1 Nguyễn Mạnh Trin h Bình Nguyên Lộc, nhìn từ con người và tác phẩm.
2.1. Miền đất mới Nam Bộ vừa hoang sơ, đầy thách thức vừa phong nhiêu, đầy hứa hẹn trong truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc
đầy hứa hẹn trong truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc
2.1.1. Bình Nguyên Lộc với miền Đông Nam Bộ, nơi những lưu dân đầu tiên dừng bước
Trong hành trình tiến về phương Nam, lưu dân Việt đã đặt những bước chân đầu tiên lên vùng đất Đồng Nai. Trước mặt họ là vùng đồng bằng mênh mông, bát ngát chạy đến tận chân trời. Sau lưng họ là đoạn cuối cùng của dãy Trường Sơn, chỉ còn một vài hòn núi nhỏ lạc sang vùng đất mới. Bình Nguyên Lộc đã khắc họa sinh động khung cảnh Đồng Nai như sau:“…những hòn núi rời, tách ra khỏi khối Trường Sơn đi lang thang về phía Nam, chỉ tới mạn bắc tỉnh Biên Hoà là dừng chơn lại. Cái anh chàng đi xa hơn hết là núi Chứa Chan đứng sừng sững đằng xa kia, xanh mờ trên nền trời lam lợt.” [ 434, tr. 952].
Vào những năm đầu thế kỉ XVII, người Việt bắt đầu khai phá đất miền Đông. Quang cảnh xứ Đồng Nai thuở ấy rất hoang vu. Có núi nhưng núi không cao, có sông nhưng sông chẳng rộng, có đồng nhưng lại đầy cỏ lác: “Qua khỏi rừng thì một cánh đồng minh mông trải ra tới tận chơn trời, và nơi đó, cánh đồng được viền bằng một khu rừng chồi; sau rừng chồi là làng mạc rồi đến con sông Đồng Nai. Cánh đồng không
mông quạnh này gồm một phần ruộng rừng của dân làng, ngoài xa kia, và phần lớn là đồng đế và lau lách.” [434, tr.951].
Ở miền Đông Nam Bộ, kênh rạch không nhiều, ở một số nơi, đất đai cằn cỗi, khô khan, đời sống của những người ở ven rừng, cố bám rừng để khai khẩn là mảng đề tài mà Bình Nguyên Lộc khai thác khá nhiều trong các tác phẩm của ông. Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc thường nói đến cuộc sống cực khổ của những người dân nơi đây: “Cánh
đồng không mông quạnh này gồm một phần ruộng rừng của dân làng, ngoài xa kia, và phần lớn là đồng đế và lau lách. Ruộng rừng vì đất khô quá, và vì nai phá lúa, canh gác không xuể nên thường bị bỏ hoang, thành ra cả cánh đồng là một biển lau sậy bằng phẳng và buồn hiu.” [434, tr.951].
Một bức tranh khác của đất miền Đông trong văn chương Bình Nguyên Lộc là cảnh rừng già ở đầu nguồn sông Đồng Nai. Vùng này dành cho những cư dân đến sau. Thế hệ con cháu họ, hay những người đến sau phải tiến lên vùng truông gò… Hết đoàn người này đến đoàn người khác, họ lấn sâu vào rừng, xa dần với con nước lớn và chấp nhận cuộc sống gian khổ, thiếu thốn trăm bề: “Đó là một làng khô cằn, một mặt nằm ven sông Đồng Nai, nhưng phần lớn đất đai lại ăn sâu vào phía trong rừng, từđầu thôn ở bờ sông vô đến cuối thôn ở trong rừng, xa đến mười mấy cây số.” [434, tr.1011].
