Qua hình ảnh chụp CT có thể xác định được vị trí, mật độ, cấu trúc, sự phát triển, xâm lấn, mức độ lan tràn của tế bào ung thư vào hạch trung thất, di căn xa và góp phần xếp loại giai đoạn bệnh (TNM) với độ nhạy 70-90%, độ đặc hiệu 60-90% [1], [14], [15], [43], [44], [82], [83], [88].
Theo một số tác giả [1], [14], [15], [58], [59], [60], [76], [77], [79], [80], [83], [84], [88], [105], đặc điểm tổn thương UTPQ trên hình ảnh CT ngực là:
- Hình ảnh phế quản khí: trên hình ảnh CT lớp mỏng (thin section CT) UTPQ gặp phổ biến hơn những tổn thương lành tính. Một nghiên cứu trên 132 bệnh nhân trong đó dấu hiệu phế quản hơi gặp 33/115 tổn thương ác tính (29%), trong khi đó chỉ gặp 1/17 tổn thương lành tính (6%). Trên mặt cắt ngang chúng có dạng bóng khí (bubble like lucency) hoặc giả hang (pseudocaviation), có đường kính thường < 5mm. Thường gặp trên bệnh nhân adenocarcinoma đặc biệt týp bronchioloalveolar carcinoma [65], [76].
- Canxi hóa (Calcification): là đặc điểm quan trọng để xác định tổn thương ác tính hay lành tính. Với biểu hiện lan tỏa (diffuse), dát mỏng (laminated), trung tâm (central) hầu như chắc chắn là lành tính. Rất hiếm gặp trên X quang, gặp khoảng 10% trên CT ngực. Hay gặp ở những khối u có đường kính trên 5cm nhưng không có hình dạng nhất định, trông giống hình ảnh đám mây (cloud-like) có thể nhìn thấy ở UTPQ ngoại vi. Đôi khi UTPQ phát triển trên nền một tổn thương lao cũ đã vôi hóa [79], [80].
- Hình ảnh hang: gặp khoảng 10%, có thể gặp trên khối u với bất kỳ kích thước nào nhưng thường gặp ở những khối u có đường kính > 3cm, hay gặp ở UTBM vảy. Xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của phổi, hang thường lệch tâm (eccentric), thành hang thường dày và đôi khi chứa dịch và những mảnh u hoại tử. Ở một số trường hợp hiếm có thể nhìn thấy viền khí hình trăng lưỡi liềm (air-crescent) ở nơi tiếp giáp giữa bờ ngoài hang và khối u, đường kính hang từ 1- 10cm. Một nghiên cứu trên 600 bệnh nhân, hang hóa gặp 22% của
263 UTBMV, 6% của 97 UTBMTBL, 2% của 126 UTBMT, 1% của 114 UTBMTBN [77].
- Những khối u nhỏ hơn 3cm mang hỗn hợp tỷ trọng mô mềm và kính mờ có nguy cơ ác tính cao hơn những u đặc đơn thuần và hay gặp ở týp UTBM tiểu phế quản-phế nang (bronchioalveolar cell carcinoma).
- Bờ khối U: thường gặp bờ không đều (irregular), tua gai (spiculated) gặp 65%, tổn thương dạng này có thể do xơ hóa nhu mô phổi quanh u hoặc thâm nhiễm trực tiếp của khối u vào nhu mô liền kề hoặc do các tế bào u lan vào hệ bạch mạch khu vực [83].
- Đuôi màng phổi (pleural tag or tail sign): là những đường mờ đi từ ngoại vi của khối u đến màng phổi lá tạng. Đuôi màng phổi được ghi nhận trên hình ảnh CT lớp mỏng từ 60%-80% những trường hợp UTPQ ngoại vi và thường hay gặp týp UTBMT. Tuy nhiên, dấu hiệu đuôi màng phổi cũng có thể gặp trong trường hợp ung thư di căn đến phổi, u hạt, do vậy dấu hiệu này ít có giá trị trong việc phân biệt tổn thương lành tính hay ác tính [76].
- Tỷ trọng khối u: thường tăng > 15 HU trước và sau khi tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch với độ nhạy 98% và độđặc hiệu 58 – 73% [79].
- Tổn thương trung thất (mediastinal involvement): do sự di căn hoặc xâm lấn trực tiếp của khối u vào trung thất. Trong một nghiên cứu 345 bệnh nhân UTPQ thấy u trung thất và hoặc hạch to trung thất ở 62% UTBMTBN, 32% UTBMTBL, 36% UTBMT, 26% UTBMV [88].
- Tổn thương thành ngực (chest wall involvement): biểu hiện phá hủy xương sườn hoặc khối ở thành ngực, trên hình ảnh CT ngực chỉ phát hiện được 20-40%. Những biểu hiện khác như góc tù giữa khối u và thành ngực, diện tiếp xúc giữa khối u và thành ngực > 3cm và dầy màng phổi cục bộđược chỉ ra là không đáng tin cậy. Một nghiên cứu tổng hợp những ấn bản trước năm 1999 cho biết, nếu kết hợp tất cả những dấu hiệu trên, xác định tổn thương xâm lấn thành ngực /CT có Se 38-87%, Sp 40-90% [59], [60].
Đặc điểm tổn thương trên hình ảnh CT ngực ở một số týp mô học.
