Thực trạng phát triển CNPT ở một số ngành hiện nay

Một phần của tài liệu tác động tràn của fdi đến các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ ở việt nam (Trang 42 - 48)

2.2.2.1. Đối với CNPT ngành dệt may

Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có khoảng 6000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Dệt may hiện nay đang được xem là một trong những ngành “mũi nhọn” xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với mức

34

kim ngạch đạt tới con số là 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong đó 19,7 tỷ USD là hàng dệt may và xơ sợi, 700 triệu USD là hàng nguyên phụ liệu. Không chỉ tăng trưởng cao về tốc độ, xuất khẩu dệt may còn tăng trưởng mạnh tại các thị trường như: Mỹ tăng 15%, Hàn Quốc tăng gần 30% (số liệu tổng hợp từ Bộ Công thương). Đây là những con số đáng mừng cho ngành dệt may Việt Nam so với những năm trước đây. Tuy nhiên, một điều dễ thấy là khi xuất khẩu càng tăng thì đi liền với nhập khẩu cũng tăng, vì vậy, CNPT cho ngành này vẫn chưa phát triển tương xứng với ngành công nghiệp chính.

Thực vậy, công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may trong thời gian qua đã được cải thiện từng bước nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Năng lực các nhà máy cơ khí chuyên ngành dệt may hiện tại còn quá nhỏ bé, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp trong ngành. Hầu hết các dây chuyền và thiết bị sản xuất của ngành dệt may hiện nay của Việt Nam đều nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan. Hầu như chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất các loại máy móc chuyên phục vụ sản xuất các ngành này. Ngay cả Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), mặc dù có tiềm lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu, nhưng việc phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ trong tổng công ty còn gặp nhiều khó khăn và đây là khó khăn chung của toàn ngành dệt may Việt Nam. Có thể thấy rằng từ những năm 2011 trở về trước thì công nghiệp phụ trợ trong ngành dệt may còn rất nhiều yếu kém. Một số nhà máy như Công ty cổ phần phụ liệu may Nha Trang, Công ty may Việt Tiến, Công ty dệt vải công nghiệp và các công ty tư nhân đã sản xuất được nhiều loại phụ kiện như khóa kéo, tấm lót, cúc, chỉ,… nhưng sản lượng còn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 20 – 25% nhu cầu của ngành. Thêm vào đó, chất lượng sản phẩm chưa cao hoặc nếu tìm được một nhà cung cấp chất lượng tốt thì giá bán lại đắt, thời gian giao hàng cũng lâu hơn trong khi nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt của Trung Quốc chỉ cần 24 giờ sau yêu cầu là có thể trả lời ngay giao hàng hay không. Do sản xuất nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu cả về chất lượng và số lượng, tới 70 – 80%

35

nguyên phụ liệu phải nhập khẩu nên tiến độ sản xuất bị ảnh hưởng và giá cả của hàng dệt may trong nước bị giảm tính cạnh tranh.

Bảng 2.3: Kim ngạch xuất khẩu dệt may và nhập khẩu nguyên liệu cho ngành dệt may giai đoạn 2007 – 2012

2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 Kim ngạch xuất khẩu (Triệu USD) 7732 9120 9066 11200 14043 1517 6 20096 Tốc độ tăng trưởng KNXK (%) 31,30 17,40 -0,60 23,54 25,38 8,07 18,7 Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu (triệu USD) 5214,5 5806,4 5251 7084 11209 1136 3 13547 Tốc độ tăng trưởng KNNK (%) 27,2 11,4 -9,56 34,9 58,2 1,37 18,80 Tỷ lệ KNNK/KNXK (%) 67,44 63,67 57,92 63,25 79,82 74,87 67,41

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Bộ Công Thương

Tuy nhiên, bước sang năm 2012 thì bức tranh về nền công nghiệp dệt may đã trở nên tươi sáng hơn đặc biệt là năm 2013 khi đây là lần đầu tiên Việt Nam chính thức xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may. Cụ thể, năm 2013, ngành dệt may đã xuất khẩu 564 triệu USD giá trị các sản phẩm khuy, cúc, mác sang các nước lân cận như: Myanmar, Campuchia, Bangladesh. Thêm vào đó, nếu như trước năm 1995, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may chỉ dưới 20%, thì hiện nay đã đạt trên 50%. Trong đó, Công ty May 10 là một trong số ít các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc nội địa hóa được gần 60% lượng nguyên liệu phụ cho sản xuất. Sản xuất sợi của Việt Nam cũng đang phát triển

