Các nguồn lực kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 49 - 55)

2.1.3.1. Dân cư và nguồn lao động a. Dân cư

Bình Gia có quy mô dân số nhỏ, năm 2010 tổng dân số là 52.810 người, chiếm 7,3% dân số tỉnh Lạng Sơn. Dân số tăng chậm, từ 52.036 người năm 2000 lên 52.810 năm 2010, tỷ lệ gia tăng dân số giảm từ 1,6% xuống còn 1,1%, mật độ dân số trung bình 48 người/km2. Phân bố dân cư không đều giữa các vùng. Các xã có mật độ dân số thấp như Quý Hoà, Vĩnh Yên, Tân Hoà, Hoà Bình, Hoa Thám, đây là các xã vùng sâu, vùng xa, địa hình nhiều núi cao, giao thông đi lại khó khăn. Các xã có mật độ dân số cao như Thị Trấn, Tô Hiệu, Minh Khai, Văn Thụ, đây là các xã nằm dọc theo các tuyến giao thông chính, địa hình chủ yếu là các dãy đồi thấp, các thung lũng giữa núi, giao thông đi lại thuận tiện.

Mang nhiều nét chung của điều kiện tự nhiên, văn hoá vùng TDMNBB, dân cư sống tập trung ở các thung lũng và vùng đồi thấp. Từ năm 1990, nhờ

việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là giao thông vận tải, phát triển thuỷ lợi đã góp phần phân bố dân cư vào các vùng núi, vùng sâu, vùng xa để khai hoang, mở rộng diện tích đất canh tác. Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện các chương trình lớn của chính phủ ưu đãi cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn đã góp phần phân bố lại dân cư trên địa bàn huyện

Tốc độ đô thị hoá còn chậm, tỷ lệ dân thành thị và nông thôn ít biến động. Năm 2010 dân số thành thị 2.760 người, chiếm 5,29% dân số toàn huyện, thấp hơn so với tỷ lệ dân thành thị của toàn tỉnh là 23,3%.

Toàn huyện có 5 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống Nùng, Tày, Kinh, Dao và Hoa. Nhìn chung các dân tộc trên địa bàn huyện tương đối ổn định, các cộng đồng dân cư sinh sống đoàn kết, đây là điều kiện thuận lợi để ổn định chính trị, xã hội thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.

b. Lao động

Nguồn nhân lực của Bình Gia khá dồi dào, tổng số người trong độ tuổi lao động là 33.170 lao động, chiếm 63,56% tổng số nhân khẩu, lao động có việc làm là 29.702 người.

Cơ cấu lao động làm việc trong các ngành kinh tế còn nhiều bất cập. Lao động trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 87,67%, các khu vực còn lại chiếm tỷ trọng thấp. Hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch lao động từ khu vực I sang khu vực II và III, tuy nhiên sự chuyển dịch đó diễn ra còn chậm, gây khó khăn cho việc giải quyết việc làm nên tình trạng lao động nông nghiệp đi tìm việc làm ở các tỉnh khác rất phổ biến.

Chất lượng nguồn lao động của huyện còn thấp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có tăng lên trong những năm gần đây nhưng nhìn chung còn thấp năm 2005 chiếm 6,25% đến năm 2010 7,7% tổng số lao động. Lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, đây là một cản trở lớn trong quá trình tiếp thu thành tựu khoa học - kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội.

2.1.3.2. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật a. Cơ sở hạ tầng

Giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hoá và hành khách trên địa bàn huyện. Trong những năm qua hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư nhiều. Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, tranh thủ các nguồn vốn của trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông quốc lộ, tỉnh lộ. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, các tuyến đường liên huyện, liên xã đến nay 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm.

Tuyến QL1B là tuyến đường quan trọng nhất, nối liền Lạng Sơn với tỉnh Thái Nguyên, tuyến quốc lộ này chạy qua địa bàn huyện Bình Gia là 19 km, năm 2003 đã được cải tạo nâng cấp với quy mô đường cấp IV miền núi.