Càng xa sông suối, càng tiến vào rừng sâu, việc khai hoang của những lưu dân vô cùng khó khăn và đầy hiểm nguy vì thú dữ. Họ vừa phải lo chống các loài thú phá hại mùa màng, vừa phải đề phòng những loài thú hung dữ như cọp, rắn…
Không nhận được sự hỗ trợ nào của chính quyền, bà con lối xóm thì ai cũng nghèo khó nên mỗi người phải tự lo liệu cho minh theo lối sống tự cung tự cấp. Trong hoàn cảnh ấy, đời sống của họ không khác chi cuộc sống hoang sơ, phần lớn sống nhờ vào những thứ có sẵn trong thiên nhiên: “Dân làng sống nhờ nghề săn bắn y như thời thượng cổ, với lại làm thợ rừng cho ông Hương cảở xóm Trường nói trên.” [414:14].
Dù vậy nhưng con người ở đây không bao giờ chết đói. Dưới đất là khoai củ, trên cành là rau đọt, chỉ việc đào, hái mà ăn. Sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho miền Đông còn có nguồn động vật hoang dã như: thỏ, sóc, cheo, nhím, chồn, khỉ, trăn, heo rừng và nai chạy nhảy khắp nơi: “Ruộng rừng bị nai và heo rừng phá lúa dữ quá, canh gác
không xuể, chỉđành đánh bẫy chúng đểăn thịt trừ cơm, nhưng ăn bao nhiêu cũng không hết thú rừng.” [434, tr.653].
Rừng Đồng Nai có rất nhiều loại thú: “Một rồi hai, rồi ba con nai con đâu trên mé rừng chạy a xuống nước. Gần tới nơi, chúng dừng lại; bứt vài cọng cỏ, nhìn lại rừng kêu the thé rồi thủng thỉnh xuống ao. Đàn nai lớn đi dần theo, dè dặt, nghe ngóng từng mỗi bước, nghe ngại đến tiếng trở mình của lá chết, đến đám cỏ xám hiền lành.” [433, tr.355].
Trên mảnh đất này, thiên nhiên dường như là kho dự trữ thức ăn hào phóng và vô tận: “Bà Sáu đi xúc cá ở các vũng khô trên rừng… sau khi đặt rổ cá xuống nền đất, những con cá nhỏ bằng ngón tay cái mà mẹ chúng nó lên rừng, sanh ra hôm mùa mưa, lúc nước đổ, dâng lên ngập đồng bằng và cả rừng cao nữa, rồi về quê cũ là sông rạch, chúng nó vì lẽ gì không rõ, không theo cha mẹ kịp, nên kẹt ở lại các ao, vũng trong rừng.” [433, tr.21].
Dù miền Đông không phì nhiêu và sản vật cũng không phong phú như ở miền Tây, nhưng cũng không đến nỗi quá khô cằn và khắc nghiệt như các tỉnh ven biển miền Trung: “Mỗi mùa, một nông dân trong một làng quê hứng cá cả thúng giạ cá lạc mạ, tức là hằng mấy trăm ngàn con. Họ kho với muối và mỡ, để dành ăn hơn chín mươi ngày.”
[434, tr.1010].
Sống trong thế giới còn hoang dã ấy, con người chỉ biết gắn liền với đất, cuống rún chưa lìa khỏi đất. Bên cạnh đất còn có nước, gió, mưa, hươu nai, cây cỏ… mà có thể
coi đó là những đối tượng thân thích, bè bạn với con người. Con người bị gió hành hạ, có khả năng nghe được nỗi đau của vạn vật, phân biệt giữa tiếng gió và tiếng lá: “Ở vườn, ở rừng, trời gió, người ta chỉ nghe tiếng cây, tiếng lá, rồi ngỡ là nhờ cây lá, gió mới kêu. Ở đây mới rõ thật là gió có tiếng riêng của nó, không nhờ gì hết. Nắng càng xuống, gió càng lên và tiếng gió vù vù càng nổi dậy.” [433, tr.91].
