Điều kiện thủy văn thành tạo đất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 69 - 74)

9. CẤU TRÚC LUẬN ÁN

2.1.5. Điều kiện thủy văn thành tạo đất

Nước không chỉ là “máu” của cảnh quan mà còn là yếu tố phát sinh nhiều loại đất như đất phù sa, đất ngập nước, đất cát. Bởi vậy cấu trúc lớp phủ thổ nhưỡng có quan hệ trực tiếp với hình thái thủy văn khu vực.

2.1.5.1. Đặc điểm chung hình thái hệ thống thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế

a. Mạng lưới sông ngòi

Hệ thống sông ngòi ở TTH phân bố khá đồng đều. Mật độ sông suối khá dày, trung bình 0,57 - 0,85 km/km2, ở vùng núi đạt 1 - 1,15 km/km2; Hướng chảy chung của các sông là Tây Nam - Đông Bắc hoặc Bắc - Nam. Các sông đều ngắn và dốc, diện tích lưu vực nhỏ, từ 200km2 đến 2.800km2, hệ số khúc uốn lớn, cửa sông hẹp. Các sông đều đổ vào đầm phá trước lúc chảy ra biển thông qua 2 cửa biển Thuận An và Tư Hiền.

Hệ thống sông lớn nhất là sông Hương. Lưu vực sông Hương có dạng nan quạt, gồm có 3 nhánh chính là Tả Trạch, Hữu Trạch và sông Bồ. Do thượng lưu ngắn, dốc nên vào mùa mưa lũ, gây ngập lụt nghiêm trọng ở hạ lưu. Về mùa cạn, mặn

xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và sản xuất trong vùng.

Bảng 2.4. Đặc điểm hình thái một số sông chính ở Thừa Thiên Huế [76]

Sông Độ cao nguồn (m) Chiều dài (km) Diện tích LV (km2) Độ dốc BQ LV (m/km2) Độ rộng BQ LV (km) Mật độ lưới sông (km/km2) Hệ số khúc uốn Ô Lâu 900 66 900 13,1 22,5 0,81 1,85 HT S. Hương 900 104 2.830 28,5 44,6 0,60 1,65 Nong 1.154 20 99 37,5 2,7 0,45 1,76 Truồi 900 24 149 27,4 7,4 0,48 1,20 Bù Lu 500 17 118 26,1 7,9 0,48 1,31

b. Trằm, bàu, hồ và hồ chứa nước nhân tạo

- Trằm, bàu: Ở Thừa Thiên Huế có 78 trằm, 4 bàu lớn nhỏ, phân bố ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhiều ở hai huyện Phong Điền, Quảng Điền. Trong vùng cát nội đồng ở hai huyện Phong Điền, Quảng Điền có hệ thống trằm, bàu phân bố xen kẽ với trảng cát. Hiện có 21 trằm, bàu đóng vai trò như là hồ chứa nước với khả năng tưới từ 10 đến 35ha, ở một số hồ khả năng tưới lên đến 80 - 140ha (hồ trằm Mỹ Xuyên).

- Hồ: Hồ có nguồn gốc tự nhiên lẫn nhân tạo và phân bố ở nhiều nơi, tập trung chủ yếu ở thành phố Huế (vùng nội thành TP Huế chỉ rộng 52ha đã có 43 hồ lớn nhỏ) đảm bảo chức năng tiêu thoát nước; cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất [59].

- Hồ chứa nước nhân tạo

Có khoảng 60 hồ chứa nước nhân tạo ở tỉnh TTH, tập trung chủ yếu ở vùng đồi núi, trong đó có 53 hồ có dung tích trữ nước từ 0,05 đến 0,6.106 m3. Một số hồ có quy mô lớn hơn nhưng dung tích nước chỉ dao động từ 2 đến 50.106 m3 như các hồ: Truồi (50.106 m3), Hòa Mỹ (9,7.106 m3), Phú Bài 2 (7,8.106 m3 ), Thọ Sơn (6.106 m3), Châu Sơn (2,3.106 m3). Hiện có các công trình thủy điện đang xây dựng với dung tích chứa thiết kế rất lớn sẽ giúp giảm thiểu lũ lụt ở vùng hạ du như ở A Lưới (60,2.106 m3), Bình Điền (423,7.106 m3), Tả Trạch (646.106 m3), Hương Điền (820,67.106 m3).