Tuyến quốc lộ 279 từ thị trấn Bình Gia đi huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn, qua địa bàn huyện Bình Gia 46 km cũng đã được cải tạo nâng cấp với quy mô đường cấp IV miền núi.

Mạng lưới giao thông trên địa bàn ngoài những tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện đã và đang được xây dựng theo quy hoạch, phục vụ đắc lực cho việc đi lại và trao đổi hàng hoá nông sản trên địa bàn huyện, trao đổi với các huyện và tỉnh lân cận. Còn lại những tuyến đường xã, đường thôn chủ yếu là do nhân dân tự mở nên còn manh mún chưa có định hướng quy hoạch.

- Hệ thống lưới điện quốc gia ngày càng được quan tâm, mở rộng đến các xã, thôn bản. Đến nay điện lưới quốc gia đã có tại 20/20 xã, thị trấn. Tỷ lệ hộ dùng điện lưới năm 2010 là 78% tổng số hộ.

Nhìn chung, điện chỉ tới được các thôn bản gần đường giao thông và trung tâm xã, còn những thôn bản vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn điện lưới quốc gia vẫn chưa đến được với người dân. Nhờ độ dốc của các sông, suối nhiều hộ dân đắp các đập và máy phát nhỏ để tạo nguồn điện phục vụ nhu cầu của gia đình.

Hiện nay nhà máy thủy điện Quý Hòa đang được xây dựng trên sông Bắc Giang, thuộc phạm vi xã Quý Hoà khi hoàn thành sẽ góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng điện của nhân dân địa phương.

- Mạng lưới bưu chính viễn thông: Toàn huyện có 1 bưu điện huyện và 19 điểm bưu điện văn hoá xã, bán kính phục vụ bình quân 3,0 Km. Hiện nay, 100% số xã có điện thoại cố định, tổng số thuê bao là 5.740 máy, so với năm 2000 tăng 80%, số lượng thuê bao đạt 11 máy/100 dân. Điện thoại di động đã và đang cung cấp dịch vụ cho các xã so với năm 2000 tăng 76%. Ngoài ra mạng intenet ngày càng phát triển và mở rộng để phục vụ cho nhu cầu của nhân dân, năm 2007 tổng số thuê bao là 250.

Có thể nói, hệ thống điện và thông tin liên lạc của huyện đã đáp ứng được một phần nhu cầu của đời sống và hỗ trợ đắc lực cho phát triển sản xuất, nhất là trong việc nâng cao dân trí của khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

b. Cơ sở vật chất kĩ thuật cho nông nghiệp

- Hệ thống thuỷ lợi không ngừng được mở rộng và phát triển. Trên địa bàn huyện có 2 công trình hồ chứa có diện tích tưới từ 50 ha trở lên, 20 công trình hồ chứa có diện tích tưới nhỏ hơn 50 ha. Các công trình đập dâng có quy mô tưới từ 30 ha trở xuống có trên 20 công trình.

Hầu hết các công trình thủy lợi đã cơ bản được kiên cố hóa, góp phần thuận lợi cho việc tưới tiêu, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, nhất là tưới nước vào mùa khô.

Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi hiện có chỉ đáp ứng tưới ổn định cho trên 43% diện tích đất canh tác. Sự hỗ trợ vật tư của nhà nước để nhân dân triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương chỉ thực hiện được ở những nơi thuận lợi. Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng các công trình thủy lợi còn hạn chế, kinh phí đầu tư tập trung không đồng bộ. Trước nhu cầu

ngày càng cao về sử dụng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu và môi trường thì việc đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi cần phải được quan tâm đặc biệt.

- Công tác khuyến nông, lâm được thường xuyên tổ chức thông qua các lớp tập huấn KHKT cho nông dân, năm 2010 tổ chức 30 lớp tập huấn cho 1.214 xã viên, kết hợp với các đoàn thể của xã tư vấn kĩ thuật cho nông dân.

