9. CẤU TRÚC LUẬN ÁN
1.2.1. Các công trình nghiên cứu theo hướng phân loại đất
Phân loại đất thể hiện quy luật xuất hiện của các đơn vị đất trong tự nhiên một cách logic [34]. Có nhiều trường phái phân loại đất trong lịch sử phân loại đất trên thế giới và ở nhiều quốc gia khác nhau.
1.2.1.1. Trên thế giới
Hiện nay, thế giới tồn tại ba khuynh hướng chính trong phân loại đất. - Phân loại đất phát sinh theo trường phái Đông Âu
Cách phân loại này dựa vào các yếu tố hình thành đất, quá trình hình thành đất và cấu tạo phẫu diện. Cách thức phân loại đất theo các cấp hạng: Lớp (klass), phụ lớp (pod klass), loại (type) và cách nghiên cứu, khảo sát đất theo cấu trúc phẫu diện đất với các tầng phát sinh A, B, C, D trở thành cơ sở nền tảng trong phương pháp luận của
khoa học đất hiện đại. Nhiều nước thuộc Liên Xô (cũ), Ba Lan, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Việt Nam… đã ứng dụng học thuyết này trong nghiên cứu và phân loại đất.
Yếu tố phát sinh như đá mẹ, khí hậu, địa hình, sinh vật, thời gian là chỉ tiêu đầu tiên trong phân loại đất tự nhiên. Hai nhóm chỉ tiêu cho phân loại các cấp tiếp theo là quá trình phát sinh và tính chất đất được thể hiện trong các cấp phân loại thấp hơn như: Loại phụ (Pod Typ), Thuộc (Rod), Chủng (Vid), Biến chủng (Raznovidnosti), Bậc (Razrad). Như vậy, mỗi một đơn vị đất ở một cấp nào đó được phân loại đều biểu hiện sự khác nhau theo 3 nhóm chỉ tiêu: yếu tố phát sinh - quá trình phát sinh - tính chất đất.
- Phân loại đất theo trường phái Mỹ
Đây là phân loại đất theo quan điểm định lượng: định lượng tính chất và chẩn đoán định lượng tầng phát sinh (Soil Taxonomy) được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố và áp dụng rộng rãi ở các nước phương Tây [123]. Cơ sở để phân loại là tính chất đất có quan hệ với hình thái phẫu diện. Vì vậy phải định lượng các tầng phát sinh và xác định tên đất để phân loại theo chẩn đoán các tầng phát sinh. Các tầng phát sinh được định lượng theo những chỉ tiêu hình thái và tính chất đất bằng những phương pháp xác định (gọi là tầng chẩn đoán - diagnostic horizons và tính chất tầng chẩn đoán - diagnostic properties).
Hệ thống phân loại đất Soil Taxonomy bao gồm 6 cấp: Lớp (Orders) → Lớp phụ (Suborder) → Nhóm lớn (Great groups) → Nhóm phụ (Sub groups) → Họ (Families) → Kiểu loại (Series) → Loại (Types) [123]. Chỉ tiêu của từng cấp được quy định cụ thể bằng những thuật ngữ xác định bản chất của đất. Phân loại đất Soil Taxonomy là một hệ thống mở cho phép dễ dàng bổ sung những đơn vị đất mới được phát hiện ở mọi quốc gia.
- Phân loại đất theo FAO - UNESCO
Cơ sở phân loại đất theo FAO - UNESCO về cơ bản cũng giống như phương pháp định lượng Soil Taxonomy. Trường phái này dựa vào định lượng các tính chất đất, các dấu hiệu chẩn đoán, xác định theo từng nhóm lớn, từng loại và loại phụ.
Hệ thống phân loại của FAO - UNESCO có 3 cấp cơ bản: Nhóm lớn (Major Soil Groupings), đơn vị đất (Soil Units), đơn vị phụ (Soil Subunits). Trong tài liệu
của dự án FAO - UNESCO công bố năm 1988, bản đồ đất Thế giới gồm 28 nhóm và 153 đơn vị, chia thành 8 cột [114]. Hệ thống phân loại này đã sắp xếp các nhóm và đơn vị đất theo các cột để thể hiện cơ sở địa lý và sự tiến hóa đất. Các nhóm đất được tiếp tục phân chia thành các đơn vị tùy theo sự khác biệt giữa kiểu điển hình và các kiểu trung gian.
Tóm lại, phân loại đất theo FAO - UNESCO là một trường phái phân loại định lượng, hệ thống danh pháp đơn giản, dễ hiểu nên khả năng áp dụng rộng rãi.
Ngoài 3 trường phái nghiên cứu phân loại đất kể trên còn có trường phái địa mạo - thổ nhưỡng Pháp, trường phái lập địa Đức…
1.2.1.2. Ở Việt Nam
Nghiên cứu phân loại đất ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của các trường phái nghiên cứu đất ở nước ngoài. Lịch sử nghiên cứu đất Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn chính.
a. Giai đoạn trước năm 1954
Trong thời kỳ này, việc nghiên cứu phân loại đất ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu và chưa thành hệ thống.
