Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng tiềm năng phát triển kinh tế Đông Nam Bộ, nhưng xuất phát điểm của Bình Phước lại thấp hơn so với các tỉnh khác trong khu vực. Hơn nữa, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông nghiệp vẫn chiếm số lượng lớn, trong khi công nghiệp và dịch vụ lại phát triển chưa cao.
Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm qua được xác định là đúng hướng, nhưng tỷ trọng nông, lâm nghiệp bình quân mỗi năm mới giảm 1,58%, trong khi tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng bình quân mỗi năm chỉ tăng được 1,33%. Đến cuối năm 2007, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm 53,17%. Báo cáo giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đánh giá, trong cơ cấu ngành nông nghiệp tuy có chuyển dịch nhưng không đáng kể, chăn nuôi hầu như không có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp dù đạt nhiều đột phá và thành tựu, nhưng về tổng thể, vẫn là sản xuất quy mô nhỏ và manh mún, chậm ứng
dụng công nghệ, nếu có cũng còn rất khiêm tốn, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong lĩnh vực nông nghiệp, bình quân giai đoạn 2006 - 2008, mỗi năm tăng 10,77%, nhưng cơ cấu chủ yếu vẫn là trồng trọt 93%, chăn nuôi 6,85%, dịch vụ nông nghiệp chỉ mới đạt 0,15%. Thu nhập của người dân vùng nông thôn còn thấp, vốn tích lũy để tái đầu tư không nhiều, vấn đề tái đầu tư chủ yếu tập trung ở khu vực kinh tế trang trại, nhờ có thu nhập cao từ hiệu quả ứng dụng KH- CN tương đối tốt.
Thêm vào đó, những năm gần đây, cùng với quá trình ĐTH nông thôn, việc quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tác động và ảnh hưởng đến nông nghiệp. Cùng với nhu cầu tất yếu cần đẩy mạnh công nghiệp - dịch vụ và phát triển thị trấn, thị tứ từ vùng nông thôn trước đây, người dân chưa chuẩn bị tốt tâm lý, tư thế để sống chung với tốc độ đô thị hóa. Tình trạng thất nghiệp trong nông thôn tăng lên. Lao động ở nông thôn đang theo hướng dịch chuyển ra khỏi sản xuất nông nghiệp, người dân tìm những công việc không chính thức, không ổn định, lao động thủ công là chủ yếu. Một trong những nguyên nhân là do trình độ dân trí còn thấp và công tác đào tạo nghề của tỉnh còn nhiều bất cập, người dân thiếu tích cực, chưa chủ động trong việc học nghề. Ước đến hết năm 2008 số lao động được đào tào mới đạt 25%.
Quá trình CNH, ĐTH, thị trường hóa và toàn cầu hóa đồng thời diễn ra cùng lúc, đã tác động mạnh mẽ đến khu vực nông thôn. Trong khi đó, lao động có tay nghề ở khu vực nông nghiệp của Bình Phước vừa thiếu, vừa yếu; sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh chưa tạo lợi thế cạnh tranh, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường; mối liên kết phối hợp giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) chưa thật sự phát huy đúng tầm. Sản xuất nông nghiệp của người dân còn mang tính tự phát cao, cây
trồng nào mất giá thì phá bỏ để trồng loại cây có giá, tình trạng này liên tiếp diễn ra; người dân và kể cả doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn nặng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Quán triệt tinh thần Nghị quyết trung ương 7 - khoá X của Đảng và xác định nông dân là “nhân vật chính” trong bức tranh KT-XH nông thôn và nông nghiệp của tỉnh, Bình Phước với mục tiêu hướng về nông dân, vì nông dân phục vụ, đặt chiến lược tăng trưởng bền vững gắn với các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, nhất là công tác giảm đói nghèo ở khu vực nông thôn được đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Xuất phát từ ý nghĩa và mục tiêu trên, qua phân tích, đánh giá thực tiễn, vấn đề đặt ra đối với Bình Phước là tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh một số giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm tiếp theo, cụ thể:
Một là, giải quyết vấn đề NN, NT ở Bình Phước phải phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên và thế mạnh của tỉnh, trước hết là đất đai, lao động; nâng cao ý thức tự lực tự cường, chuẩn bị tốt tâm lý cho nhân dân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa vùng nông thôn và thị tứ, xây dựng nông thôn hòa thuận, ổn định, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú.
Hai là, hoàn thành cơ bản việc rà soát, bổ sung quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp hợp lý, xem xét chuyển đổi những diện tích đất rừng nghèo kiệt thành vùng trồng cây công nghiệp, bảo đảm độ che phủ rừng, tạo công ăn, việc làm cho người dân lao động, nhất là đồng bào dân tộc.
Ba là, quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quy hoạch phát triển đô thị; thực hiện chuyển dịch cơ cấu và CNH nông, lâm nghiệp; chú trọng phát huy quỹ đất sản xuất hiện có, nâng cao hiệu quả canh tác, hiệu quả kinh tế trên một héc-ta diện tích sản xuất. Đi liền với vấn đề chuyển dịch cơ cấu theo tỷ trọng công - nông - dịch vụ sẽ chú trọng nghiên cứu chuyển giao, áp dụng
KH-CN vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bốn là, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn của tỉnh, tạo bước đột phá trong việc xây dựng nông thôn mới. Trước hết, coi phát triển giao thông nông thôn là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNH NN, NT, thúc đẩy tiêu thụ nông sản của nhân dân; quan tâm xây dựng hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Năm là, phát triển chăn nuôi đại gia súc, đa dạng ngành nghề nông, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến các loại nông sản có lợi thế của tỉnh để xuất khẩu. Tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn, đẩy mạnh cơ khí hóa nông nghiệp cùng với quá trình tích tụ ruộng đất, tránh để sản xuất manh mún như hiện nay. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình kinh tế trang trại, chú trọng đào tạo nghề cho nông dân thông qua nhiều hình thức như: chương trình khuyến nông ….
Sáu là, phát triển NN, NT gắn với phát triển văn hóa - xã hội, giải quyết đồng bộ các vấn đề của nông thôn như: các thiết chế văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ nông thôn, quan tâm đến vấn đề bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi, …
Bảy là, quán triệt vấn đề NN, ND, NT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn tỉnh, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị đối với vấn đề này, trong đó, cần khẳng định vai trò của Hội Nông dân gắn bó mật thiết với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.