: Kết cấu của tiêu đề phải gợi đúng được sự quan tâm của toàn xã hội, lay động được tâm hồn người đọc. Có thể sử dụng các phương thức tạo nghĩa hàm ẩn để gây sự chú ý hay có thể sử dụng dạng thức hỏi để khắc họa gây ấn tượng với người đọc. Ví dụ: Mua ngoại tệ phải trả phí? (Ánh Hồng, Tuổi trẻ, 25/3/2011); Vụ “Mối tình đầu của Lượm” một mình Thùy Dương có làm nên chuyện? (Việt Hoài, Tuổi trẻ, 23/3/2011); Tài xế xe container: non tuổi đời, yếu tay nghề (Hoàng Khương, Tuổi trẻ, 16/3/2011);
Thực hư thiết bị tiết kiệm xăng? (Đức Thanh - Minh Trung - Minh Mẫn, Tuổi trẻ, 9/3/2011), Thực phẩm ở ruộng giá bèo, ra chợ giá ngất ngưởng (Nhóm PV kinh tế, Tuổi trẻ, 8/3/2011); Mai này sếu sẽ về đâu…(Đức Tuyên, Tuổi trẻ, 7/3/2011); Ôn thi theo tài liệu nào? (Trịnh Vĩnh Hà, Tuổi trẻ, 1/3/2011);
Từ chối chi trả tiền đền bù của bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Abic có thỏa đáng? (Mỹ Hà, Nghệ An, 26/5/2011); Trung tâm y tế tuyến huyện lắm… nỗi niềm (Nhóm PV, Nghệ An, 25//5/2011); Nghịch lí thị trường bất động sản? (Thu Huyền, Nghệ An, 20/5/2011); Sống lay lắt trên…đê chắn sóng!
(Vũ Cường, Giáo dục và Thời đại, 9/7/2011); Làm giàu nhờ…rau má (Tiến Nhất, Giáo dục và Thời đại, 14/7/2011); Muôn nẻo …mátxa ký (Ngân Hà, Giáo dục và Thời đại, 22/7/2011);…
+ Tính hàm súc: Phải ngắn gọn, cô đúc. Chẳng hạn: Hoàn thành sứ mệnh giải cứu lao động (Lê Nam, Tuổi trẻ, 8/3/2011); Chuyện người bán vé số (Lê Thanh Hà, Tuổi trẻ, 4/3/2011); Người ở trọ thêm khó (Q.Khải- B.Trần, Tuổi trẻ,1/3/2011); Trăn trở Na Nhu (Công Kiên, Nghệ An, 15/5/2011); Nhọc nhằn học tiếng Ơđu (T.L, Nghệ An, 15/5/2011); Cuộc đua tìm chồng ngoại
(Hà Anh, Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt cuối tháng7);…
c.Thể loại tiểu phẩm
+ Tính tiêu biểu: Ý nghĩa của tiêu đề phải phản ánh được tinh thần nội dung toàn văn bản, hay có thể nêu một vài chi tiết có giá trị nhận thức lớn nhất được bộc lộ trong văn bản. Ví dụ: Nồng nàn ngày 8/3 (Bút Bi, Tuổi trẻ, 8/3/2011); Nghĩ từ động đất Nhật Bản (Bút Bi, Tuổi trẻ, 13/3/2011;…
+ Tính hấp dẫn: Sử dụng các phương thức tạo ra nghĩa hàm ẩn để gây sự chú ý, nhất là phương thức nằm trong quan hệ ngữ nghĩa bất thường. Ví dụ:
Chờ 2012…( Bút Bi, Tuổi trẻ, 4/3/2011); Từ quốc hoa…tới quốc nạn (Bút Bi, Tuổi trẻ, 7/3/2011); Một đô một tô (Bút Bi, Tuổi trẻ, 15/3/2011); Như thảm họa sóng thần (Bút Bi, Tuổi trẻ, 31/3/2011);…
+ Tính hàm súc: Ngắn gọn và cô đúc theo hướng tạo được nhiều khả năng liên tưởng khác nhau. Ví dụ: Lần cuối (Bút Bi, Tuổi trẻ,11/3/2011); Lời hứa
(Bút Bi, Tuổi trẻ, 14/3/2011);…
d. Thể loại phỏng vấn
+ Tính tiêu biểu: Ý nghĩa của tiêu đề phải là một trong những ý kiến quan trọng nhất của người được phỏng vấn. Ví dụ: Bộ trưởng GD ĐT Nguyễn Minh Hiển: “tôi cần quyết liệt hơn” (ANTGCT, số tháng 11/2003)
