MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC THCS THÀNH PHỐ MÓNG CÁ
3.2.3. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý
Bác Hồ dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Vì vậy, đội ngũ quản lý ở các Phòng giáo dục và đào tạo và các trường THCS có vị trí rất quan trọng. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý là hoạt động đặc biệt. Người cán bộ quản lý cần phải thực hiện tốt 4 chức năng: kế hoạch hóa, tổ chức, điều hành và kiểm tra. Muốn làm được điều đó đòi hỏi người cán bộ quản lý phải qua tuyển chọn và đào tạo theo một quy trình.
- Quản lý về tổ chức, nhân sự, hành chính; thực hiện 3 công khai trong giáo dục:Lấy nòng cốt là các chi bộ Đảng trong các trường học, chỉ đạo phối
hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch quy hoạch, bổ nhiệm, phân công bố trí cán bộ, giáo viên hợp lý để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các trường học yên tâm công tác và cống hiến.
+) Tham mưu với UBND thành phố để có chế độ đãi ngộ thoả đáng, khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ giáo viên có nhiều thành tích, giáo viên dạy giỏi, giáo viên có học sinh giỏi các cấp, đặc biệt là giáo viên có học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.
+) Chỉ đạo các nhà trường xây dựng, kiện toàn nội quy, quy chế làm việc của cán bộ, giáo viên và nhân viên theo hướng phát huy tính tự chủ, tự giác, tự chịu trách nhiệm, sáng tạo trong công việc, tuân thủ các nội quy, quy định của ngành và các quy định của pháp luật.
+) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục; thường xuyên cập nhật, hướng dẫn sử dụng và khai thác có hiệu quả chương trình quản lý cán bộ giáo viên (PMIS); chương trình quản lý thông tin giáo dục (EMIS) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo theo thông tư 09/2009/TT-BGD&ĐT về 3 công khai trong giáo dục: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; Công khai thu chi tài chính, qua đó giúp nhân dân và các cấp quản lý có điều kiện giám sát, kiểm tra quá trình hoạt động của các nhà trường.
- Quản lý về các hoạt động chuyên môn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục:
+) Chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh- lấy học sinh làm trung tâm; thực hiện dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kĩ năng, chống tiêu cực trong dạy
thêm- học thêm; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học. Bên cạnh đó cần chú ý phát hiện và bồi dưỡng cho đội ngũ học sinh giỏi, tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 9, nâng cao chất lượng điểm thi vào các trường THPT, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Cụ thể:
+) Tiếp tục tổ chức tập huấn cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, về dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kĩ năng. Rèn luyện kĩ năng thiết kế giáo án; kĩ năng ra đề kiểm tra, kĩ năng đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng.
+) Thành lập và duy trì đội ngũ giáo viên cốt cán làm nòng cốt cho hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các nhà trường. Khuyến khích giáo viên tăng cường ứng dụng CNTT vào việc thiết kế giáo án và vào việc giảng dạy.
+) Phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi các cấp, các môn học, lấy đội ngũ giáo viên dạy giỏi, đặc biệt là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh, các giáo viên dày dạn kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn tốt làm nòng cốt cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Có cơ chế ưu đãi, khuyến khích, động viên những giáo viên chịu trách nhiệm ôn thi, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Xây dựng kế hoạch dài hạn cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp.
+) Ngay từ đầu năm học, các nhà trường phải làm tốt công tác tư tưởng cho học sinh lớp 9, tạo cho các em tâm thế sẵn sàng cho các kì xét tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc chuyển sang học nghề ở các trường nghề. Thực hiện việc ôn tập cho học sinh lớp 9 ngay từ đầu năm học, phân công các giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm phụ trách việc giảng dạy và ôn tập cho học sinh lớp 9. Tập trung cao cho việc ôn tập cho học sinh lớp 9 ngay sau khi xét tốt nghiệp.
