Người kể chuyện ngôi thứ ba và khả năng chiếm lĩnh hiện thực

Một phần của tài liệu quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Kín của Nguyễn Đình Tú (Trang 35 - 39)

KÍN CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ 3.1 Trần thuật đa chủ thể

3.1.1. Người kể chuyện ngôi thứ ba và khả năng chiếm lĩnh hiện thực

Người kể chuyện tồn tại ngay từ khi có văn học, nghĩa là có tác phẩm phải có người kể chuyện. Thuật ngữ người kể chuyện có từ năm 1490, tuy nhiên lí luận về nó thì phải đến thể kỉ 20 mới phát triển cùng với sự phát triển của trần thuật học. Lí thuyết tự sự học hiện đại đã xác nhận người trần thuật là một trong những vấn đề trung tâm của tự sự học.

Từ điển bách khoa tiếng Pháp cho rằng: “trong một truyện kể hư cấu người kể chuyện chính là người kể lại câu chuyện. Anh ta có thể hóa thân vào một nhân vật (truyện kể ở ngôi thứ nhất) hay là một người ở ngoài kể lại câu chuyện đó (kể ở ngôi thứ 3)”. Theo Todorov thì “người kể chuyện có khả năng thống ngự trong cấu trúc truyện kể, người kể chuyện mang chức năng không chỉ kể mà còn định giá đánh giá”. Còn Genette thì đưa ra định nghĩa: “người kể chuyện là người hiện thực hóa toàn bộ câu chuyện”. Người kể chuyện ngôi 3 là người kể chuyện không tham dự vào câu chuyện, câu chuyện được kể lại bởi một người không phải là một nhân vật trong truyện. Người trần thuật nằm ngoài biến cố, sự kiện mà nó được kể lại. Tác phẩm có người kể chuyện di sự thường là giấu mặt, không công khai, người đứng sau nhân vật, sau mọi biến cố sự kiện để bài trí, tổ chức sắp xếp câu chuyện. Người kể chuyện mang tính chất toàn tri biết tuốt.

Sẽ không có câu chuyện nếu không có người kể chuyện, nhờ người kể chuyện mà ta nắm bắt được toàn bộ nội dung truyện. Kín được kể dưới nhiều hình thức nhưng khi bắt đầu vào đọc tác phẩm thì ta bắt đầu nhận ra là hình thức trần thuật ngôi 3, người kể chuyện theo sát bước đi của Quỳnh trong tác phẩm, người kể chuyện tuy đứng ngoài câu chuyện nhưng nắm rõ từng biến cố sự kiện. Thế giới bên ngoài được người trần thuật sử dụng để làm điểm tựa đứng bên ngoài để xem xét đánh giá mọi sự việc. Trong tiểu thuyết, sự ra đi của Quỳnh là tìm về một nơi nào đó mà ngay đến người trần thuật ngôi 3 cũng không thể nắm rõ được nội tâm nhân vật, có thể bị hạn chế tầm nhìn,

Quỳnh muốn tìm lại “nó có thể là tất cả những gì của ba năm Quỳnh lạc mẹ. Hoặc có thể hơn thế, một thập niên thăm thẳm mờ nhòe trước đó. Nó cụ thể nhưng rất vô hình…một mơ hồ thức dậy trong cơ thể, một khát khao tìm mẹ” [43;6]

