người đi khai hoang gian khổ, buồn tẻ, hiu quạnh. Từ chuyện bắt cá sấu, đánh cọp, giành giật với thiên nhiên từng mảnh đất để canh tác đến cách sống mộc mạc, chân tình; từ những mùa lúa, mùa nước nổi... , tất cả đã hình thành nên tính cách đầy nghĩa khí của người Nam Bộ. Có thể nói, truyện ngắn Sơn Nam chính là tấm lòng của nhà văn đối với quê hương, đồng bào, với những nét đẹp văn hoá chỉ riêng miền Tây Nam Bộ mới có.
Có lần trả lời một nhà báo phỏng vấn, Sơn Nam cho rằng: “Hương rừng Cà Mau thành công ở chỗ nó phần nào dựng lại được phong tục, lối sống, suy nghĩ và tình cảm của người dân miền Nam ở buổi đầu đi khẩn hoang. Một giai đoạn đầy gian truân, khổ ải của cha ông, nhưng cũng rất vinh quang, rất đẹp và dạt dào tình cảm. Câu chuyện về những người đi khẩn hoang gợi lên cái tình người dân dã, keo sơn, cái tình quê hương đồng bào khắc khoải.”1
Đọc truyện của Sơn Nam, chúng ta không chỉ thưởng thức giá trị nghệ thuật văn chương và xao xuyến rung động vì những tình cảm chân thành, mà còn hiểu biết thêm về nhiều phương diện văn hoá sống động và phong phú của vùng đất mới. Nếu ai đó chưa một lần đặt chân đến đây, thì những trang viết của Sơn Nam chính là lời giới thiệu tốt nhất để giúp họ hiểu thêm về văn hoá, cuộc sống, con người của vùng đất thấm đẫm tình yêu thương này.
Đối với thế Ký, tuy viết không nhiều nhưng Sơn Nam cũng có tác phẩm thành công, đáng kể nhất là ký sự Tây đầu đỏ, giải Nhì giải thưởng Văn nghệ Cửu Long của
Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ năm 1953-1954.
Bên cạnh văn xuôi ( biên khảo, sáng tác ) như vừa nêu, Sơn Nam còn làm thơ. Hiện chỉ còn giữ được một bài thơ : bài “Thay lời tựa” viết cho tập truyện Hương rừng Cà Mau của chính ông. Đây là một bài thơ hay, từ lâu được nhiều nhà phê bình ngợi
khen, trong đó có những câu đặc sắc như:
Năm tháng đã trôi qua Ray rứt mãi đời ta
1Đào Tăng – “Sơn Nam ngoại sử” (truyenky.vn/showthread.php?t=7000) (truyenky.vn/showthread.php?t=7000)
Nắng mưa miền cố thổ...
Và sau khi ông mất, hai câu cuối của bài thơ trên đã được khắc trên bia mộ:
Phong sương mấy độ qua đường phố, Hạt bụi nghiêng mình nhớđất quê.
Về bài thơ này, Viễn Phương có nhắc lại trong Lời giới thiệu tập Hương rừng Cà Mau: “Hơn nữa, bài thơấy, ngày xưa cũng như hôm nay vẫn gợi trong tôi một nỗi nhớ mênh mông, thăm thẳm đối với vùng đất U Minh muỗi mòng đỉa vắt, tràm đước bạt ngàn, dớn choại âm u, đỏ ngầu dòng nước.”
Có thể nói, Sơn Nam vừa là nhà văn, nhà báo, vừa là nhà nghiên cứu văn hoá… đa tài mà ở lĩnh vực nào ông cũng đều có những đóng góp không nhỏ. Những tác phẩm của ông, đặc biệt là truyện ngắn, mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn mộc mạc mà ý nhị, tinh tế.
Với số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, Sơn Nam được xem như một đỉnh núi sừng sững trong rừng văn Nam Bộ. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Sơn Nam đã tạo sự ngưỡng mộ cho đông đảo bạn đọc và các nhà văn trẻ, ông xứng đáng là một danh nhân văn hóa của Việt Nam.
1.3. Nhà văn Bình Nguyên Lộc với văn hóa Nam Bộ
1.3.1. Cuộc đời Bình Nguyên Lộc
Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 07-3-1914, tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hoà (nay là thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); mất tại California, Hoa Kỳ, ngày 07-3-1987. Dòng họ ông vẫn giữ được bản gia phả mười đời sinh sống ở đất Tân Uyên, một vùng đất bên con sông Ðồng Nai hiền hoà. Trong ý thức văn hoá, Bình Nguyên Lộc luôn hướng về nguồn cội, luôn truy nguyên nguồn gốc tổ tiên từ đất Bắc di dân vào miền Nam.
