Các công trình nghiên cứu theo hướng đánh giá và phân hạng đất đai

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 34 - 38)

9. CẤU TRÚC LUẬN ÁN

1.2.3. Các công trình nghiên cứu theo hướng đánh giá và phân hạng đất đai

Trong nhiều công trình theo hướng này việc nghiên cứu phân hạng đất đai được tiến hành dựa trên điều kiện tự nhiên, lấy những tính chất tự nhiên của đất đai làm chỉ tiêu đánh giá, phân hạng sử dụng.

1.2.3.1. Trên thế giới

Đánh giá sử dụng đất đai là bước tiếp theo của công tác nghiên cứu đặc điểm đất với phương pháp và hệ thống đánh giá đất đai ngày càng hoàn thiện.

- Ở Hoa Kỳ: Năm 1951, Cục cải tạo đất đai thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ biên soạn hướng dẫn Phân loại khả năng thích nghi đất đai có tưới. Hệ thống phân loại bao gồm các lớp, từ lớp có thể trồng trọt được (Arable) đến lớp trồng trọt được một cách giới hạn (Limited arable) và lớp không thể trồng trọt được (Non arable). Trong phân loại, một số chỉ tiêu kinh tế cũng được xem xét nhưng ở phạm vi thủy lợi.

Ngoài ra, phương pháp phân loại theo khả năng đất đai (Land Capability) cũng được mở rộng trong công tác đánh giá đất đai ở Hoa Kỳ bởi Klingebiel và Montgomery vào năm 1961. Trong đó, các đơn vị bản đồ đất đai được nhóm lại dựa vào khả năng sản xuất một loại cây trồng hay thực vật tự nhiên nào đó, chỉ tiêu chính là các hạn chế của lớp phủ thổ nhưỡng đối với các mục tiêu canh tác được đề nghị.

- Ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu: Từ những năm 60 của thế kỷ XX, việc phân hạng và đánh giá đất đai được thực hiện theo quy trình gồm 3 hướng sau:

• Đánh giá lớp phủ thổ nhưỡng: So sánh các loại thổ nhưỡng theo tính chất tự nhiên.

• Đánh giá khả năng sản xuất của đất đai: Yếu tố đất được xem xét kết hợp với yếu tố địa hình, khí hậu, độ ẩm đất…

• Đánh giá kinh tế đất: Đánh giá khả năng sản xuất hiện tại của đất đai. Phương pháp này thuần túy quan tâm đến khía cạnh tự nhiên của đối tượng đất đai, chưa xem xét đầy đủ đến khía cạnh KT - XH của việc sử dụng đất đai.

- Đánh giá đất theo FAO

Từ những năm 70 của thế kỷ XX, song song với tiến trình thống nhất quan điểm về phân loại thổ nhưỡng, FAO đã tài trợ nhiều chương trình nghiên cứu có tính toàn cầu về đánh giá đất đai và sử dụng đất đai trên quan điểm lâu bền. Kế thừa nhiều công trình nghiên cứu vào năm 1975, tại Hội nghị Rome, đã xây dựng tài liệu “Đề cương đánh giá đất đai” (A Framework for Land Evaluation) công bố vào năm 1976, hoàn chỉnh vào năm 1983. Tài liệu này được cả thế giới quan tâm thử nghiệm, vận dụng và chấp nhận là phương pháp tốt nhất để đánh giá tiềm năng đất đai [111].

Tiếp theo là những tài liệu tổng quát của FAO về đánh giá đất đai cho từng đối tượng chuyên biệt cũng được xuất bản như: Đánh giá đất cho nền nông nghiệp nhờ nước mưa; Đánh giá đất đai cho nông nghiệp được tưới; Đánh giá đất đai và phân tích hệ thống canh tác quy hoạch sử dụng đất; Hướng dẫn đặt kế hoạch sử dụng đất; Đánh giá đất cho lâm nghiệp. Nhiều nước đã quan tâm, thử nghiệm, vận dụng đề cương và hướng dẫn này vào công tác đánh giá đất đai ở nước của mình [71], [117], [119].

1.2.3.2. Ở Việt Nam

Từ năm 1954, ở miền Bắc, Vụ Quản lý ruộng đất và Viện Nông hóa thổ nhưỡng đã có công trình nghiên cứu quy trình phân hạng đất vùng sản xuất nông nghiệp nhằm tăng cường công tác quản lý độ màu mỡ đất và xếp hạng thuế nông nghiệp. Dựa vào các chỉ tiêu chính về điều kiện sinh thái và tính chất đất của từng vùng sản xuất nông nghiệp, đất đã được phân thành 5 - 7 hạng theo phương pháp xếp điểm.

Đặc biệt, từ những năm 80 trở lại đây, nhờ áp dụng phương pháp của FAO mà công tác nghiên cứu đánh giá đất đai ở Việt Nam đã được đẩy mạnh. Tiêu biểu là:

+ Năm 1984, Tôn Thất Chiểu và nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá phân hạng đất đai toàn quốc ở tỷ lệ bản đồ 1/500.000, dựa vào nguyên tắc phân loại khả năng đất đai (Land Capability Classification) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Chỉ tiêu sử dụng là các đặc điểm thổ nhưỡng và địa hình, được phân cấp nhằm mục đích sử dụng đất đai tổng hợp, bao gồm 7 nhóm.

