Các công trình nghiên cứu theo hướng thoái hóa đất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 31 - 34)

9. CẤU TRÚC LUẬN ÁN

1.2.2. Các công trình nghiên cứu theo hướng thoái hóa đất

Theo FAO - UNESCO, hằng năm, đất trồng trọt trên thế giới bị thoái hóa từ 5 - 7 triệu ha và nhiều nơi trên thế giới bị hoang mạc hóa, sa mạc hóa (diện tích sa mạc hóa đã lên đến 39,4 triệu km2, chiếm 26,3% diện tích đất tự nhiên toàn thế giới). Do đó, việc nghiên cứu thoái hóa đất được các nhà khoa học, các tổ chức trên thế giới cũng như ở Việt Nam chú trọng. Có thể liệt kê một số công trình nổi bật sau:

1.2.2.1. Trên thế giới

Năm 1977, Hội nghị quốc tế về hoang mạc hóa - sa mạc hóa do Liên Hợp Quốc tổ chức đã thông qua kế hoạch hành động chống sa mạc hóa (PACD).

Năm 1979, UNEP, UNESCO, WMO và ISSS đã đưa ra phương pháp đánh giá đất dựa trên việc thu thập các dữ liệu đã có, các đặc trưng của yếu tố môi trường tác động đến quá trình thoái hóa, điều kiện hình thành, loại hình sử dụng, công tác quản lý đất.

Năm 1982, tổ chức FAO - UNEP đã đưa ra phương pháp tạm thời đánh giá và xây dựng bản đồ hoang mạc hóa thế giới tỷ lệ 1/25.000.000 (Provisional methodology for assessment and mapping of desertification).

Tháng 9 năm 1987, Trung tâm thông tin và tham chiếu đất quốc tế (ISRIC) thực hiện dự án “Đánh giá thoái hóa đất toàn cầu (GLASOD)” trong thời gian 3 năm. Dự án có 2 nội dung chính:

+ Xây dựng bản đồ thực trạng thoái hóa đất thế giới tỷ lệ 1/10.000.000. + Đánh giá chi tiết thực trạng thoái hóa đất và các hậu quả, rủi ro cho các khu vực nghiên cứu ở Mỹ La tinh (Argentina, Brazil và Uruguay), xây dựng bản đồ thoái hóa tỷ lệ 1/1.000.000 [120].

Năm 1994, Anbalagan và Bonham Carter đã ứng dụng GIS vào nghiên cứu thoái hóa đất tại bang Ohio của Mỹ[107]. Cũng trong năm này, Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD) trên phạm vi toàn cầu do Liên Hợp Quốc xây dựng đã được thông qua tại Paris, có hiệu lực từ tháng 12/1996.

Năm 1999, Sara J. Scherr trong Hội thảo chuyên gia về nghèo đói và môi trường tại Brussels (Bỉ) đã đánh giá mối quan hệ giữa sử dụng đất nông nghiệp và thoái hóa đất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương [121]. Năm 2002, ông tiếp tục nghiên cứu về tác động của thoái hóa đất đến an ninh lương thực ở các nước đang phát triển [122].

Tháng 7/2001, Chính phủ Brazil đã tiến hành chương trình đánh giá thoái hóa đất với sự hỗ trợ của thiết bị và công nghệ tính toán hiện đại đã làm rõ mức độ thoái hóa đất một các định lượng[108].

Từ 17 đến 19/2/2009, Bộ Môi trường Latvia, UNDP và Đại học Latvia đã đồng tổ chức Hội nghị quốc tế về thoái hóa đất và đưa ra một số chương trình hành động cụ thể ngăn chặn thoái hóa đất, cải tạo và phục hồi độ phì cho đất canh tác tại Latvia nói riêng và toàn thế giới nói chung [124].

Từ 26 đến 27/6/2013, Chính phủ Hàn Quốc và ban điều hành UNCCD đã tổ chức Hội nghị tư vấn không chính thức về vấn đề suy thoái đất trên thế giới (The informal Consultative Meeting on a Land - Degradation Neutral World) tại Seoul, Hàn Quốc [118]...

Các nội dung chủ yếu được tập trung nghiên cứu là thành lập bản đồ thoái hóa đất (ở các phạm vi khác nhau), cảnh báo nguy cơ thoái hóa đất, đưa ra các giải pháp, các chương trình hành động nhằm ngăn ngừa thoái hóa đất.

