Kết cấu phân mảnh, lắp ghép

Một phần của tài liệu quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Kín của Nguyễn Đình Tú (Trang 51 - 54)

KÍN CỦA NGUYỄN ĐÌNH TÚ 3.1 Trần thuật đa chủ thể

3.3.1. Kết cấu phân mảnh, lắp ghép

Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú phá vỡ lối cấu trúc truyền thống, sử dụng cấu trúc phân mảnh. Đây là kiểu kết cấu không chú trọng trình tự sự kiện, không tuân theo diễn tiến thời gian, không tuân theo logic thường gặp mà là một loại kết cấu lắp ghép, một trò chơi kết cấu. Cấu trúc của Kín chính là cấu trúc của những mảnh văn bản chứa đựng những mảnh vỡ đời sống vô cùng phức tạp và đa dạng. Với những mảnh vỡ văn bản này, nhà văn thể hiện một trạng thái nhân sinh rã rời của quan hệ con người với con người. Quan hệ giữa những con người trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú dường như là mảnh vỡ, là chắp nối, là những phiến đoạn chia cắt cuộc đời, những mảnh ghép cuộc đời không hoàn hảo, thiếu sự kết dính và rời rạc tồn tại bên cạnh nhau như một trò đùa số phận tạo nên sự lệch pha ghê gớm, giữa những con người trong Kín, giữa họ có sự kết dính bền chặt, nhưng mỗi một thực thể họ là một mảnh vỡ cô đơn.

Vào ngày sinh nhật Quỳnh, trong khi các bạn bè của Quỳnh tề tựu đông vui để cùng nhau “lên đồng”, nhưng Quỳnh lại không tìm thấy niệm vui trong đêm sinh nhật của lứa tuổi 20, và Quỳnh ra đi, Quỳnh phải ra đi bởi trong trái tim Quỳnh giờ đã vỡ vụn, không còn cảm giác của tình yêu: “con cần phải xa bố, xa căn biệt thự có những khóm lam tường đẹp đến nao lòng, xa tất cả những gì hiện hữu quanh con. Con đau, tất cả đang đánh đập con, chà xát con, dẫm đạp con. Con sợ, con hãi. Con kinh khiếp. Con đang chết…”[43;14].

Quỳnh càng lao vào tình dục, vào những cuộc ăn chơi thác loạn thì Quỳnh lại càng nhận ra mình cô đơn, cô đơn trong cái không gian cuộc sống và xã hội xô bồ. Có lẽ những ám ảnh khủng khiếp của những năm tháng ở Hải Thành đã in hằn lên cuộc đời Quỳnh. Rõ ràng, sự thiếu thốn về tinh thần của Quỳnh không thể lấy dục vọng thể xác bù đắp được, qua những cuộc tình với Tráng, Phong, với thầy dạy Anh văn. Ai cũng mang đến niềm đam mê hứng khởi cho Quỳnh sau mỗi đêm hoan lạc, nhưng càng lao vào giằng xé thể xác thì Quỳnh càng nhận ra nỗi đau tinh thần quá lớn. Có thể ngay cả những con người gần kề nhất cũng không thể “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn

thấu hiểu” để lấp đi phần nào khoảng trống trong nhau. Nếu như Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài chỉ mới biểu đạt sự phân mảnh ở mặt đời sống xã hội thì Nguyễn Đình Tú đã tiến sâu hơn vào đời sống tâm hồn: “Mĩ học của chủ nghĩa hậu hiện đại cho phép con người thoải mái sinh hoạt, giao tiếp qua những môi trường và hoàn cảnh khác nhau mà trong đời sống thực thì không thể nào tương thông” (Lê Huy Bắc).

Nhân vật chính- Quỳnh đồng thời sống trong hai thế giới, một thế giới có thể tạm coi là hiện tại của Quỳnh (sống trong căn nhà có bụi hoa lam tường, đi tới lớp học ban đêm…) và một thế giới của một cái gì đó, nửa như giác mơ, nửa như quá khứ (cuộc sống của Quỳnh khi ở ga Hải Thành, cảm nhận khi ở trong bụng mẹ..). Điều kì lạ là trong đời sống của nhân vật giữa hai thế giới đó luôn có sự giao tiếp “Quỳnh bước đến trước của miếu đó lúc nào không biết. Tiếng mẹ đã tắt sau ngôi miếu cổ rêu phong. Gió thổi thốc tới từ phía sau làm Quỳnh thấy lành lạnh. Quỳnh khẽ đưa tay đẩy cánh cửa ra. Trước mặt Quỳnh hiện ra một luồn ánh sáng chói lòa.

