1 Thuỵ Khuê Bình Nguyên Lộc, đất nước và con người.
3.3. Ứng xử của con người Nam Bộ dung hợp với môi trường xã hội qua truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc
truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc
3.3.1. Hòa nhập văn hóa Việt - Khmer - Hoa - Chăm
Lịch sử khẩn hoang ở Nam Bộ cũng là lịch sử di dân của người dân Việt từ miền Bắc và miền Trung vào, cộng cư cùng người Chăm, người Khmer, người Hoa và các dân tộc ít người khác…Nhà văn Sơn Nam nhấn mạnh sự hòa nhập Việt - Khmer - Hoa trên chiều sâu văn hóa trong khi đó thì Bình Nguyên Lộc thể hiện nhiều khía cạnh chuyển hóa từ những xung đột thuở ban đầu đến sự thỏa hiệp, cộng tác, thông cảm về sau.
3.3.1.1. Tác phẩm Sơn Nam: Gắn bó các dân tộc trên nền tảng những giá trị văn hóa
Trong tác phẩm của Sơn Nam, nhiều tộc người khác nhau đã được hình tượng hóa thành các nhân vật trong sáng tác, điển hình cho những tộc người cùng sinh sống với người Việt trên mảnh đất này chính là người Khmer và người Hoa.
Người Khmer xuất hiện nhiều trong các sáng tác của Sơn Nam với nhiều thiện cảm của tác giả, truyện Chiếc ghe ngo phản ánh một lễ hội ở miền sông nước mà đến ngày nay vẫn còn duy trì: đua ghe ngo, vợ chồng chị Sa Đơn chuyên nhổ bàng đan cà ròn gia công (Ông Bang cà ròn) và không tộc người nào đan cà ròn giỏi bằng người Khmer (Xóm con Mèo)…
Quan hệ Việt - Khmer trong tác phẩm Sơn Nam khá êm ái. Người Khmer và người Việt lưu dân vẫn sống chan hoà cùng nhau, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn: “Dân xóm Khoen Tà Tưng có sáng kiến qua xóm Tà Lốc mời mấy người Miên bên đó để xem hát trước mua vui, sau nữa là chia sớt gánh nặng lúa gạo. Người Miên rất đỗi hoan hỉ.” [372, tr.506].
Sơn Nam cũng thể hiện những yếu tố giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Khmer, đến nay vẫn còn thể hiện tính hòa đồng giữa các dân tộc với nhau qua hình ảnh
chiếc phảng, chiếc nóp, cái cà ràng… vốn của người Khmer được người Việt cải tiến thành những công cụ hữu ích cho đời sống cư dân đồng bằng sông Cửu Long.
Hình ảnh chiếc nóp, cái cà ràng đã trở nên quen thuộc với lưu dân Việt trong quá trình lập xóm, lập làng, lập vườn tược nơi đất sình, nơi rừng sâu mà trước kia người Khmer bỏ hoang. Nóp là miếng đệm lớn như cái túi may hình chữ nhật, miệng nóp mở ra theo bề dài, có chức năng như cái mùng, cái mền tuy có gây khó chịu đôi chút cho người sử dụng. Các nhân vật trong các truyện ngắn như Thằng Út Một (Ba kiểu chạy buồm), Hai Cần (Vẹt lục bình) và chú lái nồi (Tâm sự chú lái nồi) đều không quên mang
theo cái cà ràng lên chiếc xuồng lênh đênh trên sông rạch. Dụng cụ đốt lửa này tạo thế vững vàng cho nồi cơm lúc chèo chống ghe xuồng, phía trước để nấu cơm, phía sau là nơi cào than, rút củi bớt ra để nướng cá.
Rõ nét nhất là những trao đổi, tiếp nhận ưu thế của nghề trồng lúa của người Khmer. Trên vùng đất sình lầy, người Việt đã học tập người Khmer cách sử dụng nọc cấy, kỹ thuật “lò bom” của người Khmer để trồng lúa Xom Mà Ca.