Nhưng bằng sự hiểu biết phong phú của mình, người kể chuyện trong Kín đã kể lại câu chuyện với rất nhiều sự kiện, chi tiết với một bức tranh cuộc sống của Quỳnh, với những gì Quỳnh có và những gì Quỳnh sẽ làm. Trong đó người kể chuyện tập trung vào hai vấn đề: đó là sự ra đi của Quỳnh và tình cờ gặp lại Hoàn (đứa trẻ bụi đời ở ga Hải Thành). Chính sự thu gọn đề tài như vậy của người kể chuyện giúp cho độc giả dễ dõi theo câu chuyện hơn. Cuộc đời của Quỳnh có quá nhiều bước ngoặt với những dằn vặt suy tư trăn trở trong nội tâm bởi một quãng kí ức xưa cứ làm Quỳnh khắc khoải tìm kiếm “không tìm được đồng nghĩa Quỳnh sẽ chết trong hành trình oan ức vô vọng của mình” [43;6], Quỳnh muốn ra đi nhưng lúc này đầu óc Quỳnh trỗng rỗng không biết sẽ đi dâu về đâu, Quỳnh chán ngấy cuộc sống hiện tại cứ ba buổi chiều đều đặn đến lớp học ngoại ngữ, thế rồi “ Quỳnh bần thần trước cổng trung tâm ngoại ngữ một lúc rồi gọi taxi ra nghĩa địa” [43;9].

Như vậy, người kể chuyện còn mang chức năng bao quát, lựa chọn, xử lí câu chuyện bằng cách xây dựng, dẫn dắt các tình huống, chi tiết, xử lí cốt truyện, hư cấu, sáng tạo các chi tiết. Các sự kiện biến cố trong câu chuyện được nhà văn phản ánh rõ ràng, đã khoát lên người kể chuyện ý đồ tư tưởng của mình. Hay nói cách khác, nhà văn đã thổi hồn vào trang sách khiến cho nhân vật trở nên sinh động.

Người kể chuyện là một sản phẩm sáng tạo của nhà văn để kể câu chuyện. Như vậy ngoài hai chức năng cơ bản mà bất kì câu chuyện nào dù muốn dù không đều không thể thiếu là chức năng kể chuyện và chức năng sắp xếp các chi tiết, xủ lí các tình huống thì người kể chuyện ngôi thứ 3 còn mang chức năng lí giải, chiêm nghiệm. Lúc này người kể chuyện chính là tác giả hàm ẩn bộc lộ những nhận định đánh giá của mình về các vấn đề trong câu chuyện. Đối với Quỳnh thành phố nơi Quỳnh ở là thành phố trung tâm của cả nước nhưng sao lúc nào Quỳnh cũng thấy xa lạ và tạm bợ, đây không phải là nơi Quỳnh sinh ra mà “nó chỉ là nơi dung chứa những chán nản thừa mứa ở phấn sau cái tuổi đời ít ỏi nhưng nhiều chấn động của cô mà thôi” [43;11]. Tác giả hàm ẩn đã bộc lộ cách cảm cách suy nghĩ của mình trước cái xã hội mà nó đối với Quỳnh thì thật là vô vị. Chính điều này dẫn tới bước đường đi của Quỳnh, nó nằm trong sự kiếm tìm đầy ẩn ức của Quỳnh.

Người kể chuyện trong Kín là người kể chuyện dị sự hạn định, ở đây người kể chuyện dùng hình thức trần thuật ngôi 3 giấu mặt nhưng không đóng vai trò thượng đế. Người kể chuyện bị hạn chế tầm nhìn, lúc này chỗ đứng của người kể chuyện ngang bằng, quy chiếu sự hiểu biết của người trần thuật. Người kể chuyện đứng ngoài quan sát mọi biến chuyển của Quỳnh nhưng với một tầm nhìn vừa phải, có lúc người kể chuyện còn không nắm rõ được nhân vật sẽ làm gì. Quỳnh lên xe đi đến Hải Thành nhưng không ai có thể ngờ rằng chính trong khi xe bi tắt máy thì Quỳnh xuống xe men theo lối đi bộ, Quỳnh nghĩ trong đầu “ thông thường người ta đi từ Hà Thành đến Hải Thành mất 5 tiếng đồng hồ, lần này Quỳnh thử đi mất 5 ngày thì đã sao?”[43;45], chính người kể chuyện cũng không xác định được diễn tiến tâm lí của Quỳnh, sẽ làm gì ở đây và có đi tiếp hay không?.

