1 Thuỵ Khuê Bình Nguyên Lộc, đất nước và con người.
3.1. Nam Bộ thời khẩn hoang trong truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc
VỚI THỜI GIAN VĂN HÓA NAM BỘ
Chương này tìm hiểu sự thể hiện thời gian văn hóa Nam Bộ qua truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, mục đích là làm sáng tỏ những đặc điểm văn hóa và con người Nam Bộ qua mối quan hệ với môi trường xã hội được khám phá, sáng tạo trong thế giới nghệ thuật của hai nhà văn này. Như vậy, nghiên cứu sự thể hiện thời gian văn hóa ở đây gặp gỡ cách phân tích thời gian nghệ thuật theo hướng thi pháp học.
Qua thời gian nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với thời gian văn hóa Nam Bộ trong tác phẩm Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, chúng ta có thể thấy sự phản ánh cũng như quan niệm của Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc về quá trình hình thành lịch sử Nam Bộ, từ thời khẩn hoang đến thời giao lưu, tiếp xúc với phương Tây.
3.1. Nam Bộ thời khẩn hoang trong truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc Nguyên Lộc
3.1.1. Trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc: Niềm hoài hương, hoài cổ “bám níu” “cuống rún chưa lìa”
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hơn ba trăm năm trước, những lưu dân từ miền Bắc và miền Trung, mà chủ yếu là miền Trung, đã tiến về phương Nam để tạo dựng cuộc sống mới. Những lưu dân Việt đầu tiên ấy mang trong hành trang của mình vốn văn hóa truyền thống của dân tộc có nguồn gốc từ cái nôi văn hóa Bắc Bộ: “Con sông gợi tình, thỉnh thoảng màu nước trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thuỷ Chân Lạp hoang vu, nê địa, gợi nhớ cuộc đổ xô vào Nam, gợi hình ảnh đẹp đẽ của đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới…” [434, tr.819].
Khi tiến về phương Nam, họ mang theo cả trong hành trang của mình những nghề truyền thống của quê hương như cách chế biến đường phổi ở Quảng Ngãi: “Thành
phần hoá học của đường phổi, và cách chế tạo nó, những nhà nghề trên ấy thọ lãnh của Tổ tiên ngoài Quảng Ngãi, Quảng Nam khi bỏ làng di cư vào Đồng Nai, cách nay trên ba trăm năm.” [390, tr.26].
Ngoại trừ Rừng mắm, phần lớn truyện ngắn Bình Nguyên Lộc đều viết về con người miền Đông Nam Bộ, vốn là những lưu dân từ miền ngoài vào khai khẩn, nhưng vẫn luôn nhớ về cội nguồn nơi đất gốc quê hương ở Đàng Ngoài. Nhân vật trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc thường mang nặng niềm hoài hương, hoài cổ, hướng về quá khứ, về cội nguồn.
Đặc biệt, Bình Nguyên Lộc có rất nhiều truyện ngắn viết về Tết ở vùng đất phương Nam: Tre phải tàn, Hai người xuống tinh thần, Quyển gia phả, Gói hột dưa bí mật, Bảo mật, Gốc mai già, Chiêu hồn nước, Lửa Tết... Tết chính là dịp để tụ họp con
cháu mà ngày thường phải phiêu tán làm ăn cùng hướng về quê cha đất tổ, hướng về những phong tục tập quán truyền thống ngàn đời: “Rốt cuộc, ăn Tết là tề tựu đông đủ dòng họ, bà con, cháu chắt, dưới một mái tranh cũng tốt, miễn là có sự tề tựu ấy, nó tạo ấm cúng không thể tưởng tượng được. Ông Sáu coi nhà thờ, các em của ông, có ra riêng, Tết cũng phải đưa con cháu họ về nhà thờ” [400. tr.22].