Lượng nước ngầm ở TTH tương đối phong phú, đủ nuôi dưỡng các dòng sông trong mùa cạn. Nhìn chung, nguồn nước ngầm ở các thung lũng Nam Đông, A Lưới và vùng đồi thấp phong phú hơn ở vùng núi cao. Ở các khu vực địa hình thấp có vật liệu phù sa bồi tụ, các bậc thềm phù sa cổ mực nước ngầm dao động trong phạm vi từ 1 - 20m, phổ biến 5 - 6m nên có khả năng khai thác phục vụ nông nghiệp trong mùa khô, nhất là đối với cây công nghiệp dài ngày có bộ rễ sâu [67].

d. Hệ đầm phá ven biển

Hệ đầm phá TTH bao gồm đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và đầm biệt lập An Cư, có tổng diện tích mặt nước 231km2 [91]. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai gồm 3 đầm, phá hợp thành: phá Tam Giang, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai.

- Phá Tam Giang: Kéo dài 25km, từ cửa sông Ô Lâu đến cầu Thuận An Chiều rộng thay đổi từ 0,5 km đến 4km. Diện tích mặt nước khoảng 52km2.

- Đầm Thủy Tú: Bao gồm đầm An Truyền, Thanh Lam (Sam), Hà Trung và Thủy Tú. Đầm Thủy Tú kéo dài 33km từ cầu Thuận An đến Cồn Trai. Diện tích mặt nước khoảng 52km2.

- Đầm Cầu Hai: Chiều dài từ Cồn Trai đến cửa Sông Rui là 9km và từ cửa sông Truồi đến núi Vinh Phong là 13km. Diện tích mặt nước khoảng 104km2.

- Đầm An Cư (Lập An hoặc Lăng Cô): Đây là thủy vực biệt lập, chiều dài khoảng 5 - 6km, diện tích mặt nước 15km2.

2.1.5.2. Đặc điểm chế độ thủy văn

a. Chế độ thủy văn trên các sông

Chế độ dòng chảy trên các sông ngòi biến động mạnh mẽ và phụ thuộc chặt chẽ vào mùa của khí hậu [91]. Chế độ dòng chảy của các sông khá đơn giản, mùa lũ và mùa cạn tương ứng với mùa mưa và mùa khô trong năm.

- Dòng chảy năm: Các sông trên lãnh thổ TTH có quy luật phân bố dòng chảy tương ứng quy luật phân bố mưa, tăng dần từ Bắc vào Nam và từ Đông sang Tây. Vùng dòng chảy nhỏ nhất là vùng đồng bằng lưu vực sông Ô Lâu; lớn nhất là thượng nguồn sông Tả Trạch và phía Nam của tỉnh. Hệ số dòng chảy khá lớn, từ 0,65 - 0,80. Hệ số biến động dòng chảy (Cv) vào khoảng 0,23 - 0,25 và tương đương nhau giữa

các vùng.

- Dòng chảy mùa lũ: Chế độ lũ, dòng chảy mùa lũ ở TTH rất phức tạp. Mùa lũ trên các sông dài 3 tháng, bắt đầu từ tháng X và kết thúc vào tháng XII, chiếm 60 - 80% lượng dòng chảy năm. Tháng có dòng chảy lớn nhất là tháng X và XI. Có hai loại lũ: lũ tiểu mãn và lũ chính vụ. Lũ tiểu mãn xuất hiện vào cuối tháng V hoặc đầu tháng VI. Lũ chính vụ kéo dài trong 3 tháng (X - XII). Trung bình mỗi năm có 4 - 5 cơn lũ chính vụ. Thời gian lũ trên các sông tương đối ngắn nhưng cường độ và biên độ lũ lớn, lưu lượng mùa lũ đạt trên 1.200 m3/s.

- Dòng chảy mùa cạn: Mùa cạn kéo dài 9 tháng, bắt đầu từ tháng I và kết thúc vào tháng IX. Ba tháng có dòng chảy nhỏ nhất là II, III, IV tương ứng với thời kỳ ít mưa ở TTH. Lưu lượng dòng chảy trung bình các tháng mùa cạn rất thấp, nhất là các tháng kiệt. Ví dụ: sông Ô Lâu 5,3 m3/s, sông Nong 1,2 m3/s, sông Truồi 2 m3/s…

- Dòng chảy bùn cát: Dòng chảy bùn cát không lớn (do tỷ lệ che phủ rừng thuộc loại cao và diện tích các đá khó xâm thực nhiều), phân bố không đều theo không gian và thời gian. Vào mùa cạn, lượng bùn cát lơ lửng trong nước ít khi vượt quá 3 - 20 g/m3, vào mùa mưa lũ, lại tăng cao đột biến đến 500 - 800 g/m3, thậm chí 1.000 - 1.830 g/m3. Hằng năm lượng bùn cát đổ vào phá Tam Giang - Cầu Hai và đổ trực tiếp ra biển Đông trong khoảng từ 0,62 đến 1,5 triệu tấn/năm [76].

b. Chất lượng nước sông suối, ao hồ, nước ngầm

Chất lượng nước sông, ao hồ biến động theo mùa, theo ngày và theo giờ (Phụ lục 3) cho thấy, thượng nguồn của các sông, có chất lượng nước đảm bảo, chưa bị ô nhiễm chất hữu cơ đến mức báo động. Ngược lại, ở vùng hạ lưu các sông và hồ ở TTH, nước bị ô nhiễm chất hữu cơ, vi trùng và bị phú dưỡng vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam nhất là ở những đoạn sông gần chợ, thành phố, khu vực vạn đò. Vùng cửa sông, ven biển còn bị nhiễm mặn vào mùa khô.