Thuở nhỏ, ông học chữ Nho với một thầy đồ trong hai năm (1919-1920), sau đó học tiểu học ở trường làng (1921-1925). Năm 1928, ông thi đậu vào Trường Trung học Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong, Tp. Hồ Chí Minh), đậu Thành chung năm 1934. Sau vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông không thể tiếp tục học lên nữa. Với tấm bằng Thành chung, ông thi vào ngạch thư ký hành chính và hơn một năm sau mới được
tuyển dụng. Ban đầu Bình Nguyên Lộc làm việc tại Kho bạc Thủ Dầu Một, sau đó chuyển xuống Kho bạc Sài Gòn (sau là Tổng nha Ngân khố).
Năm 1942, thầy ký Tô Văn Tuấn bắt đầu viết văn với bút danh Bình Nguyên Lộc. Ông lấy bút danh này là để bộc lộ tình yêu quê hương đất nước, yêu nơi chôn nhau cắt rún. Bình nguyên: Đồng [bằng]; Lộc: con Nai, tức Đồng Nai. Ông muốn làm con nai hiền lành rong chơi trên cánh đồng văn chương miền Đông Nam Bộ. Truyện ngắn đầu tay của ông có tên là Phù sa đăng trên tạp chí Thanh niên của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, cũng trong năm này, ông hoàn tất tác phẩm Hương gió Đồng Nai.
Năm 1944, Bình Nguyên Lộc bị bệnh thần kinh, ông phải nghỉ việc một thời gian. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, ông về sống ở quê nhà tại Tân Uyên. Năm 1946 gia đình dời về Lái Thiêu, tại đây ông tham gia kháng chiến và là thành viên Hội Văn hoá Cứu quốc tỉnh Biên Hoà.
Từ 1949 đến gần cuối đời, Bình Nguyên Lộc cùng gia đình dời về Sài Gòn, tiếp tục làm báo, viết văn. Cũng như nhiều nhà văn khác, tuy về thành nhưng Bình Nguyên Lộc không trở lại đời công chức để phục vụ cho Pháp mà cùng với các nhà văn, nhà báo tiến bộ khác như Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang…có nhiều hoạt động nhằm ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Việc này, về sau nhà văn Nguyễn Ngu Í có nói: “Bình
Nguyên Lộc ở vào cái thế bắt buộc phải về thành vì ở trong khu kháng chiến, căn bệnh thần kinh hành hạ mà cuộc sống kháng chiến lại không đủđiều kiện đểđiều trị.” Việc về
thành lại làm Bình Nguyên Lộc ray rứt mãi: “Nhưng rồi mình lại lọt vào cái thế phải về, mà trở về thành là mình cảm thấy xót xa như kẻđào ngũ. Đối với dân tộc, mình thấy có tội phần nào”. [96, tr.219].
Năm 1958, Bình Nguyên Lộc chủ trương tuần báo Vui sống. Đây là một tờ báo
văn nghệ nhưng lại chủ trương áp dụng kiến thức phổ thông vào đời sống và nghiên cứu bệnh thần kinh. Tuần báo này quy tụ được nhiều cây viết có tên tuổi nhưng chỉ ra được 10 số thì đình bản. Năm 1960, Bình Nguyên Lộc cùng một số bạn bè thành lập Nhà xuất bản Bến Nghé với mục đích xuất bản các tác phẩm mang hương sắc Đồng Nai, Bến Nghé. Trong thời gian từ 1960 đến 1970, ông làm chủ bút nhiều tờ nhật báo, cộng tác với nhiều tờ báo và sáng tác đều đặn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: năm 1957-1958, ông
cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn hóa Ngày nay; làm chủ nhiệm tuần báo Vui sống (1958); phụ trách trang văn nghệ báo Tiếng chuông(1960-1963); chủ biên nhật
báo Tin sớm (1964-1965).
Đặc biệt, từ 1960 đến 1975, Bình Nguyên Lộc chuyên viết feuilleton (tiểu thuyết đăng báo hàng ngày) cho các nhật báo, mà trước đó từ những năm 1951-1952 ông đã viết dạng này rồi. Phần lớn những feuilletons đó có cốt truyện thuộc loại phiêu lưu, dã sử…và được ông ký dưới các bút hiệu như Phong Ngạn, Trình Nguyên. Ðến năm 1956, ông mới bắt đầu viết feuilleton có cốt truyện tình cảm và ký bút hiệu Bình Nguyên Lộc. Những năm 1960-1975 là giai đoạn mà Bình Nguyên Lộc viết feuilleton nhiều nhất, có lúc mỗi ngày ông viết tới 11 feuilletons, chỉ sau hai nhà văn Lê Xuyên và An Khê ( viết đến 12 feuilletons). Viết nhiều, lại phải câu khách, những tác phẩm đó khó có thể đạt chất lượng nghệ thuật và giá trị tư tưởng cao: “Nghề nghiệp đã giết chết một số thiên tài ngay khi chưa kịp thành hình…Cả Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… cũng đều lần lượt chui vào cái máy chém của báo hàng ngày.” [260, tr.116].