Toàn huyện có 10 trạm, trại giống, để cung ứng giống kịp thời cho nhân dân, 20 cửa hàng chuyên cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Trong những năm qua huyện đã chỉ đạo triển khai tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo về tình hình diễn biến sâu bệnh hại cây trồng, phòng, trừ kịp thời và triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện.

Có thể nói cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho nông nghiệp của huyện trong những năm qua đã được chú trọng đầu tư và phần nào đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển. Tuy nhiên, sự đầu tư đó chưa được đồng đều, đồng bộ nên nông nghiệp của huyện cũng phát triển không đồng đều.

2.1.3.3. Khoa học công nghệ và công nghiệp chế biến

Khoa học công nghệ và công nghiệp chế biến là những nhân tố không thể thiếu trong chiến lược xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Việc ứng dụng KHCN hiện đại đã được huyện Bình Gia chú trọng trong những năm gần đây. Trên địa bàn huyện tuy chưa hình thành trại giống lớn nào nhưng đã hình thành một số vườn ươm giống cây lâm nghiệp, giống cây ăn quả, giống của các cây trồng, vật nuôi còn lại chủ yếu do các trại giống của tỉnh cung cấp.

Công tác khuyến nông được chú trọng với các mô hình VAC, VACR… đang được thực hiện thành công, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông

nghiệp. Nhiều loại nông sản đã được chế biến nên nâng cao giá trị và thời gian bảo quản. Ngoài việc chuyển giao KHKT, lĩnh vực cơ giới hoá trong nông nghiệp cũng được quan tâm, đầu tư, hiện nay hầu hết các hộ gia đình đã có máy cày, máy tuốt lúa, sử dụng các loại phân bón, vật tư trong sản xuất nông nghiệp.

Khoa học công nghệ và công nghiệp chế biến đã phần nào góp phần thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển, nhưng chúng chưa thực sự hoàn thiện nên cần phải đầu tư hơn nữa.

2.1.3.4. Quan hệ sở hữu và chính sách nông nghiệp

Để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, từ năm 2001 UBND huyện Bình Gia đã ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn như giao đất, giao rừng cho từng hộ gia đình, chính sách cho vay vốn với lãi suất thấp đầu tư vào việc mua máy móc, vật tư nông nghiệp, trợ giá giống cây trồng, vật nuôi… Việc thực hiện các chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của huyện trong từng giai đoạn đã và sẽ giúp cho nền nông nghiệp của huyện phát huy được những tiềm năng sẵn có, khắc phục những khó khăn hạn chế trong quá trình phát triển.

2.1.3.5. Nguồn vốn đầu tư

Nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn hạn chế, chủ yếu là vốn tự có của nông dân. Sự hỗ trợ của nhà nước, của các tổ chức đoàn thể còn ít, chỉ có một số dự án đầu tư cho trồng rừng. Mặt khác do công nghiệp và dịch vụ của huyện cũng chưa thực sự phát triển nên sự hỗ trợ cho khu vực nông - lâm - ngư nghiệp không nhiều.

2.1.3.6. Thị trường tiêu thụ

Dân số ngày càng tăng, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển nhu cầu về lương thực thực phẩm ngày càng tăng, sự phát triển của công nghiệp chế biến cũng đặt ra nhu cầu nguyên liệu lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Hiện nay

nhiều sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản của Bình Gia đã đến được với thị trường của các tỉnh, các vùng khác trong nước như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Nội... Thạch đen, hoa hồi cây đặc sản của huyện Bình Gia đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong xu thế hội nhập, hàng hoá nông sản của huyện có cơ hội để mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ ở nước ngoài. Tuy nhiên, những yêu cầu về chất lượng và giá thành vẫn còn là thách thức lớn đối với các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp của huyện Bình Gia nói riêng, tỉnh Lạng Sơn và cả nước nói chung.

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 49 - 55)