Các nguồn lực tự nhiên

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 44 - 49)

2.1.2.1. Địa hình

Địa hình của Bình Gia mang nhiều điểm chung của vùng núi Đông Bắc, với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi thấp.

- Địa hình núi đá gồm các dãy núi đá phân bố chủ yếu ở các xã phía tây và tây nam như Vĩnh Yên, Quý Hoà, Thiện Hoà, Thiện Long, Tân Hoà, do địa hình núi cao nên gây khó khăn cho việc canh tác, phát triển nông nghiệp.

- Địa hình núi đất, độ dốc trên 25 - 300, chiếm tới 70% diện tích tự nhiên của toàn huyện, trên địa hình này thuận lợi cho việc trồng rừng với các loại cây như lát, thông, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.

- Các dải thung lũng hẹp, chiếm 3,5% diện tích đất tự nhiên của huyện, tuy chiếm diện tích nhỏ nhưng lại là địa hình thuận lợi nhất để trồng các loại cây lương thực nhất là trồng lúa, do địa hình khá bằng phẳng, là nơi có các con sông chảy qua, việc xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuận lợi.

- Các dải đồi thoải độ dốc 15-200, chiếm phần 20% diện tích toàn huyện. Trên các dải đồi thoải có thể khai thác để trồng các loại cây ăn quả như đào, lê, mận, mơ, quýt... trồng hồi, trồng cây công nghiệp lâu năm như chè, ngoài ra còn thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc trâu, bò theo hình thức chăn thả tự do.

Với các dạng địa hình nêu trên, Bình Gia có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là trồng rừng, trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây đặc sản như hồi, chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò.

Tuy nhiên, địa hình bị chia cắt mạnh, có nhiều núi đá vôi dốc đứng, nhiều hang động và khe suối ngang dọc... gây trở ngại cho quá trình sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong huyện, đặc biệt, địa hình như trên gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp cũng như trong việc xây dựng các công trình cơ

sở hạ tầng, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá quy mô lớn.

2.1.2.2. Tài nguyên đất a. Các loại đất chính

Diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 109.352,73 ha (2010), bao gồm các loại đất chính sau

- Đất đỏ vàng trên đá macma bazơ, trên đá phiến sét, trên đá macsma axít chiếm 81,2% diện tích của huyện, đây là loại đất có độ phì tự nhiên khá cao, tầng đất dày, phù hợp với nhiều loại cây ăn quả như đào, mận, lê, quýt, cây công nghiệp dài ngày như chè, đặc biệt rất thích hợp với cây hồi. Phân bố rải rác khắp các xã trong huyện, nhiều nhất là Minh Khai, Hồng Phong, Tô Hiệu, Văn Thụ...

- Đất phù sa sông suối chiếm 0,8%, loại đất này do phù sa sông suối bồi đắp thường xuyên nên rất màu mỡ, thuận lợi để trồng lúa và các cây lương thực khác như ngô, khoai, sắn, phân bố ở các xã thiện Hoà, Thiện Thuật, Hoa Thám, Hưng Đạo, Hồng Phong.

- Đất dốc tụ chiếm 6,9%, đây là loại đất hình thành ở các dải đồi thấp, thích hợp trồng các loại cây ăn quả như đào, mận, lê, quýt, cây lâm nghiệp như keo, thông, phân bố rải rác khắp nơi trong huyện

- Đất vàng nhạt trên đá cát, chiếm 5,8%, là loại đất thích hợp để trồng các cây công nghiệp hàng năm như lạc, thuốc lá, thạch đen, phân bố ở các xã Hồng Phong, Bình La, Thiện Long, Tân Hoà.

Còn lại là diện tích sông suối, núi đá, chiếm 5,3% diện tích toàn huyện, không thuận lợi để phát triển nông nghiệp, phân bố ở các xã Yên Lỗ, Vĩnh Yên, Thiện Long, Quý Hoà.

b. Cơ cấu sử dụng đất của huyện Bình Gia tính đến năm 2010 như sau:

Trong cơ cấu sử dụng đất huyện Bình Gia năm 2010 81,56% diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp, tương đương với 10.972,07 ha. Cho thấy vị

trí quan trọng của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người là 1,7 ha/người (2010).

Bảng 2.2: Hiện trạng sử dụng đất của huyện Bình Gia

Các loại đất Diện tích (ha) Cơ cấu (%)

Tổng diện tích đất tự nhiên 109.352,73 100 - Diện tích đất nông nghiệp 89.196,96 81,56 + Đất sản xuất nông nghiệp 10.972,07 10,03 * Đất trồng cây hàng năm: 5.143,12 4,70

Đất trồng lúa: 3.257,61 2.97

Đất dùng cho chăn nuôi: 119,18 0,10 Đất trồng cây hàng năm khác: 1.766,34 1,61 * Đất trồng cây lâu năm: 5.828,95 5,33

+ Đất Lâm nghiệp: 78.116,19 74,43

Đất rừng sản xuất: 62.397,27 57,06 Đất rừng phòng hộ: 15.718,92 14,37 Đất rừng đặc dụng: 0

+ Đất nuôi trồng thủy sản: 108,70 0,09

- Đất phi nông nghiệp: 3.016,41 2,75

- Đất chưa sử dụng: 17.139,36 15,69

(Nguồn: Niên giám thống kê huyện Bình Gia)

Diện tích đất của Bình Gia phần lớn được sử dụng cho ngành nông nghiệp, đất phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ chỉ chiếm 2,75%. Đất chưa sử dụng chiếm 15,69% tương đương với 17.139,36 ha, trong đó chủ yếu là đất đồi núi chưa sử dụng. Diện tích đất nông nghiệp của huyện còn có khả năng mở rộng bằng việc cải tạo vùng đất chưa sử dụng, đây là tiềm năng để huyện có thể khai thác phục vụ cho phát triển lâm nghiệp, phát triển các loại nông sản, đặc sản xứ lạnh có giá trị kinh tế cao như hoa, quả, thảo dược...