Cùng chung khu vực sinh thái, mỗi dân tộc chọn cho mình một địa bàn cư trú thích hợp, sống hoà bình, tôn trọng và không xâm phạm tập tục, tín ngưỡng của nhau là nguyên tắc ứng xử của các tộc người. Giữ khoảng cách tiếp xúc văn hóa, tôn trọng văn hóa của nhau, không tìm cách đồng hóa văn hóa, điều đó đã làm cho cuộc thiên di xuống phía Nam của cư dân Việt không gặp phải những phản ứng dữ dội nào. Ở truyện ngắn
Xóm con Mèo, tuy người Việt, người Khmer cộng cư với nhau, nhưng quan hệ giữa họ
vẫn rất rõ ràng: “Người Miên cực chẳng đã, cùng phương sanh kế phải ra đây mà ở. Họ không dám ra ngoài khơi đánh lưới làm nò như người Việt Nam. Họở trong bờ, bắt ba khía, câu cua vềđủ nhậu bữa nào hay bữa nấy.” [354, tr.163].
Phum sóc (làng xóm) của người Khmer ở Nam Bộ thường xa cách với thôn xóm của người Việt, thường là những nơi hẻo lánh, xa xôi, không thuận tiện cho việc giao thông nên đời sống của họ khép kín, chậm phát triển. Những người dân Khmer hiền lành và chân thật sống lâu đời trên vùng đất Nam Bộ thường tụ thành những sóc phum sống riêng biệt, cố giữ lại những phong tục của dân tộc: “Đại khái, làng này gồm chừng bốn năm giồng cát, rời rạc, như một quần đảo. Trên mỗi giồng tập trung chừng hai mươi
nhà. Mỗi nhà đều có tre bao quanh, những bụi tre um tùm thiếu săn sóc. Tôi đánh bạo vào xóm. Đất khá cao ráo, trơn trợt vì mưa. Toàn là người Khmer. Từ nhà này qua nhà kia là đường quanh co.” [361, tr.191].
Cuộc gặp gỡ ban đầu giữa hai dân tộc Việt và Khmer diễn ra ôn hoà, không ai ép buộc ai về kinh tế và văn hoá, cũng không có những va chạm khốc liệt. Sống chung với người Khmer, quan hệ qua lại trong sinh hoạt và lao động giữa hai dân tộc là tất nhiên nhưng trong nghề nghiệp, giữa họ có sự chuyên môn hóa khá rõ. Người Việt chuyên về làm ruộng, bắt cá, đánh lưới, còn người Khmer hầu như chỉ sống bằng nghề nông và không có lợi tức nào khác. Tập tục khác, cư xử khác, nhưng người Việt và người Khmer có cùng chung một tín ngưỡng là Phật giáo, một chân lý chung về cuộc sống. Đồng thời, một mảnh đất qua thời gian sinh sống trở thành quê hương, trở thành một tình cảm chung, đó là tình yêu quê hương đất nước.
Không ít truyện ngắn của Sơn Nam quan tâm đến những đặc sắc riêng trong phong tục, tập quán, nghi thức, lễ hội của người Khmer đã góp thêm màu sắc đa dạng cho nền văn hóa Nam Bộ. Sơn Nam đưa ta về với không khí lễ hội của đồng bào Khmer với cuộc đua ghe ngo được ông miêu tả hết sức thú vị, hào hứng: “Đoàn lực sĩ hạ dầm xuống khoát nước, nhịp nhàng. Chiếc ghe ngo phóng từng bực rồi nổi lên cao khỏi mặt nước. Nước văng trắng xóa hai bên. Tiếng cồn càng thêm nhặt. Rồi im bặt. Lúc ấy người ta thấy chú phó hương quản nâng cây dầm lên cao khỏi đầu, bơi trong không khí”. [372, tr. 241].
