Những khó khăn, thách thức

Một phần của tài liệu Một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trung học cơ sở thành phố móng cái giai đoạn 2014 đến 2020 (Trang 39 - 43)

4 Giáo dục trung học phổ thông 3721 3033 Có 198 học sinh ngoài công lập

2.2.2.Những khó khăn, thách thức

Yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố không chỉ đòi hỏi về số lượng mà còn về chất lượng nguồn nhân lực, nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng tạo sức ép không nhỏ cho giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục trung học nói riêng; Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của một bộ phận giáo viên trung học chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là những yêu cầu về đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá; Chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, giữa các trường trung học công lập và ngoài công lập còn có có sự chênh lệch đáng kể. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền ngày càng rõ rệt. Điều này có thể làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền và giữa các đối tượng người học, nhất là những đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội.

2.2.2.1. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục còn nhiều bất cập

Mặc dù đã tích cực đổi mới tư duy, phương pháp quản lý giáo dục nhưng công tác quản lý nhà nước về giáo dục thành phố chưa thực sự phát huy sự chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm của các cơ sở. Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục giữa ngành giáo dục đào tạo với các ngành khác làm cho việc quản lý nhà nước về giáo dục trở nên chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất. Việc tách rời quản lý nhà nước về chuyên môn với quản lý nhân sự, tài chính đã làm giảm đi sự thống nhất trong chỉ đạo

điều hành, tính chủ động và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có điều kiện để phát huy hiệu quả.

2.2.2.2 Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của thành phố trong thời kì mới

Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở chưa góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, hiện mới có 02% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề (để đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học tỷ lệ này phải đạt 30%) đây là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của thành phố còn thấp. Nguyên nhân chính là do nhận thức về định hướng học tập của một bộ phận thanh niên và người dân còn coi nhẹ lao động trực tiếp, không muốn học nghề; mạng lưới các trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp chưa phát triển đồng đều (chủ yếu ở các phường trung tâm), các biện pháp thu hút học sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả; sự phát triển của các doanh nghiệp, kinh tế gia đình chưa đủ để tạo động lực phân luồng học sinh, thị trường lao động của thành phố chưa được hình thành rõ nét.

- Nhà trường chưa gắn chặt với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp, chưa chú trọng phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật; giáo dục nghệ thuật, thể dục thể thao; giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được coi trọng đúng mức.

- Chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế- xã hội và con người của thành phố. Số học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia chưa nhiều; nhiều năm liền chưa có học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế.

- Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa công lập và ngoài công lập còn có khoảng cách khá lớn, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

2.2.2.3. Một số hạn chế, yếu kém trong giáo dục chậm được khắc phục - Tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, một số cơ sở giáo dục; cá biệt vẫn có giáo viên ép học sinh học thêm để thu tiền gây dư luận không tốt trong xã hội, không có lợi cho sự phát triển giáo dục.

- Tình trạng học sinh vi phạm quy định Điều lệ trường học về "Các hành vi học sinh không được làm" thời gian gần đây đang có chiều hướng diễn biến phức tạp; sự gia tăng của tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường ngày càng trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.

- Hiệu quả của việc sử dụng thiết bị dạy học phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy chưa cao, một bộ phận giáo viên chưa tích cực sử dụng đồ dùng trực quan, tình trạng dạy "chay" còn xảy ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ở một số cơ sở còn mang tính hình thức, phô trương, chưa thực sự phát huy hiệu quả của thiết bị hiện đại phục vụ nâng cao chất lượng dạy học, chưa thiết thực với việc đổi mới phương pháp dạy học.

- Đến nay 100% các trường, điểm trường chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhiều trường quy hoạch cũ, diện tích đất quá hẹp, một số trường nằm vào quy hoạch chung của Thành phố, cần quy hoạch mới và mở rộng quỹ đất; gần 30% trường, điểm trường chưa được kiên cố hóa; 03 trường thành lập mới đã có đất chưa được xây dựng trụ sở, Phường Trần Phú thiếu đất xây trường THCS, Phường Ka Long thiếu đất xây trường Mầm non công lập.