Điểm nhìn của người trần thuật vừa bên ngoài vừa bên trong, nhân vật có tâm lí tính cách và chiều sâu tâm hồn. Bằng cái nhìn ấy thì nhân vật ý thức được bi kịch cuộc đời họ, nhờ kiểu người kể chuyện này mà tác giả có thể đi sâu phân tích tâm lí của Quỳnh sau cái trò lên đồng vào ngày sinh nhật: “Nó khiến người ta trôi vào hết cảm giác này đến cảm giác khác với những khoái thú điên rồ để bây giờ rã rời thân xác, bải hoải tinh thần”. Tâm lí của Quỳnh được người kể chuyện dụng công miêu tả và chứng thực, người kể chuyện ngôi 3 dùng tầm nhìn của mình nhằm cung cấp toàn bộ thông tin về nhân vật, với chức năng chứng thực mọi điều mà mình kể, tác giả hàm ẩn len lỏi vào bên trong tâm lí của nhân vật, có cái nhìn đánh giá về Bụi đời chúa đó là một con người can trường trước sóng gió cuộc đời, nhìn vẻ bề ngoài có vẻ dữ tợn nhưng khi cười thì rất hiền lành, luôn đem đến cho người đối diện sự tin cậy. Không chỉ có chức năng chứng thực sự kiện mà tác giả còn bộc lộ tư tưởng của mình vào nhân vật chính qua lời độc thoại của Quỳnh, khi được bố cho đi du học Malaysia, tất cả kì vọng của bố đều đặt vào cho Quỳnh, muốn Quỳnh sang bên ấy học hành tốt nhưng có lẽ người kể chuyện đứng ngang bằng với nhân vật cho nên người kể chuyện đã phát ngôn “trông đợi gì ở mấy đứa con có mầm mống hư hỏng từ rất sớm này”.

Điểm nhìn người kể chuyện hướng vào nội tâm nhân vật, lần theo tính cách của Quỳnh, các hành động sự kiện bộc lộ qua việc miêu tả tâm lí nhân vật nhiều hơn là kể lại sự kiện. Đối với Quỳnh là mỗi người đàn ông đứng bên Quỳnh đều có mùi vị khác nhau, Quỳnh không thích mùi xà phòng bởi theo Quỳnh thì đó là thứ mùi dùng để tẩy rửa. Quỳnh muốn tìm lại cái mùi con trai từ thầy dạy anh văn nhưng càng về sau thì

Quỳnh không còn thấy hứng thú với cái mùi đó nữa, cái mà Quỳnh cần tìm là “thứ mùi thuần khiết Quỳnh đã nếm rất cẩn thận và kĩ lưỡng. Mùi ấy không phát ra trước tuổi 14 lại cũng không giữ được sau khi đã ngửi với quá nhiều đàn bà” [43;167]. Khi gặp Bụi đời chúa nhiều lúc Quỳnh cứ có cảm giác mình tìm lại được cái mùi năm xưa “mùi ấy chỉ có trong những góc khuất tối tăm xung quanh là những tấm sắt bao bọc và ngoài kia thì rác rưởi đang oải mục. Mùi ấy chỉ toát ra trong cảnh bụi đời lăn lóc tranh ăn, trong môi trường thú hoang dậy lên bật thức những bản năng thuần túy… mùi ấy mù lòa vô hướng”[43;167,168]. Người kể chuyện theo sát nội tâm nhân vật để thấy được nhân vật cần gì, muốn gì. Quỳnh là cô gái 20 tuổi sống giữa đất Hà Thành nhộn nhịp nhưng sao trong khoảng trời riêng của Quỳnh là một chuỗi những tháng ngày cô đơn, Quỳnh mải miết tìm kiếm lại kí ức với những ẩn ức không thể thoát ra.