Quỳnh dụi mắt và nhìn thấy trước mặt mình là đĩa rễ sậy xào” [43;89]

Đó chính là những phân mảnh ảo giác, sử dụng lối kết cấu này. Nguyễn Đình Tú đã góp phần làm phong phú thêm đời sống thể loại và phần nào khuấy động có phần đơn điệu ở người đọc truyền thống.

Kết cấu lắp ghép là kiểu kết cấu được tạo nên từ hệ thống các mảng có tính độc lập bên cạnh nhau. Đây là một dạng kết cấu mang hơi hướng của tư duy hội họa lập thể. Kết cấu theo tinh thần lắp ghép trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú chính là sự loãng hóa cốt truyện “cất giấu”, rải rác các chi tiết thể hiện ý thức bỏ qua mô hình cốt truyện truyền thống. Ở đây cốt truyện đã bị nghiền nát, đập vỡ thành từng mảnh vụn rời rạc, không theo một trình tự thời gian hay mối liên hệ nhân quả nào và mỗi mảnh vụn chính là một mảnh của hiện thực. Kết cấu lắp ghép phân mảnh tạo nên hiệu ứng về một xã hội hỗn độn, đứt gãy khó đoán định đưa đến cái nhìn đa chiều về đời sống, gợi cảm giác bất an trước sự đổ vỡ của trật tự xã hội, trật tự văn bản bị xáo trộn, xé lẻ khiến cho người đọc như đang tham gia vào trò chơi mê cung với các mảnh đời sống, các hình ảnh, biểu tượng chồng chéo, chập chờn, ma mị không đễ nắm bắt.

Các nhà tiểu thuyết thời kì đổi mới rất có ý thức trong việc sử dụng loại cốt truyện này để tăng sức biểu đạt cho tác phẩm của mình. Nói như Nguyễn Hưng Quốc trong bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt Nam: “Chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương phi tâm hóa, chấp nhận sự kết hợp lỏng lẻo giữa các thành tố trong tác

phẩm như những thủ pháp nghệ thuật quan trọng. Cũng có thể nói chủ nghĩa hậu hiện đại là sự sụp đổ của những cái đơn nhất và toàn tri để nhường chỗ cho phân mảnh và những ý đồ ngoại biên, là sự khủng hoảnh của tính nhất quán và sự nở rộ của những dị biệt, là sự thoái vị của tính hệ thống và sự thăng hoa của tính đa tạp”. Nguyễn Đình Tú thường hay sử dụng kiểu kết cấu lắp ghép trong tác phẩm của mình, ngòi bút Nguyễn Đình Tú thường hướng vào những mảnh vỡ hiện thực- đây là yếu tố xương sống của kiểu kết cấu này, hiện thực trong tiểu thuyết của anh bị xé lẻ, phân tách lắp ghép (và vì thế nhiều khi ta không biết bắt đầu tóm tắt tác phẩm của anh từ đâu). Kín được kết cấu theo kiểu phức tạp. Một mảng kể về cuộc sống của Quỳnh, một mảng kể về cuộc sống của những đứa trẻ bụi đời qua hồi ức của Bình, một mảng là những câu chuyện đạo Mẫu. Qua những mạch truyện lắp ghép ngẫu nhiên đó có thể nhìn thấy những khát khao, những giấc mơ, hoài niệm, nỗi ám ảnh và cô đơn khắc khoải không thể giãi bày của Quỳnh, Kiên, Hoàn, Phương… những con người thời hiện tại. Những tình tiết trong Kín xoắn xuýt vào nhau, vừa hư vừa thực vừa như sắp lộ rõ, vừa bí ẩn, bất ngờ. Đó chính là cách Nguyễn Đình Tú chọn để lồng ghép nhiều chủ đề (vừa đào sâu những mâu thuẫn trong xã hội đương đại, vừa khám phá sự vong thân của con người cô đơn, hoang mang, bất lực trước hiện thực…) trong cuốn tiểu thuyết 450 trang.