2.2.2.4. Công tác xã hội hóa giáo dục còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa huy động hết các nguồn lực của xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục

- Ngoài các chính sách theo quy định của Nhà nước, thành phố chưa có chính sách riêng để hỗ trợ phát triển giáo dục ngoài công lập; hệ thống các trường ngoài công lập hiện mới thực hiện việc giải quyết "chỗ học" cho học sinh, chưa thực sự tham gia vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của thành phố, trường ngoài công lập chưa là sự lựa chọn của người dân trong việc hướng tới một dịch vụ giáo dục chất lượng cao; giáo dục trung học phổ thông ngoài công lập hiện đang tạo ra một nghịch lý: người dân đóng góp nhiều hơn (học phí cao hơn) để hưởng một dịch vụ giáo dục chất lượng kém hơn (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, môi trường học tập...) và thu được kết quả (chất lượng giáo dục) thấp hơn so với trường công lập.

- Do hạn chế vốn đầu tư nên cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, mặt khác đội ngũ cán bộ, giáo viên ít kinh nghiệm trong quản lý và giảng dạy nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, chưa tạo lòng tin cho cha mẹ học sinh, gây khó khăn nhiều cho việc duy trì sĩ số học sinh (cấp trung học phổ thông).

- Các khoản thu trong nhà trường dưới hình thức xã hội hóa còn mang tính áp đặt, bắt buộc, chưa có sự bàn bạc, thống nhất cao giữa người học, gia đình người học và nhà trường, tính tự nguyện của huy động xã hội hóa bị vi phạm, chưa tạo được sự đồng thuận trong đông đảo cha mẹ học sinh và nhân dân.

- Nhận thức về xã hội hóa còn chưa đầy đủ nên việc thực hiện xã hội hóa giáo dục chủ yếu tập trung vào việc huy động đóng góp kinh phí, chưa chú ý đến việc tăng cường quan hệ của nhà trường với gia đình và xã hội tham gia các hoạt động giáo dục nhằm đổi mới nội dung, chương trình, thực hiện giáo dục toàn diện.

2.2.2.5. Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu mới của nhiệm vụ giáo dục; công tác tuyển dụng giáo viên còn nhiều bất cập

- Mặc dù số lượng nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo là rất cao, nhưng năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhiều nhà giáo còn hạn chế, chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà giáo công tác ở miền núi, ít có điều kiện nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức. Bên cạnh sự nỗ lực của tuyệt đại bộ phận, một số giáo viên do chạy theo vật chất đơn thuần, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và học sinh đối với ngành giáo dục.

- Giáo viên có năng lực chuyên môn cao còn rất ít, thiếu giáo viên giỏi có khả năng bồi dưỡng đội tuyển quốc gia và quốc tế; giáo viên trường ngoài công lập ít kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục đạo đức học sinh.

- Nhìn chung đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo; tuy nhiên, khả năng sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý còn rất hạn chế. Một bộ phận chưa được đào tạo có hệ thống về công tác quản lý, lý luận chính trị, trình độ và năng lực điều hành quản lý còn bất cập, tính chuyên nghiệp thấp, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân nên chất lượng, hiệu quả công tác còn nhiều hạn chế, cá biệt còn có cán bộ quản lý giáo dục có biểu hiện chạy theo những tiêu cực của kinh tế thị trường.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên vẫn chưa cân đối ở các cấp học và bộ môn: thiếu giáo viên cấp mầm non; nhân viên thiết bị, thư viện (do chưa có nguồn để tuyển); cơ cấu giáo viên các bộ môn cấp THCS chưa cân đối.

Một phần của tài liệu Một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trung học cơ sở thành phố móng cái giai đoạn 2014 đến 2020 (Trang 39 - 43)