Bên cạnh người Khmer, trong truyện của Sơn Nam còn thể hiện mối quan hệ giữa người Việt với cộng đồng người Hoa. Người Hoa chuyên về mua bán, nên lập nghiệp và sinh sống ở những vùng dân cư đông đúc như chợ buá, thị thành, không có tham vọng chiếm hữu đất đai rộng lớn như người Việt. Ðến thế kỷ XX thì người Hoa chỉ đi đến các làng xã để mua bán, nhưng chưa ở lại mở tiệm quán hay kho hàng. Ðại diện của giới người Hoa này là hình ảnh những người đàn ông thu mua ve chai hay chủ nhân các tiệm tạp hoá trong các ngôi làng của người Việt: “Nếu cần mua sắm vài vật dụng cần thiết, họ ngồi tại nhà mà chờđợi một chú Huê kiều. Chú ta quảy gánh gióng, bán nào kim chỉ, lưỡi búa, đường thẻ, thuốc rê.” [353, tr.126].
Trong truyện ngắn Đồng thanh tương ứng, nhà văn Sơn Nam ghi lại hình ảnh của
một anh “cắc chú Ba Tàu” hồi mới sang Việt Nam, nghèo khổ, rách rưới nhưng chịu cực,
chịu khổ, đổ mồ hôi để kiếm miếng ăn, dành được nhiều tình cảm của người Việt, vì thương hoàn cảnh của họ, mà cũng vì họ lương thiện, chăm chỉ làm ăn. Đến các truyện Ông Bang cà ròn, Xác con chó thì người Hoa đã có một hình ảnh khác, từ những kẻ đi bán dạo, họ trở thành những ông chủ giàu có trong những khu thị tứ đông đúc dân cư.
Trong truyện ngắn của Sơn Nam, hình ảnh người Hoa xuất hiện khá nhiều, là một bộ phận không thể tách rời trong sinh hoạt cộng đồng dân cư nơi đây. Các truyện ngắn Đồng thanh tương ứng, Ông bang cà ròn, Xác con chó… của nhà văn đã phản ánh mối quan hệ vừa gần gũi, vừa xa lạ của đôi bên. Những nhân vật người Hoa như ông Bang Lình (Ông Bang cà ròn) thu mua cà ròn, chú Hoa kiều bán dạo (Đồng thanh tương ứng), ông Dù Háy mua bán (Xác con chó)… cho thấy sự giao tiếp thân tình, tin cậy giữa
người Việt và Hoa với nhau.
Đất đai miền Hậu Giang mênh mông, hoang vu, lưu dân mặc tình mà khai phá, trồng trọt, đất cần người hơn người cần đất. Do vậy, các tộc người cư trú trên đất này không phải tranh giành quyết liệt, tàn hại lẫn nhau để giành đất sống như ở những nơi khác. Hơn nữa, mỗi tộc người lại có những phong tục tập quán, sở trường khác nhau nên quyền lợi của họ không bị xung đột mà trái lại còn bổ sung giúp đỡ lẫn nhau. Người Việt chuyên làm ruộng lúa nước nên thích vùng đất thấp, gần sông rạch. Người Miên làm ruộng lúa gò, chọn vùng cao ráo. Người Hoa thì giỏi nghề mua bán, thường ở nơi chợ búa, hoặc đi bán dạo tận những nơi xa xôi cung cấp những hàng hoá cần thiết cho người chuyên tâm sản xuất: “Người Miên nắn nồi vì họ thích ở một chỗ, người Việt ưa đi mua nồi vì thích phiêu lưu, người Hoa kiều thích ở chợ, lập cái vựa nồi để dễ thâu lợi…”
[353, tr.384].
Đôi khi, cũng do hoàn cảnh, công việc làm ăn, họ sống quần cư bên nhau, luôn thuận thảo, hòa bình: “Dân trong xóm sống vui vẻ tập trung tại Ngã Tư, nơi gặp gỡ tự nhiên của hai con rạch cong queo và dùng đến ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Triều Châu.” [353, tr.292].
