Kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Nam Định (Trang 43 - 46)

Nhận thức được vai trò của CNTT trước yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương và xu thế hội nhập của nền kinh tế, trong những năm vừa qua, thành phố Hải Phòng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý

hành chính nhà nước ở các cấp, các ngành làm thay đổi phong cách và phương thức phục vụ của bộ máy công quyền, từng bước thực hiện các dịch vụ công đối với tổ chức và công dân qua mạng máy tính.

Ngay từ đầu năm 2004, Ban Thường vụ Thành ủy Hải phòng đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 09/4/2004 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan Đảng của thành phố Hải Phòng.

Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều quyết định về đẩy mạnh và phát triển CNTT trên địa bàn: Quyết định số 1394/QĐ-UBND ngày 04/7/2005 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng đến năm 2010, tầm nhìn 2020; Quyết định số 636/QĐ-UBND ngày 18/4/2008 về việc phê duyệt Danh mục các nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT của thành phố Hải Phòng năm 2008; Quyết định số 918/QĐ- UBND ngày 06/6/2008 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố Hải Phòng; Quyết định số 1185/QĐ-UBND ngày 24/6/2009 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố Hải Phòng giai đoạn 2009 – 2010; Quyết định số 1249/QĐ UBND ngày 02/7/2009 phê duyệt Kế hoạch triển khai các chương trình phát triển công nghiệp CNTT thành phố Hải Phòng giai đoạn 2009-2012.

Kết quả đạt được trong việc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT vào phát triển KT-XH tại Hải Phòng là:

Về hạ tầng CNTT trong cơ quan Nhà nước: 100% các sở, ngành, quận, huyện đều có mạng LAN; 82% cán bộ, công chức có máy tính để làm việc (khối sở ngành đạt 87 máy/100 cán bộ, công chức, khối quận, huyện đạt 71 máy/100 cán bộ công chức); 76,5% số đơn vị có máy xách tay.

Hạ tầng CNTT trong các lĩnh vực giáo dục, y tế được tăng cường: 100% các trường trung học phổ thông đã kết nối internet và được trang bị tối

thiểu 1 phòng máy và mỗi phòng có ít nhất 25 bộ máy tính; 100% trường trung học cơ sở và 95% trường tiểu học đã được kết nối Internet. Tại khối các đơn vị bệnh viện: 100% các đơn vị đã có hệ thống mạng nội bộ và kết nối Internet.

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước: Năm 2009 thành phố đầu tư hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối từ thành phố tới 14/15 Ủy ban nhân dân các quận, huyện. Các ứng dụng cơ bản (quản lý công văn, kế toán, thư điện tử) được nhiều đơn vị áp dụng.

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp: Hệ thống Cổng thông tin điện tử của thành phố cập nhật, cung cấp kịp thời các văn bản chỉ đạo của tỉnh, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh, bộ thủ tục hành chính các cấp… phục vụ tốt nhu cầu về thông tin của người dân và doanh nghiệp.

Ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực giáo dục, y tế: Các chương trình quản lý hồ sơ cán bộ, giáo viên, học sinh, lịch dạy đã được nhiều trường đưa vào ứng dụng. Chương trình giáo án điện tử đang thực hiện thí điểm tại một số trường. 100% các bệnh viện triển khai phần mềm quản lý bệnh nhân, 100% cán bộ, công chức ngành y tế có hộp thư điện tử của thành phố (haiphong.gov.vn) để trao đổi thông tin.

Đánh giá chung lại có thể nhận thấy công tác quản lý đối với lĩnh vực CNTT, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong những năm qua luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm. Hạ tầng CNTT đã được thành phố quan tâm đầu tư, CNTT đã được ứng dụng khá rộng rãi trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. CNTT đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; từng bước nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cấp ủy, chính

quyền các cấp; góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế như: Thành phố chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển CNTT. Các chương trình, kế hoạch, dự án quan trọng còn thiếu tính liên kết với nhau. Hạ tầng CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của thành phố, thiếu tính đồng bộ. Hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố còn sơ sài, manh múm, dàn trải; các thông tin dưới dạng điện tử còn nghèo nàn và chưa được đổi mới theo hướng đa dạng, thiết thực, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị. Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và tác nghiệp mới chỉ là bước khởi đầu, hiệu quả chưa cao; ứng dụng CNTT trong dịch vụ công và phục vụ cải cách hành chính còn hạn chế. Chưa có kế hoạch tổng thể đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Năng lực tổ chức quản lý, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực CNTT còn nhiều hạn chế.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Nam Định (Trang 43 - 46)