+) Tổ chức kiểm tra, đánh giá để phân loại học sinh, giúp cho học sinh và gia đình định hướng đúng trong việc tiếp tục thi vào lớp 10 hoặc chuyển sang học nghề nhằm góp phần đạt được tiêu chí theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thành phố Móng Cái tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu lao động.
+) Yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm (nếu có) theo đúng quy định của Sở GD&ĐT và UBND tỉnh.
+) Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các nhà trường; chỉ đạo Hiệu trưởng các trường xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra giáo viên. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm túc, đúng kế hoạch, kết hợp giữa kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất, góp phần kịp thời điều chỉnh, khắc phục những thiếu sót, sai phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của tập thể các nhà trường, các cá nhân. Chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn về dự giờ, đánh giá xếp loại giờ dạy của đồng nghiệp khách quan, đúng quy định.
+) Tăng cường công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông; tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên làm công tác kiểm định chất lượng, bởi kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông nhằm xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của cơ sở giáo dục phổ thông, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục, để cơ quan chức năng đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục phổ thông phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Chính vì vây, kiểm định giáo dục là một công tác rất quan trọng trong việc đánh giá, xếp loại các cơ sở giáo dục đồng thời giúp cho cơ sở giáo dục có căn cứ để điều chỉnh hoạt động giáo dục của mình nhằm đạt được kết quả cao hơn.
- Quản lý về nền nếp học sinh: Bên cạnh những đổi mới về công tác quản lý nhân sự, quản lý hoạt động chuyên môn, một phương diện quản lý vô cùng quan trọng trong trường học đó là quản lý nền nếp học sinh.
+) Đổi mới công tác quản lý học sinh theo hướng không áp đặt, gò ép học sinh; phát huy tính tự giác, tự quản của học sinh; tăng cường sự phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội, với gia đình học sinh, phối hợp với các tổ chức hội (Hội Cựu giáo chức, Hội Phụ nữ…) trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
+) Hiệu trưởng các nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng các tiêu chí xếp loại học sinh theo từng tuần, từng tháng. Tổ chức thực hiện xếp loại học sinh theo các tiêu chí đã xây dựng, thông báo tới gia đình học sinh để gia đình cùng phối hợp trong việc quản lý, giáo dục và điều chỉnh hành vi của học sinh. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời quy định về khen thưởng, kỉ luật học sinh tạo không khí thi đua rèn luyện và học tập một cách công bằng trong học sinh.
- Về công tác quản lý tài sản, tài chính: Thực hiện quản lý tài sản, tài chính theo quy định của pháp luật; đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, an toàn, tiết kiệm các nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn ngân sách khác có được do xã hội hóa giáo dục.
- Về công tác thi đua khen thưởng: Thực hiện nghiêm túc, công bằng, chính xác công tác thi đua khen thưởng góp phần tạo động lực để cán bộ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục phát huy tối đa năng lực sáng tạo của bản thân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy đối với công tác thi đua khen thưởng, lãnh đạo các nhà trường, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện một cách đúng luật, đảm bảo kịp thời, công khai theo các hướng dẫn về thi đua khen thưởng của các cấp.
+) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong CBGV và nhân viên các nhà trường về các chỉ tiêu thi đua của ngành, của trường; ngay từ đầu năm học, tổ chức cho CBGV và nhân viên trong toàn ngành đăng kí các chỉ tiêu thi đua với các nhà trường, các trường đăng kí thi đua với Phòng Giáo dục và Đào tạo để mỗi CBGV và nhân viên có ý chí phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua, hoàn thành các chỉ tiêu thi đua của ngành.
+) Tham mưu với UBND thành phố để có quy chế khen thưởng thoả đáng đối với CBGV, nhân viên có thành tích cao trong giảng dạy, lao động và học tập. Tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng một cách nghiêm túc, trang trọng nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc. Qua đó khích lệ tinh thần thi đua, tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong các nhà trường, trong toàn ngành giáo dục.