Giai đoạn sống ở Sài Gòn, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã tham gia một số tổ chức, phong trào như: năm 1966, ông tham gia phong trào đấu tranh chống văn hoá đồi trụy cùng với các nhà văn, nhà báo tên tuổi khác như: Thiếu Sơn, Nam Đình, Đông Hồ, Tô Nguyệt Đình, Kiên Giang…Lúc này, ông là thành viên trong Ban Chủ tịch Lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tộc cùng với Thiên Giang, Thuần Phong…Từ năm 1970 cho đến 1974, ông là Hội viên Hội đồng Văn hoá Giáo dục miền Nam. Sau 1975, Bình Nguyên Lộc ngưng cầm bút vì bị nhiều chứng bệnh, trong đó nguy hiểm nhất là chứng cao huyết áp, hành hạ.
Tháng 10 năm 1985, Bình Nguyên Lộc sang định cư tại Rancho Cordova, thuộc quận Sacramento, tiểu bang California, Hoa Kỳ và ông mất đột ngột tại đây vào năm 1987 vì một cơn đau tim.
Có thể nói trọn cuộc đời (dù những năm cuối đời ông không sống ở quê nhà), Bình Nguyên Lộc luôn luôn hướng tất cả tâm tình về miền đất nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi đã chứng kiến biết bao những thăng trầm trong cuộc đời ông: đất Đồng Nai. Tác phẩm đầu tay của ông là Hương gió Đồng Nai, tác phẩm quan trọng nhất đời ông là Phù sa, công trình biên khảo đồ sộ nhất là Thổ ngơi Đồng Nai, tên nhà xuất bản do ông thành
lập là Bến Nghé…Tất cả đều là hình ảnh của quê hương thân yêu, nơi ông được sinh ra và lớn lên.
1.3.2. Sự nghiệp sáng tác của Bình Nguyên Lộc
1.3.2.1. Quan điểm sáng tác của Bình Nguyên Lộc
Giống như bút danh của mình, những trang văn của Bình Nguyên Lộc bắt nguồn từ sự rung động trước cảnh đẹp quê hương như ông đã tâm sự: “Văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp của quê hương và lòng nhớ nhung tha thiết của tôi với nó, chớ không phải vì ái tình, vì yêu đương tác động...”.1
Trong một lần trả lời phỏng vấn của Lê Phương Chi, Bình Nguyên Lộc tâm sự:
“Anh thấy đó, quê tôi đẹp như vậy và luôn nằm trong tiềm thức tôi, nên văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp của quê hương và cũng bắt nguồn từ lòng nhớ nhung tha thiết của tôi đối với nó, rồi thể hiện ra tác phẩm, chớ không phải vì ái tình hoặc vì yêu đương tác động” [28, tr.117]. Bình Nguyên Lộc thừa nhận, nguồn cảm hứng ban đầu của mình
khi đến với văn chương chính là vẻ đẹp của quê hương và hình ảnh của quê hương có vai trò rất quan trọng trong sáng tác của ông.
Tâm thức luôn hướng về quê hương không chỉ bộc lộ qua sáng tác mà còn thể hiện qua những lần nhà văn Bình Nguyên Lộc đối thoại hoặc tâm sự với bạn bè. Trong một bài viết của mình, Bàng Bá Lân khẳng định Bình Nguyên Lộc luôn tâm huyết với đề tài về quê hương miền Nam, đồng cảm với những nhà văn cũng gắn bó với miền Nam như mình: “Tôi
ích kỷ lắm nên tôi thương những người thương tôi. Qua mấy bài thơ Trái sầu riêng, Trái măng cụt, Trái xoài…, tôi thấy rằng anh thương mến miền Nam của chúng tôi, tức là của tôi, tức là chính tôi, nên tôi thương mến anh.” [109, tr.168].
Cũng như Sơn Nam, nhà văn Bình Nguyên Lộc rất quan tâm tới văn hóa Nam Bộ tuy mối quan tâm và cách thể hiện của mỗi người có khác nhau. Nếu như Sơn Nam quan tâm tới miền Nam thời mở cõi thì Bình Nguyên Lộc quan tâm tới hành trình di dân của lưu dân từ miền Bắc và miền Trung tiến về miền Nam. Nếu như Sơn Nam là họa sĩ vẽ nên bản sắc văn hóa miền Tây thì Bình Nguyên Lộc là chiến sĩ bảo vệ văn hóa miền