Điều kiện thảm thực vật thành tạo đất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 74 - 78)

9. CẤU TRÚC LUẬN ÁN

2.1.6. Điều kiện thảm thực vật thành tạo đất

Sinh vật và lớp phủ thổ nhưỡng có quan hệ hữu cơ đặc biệt tạo nên hệ sinh thái đất. Trên cơ sở phân tích các yếu tố sinh thái phát sinh và sử dụng hệ thống phân loại thảm thực vật Việt Nam của Thái Văn Trừng [89], chúng tôi lựa chọn kiểu thảm thực vật làm đơn vị phân chia các kiểu thảm thực vật ở khu vực nghiên cứu.

Thảm thực vật ở tỉnh TTH rất phong phú và đa dạng. Các khu vực không có thảm thực vật, chỉ chiếm diện tích không đáng kể.

2.1.6.1. Thảm thực vật tự nhiên

a. Thảm thực vật vành đai nhiệt đới (ở độ cao <700m)

* Thảm thực vật trên đất địa đới (đất vàng đỏ nhiệt đới ẩm)

Đất địa đới hình thành chủ yếu trên đá phiến sét, biến chất, đá xâm nhập và phù sa cổ. Kiểu thảm tương ứng với khí hậu là kiểu rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm. Sau tác động khai thác của con người có các kiểu thảm thứ sinh như trảng cây bụi, trảng cỏ, rừng tre nứa thứ sinh [15], [16].

- Rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm: Rừng phân bố chủ yếu ở phía Tây và Tây Nam của tỉnh TTH ở độ cao dưới 700m., chủ yếu ở các xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Hương Lâm, Hồng Thượng, A Roàng (A Lưới), chân núi Bạch Mã, xã Lộc Điền (Phú Lộc)… Cấu trúc rừng gồm 3 tầng, độ che phủ của các tầng khá kín.

Kiểu thảm thực vật này có khả năng điều tiết nước tốt nhưng hiện chỉ còn rất ít. Hiện nay, đa số là các khu rừng nghèo, rừng chỉ còn phân bố ở độ cao 600 - 700m nên không có những thành phần loài đặc trưng cho nóng ẩm thực sự.

- Trảng cây bụi thứ sinh: Phân bố thành các mảng lớn, dọc theo các đường giao thông chính và đan xen với các mảng rừng. Chúng tập trung ở vùng đồi núi, bao quanh các khu rừng. Trảng cây bụi có cấu trúc gồm các cây gỗ nhỏ, cây bụi ưa sáng mọc nhanh hay các cây chịu bóng. Hầu hết các cây có bộ lá rộng, thường xanh.

- Trảng cỏ thứ sinh: Trảng cỏ phân bố rải rác trong khu vực, nhiều nơi tập trung thành một mảng lớn. Các trảng cỏ cao trên đất dày, ẩm, giàu dinh dưỡng thường phân bố lân cận rừng và trảng cây bụi; các trảng cỏ thấp trên đất mỏng, chặt thường phân bố lân cận các khu dân cư.

- Rừng tre nứa thứ sinh: Rừng tre nứa thứ sinh không phổ biến lắm, phân bố theo dọc các con sông. Trừ các đỉnh núi cao có các loài Sặt chiếm cứ, rừng này thường phát triển mạnh trên các đất giàu Kali. Khi rừng tre nứa đã hình thành thì các loài cây khác khó có thể cạnh tranh không gian sống với chúng.

* Thảm thực vật trên đất phi địa đới (đất cát và đụn cát, cồn cát ven biển) Đất phi địa đới gồm đất thoát nước quá nhanh, đất trữ nước kém do tầng mỏng, phân bố ở địa hình dốc hay đất có TPCG quá thô, thoát nước nhanh. Đất luôn khô hạn, thảm thực vật trên đất có cấu trúc kém hơn so với thảm trên đất địa đới. [15], [16].

- Trảng cây bụi thứ sinh: Trảng cây bụi hình thành trên các đất bỏ hoang sau khi khai phá rừng trên cát để canh tác hoặc lấy gỗ, củi. Phân bố trên đất cát trắng nội đồng thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.

- Trảng cỏ thứ sinh: Phân bố rải rác trên các đụn cát, cồn cát ven biển thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc. Ở nhiều khu vực có độ che phủ rất thưa, trơ nền cát. Các cây cỏ đều có hình thái thích ứng với khô hạn. Vào thời kỳ ít mưa hay mùa khô, các cây cỏ đều héo hay chết khô.

