Thuế nhân lực

Một phần của tài liệu Chế độ tô, thuế nông nghiệp Việt Nam thời Pháp thuộc ( 1858 - 1945) (Trang 48 - 54)

Chương 2: CHẾ ĐỘ TÔ THUẾ NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC (1858 1945)

2.3.1.3. Thuế nhân lực

Thời Nguyễn, thuế lao dịch chỉ áp dụng với tráng hạng không có sự quy định số lượng ngày cụ thể trong năm, mà huy động theo yêu cầu công việc. Nói chung những quy chế về lao dịch không ngặt nghèo lắm và thường không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Từ khi Pháp sang, số ngày lao dịch được ấn định một cách độc đoán là 48 ngày cho nội đinh. Từ năm 1897 trở đi, sắc lệnh 2/6/1897 quy định lại thể lệ thuế nhân lực như sau:

Ở Bắc Kỳ, theo sắc lệnh này, số ngày lao dịch nội đinh (trước đây chỉ là tráng hạng) phải chịu mỗi năm 30 ngày. Chính phủ bảo hộ bắt họ phải chuộc 20 ngày với giá 2đ00 ghép vào thuế thân để xây dựng và sửa sang đường giao thông. Số 10 ngày còn lại, về nguyên tắc là dành cho việc tu bổ đê điều và đường giao thông hàng tỉnh. Từ năm 1904, Chính phủ bắt chuộc với giá 0đ15/ngày thành tiền là 1đ50 để đưa vào ngân sách hàng tỉnh.

Ở Trung Kỳ, dụ ngày 15/8/1898 được Toàn quyền thông qua quy định ghép tiền chuộc 10 ngày lao dịch, giá trị 1đ00 vào thuế thân, 10 ngày nhân lực dùng cho các dịch vụ công cộng và 10 ngày cho lang xã. Song thực tế thuế thân ở Trung Kỳ vẫn 2đ20, ngoài ra nông dân còn phải chịu thuế thân 10 ngày chuộc với giá 1đ00 cho ngân sách hàng tỉnh, còn 10 ngày cho xã về sau cũng được phép chuộc bằng tiền.

Ở Nam Kỳ, thực hiện việc chuộc 30 ngày công sưu với giá 0đ10/1ngày thành 3đ00 để đưa vào ngân sách hàng tỉnh.

Trước năm 1920, thuế nhân lực vẫn được áp dụng theo quy chế cũ. Từ năm 1920 trở đi với việc áp dụng chế độ thuế thân đồng nhất, về nguyên tắc thuế nhân lực chuyển sang nộp bằng tiền. Song thực tế chế độ lao dịch vẫn bị lạm dụng và tồn tại dưới hình thức “trưng dụng nhân lực”.

Tất cả những sửa đổi trên về lý thuyết là một tiến bộ vì chính quyền đã giảm dần số ngày nông dân phải đi lao động không công xuống để lại một số ngày dành cho làng xã. Trên thực tế, số ngày được giảm xuống không phải là miễn không cho người nông dân mà chính quyền bắt dân chuộc bằng tiền coi như một thứ thuế phụ gộp chung với thuế thân. Vì vậy nó trở thành một gánh nặng cho người nông dân vì đại đa số nông dân đều là bần nông, ruộng đất

không đủ cày cấy, số ngày nhàn rỗi quá nhiều nên việc đi sưu đối với họ không phải là nỗi bận tâm lớn. Bên cạnh đó, họ lại còn có thể đi sưu giúp cho người bận để lấy công. Nay việc đi sưu bị thay thế bằng tiền đã bớt việc làm của họ, buộc họ phải lĩnh thêm ruộng đất của địa chủ, phải đi vay mượn, cầm cố và phải phụ thuộc hơn vào địa chủ. Không những thế, mặc dù tiền đi sưu đã phải chuộc nhưng trong thực tế, chính quyền bảo hộ, khi cần huy động nhân công để làm đường hoặc đắp đê, chính phủ bảo hộ vẫn huy động nhân công một cách tùy tiện, có khi ngay cả vụ thu hoạch của nông dân. Sự bùng nổ của phong trào chống thuế Trung Kỳ năm 1908 có nguyên nhân trực tiếp trong việc huy động nhân công một cách tùy tiện của chính quyền bảo hộ Quảng Nam. Đờ Vitơry (De Vitry) trong công trình nghiên cứu của mình về thuế má ở Việt Nam, năm 1905 nhận xét:

Các làng xã, giống như xưa kia, vẫn phải lo đắp đê làm đường trong vùng, họ lấy nhân công ở đâu? Vẫn phải huy động nhân lực trong xã. Và các sở công chính sẽ lấy nhân công ở đâu xây dựng đường xá, làm lại đoạn đường suy yếu, trong lúc nhân công khó kiếm. Họ dùng biện pháp “trưng dụng”. Tôi không rõ trông ngôn ngữ tiếng Việt có đủ từ để phân biệt “đi lao dịch” với “trưng dụng” nhân lực không? Chỉ biết rằng với con mắt của người bản xứ hai thứ đó là một, tức là phải đi lao dịch [40, tr.104].