Việc cộng sinh này khiến nền văn hóa Nam Bộ có một đặc điểm khác biệt, đó chính là sự giao hảo, hợp tác giữa nhiều cộng đồng tộc người khác nhau. Sự hoà trộn máu huyết cũng từ đó mà hình thành, giữa kẻ bị chinh phục và những người bị chinh phục, giữa người tha hương đến đây lập nghiệp và những cư dân địa phương.
Mặc dù còn một ít trở ngại, việc hôn nhân giữa các tộc người vẫn cứ liên tiếp diễn ra, ngày càng nhiều. Có lẽ những cuộc hôn nhân như thế đã góp phần xoá nhoà những khoảng cách về màu da, ngôn ngữ, phong tục… và tạo nên văn hóa đa sắc màu giữa các dân tộc. Sự giao thoa, tiếp biến và dung hợp cả về văn hoá và huyết thống khiến đất phương Nam đúng là vùng đất lành chim đậu một cách bình yên. Và những kẻ tang
bồng hồ thỉ đi từ ngàn dặm đến đây, mới hiểu rõ hơn thế nào là câu tứ hải giai huynh đệ.
3.3.1.2. Tác phẩm Bình Nguyên Lộc: Từ xung đột thuở ban đầu đến những cảm thông, cộng tác
Từ hơn ba trăm năm qua, vùng đất phương Nam đã đón nhận nhiều nhóm người đến từ nhiều nơi, chủ yếu là từ miền ngoài, và những lưu dân nghèo khổ đó đã chọn Nam Bộ làm quê hương mới của mình.
Lịch sử đã tạo ra những số phận khác nhau giữa các vùng miền, giữa các dân tộc và lịch sử cũng đã tạo nên quá trình Nam tiến do những nhu cầu, khát khao tồn tại và phát triển của người Việt. Khi tiến về phương Nam để khẩn hoang, những lưu dân Việt đầu tiên tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đó là văn hóa của những cư dân bản địa như Chăm, Khmer, Stiêng, Tà mun, Châu ro, Mạ...
Tiến về phương Nam, đầu tiên trong số các dân tộc ở vùng đất mới mà người Việt tiếp xúc là người Chăm, trước kia thuộc vương quốc Chiêm Thành, là chủ nhân của dải đất Trung bộ trước khi người Việt đến đây lập nghiệp. Người Chiêm Thành hiện nay chỉ còn là nhóm người thiểu số, sống ở các thôn làng hẻo lánh xa xôi, dấu tích ngày nay còn lại chỉ là những Tháp Chàm đổ nát, hoang sơ.
Các lưu dân người Việt sống thành những nhóm nhỏ trong vùng đất của người Chăm, nhận thấy văn hoá Chăm có những nét hấp dẫn riêng khiến người ta phải nhìn nhận. Chia sẻ môi trường sống, cố kết cộng đồng, làm cho quá trình Việt hoá của dân Nam Bộ trở nên thuận lợi, không đổ máu là điều mong mỏi, tuy nhiên khó tránh khỏi
xung đột trong việc tranh giành đất đai giữa các tộc người : “Ta phá rừng, và dân Mọi tìm đủ cách cản trở. Họ không tiếc đất với ta, vì đất còn minh mông, họ cũng không xấu bụng với ta vì họ là những người có căn bản tốt. Nhưng họ quyết giữ rừng, vì rừng với họ như nước với cá. Họ sống nhờ rừng vì rừng là cái kho trữ các sinh vật nuôi họ.” [434, tr.954].
