Xã hội phát triển, dân số gia tăng, nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng, tài nguyên động - thực vật… phục vụ cho cuộc sống ngày càng nhiều, nhiều diện tích rừng bị mất đi, nhiều loài động - thực vật bị diệt chủng hoặc có nguy cơ bị diệt chủng, nguồn tài nguyên sinh học bị suy giảm. Để nâng cao nhận thức về tính cấp thiết cho việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh học trong cộng đồng, vừa bảo vệ và phát triển nguồn gen quý hiếm song song với việc khai thác hợp lý phục vụ cho cuộc sống, năm 1964, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã cho xuất bản những Bộ sách đỏ, trong đó chỉ ra các loài động - thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Năm 1994, IUCN đề xuất các thứ hạng và tiêu chuẩn mới cho việc phân hạng các loài động - thực vật bị đe dọa trên thế giới.
Sách đỏ Việt Nam được coi là tài liệu có tính chất quốc gia và mang ý nghĩa quốc tế, công bố các loài động vật, thực vật thuộc loại quí hiếm ở nước ta đang bị đe dọa giảm sút số lượng hoặc đã có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển [45]. Đây là cơ sở khoa học, tạo cơ sở pháp lý cho việc đề xuất, quyết định các biện pháp bảo vệ, phục hồi đối với từng đối tượng thuộc loại này, đồng thời cũng là căn cứ để xử lý các hành vi phá hoại thiên nhiên, gây tác hại cho sự tồn tại, phát triển của các loài sinh vật cần được bảo vệ trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật ở mỗi nước....