Trước khi lưu dân người Việt từ miền ngoài đến đây khai phá, phần lớn vùng đất miền Đông Nam Bộ còn bao phủ trong thảm rừng già mênh mông, khí hậu ẩm thấp, sơn lam chướng khí, luôn gây nhiều bệnh tật và sẵn sàng cướp đi mạng sống của con người. Bên cạnh đó còn có các loài côn trùng độc hại khác như muỗi mòng, đỉa, vắt. Ở đây, có câu ca dao đến nay còn lưu truyền đã phản ánh tình trạng trên:
Miền Đông đi dễ khó về, Trai đi mất xác gái về bụng to.
Bệnh sốt rét ngã nước (sốt rét rừng), do muỗi gây nên, một thứ bệnh hết sức nguy hiểm đến tính mạng mà người dân ở đây thường mắc phải: “Đáng lý gì năm gia đình này gồm ít lắm là bốn mươi người, vậy mà số nhân khẩu ởđây không bao giờ vượt lên khỏi hai mươi. Khí hậu bất bao dong ởđây, nhứt là bịnh sốt rét rừng, cộng với nghèo đói, tàn phá sức khoẻ người dân nên đường tử tức của đàn bà bị giảm, mà họ có đẻđi nữa, con cái của họ cũng yểu tử vì hoàn cảnh, vì thọ khí bẩm không tốt của cha mẹ chúng.” [400, tr.11]. Ở Nam Bộ, muỗi là một tai hoạ lớn mà con người phải chịu đựng:“Muỗi ởđây, tuy không đông như muỗi Cà Mau, Đồng Tháp chớ tay ông vẫn đụng chúng nó, mỗi lần ông hươi tay trước mặt.” [64, tr.19].
Bên cạnh muỗi, mòng, vắt ở trên cạn, còn có đỉa ở dưới nước. Khổ nỗi, muốn làm ruộng thì người nông dân phải xuống nước, mà nước chính là giang sơn của đỉa - một loại ký sinh chuyên hút máu. Suốt mấy trăm năm khẩn hoang, người nông dân Nam Bộ không tìm ra được cách nào để đối phó hữu hiệu với loài côn trùng ác hại ấy, đành đem thân ra mà chịu đựng, đỉa vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng trong cuộc sống của người nông dân.
Có lẽ do tập quán đem theo từ miền Bắc, miền Trung vào, nên người dân nơi đây thường cất những ngôi nhà nhỏ, thấp và chắc chắn để phòng chống giông bão. Sống trên nền đất, họ chấp nhận sự ẩm ướt, ngập lụt và dễ dàng làm mồi cho các loài vật có khá nhiều dưới đất như rắn, rít, bò cạp, nhện… Trong các loài thuộc họ bò sát, thì rắn là loài đứng đầu về mối đe doạ mạng sống con người.
Trong truyện Vụ án giết chồng, một chàng trai bị rắn roi mây, một loài rắn nhỏ
nhưng rất độc, thường sống trong những ống tre, cắn chết ngay trong đêm tân hôn, do anh đã vô tình dùng tre để đóng giường cưới cho mình.
Những tai hoạ trên là của vùng rừng núi, ruộng đồng, còn với dân miệt vườn thì dơi và chim là hai kẻ thù đáng kể, nhất là chim, tuy không làm chết người nhưng cũng gây ra không ít khó khăn cho người dân nơi đây. Lúc ban đầu, bầy chim có tiếng hót líu lo ngỡ như rất hiền lành ấy nhưng lại tập trung tàn phá nguồn lương thực ít ỏi, gây ra hậu quả nặng nề: “Mùa thường, ai cũng có lúa, chim nó chia đều ra mà phá hại mùa màng
thì mỗi mẫu ruộng chỉ bị hao chút đỉnh thôi, còn trong mùa thứ nhì rồi, trọn vùng mấy ngàn mẫu ruộng mà chỉ có năm mẫu của tao gánh đủ tất cả sức tàn phá thì thử coi còn gì.” [390, tr.8].