Quan hệ giữa người Việt và một số dân tộc thiểu số được phản ánh trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc không phải lúc nào cũng hoàn toàn êm ả. Buổi đầu khẩn hoang không tránh khỏi có khi xung đột. Như trong truyện Bà Mọi hú là một câu chuyện bi
tráng. Cuộc Nam tiến của người Việt kéo dài hàng trăm năm, khi ồ ạt, khi rải rác, nhưng khi đã bước chân vào Nam Bộ thì như dòng sông đã về biển cả không còn gì có thể ngăn chặn được. Sự cạnh tranh sinh tồn ấy đã gây nhiều tổn thương cho cả người dân tộc thiểu số lẫn người Việt: “Hơi hú cuối cùng thê thảm quá khiến đoàn người Việt se thắt lòng lại, quặn đau một niềm bất nhẫn. Những ông cụ già có học Nam sửđều rưng rưng lệ nhớ lại những tiếng kêu thương khác của người Hời vong quốc âm thầm khóc điêu tàn của giống nòi” [434, tr.957].
Cuộc Nam tiến của người Việt không thể dừng được nữa, đoàn quân khai hoang người Việt cương quyết không chùn bước, còn người đàn bà miền sơn cước kia lại quyết bảo vệ núi rừng cho đến hơi thở cuối cùng. Không còn cách nào khác, người ta đành nổi lửa thiêu rụi cả hòn núi, những mong khuất phục được ý chí của bà. Nào ngờ đâu, khi núi rừng bốc cháy, con người bất khuất đó đã vẫn ở lại cùng chết với núi rừng. Giải quyết xong được chướng ngại, rồi với lòng thương xót, cảm phục, những lưu dân đã lập miếu để thờ vong linh của bà: “Dân phá rừng đành phải cam chịu ruộng khô và để tưởng nhớ một người đàn bà oanh liệt, đã bảo vệ quê hương đến hơi thở cuối cùng, họ cất miếu thờ Bà Mọi trên núi và đặt tên núi là núi Bà Mọi” [434, tr.959].
Sau những va chạm khốc liệt này, nhiều nhóm người Hời xuôi về phương Nam, lang thang kiếm sống tận những miền xa xôi như Bình Dương, Châu Đốc, An Giang…Ngày nay, những người Chăm ở Ninh Thuận vẫn thường vào Sài Gòn và các tỉnh lân cận để buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Việt: “Họ là người Hời, gốc Ninh
Thuận, Bình Thuận, vào đây để bán thuốc và bán những món nữ trang bằng mây đan nhuộm màu” [433, tr.580].
Trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc, đôi lần ông cũng không quên tái hiện hình ảnh những người dân Hời đang lang thang tìm cuộc mưu sinh trên các nẻo đường nắng bụi, hoà lẫn cùng đám đông người Việt trên vùng đất Nam Bộ:“Chàng chẳng hiểu gì ráo, nhưng đinh ninh rằng đó là tiếng khóc dân Hời, nhớ tiếc quê cha đất tổ mà họ phải bỏđi, trước sự Nam tiến mãnh liệt của người mình” [433, tr.580].
Mối quan hệ đặc biệt nhất đối với lưu dân ở Nam Bộ phải kể đến cộng đồng người Hoa, những người bạn đồng hành với người Việt từ thuở mang gươm đi mở cõi.
Nhân vật người Hoa và mối quan hệ Việt - Hoa xuất hiện nhiều trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc, có những người rất giàu sang như ông Bang Sa, chủ tiệm sắt (Người tài xế điên), như Mái Chín Dãnh, nhà đầu cơ (Lữ Bất Vi nguyên tử), nhưng bên cạnh cũng có những thân phận cơ cực, trôi dạt đến từ nước Trung Hoa xa xôi, sống khổ sở nơi xứ lạ với giấc mơ có cơm ăn, áo mặc (Pì pế hán, Ăn cơm chưa)…
Trong truyện ngắn Nước Tàu muôn thuở, tình cảm của nhà văn Bình Nguyên Lộc dành cho người Hoa thể hiện hết sức chân thành, nồng ấm: “Nước Tàu muôn thuở ơi, đẹp hay xấu, hại hay không, đây không xét đến. Chỉ biết là người đã tô lên một góc Sài Gòn một biệt sắc riêng, làm cho gương mặt của nó thêm một nét ngộ nghĩnh thầm