+ Năm 1985, vận dụng phương pháp phân loại khả năng đất đai của FAO, Bùi Quang Toản và nhóm nghiên cứu đã đánh giá và quy hoạch sử dụng đất khai hoang ở Việt Nam. Các chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá bao gồm các điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, thủy văn và tưới tiêu, khí hậu nông nghiệp. Trong nghiên cứu này, hệ thống phân hạng đến cấp lớp (Class) thích hợp cho từng loại hình sử dụng đất.

+ Năm 1989, Vũ Cao Thái và NNK đã nghiên cứu đánh giá, phân hạng đất Tây Nguyên với cây cao su, cà phê, chè và dâu tằm. Bằng phương pháp phân hạng đất đai của FAO theo kiểu định tính và thích hợp hiện tại các tác giả đã đánh giá tiềm năng đất đai của vùng. Đất đai được phân thành 4 hạng riêng cho từng cây trồng.

+ Trong thời kỳ 1990 - 1995, trong Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Khôi phục rừng và phát triển lâm nghiệp, mã số KN - 03” do Viện Khoa học Lâm nghiệp chủ trì với đề tài “Đánh giá tiềm năng sản xuất đất lâm nghiệp và hoàn thiện phương pháp điều tra lập địa”. Việc đánh giá đất đai lâm nghiệp được tiến hành trong phạm vi toàn quốc trên 8 vùng kinh tế lâm nghiệp và trên 4 đối tượng chính: Đất vùng đồi núi, đất cát biển, đất ngập mặn sú vẹt, đất chua phèn.

+ Từ 1991 - 1995, Chương trình quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, khả năng thích nghi của đất đai đối với các loại hình sử dụng đất phổ biến đã được tiến hành theo phương pháp phân hạng đất của FAO.

Từ những hướng nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy rằng, căn cứ để phân hạng đất đai gồm 5 yếu tố: đặc điểm thổ nhưỡng, vị trí, địa hình, điều kiện khí hậu, điều kiện tưới tiêu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về đánh giá, phân hạng đất đai ở Việt Nam, chủ yếu áp dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp [74]. Đặc biệt đánh

giá thích hợp đất đai lâm nghiệp ở tỉnh TTH vẫn còn là khoảng trống.

+ Trong thời kỳ 1992 - 1994, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đã thực hiện công tác đánh giá đất đai trên 9 vùng sinh thái của cả nước với bản đồ tỷ lệ 1/250.000 (mã số KT - 02.09.00, do Trần An Phong chủ trì). Vận dụng phương pháp của FAO, một số công trình đã tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng đất trên quan điểm sinh thái và phát triển lâu bền [11], [73] Đơn vị cơ sở để đánh giá là đơn vị đất đai hay đơn vị bản đồ đất đai (Land Unit/ Land Mapping Unit). Các ĐVĐĐ được xác định dựa trên 7 chỉ tiêu tự nhiên (loại đất, độ dày tầng đất, độ dốc, lượng mưa, nhiệt độ, thủy văn, tưới tiêu). Kết quả đánh giá đã khẳng định nội dung, phương pháp đánh giá đất đai theo tiêu chuẩn của FAO vào điều kiện cụ thể của Việt Nam là phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.

Năm 1997, Vũ Cao Thái và NNK với ấn phẩm “Điều tra đánh giá tài nguyên đất theo FAO/UNESCO và quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn 1 tỉnh” [80] đã giúp cho công tác đánh giá đất đai, quy hoạch sử dụng đất ngày càng có hiệu quả hơn. Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, việc ứng dụng các phần mềm vào xây dựng, chồng xếp các bản đồ thành phần, phân hạng thích nghi cây trồng… đã giúp cho việc đánh giá trở nên chính xác và thuận lợi hơn [21], [32].

Nhìn chung, các công trình đánh giá đất đai trên thế giới và ở nước ta có đặc điểm:

- Xác định đất đai là một vùng đất bao gồm các yếu tố của môi trường tự nhiên có ảnh hưởng đến sử dụng đất. Đơn vị cơ sở để đánh giá là đơn vị đất đai.

- Chú ý đến các thành phần tự nhiên có ảnh hưởng đến chất lượng đất đai, trong đó chú trọng các yếu tố hạn chế lâu dài, khó khắc phục.

- Đánh giá đất đai gắn với mục đích sử dụng bao gồm các dạng: đánh giá chất lượng, đánh giá định lượng vật chất và đánh giá kinh tế.

- Phương pháp đánh giá chủ yếu là cho điểm, tính %, đánh giá thích hợp đất đai cho từng loại hình sử dụng.

Hướng nghiên cứu này thích hợp nhất cho việc đánh giá nhằm xây dựng các bản đồ thích hợp cho cây trồng. Tuy nhiên, quá trình đánh giá đất đai của FAO cho

thấy việc xác định các chỉ tiêu, xây dựng và chồng xếp các bản đồ thành phần để xác định các đơn vị đất đai là không thể thống nhất chung cho mọi địa phương. Mỗi lãnh thổ cần có một bộ chỉ tiêu với các quy tắc và tiêu chuẩn khác nhau. Vì vậy tham khảo các công trình nghiên cứu theo hướng đánh giá đất đai nêu trên là việc làm cần thiết để luận án có thể lựa chọn một số chỉ tiêu tự nhiên thích hợp cho sự phát triển của các loại cây trồng nông lâm nghiệp trên lãnh thổ nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 34 - 38)