Người gốc từ miền Trung vào thì không kể giàu nghèo, trên bàn thờ nhà nào ngày Tết cũng phải cố gắng mua cho được miếng đường phổi, hình ảnh gợi nhớ quê hương, đặt bên trái dưa hấu thì họ mới toại nguyện: “Miếng đường phổi mang hình dạng một lá phổi mà bên trong nó cũng có hang lỗ y như phổi người. Đó là một lễ phẩm, người dân Đồng Nai dùng cúng Tổ tiên ngày Tết” [433, tr.185].
Người gốc từ miền Bắc vào thì lại khác: “Chúng tôi đây cũng vậy, quen ăn Tết trong ba trăm năm, từ ngày đổ xô vào khai hoang ởđây, với dưa hấu và đường phổi, rồi nghe không phải là Tết nếu thiếu hai món đó. Nhưng ngoài quê của bác Thụ làm gì có dưa hấu vào đầu xuân, nên bác chỉ dửng dưng như không, nếu thiếu dưa và đường.”
[434, tr.920].
Nhưng dù gốc miền Bắc hay gốc miền Trung, người lưu dân dần dần quen với hoa mai, loại hoa đặc trưng cho mùa xuân ở miền Nam, trên đất mới. Thời đầu khai hoang, nếu không có tiền mua mà muốn có cây mai đẹp ngày Tết, thường người ta phải đi tìm trong rừng rất công phu: “Tháng Chạp năm ấy, ông vào rừng để chặt vài nhánh mai về thui hầu cắm độc bình ngày Tết. Ông Tưđi tìm mai vào đầu tháng cuối năm, vì
lối chơi này đòi hỏi nhiều thì giờ. Nhánh mai chặt rồi, lặt lá, thui nơi dấu chặt xong, để nó đó tới ba mươi Tết nó mới chịu trổ hoa.” [406, tr.19].
Riêng việc lặt lá mai để sao cho hoa nở đúng ngày đầu năm là bao nhiêu công phu, đợi chờ và hồi hộp. Truyện Chiêu hồn nước kể về một cô “me Tây” từ phương trời
xa xôi cố gắng về ăn Tết, không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc như tăng thêm sức sống cho người xa xứ: “Không thể nào mà anh tưởng tượng nổi sự thèm khát quê hương của một kẻ vĩnh viễn không hy vọng trở về như em. Thèm như là thèm món cá nướng chấm mắm nêm, thèm hương bưởi, thèm tiếng chuông chùa ngân nga vào buổi hoàng hôn, thèm cảnh cấy mạ vào đầu mùa lúa. Thèm chết đi đuợc là vào lúc gần Tết, tức là khoảng đầu năm dương lịch. Nhớ Tết như nhớ nhà, nhớ nước, bởi vì Tết là sum họp gia đình.” [434, tr.937].
Vào những ngày Tết nơi quê hương mới, người dân xa xứ nhìn nhành mai như để tưởng nhớ lại những ngày Tết thời thơ ấu còn được ở bên cha mẹ: “Nàng nhìn vào khoảng không, rồi say sưa nói to lên một mình: Mai thui… ba chặt cành mai vào giữa tháng chạp, ba thui cành ấy nơi bị chặt, ba chặt lá, rồi ba cắm trong độc bình có chứa nước.” [434, tr. 841]
Với người miền Nam, việc ăn Tết luôn luôn đi cùng với việc dẩy mả. Người ta tin rằng phải nhớ đến Tổ tiên, nhớ đến cội nguồn, khi mùa xuân đến thì những ngày Tết sum họp của con cháu mới được trọn vẹn. Trong rất nhiều sáng tác của Bình Nguyên Lộc, ta thường hay gặp những đoạn văn, cho dù chỉ nói nhẹ nhàng thoáng qua, vẫn kín đáo cho thấy vai trò quan trọng của mồ mả Tổ tiên trong đời sống tình cảm và tinh thần của người miền Đông Nam Bộ: “Kế đến, ăn Tết là dẩy mả. Đạo thờ cúng Ông Bà gồm tưởng nhớ, thờ cúng và dẩy mả ngày Thanh minh và ngày Tết, ông Sáu đã theo cha dẩy mả từ thuở ông lên bảy và cứ như vậy cho đến năm ông hai tám, cha ông qua đời, ông đi dẩy một mình tới ngày chạy giặc là năm ông băm lăm. Ông đã gần gũi Tổ tiên ông mỗi năm hai lần, nghe thương mến người dưới các nấm đất ởđầu làng lắm, mà đã hai mươi năm rồi, ông không được dẩy mả nữa” [400, tr.23].