Chất lượng nguồn nước ngầm có xu hướng giảm sút. Các kết quả khảo sát cho thấy các thông số đo đạc phần lớn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, mật độ Coliform, hàm lượng chất hữu cơ, sắt và độ mặn của một số nơi không đạt tiêu chuẩn dùng trong mục đích ăn uống và sinh hoạt của dân cư.

c. Đặc điểm hải văn đầm phá ven bờ

Chế độ thủy văn đầm phá ven bờ vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy văn sông suối, chế độ hải văn biển ven bờ và hình dạng, độ sâu của thủy vực.

Khu vực cửa Thuận An và phá Tam Giang có chế độ bán nhật triều không đều, đầm An Cư và đầm Cầu Hai có chế độ bán nhật triều đều. Mực nước trong đầm phá biến động rất phức tạp. Vào mùa khô, thường thấp hơn đỉnh triều ngoài biển ven bờ, nên tình trạng bị mặn hóa dễ xảy ra, ví dụ đầm Cầu Hai là 0,25 - 0,30m, phá Tam Giang là 0,05 - 0,15m. Vào mùa mưa lũ, lại cao hơn mực nước ở biển ven bờ đến 0,7m (Cầu Hai). Độ mặn lớn nhất vào mùa khô và thấp nhất vào mùa lũ và dao động mạnh giữa mùa mưa và mùa khô (phá Tam Giang: mùa khô 10 - 29‰, mùa mưa lũ 0,5 - 5‰; đầm Cầu Hai: mùa khô 20 - 33‰, mùa mưa lũ 5 - 23‰…). Dòng chảy bùn cát đổ vào đầm phá trung bình là 1,1 triệu tấn trong đó có khoảng 30% khối lượng bùn cát tích tụ ở đầm phá gây nông hóa vực nước, còn 70% khối lượng bùn cát đổ ra biển ven bờ qua cửa Thuận An, Tư Hiền [91].

2.1.5.3. Vai trò của thủy văn trong sự phát sinh và thoái hóa đất tỉnh TTH

Thừa Thiên Huế có mạng lưới thủy văn rất đa dạng, bao gồm sông suối, ao hồ, đầm phá ven biển. Hệ thống sông ngòi khá dày đặc, đổ vào phá Tam Giang - Cầu Hai trước khi chảy ra biển, nên đã bồi tụ nhiều cho vùng ven đầm phá, nhưng phần lớn sông ngòi đều có lưu vực bé, vận tốc dòng chảy lớn vì thế sản phẩm bồi tụ thường thô, giàu SiO2 và nghèo dinh dưỡng. Do đặc điểm của đá mẹ và loại đất ở lưu vực (các loại đá mẹ khó phong hóa và mẫu chất nghèo kiềm) nên độ đục và chất lượng phù sa của các sông không lớn, kém hơn nhiều so với đồng bằng sông Hồng.

Vào mùa mưa lũ, sông có tốc độ dòng chảy rất lớn nên sản phẩm lắng đọng ở những nơi bị ngập phần lớn là sản phẩm thô, tỷ lệ cấp hạt mịn thấp. Độ che phủ của thảm thực vật mỏng cộng với dòng chảy lũ lớn đã phá hủy lớp đất vùng đồi núi, gây bồi lấp đầm phá, ngập lụt ở vùng hạ lưu, làm mất đất màu mỡ ở vùng ven sông thuộc đồng bằng, đất đai tại các vùng trũng trở nên lầy hóa và có thể bị ô nhiễm. Ngược lại, về mùa khô, mực nước của các sông bị cạn kiệt, làm giảm khả năng bồi đắp, cản trở nước triều, nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa, hiện tượng mặn hóa xảy ra.

Tỉnh TTH có địa hình phức tạp, chế độ thủy văn mang tính đặc thù nên vùng đồng bằng có quá trình tích tụ mẫu chất khá đặc trưng, hình thành nhiều loại đất có nguồn gốc trầm tích khác nhau như đất cát biển, đất phù sa, đất mặn, đất phèn… đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình thoái hóa đất.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 69 - 74)