* Thảm thực vật trên đất nội địa đới

Đất nội địa đới bao gồm các đất ngập nước mặn hay ngập nước ngọt với thời gian dài trong năm [15], [16].

- Trảng cây bụi, trảng cỏ chịu ngập nước ngọt thứ sinh: Rừng đầm lầy nước ngọt trước đây có nhiều ở khu vực đồng bằng phù sa. Trên các vùng trũng có rừng đầm lầy có nước ngập quanh năm, trên các khu vực bằng ở vùng trung du có các đầm lầy có nước ngập vào mùa mưa. Hiện nay, rừng đầm lầy chỉ còn các đám nhỏ, rải rác trong khu vực. Các vùng để hoang cócây bụi, trảng cỏ chịu ngập thứ sinh phát triển.

- Các quần xã thủy sinh ở đầm, ao hồ, trằm, bàu nước ngọt: Trong các đầm, ao, hồ, bàu nước ngọt có các quần xã thuỷ sinh với các cây sống chìm.

- Rừng ngập mặn: Trước đây phổ biến ở ven các đầm, phá nước lợ, khuất sóng. Hiện nay, diện tích rừng này còn rất ít, phân bố ở Tân Mỹ (Phú Vang), ven đầm Cầu Hai, khu vực cửa Kiểng, cửa Chu Mới và ven đầm An Cư (Phú Lộc).

- Trảng cỏ chịu ngập nước lợ và mặn: Ven các đầm, phá, vũng, vịnh nước lợ, trên các diện tích rừng ngập mặn đã bị khai thác, nay bỏ hoang, có trảng cỏ chịu ngập nước lợ thứ sinh cao 0,5 - 1m phủ kín.

- Các quần xã thủy sinh ở đầm phá, vũng, vịnh: Trong các thuỷ vực nước lợ có các quần xã thuỷ sinh với các loài cỏ biển như Hydrocharitaceae (họ Thuỷ thảo), Potamogetomaceae (họ Giang thảo)…

- Quần xã thực vật trên bãi biển cát: Các bãi biển cát rộng vài chục mét thường chịu tác động của sóng và thuỷ triều. Trên bãi triều, hầu như không có thực vật.

b. Thảm thực vật vành đai á nhiệt đới ẩm (ở độ cao >700m)

- Rừng kín lá rộng thường xanh á nhiệt đới ẩm: Rừng phân bố trên các núi có độ cao trên 700m ở phía Tây và Tây Nam của tỉnh và đươc bảo tồn khá tốt. Chúng phân bố thành mảng lớn ở xã Hồng Kim, Hồng Hạ, Hồng Vân, Đông Sơn, Hồng Thượng (A Lưới), các xã thuộc dãy Bạch Mã (Phú Lộc), xã Phong Xuân (Phong Điền). Rừng có trữ lượng của rừng giàu [15], [16].

- Quần xã đặc biệt trên núi cao >1.500m: Phân bốở các đỉnh núi vùng Phong Xuân (Phong Điền), Bạch Mã (Phú Lộc), ở Đông Bắc, Tây Nam, Đông Nam huyện A Lưới. Ở đây đất luôn bị xói mòn, rửa trôi, lại thường xuyên có mây mù, gió mạnh nên thảm thực vật ở dạng cây gỗ lùn hay cây bụi tạo thành một quần xã với độ che phủ kín. - Trảng cây bụi thứ sinh: Phân bố rải rác thành các mảng rộng xung quanh các khu rừng, chiếm diện tích tương đối lớn. Trảng cây bụi có cấu trúc gồm các cây bụi, gỗ nhỏ có bộ lá thường xanh, thường cao 2 - 4m, tạo thành tầng tương đối kín.

- Trảng cỏ thứ sinh: Phân bố rải rác với diện tích không đáng kể. Trảng cỏ hình thành trên đất sau canh tác bỏ hoang. Trảng cỏ cao 0,5 - 1,5m che phủ khá kín.

c. Thảm thực vật trồng

- Lúa nước: Phân bố tập trung ở đồng bằng hạ lưu sông Hương, sông Bồ và dọc các thung lũng vùng núi và trung du, tùy khu vực mà số vụ trồng (1 - 2 vụ) khác nhau

- Hoa màu, nương rẫy, cây công nghiệp: Phân bố ở các khu vực có địa thế cao ở đồng bằng và phổ biến trên đồi và sườn núi thoải ở vùng núi.

