Các chỉ tiêu đánh giá phát triển nông nghiệp cấp huyện

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 27 - 30)

1.1.4.1. Quy mô giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế

Giá trị sản xuất nông nghiệp là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp dưới dạng sản xuất vật chất và dịch vụ trong một thời gian nhất định, thường là một năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bao gồm kết quả hoạt động của các ngành trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ sản xuất nông nghiệp.

Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế là tương quan so sánh giữa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp với các ngành công nghiệp và dịch vụ. Xu hướng chung hiện nay là giảm tỷ trọng của nông nghiệp, tăng tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ. Tuy tỷ trọng của nông nghiệp có giảm nhưng nhờ áp dụng các thành tựu KHKT nên giá trị sản xuất ngành nông nghiệp vẫn tăng.

1.1.4.2. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp

Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp là chỉ tiêu phản ánh mức độ phát triển và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, so với các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tốc độ tăng GTSX nông nghiệp thường thấp hơn vì nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên có nhiều biến động, rủi ro.

Tốc độ tăng GTSX nông nghiệp còn phản ánh trình độ cơ giới hoá, hiện đại hoá và hiệu quả của việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp.

Để tính tốc độ tăng GTSX nông nghiệp, người ta lấy giá so sánh của một năm cố định và tính sự tăng trưởng so với năm gốc.

1.1.4.3. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp theo ngành

Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp theo nghĩa rộng, là tương quan về tỷ trọng GTSX nông nghiệp giữa các ngành nông - lâm - ngư nghiệp trong tổng thể hoạt động kinh tế nông nghiệp, thể hiện mối quan hệ tác động qua lại cả về số lượng và chất lượng giữa các bộ phận với nhau. Các mối quan hệ này được hình thành trong những điều kiện kinh tế xã hội nhất định, luôn vận động và hướng vào những mục tiêu cụ thể.

Bảng 1.1: Cơ cấu ngành nông nghiệp

Nông nghiệp Lâm nghiệp Ngư nghiệp

- Trồng trọt - Trồng rừng - Nuôi trồng thuỷ sản - Chăn nuôi - Khai thác gỗ, lâm sản - Khai thác thuỷ sản - Dịch vụ nông

nghiệp

- Dịch vụ và các hoạt động lâm nghiệp khác

- Dịch vụ thuỷ sản

Cơ cấu nông nghiệp nói chung và cơ cấu GTSX nông nghiệp nói riêng đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành ngư nghiệp.

Trong nông nghiệp, giảm tỷ trọng của ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng của ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.

Trong ngư nghiệp, giảm tỷ trọng của ngành đánh bắt thuỷ sản, tăng tỷ trọng của nuôi trồng và dịch vụ thuỷ sản

Trong lâm nghiệp, giảm tỷ trọng của ngành khai thác rừng, tăng tỷ trọng của ngành trồng rừng, ưu tiên phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng

Như vậy, chỉ tiêu GTSX nông nghiệp và cơ cấu GTSX nông nghiệp phản ánh sự tăng lên về số lượng và sự chuyển biến về chất lượng trong phát triển nông nghiệp.

1.1.4.4. Năng suất lao động nông nghiệp

Năng suất lao động nông nghiệp là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của việc sử dụng lao động và khả năng áp dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Năng suất lao động nông nghiệp so với công nghiệp và dịch vụ thường thấp hơn vì nông nghiệp có thời gian lao động ngắn do tính thời vụ của sản xuất nông nghiệp quy định. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng KHKT trong nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh phát triển nên GTSX nông nghiệp ngày càng tăng nhanh.

1.1.4.5. Giá trị được tạo ra trên một ha đất nông nghiệp

Đây là chỉ tiêu cụ thể phản ánh hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, thể hiện khả năng tăng năng suất bằng việc áp dụng các biện pháp KHKT, cải tiến kĩ thuật sản xuất, cải tạo đất. Có thể nói tiềm năng về diện tích cũng như độ phì tự nhiên của đất là có hạn, vậy nên trên cùng một diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm nông nghiệp được tạo ra càng nhiều khi càng sử dụng có hiệu quả các biện pháp KHKT, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất và việc lựa chọn cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lí. Chính vì vậy ở các nước phát triển tuy diện tích đất nông nghiệp không còn nhiều và ngày càng bị thu hẹp nhưng giá trị mà ngành nông nghiệp tạo ra lại ngày càng tăng, đó chính là kết quả của sự phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.

Giá trị được tạo ra trên một ha đất nông nghiệp được tính bằng: GTSX/ha đất nông nghiệp (Triệu đồng/ha).

1.1.4.6. Năng suất lao động nông nghiệp

Năng suất lao động nông nghiệp được tính bằng: Giá trị sản xuất/số lao động trong nông nghiệp (triệu đồng/người).

Năng suất lao động nông nghiệp là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của việc sử dụng lao động và khả năng áp dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Hoạt động sản xuất nông nghiệp cần nhiều sức lao động của con người nhưng giá trị tạo ra lại không cao nên năng suất lao động trong nông nghiệp thường thấp hơn nhiều so với các ngành kinh tế khác. Mặt khác, tỷ lệ thời gian sử dụng trong lao động nông nghiệp cũng thấp hơn so với trong công nghiệp và dịch vụ do tính chất thời vụ của sản xuất nông nghiệp. Mức độ áp dụng KHKT càng cao thì GTSX được tạo ra trong nông nghiệp ngày càng tăng mặc dù lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm.

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 27 - 30)