+ Tính hấp dẫn: Nêu bật được những thông tin có ý nghĩa xã hội, được mọi người quan tâm. Nếu không phải là loại điển hình, có thể dung các phương thức hàm ngôn để tạo ra nghĩa hàm ẩn, hay chỉ cần nêu một vài chi tiết dí dỏm, thông minh, bộc lộ cái nhìn sắc sảo của người được phỏng vấn. Ví dụ: NSND Thanh Hoa tàu đi rồi khói chỉ đọng đằng sau (ANTGCT, số tháng 11/2003)
+ Tính hàm súc: ngắn gọn và cô đúc vẫn phải được tôn trọng. Tuy nhiên, nếu thuộc loại văn bản điển hình, tiêu đề phải xuất hiện đầy đủ các chức danh
hay vị thế xã hội của người được phỏng vấn. Nếu kết cấu tiêu đề đã quá dài, cần thiết phải sử dụng tiêu đề phụ, hay lời đề từ, đề cập đến những chi tiết không thể thiếu như hoàn cảnh ra đời bài phỏng vấn, không gian, thời gian… nghĩa là phải sử dụng lời dẫn đề (tít dẫn, sapô).
Như vậy, không kể tiêu đề của thể loại tiểu phẩm, các tiêu đề trong các thể loại điển hình còn lại như tin tức, phỏng vấn…trong phong cách thông tấn, trên nguyên tắc là có những yêu cầu rất gần với những đòi hỏi của phong cách khoa học và phong cách hành chính. Tuy nhiên, tính chất lưỡng phân trong kết cấu tiêu đề của phong cách này nổi lên rất rõ: một loại thuộc thể điển hình và một loại không điển hình. Tại đây, chủ yếu nêu lên những yêu cầu về loại thứ nhất, và không loại trừ khả năng chấp nhận sự khuôn sáo do đặc điểm phong cách chức năng quy định.
3.4. Tiểu kết chương 3
Như chúng ta đã biết, tối đa ý nghĩa phải được thể hiện bằng tối thiểu từ ngữ. Vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiêu đề các bài báo có tác dụng trực tiếp và quyết định nhất tới hiệu quả của thông tin bài báo, do vậy, ngôn ngữ bài báo nói chung cũng như tiêu đề bài báo nói riêng trước hết phải là một thứ ngôn ngữ văn hóa chuẩn mực. Có nghĩa là phải dùng đúng chuẩn mực ngôn ngữ về: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp…; đúng của một bình diện hành chức nhất định như: quy chiếu, kết hợp, logic, phong cách…. Một tiêu đề thỏa mãn tất cả những điều kiện cần thiết để là một tiêu đề đúng thì càng tiến gần tới cái đẹp, cái hay. Bởi vì, cái đúng là nền tảng của cái hay. Một tiêu đề vi phạm các chuẩn về cái đúng dứt khoát không thể đánh giá là hay được. Như vậy, mọi cái hay trong ngôn ngữ đều được xây dựng từ tiền đề là cái đúng.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu về tiêu đề văn bản nói chung, tiêu đề các bài báo nói riêng là một đề tài khá mới mẻ. Có thể nói đây là mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá. Vả lại, bản chất ngôn ngữ của đối tượng nghiên cứu lại vượt ra ngoài khuôn khổ của ngữ pháp câu cho nên những nghiên cứu của chúng tôi trong luận văn này chỉ là những suy nghĩ bước đầu. Tuy vậy, chúng tôi đã cố gắng giả quyết những nhiệm vụ mà luận văn đã đề ra và có thể nêu lên một số kết luận chính sau đây.
1. Đặt tiêu đề văn bản trong hệ thống lớn là tiêu đề nói chung, qua sự phân tích và miêu tả, chúng tôi đã chỉ ra được tính chất tiêu biểu và quan