Vài nét về phát triển nông nghiệp ở Trung du miền núi Bắc Bộ

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 34 - 36)

Trung du miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) là một trong bảy vùng kinh tế nước ta, có diện tích lãnh thổ rộng lớn trên 101.000 km2, chiếm khoảng 30,5% diện tích cả nước. Dân số 11.169,3 nghìn người, chiếm 14,2% dân số cả nước (2010).

Trung du miền Bắc Bộ gồm 15 tỉnh, thành là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng. Phía bắc giáp Trung Quốc, giao lưu thuận lợi bằng đường bộ, đường sắt qua các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái…. Phía tây giáp với thượng Lào, phía đông giáp với biển, phía nam giáp với Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Sông Hồng thuận lợi giao lưu với các vùng trong nước và phát triển kinh tế biển.

Là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế với những đặc điểm đặc trưng địa hình phân hoá đa dạng bao gồm núi cao, núi trung bình, núi thấp xen lẫn các cao nguyên, sơn nguyên đá vôi và đồi thấp, đất feralit hình thành trên đá vôi và các loại đá mẹ khác, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh, có sự phân hoá theo độ cao, nhiều sông lớn nguồn nước dồi dào. Đặc biệt đây là vùng giàu khoáng sản nhất nước ta, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật ngày càng được chú trọng phát triển… đó là điều kiện thuận lợi để TDMNBB phát triển kinh tế. Tuy nhiên với đặc điểm nhiều núi cao giao thông đi lại khó khăn, mùa đông lạnh thường kèm theo sương muối, rét đậm rét hại gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống con người. Cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư phát triển nhưng chưa đồng bộ đó cũng là những hạn chế gây cản trở đến phát triển của vùng.

Trong cơ cấu kinh tế của TDMNBB nông - lâm - ngư nghiệp chiếm vị trí quan trọng có ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư. Hiện nay cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng của khu vực I, tăng tỷ trọng của khu vực II và III. Năm 2006 tỷ trọng của nông - lâm - ngư nghiệp còn cao, nông nghiệp chiếm 35,0%, công nghiệp 35,5%, dịch vụ 29,5% đến năm 2010 tỷ trọng của các khu vực đã có nhiều thay đổi nông nghiệp còn 26,6%, công nghiệp 37,4%, dịch vụ 36,0%. Tuy nhiên sự chuyển dịch đó diễn ra còn chậm, chưa phát huy được hết thế mạnh của vùng.

Với những thế mạnh về tự nhiên TDMNBB phát triển các ngành trồng và chế biến cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới, chăn nuôi gia súc lớn. Với một số sản phẩm nổi tiếng như chè, các cây ăn quả như đào, mận, lê, cây dược liệu như tam thất, đương quy, hồi, thảo quả…

Ngành lâm nghiệp của vùng cũng có những tiến bộ đáng kể nhờ triển khai tích cực các dự án trồng, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng… Nhiều mô hình nông - lâm kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong vùng có vùng biển Quảng Ninh thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển, đặc biệt trong những năm qua việc phát triển du lịch biển đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng TDMNBB nói chung.

Có thể nói TDMNBB có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, những thuận lợi đó đã được vùng khai thác tạo nên một nền nông nghiệp với cơ cấu sản phẩm khá đa dạng. Tuy nhiên sự phát triển nông nghiệp của vùng chưa thật tương xứng với tiềm năng sẵn có, cơ cấu sản phẩm đa dạng nhưng chưa nhiều sản phẩm hàng hoá. Để thúc đẩy ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung của vùng phát triển cần phải có những định hướng và giải pháp đúng đắn trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)