2.1.2.3. Tài nguyên khí hậu

Bình Gia mang đặc điểm chung của khí hậu vùng TDMNBB, đó là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh với tính chất nhiệt đới thể hiện rõ rệt.

Nhiệt độ TB năm 20,8 0C, biên độ nhiệt trung bình năm lớn, tháng 7 là tháng có nhiệt độ cao nhất 27,3 0C, tháng 1 là tháng có nhiệt độ thấp nhất 13,00C, tổng số giờ nắng TB 1466 giờ/năm. Khí hậu của Bình Gia đặc trưng với mùa đông thịnh hành gió mùa đông bắc lạnh khô, ít mưa, có sương muối. Mùa hè thịnh hành gió tây nam, nóng ẩm, mưa nhiều.

Nhiệt độ cao, có sự phân hoá theo mùa là điều kiện thuận lợi để Bình Gia phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới, bên cạnh đó do có một mùa đông lạnh kéo dài là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây của vùng cận nhiệt và ôn đới, tạo nên cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá đa dạng như đào, mận, lê, quýt, hồi, chè... Tuy nhiên, do nằm trong lòng máng trũng, trực tiếp đón gió mùa đông bắc nên mùa đông ở đây lạnh và kéo dài ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi.

Lượng mưa có sự phân hoá theo mùa. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, lượng mưa TB 1540 mm, độ ẩm không khí cao 82%, trung bình 212 mm/tháng, đây là nguồn nước tưới quan trọng cho các loại cây trồng, vật nuôi. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa ít, lượng bốc hơi 811 mm/năm, thường xuyên thiếu nước tưới cho vụ xuân, vì thế diện tích lúa hai vụ ở Bình Gia không nhiều.

Sự phân hoá lượng mưa theo mùa gây ra những trở ngại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư, đó là thiếu nước tưới vào mùa khô, vào mùa mưa thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

2.1.2.4. Tài nguyên nước

Bình Gia có nguồn nước mặt khá phong phú, trên địa bàn huyện có hai con sông chảy qua với chiều dài trên 50 km (sông Bắc Giang và sông Pác

Khuông). Sông Pác Khuông chảy qua địa bàn xã Thiện Thuật, Thiện Hoà, Mông Ân, sông Bắc Giang chảy qua các xã Hồng Phong, Hoa Thám, Hưng Đạo, Minh Khai, đây là nguồn nước tưới thường xuyên và quan trọng cho các loại cây trồng, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong huyện.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng trăm con suối lớn nhỏ phân bố khắp các xã với lưu lượng nước từ 1,5 - 5,5 l/s, mùa khô giảm xuống còn 0,5 - 1,5 l/s. Hệ thống hồ đập phân bố khá đồng đều là nguồn cung cấp nước cho các loại cây trồng, vật nuôi, nuôi thuỷ sản.

Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, sông suối có dòng chảy nhỏ và biến động lớn nên hiệu quả sử dụng nước thấp, lũ lụt và hạn hán đã gây ra những tác hại thường xuyên và cục bộ với mức độ khác nhau ở từng vùng. Do đó việc khai thác nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

Nguồn nước ngầm khá phong phú nên huyện ít xảy ra việc thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Tuy nhiên, những năm gần đây sự biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, nạn khai phá rừng bừa bãi diễn ra nghiêm trọng... nên nguồn nước ngầm ngày càng trở nên khan hiếm, đặc biệt là vào mùa khô. Vì vậy, khả năng khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hạn chế sẽ ảnh hưởng tới việc khai thác nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô.

2.1.2.5. Tài nguyên sinh vật

Năm 2009, tổng diện tích đất có rừng của huyện là 58.385,5 ha, chiếm 53,39% tổng diện tích tự nhiên, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 53%. Các xã có diện tích rừng lớn như Thiện Long, Thiện Hoà, Vĩnh Yên, Yên Lỗ, Mông Ân... Rừng có các loại cây gỗ quý như đinh, trai lý, gụ, nghiến, sau sau, sơn ta, dẻ, mạy tèo, sảng nhung... hệ động vật rừng mang tính đặc thù của vùng Đông Bắc, với các loại thú như cầy hương, cầy bay, khỉ, hươu và một số ít lợn rừng.

Rừng là nguồn tài nguyên, là thế mạnh của huyện, trong cơ cấu sử dụng đất của toàn huyện diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn 74,43% vì vậy lâm nghiệp là ngành có vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân trong huyện. Việc phát triển lâm nghiệp được chú trọng luôn được đặt lên hàng đầu.

Với nguồn tài nguyên sinh vật khá phong phú và đa dạng tạo thuận lợi cho ngành lâm nghiệp của huyện phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân trong huyện. Tuy nhiên hiện nay nhiều loài sinh vật đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng cần phải có những biện pháp đúng đắn nhằm khai thác hợp lí đi đôi với bảo về nguồn tài nguyên sinh vật, đảm bảo phát triển lâm nghiệp nói riêng và nông nghiệp của huyện nói chung một cách bền vững.

Một phần của tài liệu Phát triển nông nghiệp huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2000 đến 2010 (Trang 44 - 49)