1.2.2.2. Ở Việt Nam

Ở nước ta, thời gian đầu, số lượng các công trình nghiên cứu về thoái hóa đất còn hạn chế, nặng về định tính. Từ năm 1975 đến nay, công tác nghiên cứu đánh giá

thoái hóa đất được tiến hành có hệ thống và dần trở thành một nhánh nghiên cứu của khoa học đất, tập trung vào các nội dung sau:

- Nghiên cứu về các nhân tố gây xói mòn đất của các tác giả như: Nguyễn Quang Mỹ và Lê Thạc Cán (1982) “Phân tích các nhân tố hoạt động của xói mòn đất Việt Nam” [62]. Nghiên cứu hoạt động xói mòn đất ở những phạm vi vùng lãnh thổ cụ thể như “Nghiên cứu xói mòn đất Tây Nguyên Việt Nam” của Nguyễn Quang Mỹ (1980) [61], “Nghiên cứu xói mòn đất ở miền núi phía Bắc Việt Nam” của Đào Đình Bắc (1987) [4]. Nhiều công trình khác của Nguyễn Quang Mỹ, Chu Đức, Mai Đình Yên (1984) [63], Nguyễn Trọng Hà (1996) [26]… đã đi sâu vào nghiên cứu các yếu tố gây xói mòn đất, mang tính định lượng ngày càng cao do được hỗ trợ các trạm quan trắc, sử dụng các mô hình toán trong nghiên cứu.

- Do trên lãnh thổ nước ta xuất hiện nhiều đơn vị đất có vấn đề. Vì vậy, việc nghiên cứu tổng hợp thoái hóa đất được chú trọng. Các nội dung được chú ý gồm:

+ Bàn về Phương pháp nghiên cứu thoái hóa đất có luận án “Đặc trưng địa lý phát sinh và thoái hóa đất trên các cao nguyên bazan nhiệt đới - lấy ví dụ Tây Nguyên Việt Nam” [42], các đề tài “Nghiên cứu thoái hóa đất trên bazan Tây Nguyên phục vụ đề xuất các giải pháp tổng thể sử dụng hợp lý và bảo vệ đất” [51], “Nghiên cứu tổng hợp đất bazan thoái hóa Tây Nguyên” [41], “Phương pháp luận nghiên cứu thoái hóa đất và những đặc thù thoái hóa đất ở Việt Nam” [45]… của Nguyễn Đình Kỳ, đã đưa ra các phương pháp nghiên cứu thoái hóa đất, phân tích mối quan hệ giữa địa lý phát sinh và thoái hóa đất theo các dấu hiệu hình thái, dinh dưỡng, lý hóa, chỉ thị sinh học.

+ Nghiên cứu quan hệ địa lý phát sinh và thoái hóa đất trên cơ sở đánh giá mức độ thoái hóa theo các dấu hiệu hình thái phẫu diện, chỉ thị sinh học, kết quả phân tích đặc tính lý hóa của đất. Từ đó, nhận dạng các dạng thoái hóa phục vụ đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên đất ở các vùng miền và địa phương của các công trình “Đặc trưng phát sinh và thoái hóa đất vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam” [46], “Các yếu tố hình thành - thoái hóa đất Phú Thọ, Vĩnh Phúc và đặc trưng hình thái hóa lý môi trường đất từ đất rừng đến đất trống đồi

trọc” [50], “Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp thoái hóa đất tỉnh Quảng Trị phục vụ quy hoạch phát triển bền vững, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai” [53]… do Viện Địa lí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành.

- Nghiên cứu thoái hóa đất đồi núi Việt Nam và các biện pháp nhằm phục hồi độ phì của đất, bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên đất của Nguyễn Tử Siêm (2000) “Bàn về tính bền vững trong quản lý sử dụng đất đồi núi và phương thức nông - lâm kết hợp trên đất dốc” [75], Nguyễn Đình Kỳ và NNK (2003) “Nghiên cứu thử nghiệm chất giữ ẩm đặc biệt AMSI để trồng cây lương thực ở vùng núi khô hạn Hoàng Su Phì, Hà Giang” [49].

Nhìn chung, công tác nghiên cứu thoái hóa đất có độ chính xác ngày càng cao, đạt được nhiều thành tựu đáng kể do được trợ giúp bởi công nghệ viễn thám, thiết bị kỹ thuật hiện đại, các phần mềm xử lý, tính toán, hiển thị như Mapinfo, GIS…

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 31 - 34)