Vào thế kỷ XVIII, dưới triều đại phong kiến, nhằm phục vụ nhu cầu quản lý, sử dụng, cấp đất và đánh thuế đất, một số tri thức về đất đã được tổng kết và được phân hạng, phân loại. Trong công trình của Lê Quý Đôn (Vân Đài loại ngữ - Phủ biên tạp lục), các đơn vị đất núi, đồi, đồng bằng, vàn cao, vàn thấp, trũng… được xác định với phân hạng “nhất đẳng điền”, “nhị đẳng điền”.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, các công trình nghiên cứu về đất Việt Nam chủ yếu do các nhà khoa học Pháp thực hiện. Mục đích của phân loại đánh giá đất chủ yếu giới hạn ở các vùng có khả năng khai thác đồn điền. Điển hình là công trình nghiên cứu của Y. Henry (1926, 1931), đã phân chia đất trên cao nguyên bazan thành các loại đất nâu đỏ, đỏ và đất đen; công trình của E.M. Castagnol (1950) [110] đã phân chia toàn bộ đất Việt Nam thành 2 nhóm: Nhóm đất đỏ laterit và nhóm đất phù sa dựa trên quan điểm thổ nhưỡng học phát sinh về mối tương quan thổ nhưỡng với địa hình.
Do đất nước bị chia cắt thành 2 miền nên các xu hướng nghiên cứu và phân loại đất ở mỗi miền chịu ảnh hưởng của những trường phái khác biệt nhau.
- Ở miền Bắc
Các nhà khoa học đất theo trường phái phân loại đất phát sinh của V.V. Docutraev. Bắt đầu từ năm 1958, với sự cộng tác của V.M. Fridland, các nhà thổ nhưỡng (Lê Duy Thước, Trần Khải, Cao Liêm, Tôn Thất Chiểu, Đỗ Ánh, Lê Thành Bá, Vũ Cao Thái) đã tiến hành thành lập sơ đồ đất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1/1.000.000 [34]. Sau đó là công trình “Các loại đất chính miền Bắc Biệt Nam” của Vũ Ngọc Tuyên và NNK [90]. Đặc biệt là “Đất và vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm: lấy thí dụ miền Bắc Việt Nam” của V.M. Fridland đã công bố tại Liên Xô (cũ) [24]... được xem là những tài liệu nghiên cứu về đất Việt Nam với một cơ sở khoa học tổng quát và có hệ thống lần đầu tiên được công bố.
Cũng theo hướng đó, hàng loạt bản đồ đất tỷ lệ trung bình cho các tỉnh và bản đồ đất tỷ lệ lớn cho các nông trường và một số huyện, đặc biệt, bản đồ đất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 (bao gồm 9 nhóm và 37 loại đất) đã được xây dựng.
- Ở miền Nam
Các nhà khoa học đất theo phương pháp định lượng Soil Taxonomy. Năm 1960, F.R. Moormann (chủ biên) đã thành lập bản đồ đất tổng quát miền Nam Việt Nam, với 25 đơn vị đất, tỷ lệ 1/1.000.000 [116]. Tiếp theo là những nghiên cứu phân loại và xây dựng bản đồ đất tỷ lệ trung bình và lớn cho các vùng và tỉnh ở đồng bằng sông Mê Kông của các tác giả Thái Công Tụng, Trương Đình Phú, Châu Vạn Hạnh…
Như vậy, trong giai đoạn này, ở hai miền Bắc và Nam đều có những công trình nghiên cứu quan trọng và có giá trị. Tuy nhiên, do phương pháp phân loại đất khác nhau nên việc liên kết, tổng hợp bản đồ đất hai miền gặp khó khăn.
c. Giai đoạn từ 1975 đến nay
Sau năm 1975, công tác nghiên cứu phân loại đất và xây dựng bản đồ đất được phát triển sâu rộng. Năm 1976, Ban biên tập bản đồ đất Việt Nam đã xây dựng bảng phân loại và bản đồ đất tỷ lệ 1/1.000.000 chung cả nước. Sau đó, tiến hành xây dựng bảng phân loại đất theo phát sinh học đất với tỷ lệ trung bình và lớn cho các tỉnh
nhằm tổng hợp diện tích đất từng tỉnh, từng vùng trong cả nước phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH).
Các hệ thống phân loại đất ở Việt Nam chủ yếu là phân loại phát sinh đất dựa trên cơ sở chỉ tiêu tổng hợp của các yếu tố hình thành, các quá trình thành tạo đất và các tính chất đất. Cả 3 mặt nói trên đều làm cơ sở cho mọi cấp phân loại [24], [34].
Để hội nhập quốc tế, hiện nay Hội khoa học Đất Việt Nam đã chuyển đổi tương ứng hệ thống phân loại đất Việt Nam sang hệ thống phân loại đất thế giới của FAO - UNESCO [34]. Dựa vào các kết quả nghiên cứu trên, luận án đã lựa chọn phân loại đất tỉnh TTH theo trường phái phát sinh học đất, có đối chiếu với các đơn vị phân loại đất theo phương pháp định lượng của FAO - UNESCO.