Quan điểm phát triển

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 84 - 86)

3.1.1.1. Quan điểm phát triển KT- XH

Căn cứ vào phương án phát triển của vùng TDMNBB, của tỉnh Lạng Sơn, xuất phát từ tình hình thực tế của vùng, của tỉnh, từ các tiềm năng, lợi thế, hạn chế, thực trạng phát triển KT - XH của huyện Bình Gia trong những năm qua và dự báo phát triển, huyện đã quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH đến năm 2020 với các quan điểm sau:

Phát triển toàn diện, lấy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững làm cơ sở để hướng tới việc nâng cao đời sống của cộng đồng nhân dân. Phát triển một xã hội lành mạnh, ổn định trong đó con người là đối tượng quan tâm hàng đầu và cũng là chủ thể để đảm bảo cho sự phát triển.

Đặt sự phát triển của Bình Gia trong mối quan hệ tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Lạng Sơn và của vùng TDMNBB, cả nước và mối quan hệ với các tỉnh trong tuyến hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Phát triển kinh tế của huyện với bước đi hợp lí theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các ngành dịch vụ, thay đổi có hiệu quả khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển khu vực công nghiệp để hướng tới một nền kinh tế hiệu quả, bền vững vào năm 2020.

Chủ động tham gia có hiệu quả vào hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp, của các sản phẩm địa phương.

Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh. Chú ý phát triển khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân

tộc thiểu số, kém phát triển, giảm tối đa chênh lệch về mức sống giữa các khu vực dân cư, đảm bảo mọi người được tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội.

Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, không làm tổn hại và suy thoái cảnh quan thiên nhiên. Phấn đấu đến năm 2020 Bình Gia là thị trấn xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh.

3.1.1.2. Quan điểm phát triển nông - lâm - ngư nghiệp

Xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH, góp phần ổn định chính trị và an ninh quốc phòng, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH của huyện, tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá, tiếp tục tập trung cho các cây lương thực, thực phẩm bằng các biện pháp thâm canh, tăng vụ, ứng dụng KHKT để nâng cao năng suất. Phát triển mạnh các cây công nghiệp hàng năm, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có thế mạnh của địa phương.

Gắn sản xuất với phát triển thị trường tiêu thụ, phát triển mạnh các vùng chuyên canh cây đặc sản (hồi), cây ăn quả (quýt, mận, trám...), Cây công nghiệp hàng năm (thuốc lá, thạch đen, đậu tương...), cây lâm nghiệp (thông, keo, lát...) phát triển cây lương thực, thực phẩm đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện.

Phát triển đồng bộ trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt chú trọng nghề rừng, tạo vùng nguyên liệu ổn định để phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến. Chú trọng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, khả năng khai thác nhanh đi đôi với phục hồi các loại cây lấy gỗ, thực hiện trồng rừng hỗn giao.

Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ ở nông thôn, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, phát triển các ngành nghề truyền thống, khuyến khích người nông dân làm giàu.

Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, đẩy mạnh CNH - HĐH, hướng tới phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 84 - 86)