Sự đan xen giữa ý thức và vô thức trong thủ pháp lắp ghép, phân mảnh chính là khi tác giả chú ý giới thiệu cuộc sống của những đứa trẻ lang bạc bụi đời gặp nhau tại Ga Hải Thành. Hiện thực đời sống trong tác phẩm này đã bị thái nhỏ, nhàu nát, chắp nối. Các nhân vật quằn quại trong nỗi niềm ẩn ức riêng. Quỳnh lăn lộn trong cuộc sống của những đứa trẻ bụi đời đến khi tìm về với cuộc sống thực tại nhưng Quỳnh vẫn không thể thoát ra được quát khứ: “con tim yếu ớt ấy chưa kịp lành lặn để có thể dập những nhịp đập bình an trước quá khứ”[43;434]. Phương lao theo con đường làm điếm khi mà cuộc đời Phương đã bị hủy hoại từ người bố dượng. Hoàn vào trường giáo dưỡng và Kiên làm vệ sĩ cho một công ty. Tất cả giãy dụa trong một mớ bòng bong những ràng buộc vô hình của cuộc sống, trong nhưng khao khát không gọi thành tên, trong những ẩn ức không thể giải tỏa. Mỗi lời thoại quả thực thu mình trong thế giói của chính nó. Chúng rời rạc, thiếu ăn nhập, phi logic. Không chỉ có thế, Nguyễn Đình Tú còn dồn ý tứ trong những câu văn ngắn. Anh thường dùng câu đơn, các câu ghép, được chẻ ra thành nhiều vế ngắn, rời rạc, đứt đoạn đến “khó chịu”, giảm thiểu các từ quan hệ, tránh lối lập luận. Mỗi câu văn tồn tại độc lập đơn côi như một ốc đảo,

một thế giới riêng: “Kiên chỉ còn biết nằm khênh trong góc nhà nửa ngủ nửa thức, nghe hơi lạnh và không khí ẩm ướt lan tỏa quanh mình. Hoàn thì vác hòm đồ nghề đi chẳng biết la cà những đâu, có khi cả ngày không về. Phương thì sinh hoạt thất thường..”[43;232].

Chọn kiểu kết cấu lắp ghép, một mặt Nguyễn Đình Tú đã tạo nên những tầng hiện thực khác nhau khiến người đọc phải rất khó khăn để tìm mối dây liên hệ giữa chúng, thông qua kiểu cốt truyện này, nhà văn thể hiện một thế giới hỗn loạn mù mờ, “đẫm máu và nước mắt, đẫm tang thương và đầy huyễn mộng”. Mặt khác, đây là kiểu kết cấu rất phù hợp với sự phức tạp, đa diện của xã hội và tâm hồn phân mảnh của con người đương đại. Một thế giới đầy những biến thiên, ngẫu nhiên và vô thường, nhận thức của con người làm sao tránh khỏi sự manh mún phân mảnh. Với việc sử dụng kết cấu lắp ghép này, Nguyễn Đình Tú là một trong những cây bút tiên phong góp phần “giải thiêng” quan niệm về tiểu thuyết trước đây bằng cách kết hợp giữa tính nghiêm túc vốn có và tính trò chơi mới được chú trọng khai thác của việc viết tiểu thuyết. Nhìn vào mỗi chương mỗi đoạn như vậy ta thấy chúng là những mảnh văn bản chứa đựng những mảnh đời sống phồn tạp với vô vàn cung bậc và sự biến hóa linh hoạt của nó. Với những mảnh vỡ văn bản này, nhà văn thể hiện một trạng thái nhân sinh rã rời của quan hệ con người với con người. Đó không còn là một thế giới đã được an bài, trật tự, hợp lí và dường như có thể biết hết mà là thế giới hỗn độn, bị chia cắt xáo trộn, đầy mâu thuẫn và không thể nào biết hết.

Một phần của tài liệu quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Kín của Nguyễn Đình Tú (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(75 trang)
w