1 Nguyễn Mạnh Trin h Bình Nguyên Lộc, nhìn từ con người và tác phẩm.
1.4. Sơn Nam – Bình Nguyên Lộc từ góc nhìn so sánh
Viết về thiên nhiên và con người Nam Bộ hồi nửa đầu thế kỷ XX có các nhà văn như Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh…Thế hệ tiếp theo có Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng… Trong số này, có hai người nổi bật là Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc, một người ở miền Tây; một người ở miền Đông. Mỗi khi nhắc đến Bình Nguyên Lộc người ta nhớ đến Sơn Nam, ngược lại, mỗi khi nói đến Sơn Nam, người ta cũng không quên Bình Nguyên Lộc. Cuộc đời, sự nghiệp và khuynh hướng sáng tác của hai nhà văn này tuy không hoàn toàn giống nhau nhưng giữa họ lại có những điểm tương đồng, nhất là về phương diện văn hóa, nghệ thuật. Sơn Nam chuyên viết về miền Tây, Bình Nguyên Lộc viết về miền Đông, khi kết hợp lại, sẽ hợp nên bức tranh xinh đẹp của quê hương, làm sững sờ lẫn thích thú cho những ai còn nặng tình với vùng đất phương Nam này.
Cả hai đều là những tên tuổi lớn trên văn đàn, được nhiều người biết đến; được mọi người nể phục vì tài năng, nhiệt huyết; vì sức sáng tác đa dạng và sung mãn; vì sự cống hiến bền bỉ suốt cuộc đời cầm bút của họ. Họ làm thơ, viết truyện dài, truyện ngắn, biên khảo…Bình Nguyên Lộc có vài chục truyện dài, truyện ngắn thì được cho là đã viết cả hàng ngàn. Sơn Nam không thua kém lắm về phương diện này, với cả trăm truyện ngắn đã xuất bản và đang tiếp tục sưu tầm, chưa biết chắc con số cuối cùng sẽ là bao nhiêu.
Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc hầu như không thành công về truyện dài, đó là hậu quả của việc viết tiểu thuyết in trên các báo hàng ngày, riêng mảng truyện ngắn được xem là thể loại thành công và giá trị nhất của hai ông. Từ thập niên bảy mươi trở đi, sức sáng tác yếu dần, Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc không còn tác phẩm văn chương nào gây tiếng vang nữa và cũng từ đó, cả hai bắt đầu chuyên tâm hơn ở thể loại biên khảo.
Về biên khảo, Sơn Nam thường tập trung vào các đề tài như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội… của quê hương miền Nam, còn Bình Nguyên Lộc lại chú tâm những
công trình qui mô hơn: nguồn gốc dân tộc với những tác phẩm như Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam và Lột trần Việt ngữ .
Hai nhà văn giống nhau đến nỗi, có vài truyện ngắn, nếu không ghi chính xác tên tác giả, ngoại trừ những người có biệt nhãn, thì người đọc thường khó biết được đó là tác phẩm của ai: nếu Sơn Nam có truyện Chiếc ghe ngo, Bình Nguyên Lộc có Đồng đội, đều
tả cảnh đua thuyền náo nhiệt, vui vẻ trên sông; Sơn Nam có Hòn Cổ Tron, Bình Nguyên
Lộc có Rung cây dừa, mô tả cuộc sống đơn độc của một người muốn xa lánh cõi trần tìm
quên trên hoang đảo ngoài khơi vịnh Thái Lan; Sơn Nam có truyện Mùa len trâu diễn tả cảnh tượng hoành tráng của đàn trâu lội trên sông nước, Bình Nguyên Lộc có truyện Ăn trộm bò với hàng ngàn con bò vượt rừng núi Trường Sơn…và rất nhiều đề tài khác nữa,
diễn tả những sinh hoạt nông thôn, hai ông cũng có những sáng tác trùng hợp với nhau. Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc đều hết lòng thương nhớ quê hương và dành phần lớn thời gian của mình cho quê hương qua những tác phẩm văn học, cả hai đều trăn trở và lo lắng về một quê hương sắp biến mất và số phận những người dân quê phải lưu lạc nổi trôi chốn thị thành.
So sánh hai nhà văn, ta nhận thấy rằng tuy mỗi người một cõi, một vùng không gian và những mối bận tâm khác nhau nhưng đều xứng đáng được tôn vinh, bởi hai ông là người có công lớn trong việc dựng lại bức tranh sinh hoạt đồng quê Nam Bộ với đầy đủ sắc thái đa dạng từ phong tục, tập quán, sinh hoạt, cảnh trí cho đến tâm tình của con người trên vùng đất của một thời kỳ có quá nhiều xáo trộn đổi thay, nhất là khi xã hội nông nghiệp lâu đời bắt đầu chuyển qua giai đoạn mới mang đậm dấu ấn của nền văn hoá phương Tây.
