Điều kiện địa hình thành tạo đất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 58 - 61)

9. CẤU TRÚC LUẬN ÁN

2.1.3. Điều kiện địa hình thành tạo đất

Địa hình TTH khá đa dạng, phức tạp bao gồm vùng núi (núi trung bình, núi thấp), vùng đồi (đồi thấp, đồi cao), vùng đồng bằng và đầm phá ven biển. Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông. Hướng địa hình phổ biến là Tây Bắc - Đông Nam. Lớp phủ thổ nhưỡng phân hóa theo địa hình khá rõ nét.

2.1.3.1. Các kiểu địa hình

* Địa hình vùng núi

Vùng núi nằm ở phía Tây và phía Nam của TTH có diện tích 227.914,38ha, chiếm 45,3% DTTN toàn tỉnh, gồm núi trung bình và núi thấp. Trong đó, núi thấp chiếm ưu thế [86], [91].

Khu vực núi trung bình phân bố chủ yếu ở phía Tây (nằm sát biên giới Việt - Lào), có hướng Tây Bắc - Đông Nam, gồm các khối núi đồ sộ cấu tạo bởi đá macma, đá trầm tích biến chất cổ, bị chia cắt thành khối tảng. Độ cao của các núi phổ biến trên 900m, nhiều vùng núi trên 1000m như Động Ngại (1.774m), Núi Mang (1.712m), Bạch Mã (1.444m)..., độ dốc >250. Khu vực núi thấp có độ cao từ 250m đến dưới 750m, độ dốc 15 - 250, cấu tạo chủ yếu bởi trầm tích lục nguyên có khả năng chống xâm thực kém hơn đá macma, đá trầm tích biến chất cổ.

Bảng 2.2. Diện tích của các kiểu địa hình lãnh thổ tỉnh Thừa Thiên Huế STT Kiểu địa hình Độ cao tuyệt đối

(m) Độ cao tương đối (m) Diện tích (ha) Tỷ lệ (%)

1 Núi trung bình Từ 700 - 2.000 Trên 200 56.826,86 11,3

2 Núi thấp Từ 200 -700 Từ 100 - 200 171.087,52 34,0 3 Gò đồi Từ 50 - 200 Từ 10 -100 99.211,56 19,7 4 Đồng bằng và đầm phá Dưới 50 Dưới 10 176.194,59 35,0 Tổng diện tích tự nhiên 503.320,53 100 * Địa hình vùng đồi

Vùng đồi TTH phát triển trên nền địa chất của đá trầm tích biến chất hệ tầng Long Đại (03lđ) và đá trầm tích lục nguyên của hệ tầng Tân Lâm (D1tl), nằm ở dải chuyển tiếp giữa khu vực núi thấp và đồng bằng duyên hải hoặc phân bố dọc các thung lũng sông suối lớn (một số nơi, vùng đồi nối liền với vùng cát) với diện tích hạn chế (99.211,56ha, chiếm 19,7% DTTN), có hình thái khá phức tạp và phân thành 2 kiểu: đồi cao (chiếm ưu thế, độ cao 100 - 200m), đồi thấp (phân bố chủ yếu ở phía Tây TP Huế, cao 50 - 100m) [86], [91].

* Địa hình vùng đồng bằng và đầm phá ven biển

Địa hình đồng bằng ven biển tỉnh TTH tương đối bằng phẳng có độ cao dưới 50m so với mặt nước biển (và giảm dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam), bao gồm các đồng bằng Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc). Kiểu địa hình này có diện tích 176,194,59ha, chiếm 35% DTTN. Bề mặt của đồng bằng ở một số nơi bị biến động do xuất hiện những trảng cát nội đồng, đầm phá và các bàu, trằm.

Các trảng cát thường phân bố luân phiên với trằm, bàu theo hướng Tây Bắc - Đông Nam ở Phong Điền, Quảng Điền. Trảng cát nội đồng cổ nhất TTH là vùng gò đồi rộng, tương đối bằng phẳng, dạng thềm biển cao 10 - 15m, được cấu tạo bởi cát vàng hoặc cát trắng xám, chiếm diện tích tương đối đáng kể và tạo nên một vùng sinh thái đặc thù. Xen kẽ với các trảng cát là trằm, bàu. Từ Quốc lộ 1A về phía đầm phá, mật độ trằm bàu khá dày đặc với nguồn nước rất phong phú, quanh năm có đủ nước tưới cho đồng ruộng, ngay cả những lúc khô hạn nhất.