Nỗi khổ của người nông dân trong khi phải đi sưu dịch cũng được nhiều người đương thời quan tâm, tố các trước công luận. Một nhà báo pháp viết

“Thật khủng khiếp khi hồi tưởng lại các công trình lớn ấy. Công trường Lang-bian chẳng hạn ở đây hàng người đã phải nhịn đói trên bờ biển hoang vắng, chờ mỏi mắt những chuyến tàu khách đang đậu mãi tận Phan Rang, hay Nha Trang, và những chủ tàu không hề quan tâm chút nào tới việc đón các đám đông đói lả ấy” [40, tr.104]. Phan Chu Trinh trong thư gửi toàn

quyền Bô (Beau) năm 1906 cũng viết “Lại còn cái tệ sưu dịch, thật cũng không thể nói hết được. Mỗi tên đinh một năm đóng thuế thân rồi phải 4 ngày công ích, 10 ngày công sưu. Ở chốn hương thôn thật là phiền nhiễu, người nọ đi người kia về, nối gót trên đường không có ngày nào được yên cả…” [40, tr.105].

Theo sự tính toán của các nhà nghiên cứu tài chính Đông Dương, thì gánh nặng thuế trực thu tính theo đầu người vào khoảng năm 1905 ở Nam Kỳ là 1đ76, ở Bắc Kỳ 0đ81 và ở Trung Kỳ 0đ77. Nông dân Nam Kỳ còn phải đóng thuế cho ngân sách hàng tỉnh theo đầu người là 0đ82. Như vậy, người nông dân Nam Kỳ bình quân đóng 2đ60. Món tiền ấy tương đương với 80kg gạo đủ cho người nông dân ăn trong 3 tháng.

Theo cách tính của các nhà đương cục Pháp vào dịp triển lãm quốc tế về thuộc địa ở Pari năm 1930 thì mức thuế thu trung bình theo đầu người như sau: Năm 1904 1921 1930 Ở Trung Kỳ 0đ77 0đ78 1đ16 Ở Nam Kỳ 1đ76 2đ25 2đ34 Ở Bắc Kỳ 0đ81 1đ36 1đ51 [12, tr.105].

Nếu lấy số trung bình cho năm 1931 thì mỗi đầu người dân Việt Nam chịu 1đ36 thuế trực thu tương đương khoảng 66kg gạo, bằng sản lượng lúa của 1,5 sào ruộng Bắc Kỳ.

Cách tính trên đây là bình quân theo đầu người. Song nếu tính riêng người nông dân thì mức thuế cao hơn nhiều. Ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ mức thuế của nông dân chỉ riêng thuế thân và thuế lao dịch có thể tính như sau: Bắc Kỳ 4đ80, Trung Kỳ 4đ50, Nam Kỳ 4đ80. So với thời kỳ trước lúc

Pháp mới đến tăng khoảng 30 lần. Món tiền ấy tương đương với gần 200kg gạo, giá thị trường hồi đó là 2đ50/1tạ bằng năng suất của 5 sào ruộng Bắc Kỳ.

Ngoài ra trong quá trình thu thuế, các chức dịch ở làng xã không từ một thủ đoạn nào để tước đoạt thêm người nông dân. Chế độ lao dịch nặng nề cùng với món nợ thuế thân đã làm cho người nông dân Việt Nam điêu đứng, bị đẩy vào tình cảnh bần cùng, không lối thoát.

Như vậy, sau khi thôn tính song nước ta chính sách thuế đặc biệt là thuế nông nghiệp đã được thực dân Pháp áp dụng và khai thác triệt để nhằm mục đích bóc lột triệt để nông dân. So với thuế nông nghiệp thời Nguyễn thuế nông nghiệp thời Pháp thuộc có nhiều điểm khác.

Trước đây thuế nông nghiệp nhà Nguyễn chủ yếu thu bằng hiện vật. Việc thu và phân bổ thuế được khoán hẳn cho làng xã. Vì thế nó trở thành một loại thuế phân bổ. Phương thức đánh thuế này mang nặng tính cống nạp của chế độ phong kiến cổ xưa.