Trong từng tế bào người dân quê chất phác vẫn còn lưu giữ trong ký ức về bao đời Tổ tiên với lòng không nguôi thương nhớ mẹ cha, làng xóm cũ. Bao năm xuôi ngược
nơi đường phố, bụi bặm… họ vẫn giữ lại trong tận đáy lòng mình chút hình ảnh của ngày xưa: “- Bà có nhớ không, thuở ta còn thơ dại, Tết sao mà tu hú về nhiều quá, còn bây giờ thì… Nghe tu hú kêu, tôi lại nhớ những công việc sửa soạn ăn Tết. Hồi còn ở dưới làng, mùa này là mùa xay lúa, giã gạo đây. - Ừ, đàn ông xay, đàn bà giã, mà giã chày tư, hò hát suốt đêm, cả xóm đều vang dậy tiếng hò giã gạo.” [400, tr.24].
Những lưu dân Việt đón Tết nơi đất mới vẫn tiếp nối phong tục từ quê hương gốc gác. Nhưng họ cũng làm quen dần với nét văn hoá của phương Nam, việc xẻ dưa hấu vào sáng mùng một để bói điềm cát hung trong cả năm là một tập tục lâu đời ở vùng đất này: “Ngày đầu năm, người nào trong gia đình cũng xẻ thử một trái dưa hấu, xem nó có thật đỏ lòng, mặt lòng dưa có xam xảm cát hay không, đểđoán tương lai tổng quát của họ trong năm. Đó là hôm cả nhà phải ăn dưa đến ngấy ra, muốn ớn tới cổ, vì nhà đông tám người mà phải ăn hết tám trái dưa bói đầu năm.” [410, tr.21].
Trong quá trình di dân, việc bám đất, sống chết với đất của người dân có nguồn gốc sâu xa hơn, đó là lòng biết ơn đối với Tổ tiên thời xưa đã đến đây khai phá. Để được miếng đất để lại cho con cháu, khó lòng kể ra hết những gian khổ mà lớp người đi trước đã phải hy sinh mồ hôi, nước mắt, máu xương. Đất chính là một phần linh hồn của Tổ tiên. Linh hồn ấy cụ thể hóa qua hình ảnh của mảnh đất vườn, mồ mả ông bà. Ra đi, là phải bỏ cả mồ mả, cũng có nghĩa là bỏ lại nắm xương tàn của Ông Bà để cho cỏ mọc um tùm không ai chăm sóc. Nghĩ đến điều ấy thì con cháu chạnh lòng, không ai nỡ rứt ruột ra đi. Truyện Mấy vụ quật mồ bí mật hay truyện Những ngôi mả tổ minh họa rõ ý này: “Bà con tôi ởđây đã bảy đời rồi, mồ ông mả cha của bà con tôi đều nằm ởđây. Chúng tôi thương yêu cái gò cỏ cháy này quá rồi, không làm sao mà dứt ra đểđi đâu được hết, cho dẫu là chỉđi ở cách đây vài dặm hú” [434, tr.1084].