Hiện nay, ở vùng cát bằng phẳng, thấp đã được sử dụng để canh tác một số loại cây lương thực và rau màu.

Nương rẫy phân bố rải rác ở vùng trung du và vùng núi, với các loại lúa nương, các cây lương thực như khoai lang, sắn, đậu, lạc, ngô.

Các cây công nghiệp gồm có mía phân bố ở vùng đồi, vùng đồng bằng cao với diện tích đáng kể nhưng chất lượng thấp. Cây cao su mới được trồng trên một số diện tích có địa hình bằng ở trung du, cây sinh trưởng tốt. Ngoài ra, còn có cà phê, hồ tiêu, chè phân bố ở một số xã của huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền. Kết hợp với cây công nghiệp, trên địa bàn tỉnh còn có một số cây ăn quả như bưởi thanh trà, cam, nhãn… có hiệu quả kinh tế cao.

- Rừng trồng: Trên các cồn cát, đụn cát có rừng trồng phi lao. Rừng phi lao chịu được đất cát khô, nghèo dinh dưỡng; rễ cây có nốt sần chứa các vi khuẩn cố định đạm nên có giá trị lớn về cải tạo môi trường vùng cát và nếu phát triển tốt sẽ cho độ phủ cao.

Trên phù sa cổ có rừng trồng keo lá tràm, bạch đàn. Các cây sinh trưởng tốt. Trong các khu rừng tốt, các cây cao 10 - 15m, tạo độ che phủ lớn.

Trên các đất khác, ở vùng núi, phổ biến rừng thông 2 lá và bạch đàn. Cây cao 8 - 10m, che phủ kín, thân cây đạt đường kính trên 20cm.

- Các cây trồng trong khu dân cư: Trong các khu dân cư thường có các cây trồng lấy gỗ hay bóng mát, hay cây hoa màu (ở vùng nông thôn).

2.1.6.2. Vai trò của thảm thực vật trong sự phát sinh và thoái hóa đất tỉnh TTH

Lớp phủ thực vật có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình phát sinh và thoái hoá đất. Lớp phủ thực vật giúp cải tạo cấu trúc đất và chống xói mòn đất… Xác thực vật bị phân huỷ tạo ra sản phẩm hữu cơ phát sinh nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi (ở độ cao >800m), đất glây, đất than bùn, đất phèn (vùng trũng đồng bằng ven biển). Tùy thuộc vào độ che phủ của từng loại cây mà mức độ xói mòn khác nhau.

Bảng 2.5. Quan hệ giữa cây che phủ và xói mòn [2]

Đối tượng so sánh Lượng xói mòn đất (tấn/ha)

Rừng 0,004

Trồng cỏ 0,069

Trồng ngô 31,897

Trồng bông 69,932

Đất bỏ hoá 148,288

Thực vật tự nhiên là chỉ thị quan trọng độ phì tự nhiên của đất và thảm cây trồng thể hiện độ phì nhân tạo dưới tác động hiện tại của con người. Có mối liện hệ chặt chẽ giữa kiểu loại thực vật và chất lượng lớp phủ đất bên dưới. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở tỉnh TTH những nơi còn thảm thực vật rừng rậm, đất thường rất ổn định, ít bị thoái hóa, xói mòn, rửa trôi. Những vùng có trảng cây bụi thứ sinh, đất tầng mặt bị phá hủy và nghèo các nguyên tố dinh dưỡng. Còn với trảng cỏ thứ sinh đất thường bị nén chặt, bị bào mòn, rửa trôi. Trong thảm thực vật nhân tác, tùy thuộc vào loại hình canh tác mà tác động của lớp phủ thực vật đến đất khác nhau, cụ thể: Các quần xã cây lâu năm có độ che phủ cao nên có khả năng chống xói mòn, rửa trôi; lúa nước canh tác trên đất phù sa ven sông, suối ngập nước theo mùa, đất phù sa không được bồi, đất phù sa glây… thường xuyên được đầu tư chăm sóc, do đó đất ở đây cũng ít bị thoái hóa; cây trồng cạn hàng năm thường được gieo trồng ở các bãi bồi ven sông, suối do có độ che phủ thấp, nên đất dễ bị xói mòn, sạt lở [40].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 74 - 78)