Sang thời kỳ Pháp thuộc, thuế nông nghiệp được thu hoàn toàn bằng tiền. Với việc ban hành các loại thuế thông qua một loạt các văn bản, sắc lệnh, nghị định, thông tư, chỉ thị thực dân Pháp đã xác lập hệ thống thuế và quy định chế độ đánh thuế mới. Thuế định suất thay cho thuế phân bổ. Tức là Nhà nước áp dụng cách đánh thuế theo đầu người. Đây là bước tiến bộ trong phương thức đánh thuế nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng chịu thuế.

Thời Pháp thuộc, nông dân phải chịu gánh nặng thuế má gấp nhiều lần so với thời Nguyễn. Thời Nguyễn, gánh nặng thuế má tính theo đầu người bình quân là 0đ25. Đó là mức thuế khá nhẹ so với gánh nặng thuế má người dân phải chịu dưới thời pháp thuộc. Thời Pháp thuộc, ngoài thuế chính ngạch, người nông dân còn phải đóng những thứ thuế bất thường và ngoại phụ. Như thuế ruộng ngoài thuế chính ngạch người dân còn phải nộp thêm (%) thuế

đảm phụ. Hầu hết các loại thuế đều tăng vọt như thuế điền tăng khoảng 2 lần ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, thuế thân tăng khoảng 7 lần ở Nam Kỳ. Thời Pháp thuộc thuế bình quân theo đầu người tăng khoảng hơn 20 lần ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ so với thời Nguyễn (Trung Kỳ 5đ00, Bắc Kỳ 6đ00).

Như vậy, chính sách thuế nông nghiệp của thực dân Pháp ở Việt Nam là những chiếc gông cùm đóng chặt người nông dân vào sự bần cùng, đói khổ. Lối thoát duy nhất của người nông dân Việt Nam khỏi bị tiêu diệt, chỉ có thể là con đường cấy mướn và nợ lãi, tức phải chui cố vào cái tròng nô lệ của bọn địa chủ phong kiến. Thế là, gánh nặng thuế má của thực dân Pháp tạo điều kiện cho quan hệ sản xuất phong kiến đang ngắc ngoải được hồi sinh để tiếp tục tồn tại đóng góp phần cùng với thực dân Pháp làm cho nền sản xuất nước ta, nhất là sản xuất nông nghiệp, đi nhanh hơn nữa vào tình trạng hoàn toàn bế tắc.

2.3.2. Địa tô

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, tình hình ruộng đất ở nông thôn Việt Nam không có sự thay đổi lớn về bản chất, nếu có thì chỉ là ruộng công bị bọn địa chủ chức dịch xã chiếm thành ruộng tư và ruộng đất của nông dân do mắc nợ không trả được bị địa chủ chiếm đoạt. Đồng thời một phần số ruộng đất khá lớn lọt vào tay bọn điền chủ Pháp. Vì vậy nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng bắt buộc phải đi lĩnh canh ruộng đất của địa chủ để giữ lại một phần số sản phẩm mà sống sau khi đã nộp tô. Chế độ địa tô là hiện tượng rất phổ biến ở nông thôn nước ta.

Vấn đề địa tô ở nước ta là một vấn đề khá phức tạp, do tính chất xã hội thuộc địa và nửa phong kiến tạo nên. Nó không thuần là chế độ địa tô phong kiến, nhưng cũng chưa phải là chế độ địa tô mới, tư bản chủ nghĩa. Chế độ địa tô nước ta thời Pháp thuộc, về căn bản là có tính chất phong kiến. Đã gọi là

nông dân làm ra để thoả mãn nhu cầu có tính chất ăn bám của chúng, và không phải chỉ là sản phẩm thặng dư mà thôi, chúng còn chiếm cả một phần sảm phẩm tất yếu của họ nữa” [17, tr.110]. Địa tô phong kiến ở nước ta mang nhiều hình thức khác nhau. Dưới thời Pháp thuộc cả ba hình thức địa tô: lao dịch, hiện vật, tiền đều song song tồn tại cạnh nhau. Do sự phát triển không đều của nền kinh tế hàng hoá, có nơi địa tô hiện vật là chủ yếu, có nơi tô tiền là chủ yếu, còn địa tô lao dịch tuy vẫn còn nhưng không phải phổ biến. Đặc biệt những nơi có nền kinh tế hàng hoá phát triển mạnh (Nam Bộ, các vùng xung quanh thành phố) thì địa tô tiền tương đối thịnh hành.

Để thu địa tô bọn địa chủ có rất nhiều cách cho mướn song về đại thể có mấy cách sau đây:

Một phần của tài liệu Chế độ tô, thuế nông nghiệp Việt Nam thời Pháp thuộc ( 1858 - 1945) (Trang 48 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)