Một thách thức cam go khác mà con người trên vùng đất mới phải đương đầu, tuy không hiểm nguy như hổ báo, không đau đớn như bệnh tật, đói khát… nhưng lại là nỗi đau mà họ không chịu đựng được, đó là niềm thương, nỗi nhớ chân trời cũ, là sự cô đơn giữa miền đất xa lạ, quạnh hiu. Việc đồng áng tuy nặng nhọc, vất vả nhưng lại vô tình giúp cho họ không có thời gian để nhớ nhung, suy nghĩ về quê cũ. Tuy nhiên, lúc rảnh rỗi, hay những buổi chiều hôm, lòng kẻ tha hương không làm sao ngăn được nỗi nhớ
nhà: “Ừ, đất, đất bạn mà tao chạy nhảy trên đó hồi còn thơấu, tao thương nó lắm. Tao ghiền hửi mùi đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa, tao ghiền hửi mùi lúa chín, tao ghiền mùi phân chuồng. Tao muốn hưởng mùi đất vài năm trước khi theo về với ông bà”
[ 434, tr.996].
Phải từ bỏ quê hương xứ sở, xa lìa ông bà cha mẹ, bà con xóm giềng, rời xa những kỷ niệm gắn bó với một đoạn đời nằm sâu trong ký ức, với mỗi người Việt là một nỗi đau không thể chịu đựng được. Huống chi là tuổi già xế bóng ở một phương trời hiu quạnh không còn mong chi có ngày trở về cố hương, nỗi nhớ chân trời cũ còn hành hạ người viễn xứ biết chừng nào. Trong chốn quạnh hiu, không nguôi nỗi nhớ về quê hương, họ nhận ra sự cần thiết của những người cùng màu da, tiếng nói trong đời sống của mình. Có thể nói rằng người dân Việt nói chung, người Nam Bộ nói riêng, luôn sống bằng tình cảm, thương yêu cả từng cành cây, ngọn cỏ gắn liền với những kỷ niệm cũ: “Đốn hai cây me già mà tàn rất lớn ấy là việc canh tác của cậu sẽ cho kết quả rực rỡ. Cậu Ba lại băn khoăn, lại đau khổ. Đó là hai người bạn đã chứng kiến cậu lớn lên trong làng, và có lẽ ngày kia sẽ chứng kiến người ta khiêng cổ hòm cậu ra bãi tha ma” [403, tr.14].
Cho đến ngôi nhà mà họ đã từng che mưa, che nắng, dù cái thềm rêu phủ, tấm vách mọt gặm họ cũng yêu thương: “Tao chỉ thương mến quê hương thôi. Đi, tao nhớ gốc cây đa đằng miếu, tao nhớ con rạch sau nhà, tao nhớ… tao nhớđến cái mùi đất ở đây. Không, tao có thể bán để cho tụi bây tiền rồi cất chòi tranh mà ở nhưng tao thương nhà này lắm. Quen mắt quá đi rồi, cái thềm rêu phủ cũng quen, tao nghe như là cha mày còn vô ra đâu đây. Không…” [434, tr.1069].
Người già tuổi đã xế chiều, cuộc nhân sinh dâu bể đã đi qua, cuộc sống của họ nằm ở phía sau lưng, phía của quá khứ, đã chìm sâu vào trong ký ức. Họ nhớ những người thân xưa cũ, những người đã khuất. Để vơi đi phần nào nỗi nhớ nhung, niềm thương mến, người ta phải cố gắng tìm cách tạo ra một khung cảnh giúp họ gợi lại hình ảnh của chốn quê xưa: “Ông Sáu đã chừa lại hai bụi tre gai sau nhà lúc khai hoang, để có cảm giác rằng ông còn ở làng, vì bụi tre sau nhà, tạo không khí làng mạc mạnh lắm.”