Đồng bằng ven biển TTH đang bị biến đổi hàng năm (đặc biệt là vùng ven sông, ven đầm phá) bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo.

Đầm phá là nét đặc trưng của dải ven biển TTH. Đây là hệ thống đầm phá gần kín, rộng nhất trên cả nước, gồm hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và đầm biệt lập An Cư (Lập An). Lớn nhất là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với 216km2, dài 68km, chạy dọc ven biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Nằm giữa đồng bằng duyên hải hoặc đầm phá và biển là dãy cồn đụn cát chắn bờ dài khoảng 100km, kéo dài theo hướng chung là Tây Bắc - Đông Nam từ Điền Hương (Phong Điền) đến cửa Tư Hiền (Phú Lộc). Dãy cồn cát có độ cao 2 - 35m, thay đổi liên tục từ Bắc vào Nam, chạy song song với đường bờ biển.

2.1.3.2. Vai trò của địa hình trong sự phát sinh và thoái hóa đất tỉnh Thừa Thiên Huế

Địa hình chi phối các quá trình thành tạo đất thông qua phân phối lại vật chất và năng lượng. Ở tỉnh TTH, do địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn nên quá trình xói mòn, rửa trôi xảy ra mạnh, không thuận lợi cho quá trình hình thành, phát triển tầng đất nhưng lại dễ dàng thoái hóa. Các yếu tố của địa hình có tác động lớn đến sự phân hóa khí hậu, dòng chảy, thực vật. Đây là các nhân tố phát sinh, phát triển, bảo

tồn các loại đất trong khu vực cũng như tạo ra những quy luật thoái hóa riêng biệt. Địa hình núi trung bình phát sinh các loại đất mùn vàng đỏ trên núi (các vùng có độ cao trên 900m), đất đỏ vàng, vàng xám (vùng có độ cao dưới 900m)… với đặc trưng trong phẫu diện đất có hàm lượng sắt, nhôm còn cao. Do đất được hình thành trên dạng địa hình có độ cao, độ dốc lớn, trong điều kiện phong hóa nhiệt đới ẩm diễn ra chưa triệt để, chịu tác động mạnh của ngoại lực nên quy luật thoái hóa đất ở đây là xói mòn, rửa trôi, sạt lở ở các bờ sông, sườn núi.

Địa hình núi thấp và gò đồi tạo điều kiện hình thành đất xám bạc màu, đất đỏ vàng. Dưới tác động của quá trình ngoại sinh, quá trình thoái hóa đất ở khu vực này là rửa trôi, xói mòn, làm mất chất dinh dưỡng của đất, xuất hiện đất trơ sỏi đá.

Địa hình đồng bằng duyên hải thấp, được hình thành do phù sa, sông biển lấp dần các vụng biển cũ nên đất phù sa ở đây thường chua, nghèo mùn, ít màu mỡ. Trong đồng bằng có các dạng địa hình trũng ngập nước, bán ngập nước, nên có các loại đất glây, đất lầy, đất mặn, đất phèn, đất nâu vàng trên phù sa cổ với các quá trình thoái hóa phổ biến là quá trình suy thoái hóa học, thoái hóa do biến đổi cấu trúc vật lý đất. Ở địa hình cồn cát ven biển là thoái hóa đất do thổi mòn vào mùa khô; xói mòn do nước vào mùa mưa.

Tóm lại, trong tỉnh TTH, địa hình đã làm phát sinh các loại đất phân hóa theo đai cao, theo vùng, từ đất mùn vàng đỏ trên núi ở khu vực núi trung bình đến đất đỏ vàng, đất xám bạc màu, đất phù sa, đất dốc tụ, đất mặn, đất phèn, đất glây, đất cát ở khu vực núi thấp, gò đồi và đồng bằng ven biển. Đồng thời, quá trình thoái hóa đất cũng có nét đặc trưng ứng với từng kiểu địa hình. Các loại đất hình thành ở khu vực núi thì có quá trình thoái hóa đất do xói mòn, rửa trôi là chủ yếu. Các loại đất ở khu vực ven sông, suối, thì quá trình thoái hóa đất chủ yếu là glây hóa, sạt lở, ô nhiễm. Các loại đất hình thành trong khu vực trũng, thì thoái hóa là do bị lầy hóa, vùi lấp…

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 58 - 61)