Chính sự cô đơn đến tận cùng đã đẩy Quỳnh tới dục vọng ham muốn bản năng, người kể chuyện đồng thời là tác giả có cái nhìn về Quỳnh “chả biết từ bao giờ Quỳnh hay có thói quen đánh giá phân biệt nhìn nhận các cuộc làm tình bằng mùi? Đấy có phải là một lạc thú quái đản không?, câu hỏi không có câu trả lời này chính là điều mà tác giả đã bộc lộ tư tưởng của mình. Quá khứ dần dần hiện về khi Quỳnh tới Hải Thành “một sân ga rộng lớn với hàng chục đường tàu như những vết lươn trườn trên bùn, lúc song song, lúc đan chéo với vài ba đoàn tàu đang nằm chờ khởi hành gợi lên trong Quỳnh một cảm giác rất lạ”[43;245]. Sau một hồi nhìn ngắm Quỳnh nhận ra “ nhà ga không còn là cái đầu của một con bạch tuột gớm ghiếc như ngày nào với mỗi đường ray là một cổ họng chứa rất nhiều đờm dãi của muôn ngàn kí sinh trùng trên đó”[43;247], những con kí sinh trùng năm xưa đó bây giờ mỗi đứa đã có một cuộc đời khác, mỗi đứa trẻ năm xưa bây giờ đi một con đường riêng, người kể chuyện đứng ngang với nhân vật để nhìn ra cái nhà ga :“ Nếu nhà ga như một sinh thể hữu hình thì những mụn nhọt chỉ còn rơi rớt ngoài da, cơ bản bên trong đã được kháng sinh liều cao làm sạch các loại khuẩn rồi. Sinh thể ấy giờ khỏe khoắn lành mạnh hơn trước rất nhiều”[43;247].

Với người kể chuyện ngôi 3 thì sự kiện được đưa lên hàng đầu và nhà văn cố xóa nhòa đi dấu vết của tự thuật. Tuy nhiên nhiều lúc tác phẩm có sự di chuyển của ngôi kể, ban đầu là người kể chuyện dị sự hạn định, người kể chuyện ngôi 3 men theo kí ức nhân vật để kể nhưng có lúc thì câu chuyện được kể bởi nhân vật chính “Em cũng không biết. Em định về Hải Thành để tìm lại bạn bè cũ, nhưng không hiểu sao về đến

đây em lại chẳng muốn gặp ai cả” “kệ bố em. Ông ấy nợ nần với đời thứ gì thì phải trả cho đời thứ ấy. Nếu đời nợ ông ấy thì ông ấy sẽ biết cách đòi về. Giải quyết ân oán đi cho cuộc sống dễ thở hơn”[43;352]. Có lúc người kể chuyện bỏ ngỏ ở phần cuối tác phẩm, người kể chuyện đã bỏ ngỏ khi giải quyết số phận cuộc đời nhân vật khiến cho người đọc có thể “đồng sáng tạo” cùng tác giả. “Cô vung tay về phía trước biển. Chiếc thẻ ATM lượn một đường vòng cung nhỏ xíu xa dần rồi như một chiếc lá rụng rớt nhẹ xuống mặt biển”. Rồi Quỳnh quay lại và nói với anh chàng KFC “đã đến lúc tôi phải đi tiếp rồi!”. Chính cái kết thúc để ngỏ, không như các câu chuyện truyền thống đi đến tận cùng cuộc đời nhân vật, xem họ đang làm gì, tương lai ra sao, Kín của Nguyễn Đình Tú, người kể chuyện đã cố tình “mờ hóa” số phận của các nhân vật.

Như vậy, với người kể chuyện dị sự hạn định Nguyễn Đình Tú đã rất thành công khi xây dựng nhân vật mình. Bên cạnh người kể chuyện dị sự hạn định thì trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú còn có người kể chuyện đồng sự xưng tôi tự thuật và người kể chuyện đồng sự xưng tôi chứng kiến. Điều này giúp cho việc làm mới quan niệm nghệ thuật về con người hiện lên đa chiều kích hơn.

Một phần của tài liệu quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Kín của Nguyễn Đình Tú (Trang 35 - 39)