Nhân vật trong truyện ngắn nhà văn Bình Nguyên Lộc nặng trĩu lòng thương nhớ làng bởi trong làng chẳng những có ngôi nhà thân yêu của họ mà ở đó còn có cả chân trời quen thuộc gắn liền với bao nhiêu kỷ niệm dấu yêu. Hình ảnh làng như chất keo vô hình cứ theo suốt cuộc đời người dân quê. Đường thôn ngai ngái mùi phân trâu, thoang thoảng hương những loài hoa dại, tiếng lá tre xào xạc, tiếng con tu hú gọi bầy là những hình ảnh của bao mối cảm hoài, đồng vọng xót xa: “Để cho nó giống làng tôi. Trong Nam này, ít khi tôi được thấy cây dâu lắm, nhứt là ở Sài Gòn”
[433, tr.518].
Giữa phố chợ, dáng dấp làng quê hoang sơ hiện lên trong lòng người tha phương thật tha thiết: “Có đâu được những chiều đầu mùa mưa, gió nồm từ biển xa vào thăm lục địa rủ dọc đường đầy bông lòng mức trắng như tuyết, mịn như tơ trời, bay túa ra, đi về những nơi xa lạ. Rồi những ngày sau đó, trận mưa đầu tiên, đầu hôm sớm mai đã nhuộm xanh những lềđường đá đỏ, những đám đất hoang. Có đâu được những buổi đầu đông, cùng với gió bấc ở rừng về bay theo bầy tu hú, chim yêu mến của trẻ con, bay vềđể ca ngợi bông sao rụng trắng đất.” [433, tr.287].
Tất cả những gì tình cờ bắt gặp, từ chút mùi hành hương thoảng qua, từ bụi rau đắng sau hè, một làn mây trắng bay xa về cuối trời hay chút nắng ấm làm thơm mùi lúa mới… đều có thể làm sống dậy trong lòng người viễn xứ cả một trời thương nhớ:
“Những sợi khói trắng mỏng, tiếng chuông chùa và nhứt là mùi hành kho, ba thứấy xuất hiện cùng một lúc gợi cho cháu nhớ thời thơấu của cháu quá.” [434, tr.1062].
Tình quê sâu thẳm tận đáy tâm hồn khó có thể nói nên được thành lời, nó như sợi tơ mong manh, mờ ảo, có khi lại đơn giản chỉ là sự tưởng nhớ bâng khuâng những món ăn mà mẹ cho ta ăn hồi còn bé: “Họ hỉnh mũi, đón rước cái mùi mằn mặn bay ra từ dĩa nước mắm đang biến thể chất trên lò than đâu đằng nhà bên cạnh, và họ bùi ngùi nhớ lại thứ nước mắm kho mà thuở còn thơ ấu họ phải ăn với cháo trắng những khi ốm đau.” [434, tr.1064].
Tình quê khiến cho vầng trăng lưỡi liềm trên đồng nội bỗng trở nên tròn trịa, con đường làng lầy lội trở nên sạch sẽ, phẳng phiu và mùi phân trâu, phân bò đặc trưng của đồng quê bỗng làm người xa xứ lưu luyến: “Mùi phân chuồng thơm chớ không hôi đâu.
Nó thơm hương đồng áng, hương của một nông trại hẻo lánh nào, hương ấm của một gia đình nông dân đủăn.” [434, tr.1190].
Có thể nói, nỗi nhớ làng xóm, nhà cửa là một đề tài nổi bật trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc (điều này lại ít thấy thể hiện trong truyện ngắn của Sơn Nam). Tình thương nhớ quê nhà chính là tình yêu quê hương, đất nước mà Bình Nguyên Lộc đã trăn trở để trải trên từng trang viết suốt cả sự nghiệp cầm bút của ông. Mỗi khi chạm đến đề tài này thì những trang văn của Bình Nguyên Lộc như bay lên, hóa thành những vần thơ êm dịu, chứa chan tình quê ngọt ngào.
3.1.2. Trong tác phẩm Sơn Nam: “Vạch một chân trời” tìm kiếm tương lai
Từ những năm đầu của thế kỉ XVII, từng tốp người Việt từ miền Trung khô cằn