- UTBMT (Adenocarcinoma): khoảng 50% biểu hiện là một khối (mass) hoặc nốt (nodule) khu trú ở ngoại vi của phổi. Kích thước thường < 4cm, 15% khu trú ở rốn phổi (hilar) hoặc cạnh rốn phổi (perihilar), 35% biểu hiện dưới dạng tổn thương phối hợp ở nhu mô, rốn phổi và hạch trung thất. Thường biểu hiện là một khối tròn hoặc hình oval ở ngoại vi của phổi nhưng hơn 35% các trường hợp biểu hiện một khối ở phổi kèm theo hạch to trung thất. Ung thư tiểu phế quản phế nang là một dưới týp của adenocarcinoma có thể biểu hiện dưới dạng một tổn thương đơn độc hoặc nhiều tổn thương nhưng hơn 65% các trường hợp là một khối có giới hạn rõ ở ngoại vi của phổi, tỷ trọng thấp dạng nang hoặc hình ảnh phế quản khí (air bronchograms), một số trường hợp ranh giới không rõ hoặc tỷ trọng giống hình ảnh kính mờ tạo thành một khối giống viêm phổi. Có thể gặp một số hình ảnh khác như tràn dịch màng phổi (pleural effusion), xẹp phổi (atelectasis), tràn khí màng phổi (pneumothorax).
- UTBMV (squamous cell carcinoma): chiếm khoảng 25- 30% trong các týp mô bệnh học của UTPQ, liên quan mạnh với tình trạng hút thuốc lá, tỷ lệđã giảm so với các thập niên trước do số người hút thuốc lá ngày càng giảm dần [88]. Khối u phát triển chậm, phổ biến phát triển từ phế quản thùy hoặc phân thùy gây tắc nghẽn lòng phế quản và gây xẹp phổi đoạn xa. Bởi vậy trên hình ảnh CT và lâm sàng thường thấy những đợt viêm phổi, ho máu, liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược. Một số u ở ngoại vi có thể không biểu hiện triệu chứng lâm sàng cho đến khi u phát triển thành một khối lớn, thường > 4cm, khoảng 20% gặp tình trạng hang hóa [83], [84]. Trong một nghiên cứu 98 bệnh nhân UTBMV thấy 43% có viêm phổi và/hoặc xẹp phổi [54].
- UTBMTBL (large cell carcinoma): hầu hết tổn thương ở ngoại vi của phổi. Điển hình là một tổn thương có kích thước lớn, ranh giới không rõ ràng, hiếm gặp dạng hang và canxi hóa, chiếm tỷ lệ cao nhất trong những tổn thương có đường kính trên 4 cm ở ngoại vi của phổi. Hay gặp dạng viêm phổi
đi kèm, thời gian nhân đôi u khoảng 80 ngày. 30% có hạch rốn phổi, 10% biểu hiện tổn thương hạch trung thất.
- UTBMTBN (small cell lung cancer): hầu hết phát triển từ đường thở lớn, < 5% là các tổn thương ở ngoại vi, xâm lấn nhanh vào các mạch máu lớn và mô lympho. Di căn vào hạch lympho với tỷ lệ cao ngay ở giai đoạn sớm, nhiều khi không nhìn thấy khối u nguyên phát ngoại trừ hạch rốn phổi và trung thất phì đại. Ở giai đoạn sớm, khối u thường khó phân định ranh giới (poorly delimited) vì tổn thương ở dưới niêm mạc và mô liên kết quanh mạch phế quản. Tần suất gặp khối u trong lòng phế quản thấp hơn týp UTBMV, gây tắc nghẽn phế quản chủ yếu do khối u to gây chèn ép.
Như vậy, CT ngực không những giúp chẩn đoán và xếp giai đoạn UTPQ mà còn cho phép định hướng loại mô học của UTPQ. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với các cơ sở y tế chưa được trang bị nội soi phế quản, không có khả năng lấy được bệnh phẩm làm xét nghiệm tế bào- mô bệnh học hoặc khả năng phân týp mô học còn nhiều hạn chế sẽ giúp các thầy thuốc lâm sàng tại các cơ sở y tế này định hướng chẩn đoán, định hướng phương pháp điều trị phù hợp và hoặc chuyển tuyến chuyên khoa. Tuy nhiên, đặc điểm tổn thương của UTPQ trên hình ảnh CT ngực ở từng loại mô học còn ít được chú ý trong y văn Việt Nam.
* Nốt phổi đơn độc (Solitary Pulmonary Nodule : SPN):
Được định nghĩa là một tổn thương không triệu chứng, kích thước thường < 3cm nhưng có thể dao động 1-6cm, được bao bọc bởi nhu mô phổi, không kèm theo bất kỳ tổn thương nào của nhu mô phổi, màng phổi, thành ngực, trung thất, phát hiện tình cờ khi chụp Xquang hoặc CT ngực. Khả năng trở thành ác tính của SPN phụ thuộc vào kích thước khối u, tốc độ phát triển, tuổi bệnh nhân, tiền sử hút thuốc lá, tiền sử mắc các bệnh ác tính khác. Có khoảng 30-40% các SPN là UTPQ. Nhiều tác giả cho rằng một SPN được coi là lành tính khi không thay đổi kích thước tổn thương trong vòng 2 năm, kích thước < 2cm, thời gian nhân đôi u < 7 ngày và > 465 ngày, bờ nhẵn, tỷ trọng
trước và sau tiêm thuốc cản quang tăng < 15HU, calci hóa trung tâm, lan tỏa hoặc dát mỏng, tuổi bệnh nhân < 35. PET hoặc PET-CT được chứng minh có độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác > 90% trong khẳng định SPN là tổn thương lành tính [76], [80].