36

khá nhanh trong thời gian gần đây khi các loại sợi thông dụng đã đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, các loại sợi tổng hợp, sợi pha với tỷ lệ khác nhau, các mặt hàng dệt thoi chất lượng cao cũng đã bắt đầu được sản xuất. Nhưng bên cạnh những tín hiệu đáng mừng của ngành CNPT dệt may trong những năm gần đây thì chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng toàn ngành dệt may vẫn đang phải nhập khẩu một số lượng nguyên phụ liệu lớn từ bên ngoài và những mặt hàng phụ liệu chúng ta sản xuất được vẫn chỉ đang thuộc nhóm những mặt hàng đơn giản. Tính trong năm 2013, ước đạt nhập khẩu bông là 590 nghìn tấn, trị giá 1189 triệu USD; nhập khẩu xơ, sợi nguyên liệu đạt 692 nghìn tấn, trị giá 1514 triệu USD; Nhập khẩu vải đạt 8405 triệu USD. Điều này cho thấy các doanh nghiệp ngành dệt may chưa thực sự chủ động được về nguồn cung ứng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sắp tới đây khi Việt Nam ký kết Hiệp định TPP, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi (yarn-forward), tức sợi để dệt phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước thành viên TPP từ bông nội vùng, nếu nguyên tắc này được áp dụng thì việc nhập khẩu nguyên liệu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích của các doanh nghiệp1

.

Ngoài ra, sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để chủ động trong quá trình sản xuất và tăng hàm lượng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm từ lâu đã là mong mỏi của các doanh nghiệp dệt may. Nhưng không dễ để thực hiện được điều này. Nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp dệt may vẫn phải nhập từ 70-80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài là do chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh cũng như chưa phù hợp với những quy định hội nhập vì vậy những chính sách ưu đãi về thuế, về vốn nên thay đổi để khuyến khích các công ty may sử dụng nguyên phụ liệu nội địa. Thêm vào đó, sản xuất CNPT đòi hỏi có dung lượng thị trường lớn trong khi ngành dệt may có kim ngạch xuất

1

Nguyễn Phương Thảo (2014), “Một số nhận định về chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam”, truy cập từ

http://www.ncseif.gov.vn/sites/vie/Pages/motsonhandinhvechuoi-nd- 16723.html)

37

khẩu lớn nhưng chủ yếu là hàng gia công nên nguồn nguyên liệu phải phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nhập khẩu, các nhà sản xuất sản phẩm trong nước thấy không có lãi nên không mặn mà. Một nguyên nhân nữa là phát triển CNPT ngành dệt may đòi hỏi chi phí xử lý môi trường cao, nhất là công đoạn nhuộm vải do đó sản phẩm làm ra có giá thành cao khó cạnh tranh.

Một số chuyên gia phân tích hiện trạng ngành dệt may cho rằng: “Cái vòng luẩn quẩn trong phát triển CNPT là cản trở lớn nhất cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu dệt may”. Phát triển được công nghiệp phụ trợ thì ngành dệt may Việt Nam mới có cơ sở thoát khỏi tình trạng nước ngoài chiếm lĩnh. Để có thể làm được như vậy thì đòi hỏi phía Nhà nước cần đưa những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may cụ thể hơn nữa. Cũng như phía doanh nghiệp cần phải năng động hơn, mạnh dạn đầu tư, thay đổi máy móc, thiết bị, nâng cao trình độ quản lý, trình độ người lao động,… để có thể tăng sức cạnh tranh cũng như tận dụng được cơ hội trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia kí kết hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

2.2.2.2. Thực trạng phát triển CNPT ngành điện – điện tử

Sau hơn 20 năm phát triển, ngành điện tử Việt Nam vẫn trong tình trạng lắp rắp cho các thương hiệu nước ngoài.Trong tổng số hơn 900 doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp điện tử thì các doanh nghiệp điện tử trong nước vẫn gần như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận rất thấp và giá trị gia tăng chỉ ước tăng 5-10%/năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử, điện máy đang đứng trước sức ép phải giảm chi phí linh, phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất trong nước. Thêm vào đó, nếu các doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư lắp ráp các sản phẩm linh kiện, cụm linh kiện điện tử với số lượng lớn và phần lớn là để xuất khẩu thì các sản phẩm chính của doanh nghiệp Việt Nam là mạch in, đèn hình tivi, các chủng loại bao gói (thùng, xốp chèn)... Phần lớn những linh kiện này được cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trong nước, xuất khẩu rất hạn chế.Hiện nay cũng đã có một số dự án lớn đầu tư tại Việt Nam để sản xuất và lắp ráp sản phẩm