Nói về tác hại của các loài vật trong thiên nhiên, đáng sợ nhất chính là những loài thú hoang dã luôn rình rập tranh giành miếng ăn của con người. Biết bao nhiêu lần con người phải cất lên tiếng than não nuột: “Mà sáu tháng ấy lại không có ăn mới chết chứ, bởi ruộng rừng, hễ lúa vừa chín tới là công, nai, heo rừng mở chiến dịch phá hoại, không làm sao canh giữ cho xuể, cuối mùa thứ ruộng gò lúa lép này không còn cho nông dân trong làng mấy hột nữa.” [396, tr.8].
Chẳng những tranh miếng ăn, nhiều loài thú lại còn muốn ăn luôn cả con người, nhất là khi công cuộc khẩn hoang ngày càng thu hẹp môi trường sinh sống của chúng:
“Nè, hễ mình lấn rừng thì cọp nó ghét, nó rình để móc họng mình mà trả thù việc phá chỗăn chỗở của nó. Ai đốn cây cứđốn, ai đánh gốc cứđánh, mà hễ nghe cái mùi khen khét thì…” [433, tr.118].
Nếu ở miền Tây Nam Bộ, cá sấu là hung thần, thì ở miền Đông, cọp còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần: “Cọp rừng miền Đông là tai hoạ lớn, ấy thế mà đồng bào ta vẫn định cư. Theo con số sơ lược, khi Pháp đến, vùng Hóc Môn cứ vài tuần ghi 4 người bị cọp vồ, vùng Cầu An Hạ trong 3 tháng 12 người, vùng Thủ Dầu Một, trong vài tháng, báo cáo 8 người chết. Và hàng ngày, luôn luôn nghe chuyện cọp về xóm, về chợđể gây rối.” [283, tr. 65].
Miền Đông có nhiều rừng rậm và đây là môi trường sống thích hợp của cọp - chúa sơn lâm - như dân gian vẫn gọi một cách đầy khiếp sợ. Trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc, mối họa từ cọp được nhà văn phản ánh khá nhiều: “Cha anh ta ngày xưa đi rừng rồi mất tích luôn, bị cọp tha hay sa xuống hố không rõ” [ 433, tr.1032].
Không giống như ở miền Tây, vùng nê địa nhưng phì nhiêu màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp, việc lấn đất khai hoang, phá rừng ở miền Đông gặp phải trở ngại lớn bởi việc phá rừng đòi hỏi rất nhiều công lao khó nhọc mà đất đại lại thường khô cằn quá. Ở đây đất cũ không đãi người mới, đói kém luôn là mối đe doạ triền miên: “Đất làng là đất gò, mà lại là gò trọc, không cây cối để giữ phân lại, bao nhiêu lớp đất tốt trên mặt đều trôi
xuống làng phì nhiêu dưới kia. Dân làng vẫn làm ruộng, nhưng năm nào mưa hơi ít một chút là đói, còn mất mùa là sự kiện thường xuyên xảy ra ởđây từ cố lỉ cố lai nào ấy”
[434, tr. 693].
Đời sống những người lưu dân vô cùng cơ cực, lại gặp nhiều hiểm nguy, bất trắc, nào phải đương đầu với bệnh tật hiểm nghèo,vừa phải chống chọi với thú dữ… Ngần ấy thứ làm cho thân xác của họ bị teo tóp lại, cằn cỗi như cây cối xơ rơ trong những mùa nắng cháy : “Tuổi tác của hai vợ chồng đồng nhau, và cộng lại chỉ già trăm năm thôi. Thế mà họ gọi nhau bằng ông, bằng bà và quả họ già thật. Lao lực nhiều và sợ hãi thái quá làm cho họ già trước tuổi đi.” [395, tr. 26].
