- Phân loại dựa trên quan hệ công tác (tính chất công việc được tiến
1.2.1.2. Yêu cầu cải cách thủ tục hành chính
TTHC là cơ sở và điều kiện cần thiết để cơ quan nhà nước giải quyết các công việc của công dân và các tổ chức theo pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức có công việc cần giải quyết. Xuất phát từ yêu cầu đặt ra của công cuộc cải cách TTHC là "phải đạt được bước chuyển biến căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ
quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước và các cơ quan, đơn vị khác; giữa cơ quan nhà nước với nhân dân trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc" [2], đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng các TTHC mới, điều chỉnh những TTHC cũ cần tuân thủ một số yêu cầu sau:
- Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống TTHC: bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước được pháp luật quy định thống nhất từ trung ương đến địa phương để thực hiện chức năng hành pháp thì khi xây dựng các TTHC (là cơ sở, điều kiện, công cụ để thực hiện chức năng này) thì cũng phải đảm bảo tính thống nhất thành một hệ thống TTHC từ trung ương đến địa phương.
- Bảo đảm sự chặt chẽ của hệ thống TTHC: một trong những nguyên nhân của sự tùy tiện giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước, là điều kiện làm cho các tệ quan liêu, cửa quyền… phát triển, làm cho các TTHC trở nên rườm rà, chậm đi vào thực tế đời sống là do việc xây dựng và thực hiện TTHC thiếu tính chặt chẽ. Do đó, nhà nước ta cần có quy trình xây dựng và thực hiện TTHC theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm khắc.
- Bảo đảm tính hợp lý của TTHC: tính hợp lý của TTHC biểu hiện ở nhiều khía cạnh về môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phải phù hợp với điều kiện kinh tế chính trị xã hội.
- Bảo đảm tính khoa học của quy trình thực hiện các TTHC đã ban hành: tính khoa học của quy trình thực hiện TTHC ở chỗ các bước, các khâu của quy trình phải đảm bảo hợp lý, thống nhất theo một thủ tục nhất định như: trình tự thủ tục, thời gian thực hiện, các yêu cầu thực hiện …
- TTHC phải bảo đảm tính rõ ràng và công khai: TTHC phải được xây dựng rõ ràng theo trình tự từng bước từ quy trình xây dựng đến quy trình thực hiện TTHC. Cụ thể như rõ ràng về cơ quan hành chính có thẩm quyền giải quyết công việc; rõ ràng về các giấy tờ tài liệu cần thiết cần có trước khi người dân đến cơ quan hành chính nhà nước yêu cầu giải quyết công việc… toàn bộ các quy trình, quy định rõ ràng nhưng cần phải công khai cho người
dân được biết. Công khai bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay được niêm yết công khai tại cơ quan hành chính nhà nước. Những năm gần đây, phần lớn các tỉnh thành trên cả nước đều xây dựng cổng thông tin điện tử (trong đó có công khai các TTHC) tại địa phương.
- TTHC phải dễ hiểu, dễ tiếp cận: xuất phát từ mục đích của TTHC và yêu cầu đặt ra của cải cách TTHC thì TTHC và việc cải cách TTHC đều nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (lấy nhân dân làm trung tâm) nên đòi hỏi các TTHC phải dễ hiểu, đơn giản, phù hợp với trình độ dân trí, người dân dễ tiếp cận.
- TTHC khi ban hành phải đảm bảo tính khả thi: TTHC phải được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn giải quyết các công việc tức phải phục vụ tốt nhu cầu của công dân và kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết công việc.
- Các quy trình TTHC phải bảo đảm tính ổn định: sự ổn định của các quy trình TTHC thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với nhân dân, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Để một quy trình có tính ổn định cao đòi hỏi khi xây dựng cần phải đáp ứng được các yêu cầu và phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân (nhà nước của dân, do dân và vì dân). Tuy nhiên, theo sự phát triển của kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật công nghệ thì những TTHC cũ, lạc hậu không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân cần được hủy bỏ.