38

điện tử nhưng Việt Nam thường chỉ thực hiện tích hợp các thành phần tạo thành sản phẩm cụm linh kiện trên cơ sở nhập khẩu các sản phẩm điện tử cơ bản như bảng mạch, các linh kiện bán dẫn… do Việt Nam chưa sản xuất được những linh kiện đòi hỏi trình độ công nghệ cao như vậy. Điều này vừa khiến Việt Nam khó thoát khỏi tình trạng gia công, lắp ráp, vừa giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước do phải nhập khẩu phần lớn những linh, phụ kiện quan trọng.

Nói chung, có thể chỉ ra nguyên nhân căn bản của những hạn chế nêu trên là do các nhà cung cấp Việt Nam chưa năng động và nhạy bén trong việc tiếp cận khách hàng, chưa tự tin và chưa có khái niệm “xây dựng quan hệ” trong kinh doanh. Trên thực tế luôn tồn tại một khoảng cách quá lớn giữa yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá bán cũng như thời gian giao hàng của các doanh nghiệp nước ngoài so với khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp FDI có tên tuổi đều phải nhập khẩu 90% linh kiện của nước ngoài, thậm chí có doanh nghiệp nhập khẩu cả 100% như công ty Fujitsu Việt Nam. Do đó, việc thiếu vắng các nhà cung cấp linh phụ kiện cũng khiến nhiều nhà ĐTNN trong lĩnh vực này có xu hướng ngại đầu tư vào Việt Nam, và đây là điểm yếu căn bản trong thu hút FDI vào lĩnh vực điện – điện tử.

Trong suốt hơn 15 năm qua, Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp, từ hành chính, với những quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa, cho đến khuyến khích thông qua hàng rào bảo hộ thuế quan, phi thuế quan tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Mặc dù vẫn còn tồn tại những hạn chế trong chính sách ban hành cũng như quá trình thực hiện nhưng cũng không thể phủ nhận rằng thời gian gần đây, nhiều tập đoàn sản xuất lớn như Samsung, Canon, Intel,… đã chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất để xuất khẩu ra toàn thế giới. Sự thay đổi chiến lược đầu tư của các tập đoàn lớn gần như ngay lập tức đã tác động tích cực

39

đến lĩnh vực CNPT. Trong vài năm qua, hàng loạt các dự án đầu tư sản xuất linh kiện của nước ngoài đã ra đời với mức đầu tư từ vài chục triệu đến trên trăm triệu đô la Mỹ. Đáng kể nhất là tập đoàn Samsung trong năm 2013 đã quyết định đầu tư 5,7 tỷ USD vào hai dự án là Dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh (SEV) và khu Tổ hợp công nghệ Samsung Complex tại Thái Nguyên (SEVT); điều này đã giúp cho Samsung thu hút được hơn 50 doanh nghiệp vệ tinh vào Việt Nam. Nhờ có sự có mặt của các công ty vệ tinh này mà tỷ lệ nội địa hóa của SEV hiện tăng lên 33%, giảm thiểu đáng kể tỷ lệ nhập khẩu linh phụ kiện từ nước ngoài, hình thành ngành CNPT Việt Nam. Như vậy, đối với ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, ý nghĩa của các dự án mà tập đoàn lớn đầu tư không chỉ là góp thêm vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hay giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương mà còn ở chỗ nó sẽ là cơ hội tốt để phát triển ngành CNPT, một lĩnh vực mà Việt Nam luôn mong muốn.

Tóm lại, CNPT đã và đang chiếm một vai trò quan trọng trong bối cảnh phát triển chung cho toàn ngành công nghiệp chính. Tuy nhiên, CNPT ở Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu và yếu về nhiều mặt do chưa được sự quan tâm thích đáng từ phía Nhà nước cũng như phía các doanh nghiệp. Mong rằng trong thời gian tới, khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định lớn như TPP, sẽ giúp cho Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để phát triển ngành CNPT, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong nước cũng như nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước bạn.

Một phần của tài liệu tác động tràn của fdi đến các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ ở việt nam (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)