Một trong những đặc trưng về địa lí của đất miền Đông, như một sự bù đắp của thiên nhiên, là sự có mặt của đất đỏ bazan, một loại đất thích hợp với nhiều loại cây đặc sản như tiêu, điều, cao su, trà… Người Pháp mang cây cao su sang trồng ở nước ta, việc lập đồn điền cần nhiều vốn liếng và kỹ thuật, thế nên ngày trước việc trồng và khai thác cây cao su là ngành độc quyền của họ. Ngoài những khu rừng tự nhiên ở khắp nơi, những vườn cao su cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp hoang dã cho bức tranh miền Đông: “Hàng trăm cây cao su mới trồng độ hai tháng, đang phơi những lá úa vàng hoe dưới nắng trưa”[433, tr.469]. Truyện ngắn Tre phải tàn của Bình Nguyên Lộc miêu tả một
không gian rất điển hình của miền Đông Nam Bộ: “Rừng cao su dày mịt hai bên đường đuổi cả nắng ởđây không còn sót giọt nào” [433, tr.503].
Như vậy, mảnh đất miền Đông đã thấm đẫm bao nhiêu xương máu và nước mắt của những người đi mở cõi. Các thế hệ con cháu hôm nay yêu quí vô cùng những thành quả mà cha ông đã để lại. Họ bám đất giữ làng, dù phải chấp nhận cuộc sống lầm than, kiên quyết không chịu rời bỏ đất đai của tổ tiên để lại, bởi trong phần đất đó, có mồ hôi và máu xương của cha ông họ trong những ngày đầu khai vỡ đất hoang.
Miền Đông Nam Bộ, nơi Bình Nguyên Lộc đã sinh ra, lớn lên và làm việc gần cả cuộc đời, đã được nhà văn tái hiện bằng một tình yêu sâu đậm, thiết tha. Đọc tác phẩm của ông, chúng ta biết thêm được khá nhiều điều về sinh hoạt thôn quê, những tâm tình, số phận của biết bao người. Tất cả những điều ấy, hiện lên trên trang văn với cảnh đồng nội quê mùa, giản dị nhưng đẹp và sâu lắng biết bao cảm xúc, nghĩa tình.
Qua tác phẩm của mình, Bình Nguyên Lộc dẫn dắt người đọc về miền đất Đồng Nai, đến tận những nơi xa xôi, heo hút ven rừng, đất đai cằn cỗi, ở đó có những con người nghèo khổ, ốm yếu, da bủng beo. Vùng đất ấy còn hoang sơ, con người sinh sống nơi ấy thường là những người nghèo khổ, phải lưu lạc, tha hương, bám đất để mưu sinh với nhiều nỗi nhọc nhằn gian khó.
Thiên nhiên và con người ở miền Đông Nam Bộ gợi ta nhớ đến thuở xa xưa, khi những người Việt đầu tiên rời bỏ quê hương đến đây khai khẩn vùng đất mới. Bức tranh đồng quê của ông không phải là bức tranh thủy mặc hữu tình, càng không phải là bức tranh lụa mềm mại nên thơ. Vậy mà, lạ thay, thiên nhiên ấy lại khắc sâu trong lòng những lưu dân một tình cảm nồng nàn, mãnh liệt, để mỗi khi đi xa thì nhớ mãi khôn nguôi. Tình thương nhớ xóm làng, nhớ bà con láng giềng của những con người xa xứ đã kết tinh lại thành một thứ tình cảm thiêng liêng, cao cả, được Bình Nguyên Lộc tái hiện lại trên những trang văn của ông.
Bức tranh thiên nhiên ấy đã bện chặt tâm hồn những con người đã xem nơi đây là nơi chôn nhau cắt rún, vì thiên nhiên ấy cũng có một tâm hồn. Hồn đất, hồn cỏ cây, hồn của những ngôi nhà cũ, ngôi mả cũ, của mùi lửa rơm, của những dòng suối trong veo…Chính cái tâm hồn ấy, cái tình ấy đã tạo nên sự lưu luyến giữa người và cảnh và tìm được sự đồng cảm giữa người viết và người đọc.
2.1.2. Sơn Nam với miền Tây Nam Bộ, miền đất xa xôi cuối cùng của đất nước