Nhìn chung, cuộc đời và tác phẩm của cả hai nhà văn đều gắn bó với Nam Bộ. Riêng về con người miền Nam, cả hai đều thể hiện sự quan tâm đến đời sống và thân phận của những người nông dân nghèo khó. Sinh ra và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, cuộc đời và tâm hồn cả hai đều khắc khoải, ưu tư vì đã chịu đựng nhiều mất mát do chiến tranh gây ra. Cả hai ông đều có thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, đều có tâm trạng buồn và bận tâm đến vận mệnh nước nhà. Hai nhà văn đã trút nỗi lòng mình trên những trang văn viết về vùng quê Nam Bộ thân thương, để hôm nay đọc lại, người
đọc ngỡ như là đang có người dẫn dắt mình vào Viện bảo tàng đồ sộ về văn hoá của miền đất mới phương Nam, thời ông cha ta đi khai hoang mở cõi.
Trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi như hiện nay, đọc lại tác phẩm của hai nhà văn, người đọc sẽ thấm thía xiết bao những nỗi niềm. Người ta sẽ càng hiểu hơn, vào thời đại của họ, khi mọi người chạy theo những trường phái sáng tác mới, thì Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc đã quay lại, tìm về cội nguồn của cha ông.
Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc không những là nhà văn mà đồng thời còn là nhà văn hóa, rất am hiểu văn hóa Nam Bộ. Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc có một điểm gặp gỡ là cùng tìm về cội nguồn văn hoá, cùng dựng lại bức tranh Nam Bộ thời Tổ tiên mở cõi, cùng phản ánh cuộc sống của cư dân nơi vùng đất mới. Trong bài Vài nét về văn xuôi đô thị Miền Nam giai đoạn 1954-1975, Nguyễn Thị Thu Trang đã nhận xét: “Tác phẩm của nhiều nhà văn như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… viết ở thập niên 60, 70 trong lòng đô thị miền Nam vẫn còn được nhiều người yêu thích. Điểm chung nhất và là chỗ dựa vững bền của nó là hướng đến những giá trị văn hoá dân tộc, là bản sắc văn hoá mỗi vùng miền và tình yêu quê hương tha thiết.” [244, tr.67].
Ngày nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tính từ khi tác phẩm đầu tay của họ ra đời, thời gian càng lùi xa thì tác phẩm của họ ngày càng lộ rõ ra hình hài của những cánh cửa dẫn vào viện bảo tàng đồ sộ của văn hoá phong tục miền đất phương Nam, thời cha ông khai hoang mở cõi.Họ là những người nông phu thầm lặng trên cánh đồng chữ nghĩa, đổ mồ hôi để khắc ghi lại những hình ảnh, những tâm tình của cả một thế hệ. Để đến hôm nay, những trang văn ấy vẫn làm ta rung động, xao xuyến, và mai sau, muốn tìm dấu vết của tiền nhân, thì có lẽ không đâu tốt hơn bằng việc đi vào chiêm ngưỡng các tác phẩm của hai ông.
Tiểu kết:
Văn hóa và văn học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong văn hóa có văn học và trong văn học có văn hóa. Việc tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa mở ra một hướng đi mới cho nghiên cứu văn học. Công việc này không chỉ góp phần khẳng định những giá trị của tự thân văn học mà còn đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển của văn hóa dân tộc.
Nam Bộ là một trong những vùng văn hóa quan trọng và có nhiều nét độc đáo của Việt Nam, được chia thành hai tiểu vùng: miền Tây và miền Đông, tuy nhiên, giữa hai tiểu vùng vẫn có những điểm tương đồng cơ bản. Nhiều thế hệ lưu dân Việt đã tới vùng đất mới, trù phú, hoang sơ này tạo dựng nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đặc sắc có sức cuốn hút mãnh liệt.
Với tư cách hai nhà văn lớn của văn học Nam Bộ ở thế kỷ XX, Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc đã gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của họ với văn hóa Nam Bộ, đặc biệt là công cuộc khẩn hoang của những lưu dân Việt. Nhà văn Sơn Nam quê ở Rạch Giá, chuyên viết về miền Tây Nam Bộ. Truyện ngắn của Sơn Nam là một kho lưu trữ văn hóa Nam Bộ rất phong phú, ông được mệnh danh là “nhà Nam Bộ học”. Nhà văn Bình Nguyên Lộc sinh ra ở Biên Hòa, hiểu biết sâu rộng và viết nhiều về văn hóa miền Đông Nam Bộ. Truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc thường quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thông qua những thăng trầm của chiến tranh, những biến đổi của quá trình đô thị hóa. Dù cá tính sáng tạo khác nhau nhưng hai nhà văn mang những đặc điểm chung của người Nam Bộ trong lối sống và trong cách viết. Tiếp cận tác phẩm của Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc từ góc độ văn hóa, ta sẽ thấy được giá trị trường tồn của tác phẩm và thêm yêu mảnh đất phương Nam của Tổ quốc.
CHƯƠNG 2