Quan điểm đánh giá

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 43 - 45)

9. CẤU TRÚC LUẬN ÁN

1.3.1. Quan điểm đánh giá

1.3.1.1. Quan điểm phát sinh học đất

Đất là một thể tự nhiên độc lập, được hình thành và chịu sự tác động sâu sắc của các nhân tố như đá mẹ, địa hình, khí hậu, thủy văn, sinh vật và con người. Các nhân tố này không tồn tại độc lập mà có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại trong quá trình hình thành và thoái hóa đất. Do đó, theo quan điểm này, khi nghiên cứu địa lý phát sinh đất và thoái hóa đất, chúng ta phải tiến hành nghiên cứu quá trình hình thành đất hay các nhân tố hình thành đất để làm rõ tính đặc trưng riêng của mỗi loại đất trong tỉnh TTH, đồng thời phân tích các cặp tương tác vô sinh - hữu sinh, tương tác hóa lý và đặc biệt là vai trò của con người trong điều kiện biến đổi khí hậu.

1.3.1.2. Quan điểm tổng hợp

Đất là “tấm gương” của cảnh quan, là “vật mang” của hệ sinh thái. Bởi vậy trên quan điểm tổng hợp cần nghiên cứu đồng bộ, toàn diện về mối quan hệ giữa các điều kiện tự nhiên với tài nguyên đất trong quy luật phân bố và sự biến động của chúng; những mối quan hệ tương tác, chế ngự lẫn nhau giữa các hợp phần cấu thành nên địa tổng thể. Sự kết hợp, phối hợp có quy luật, có hệ thống phải được phân tích đồng bộ và toàn diện các yếu tố hợp phần của tổng thể lãnh thổ tự nhiên. Qua đó, phát hiện và xác định những đặc điểm của chúng [81].

Theo quan điểm này, khi đánh giá thích hợp đất ở tỉnh TTH, cần chú ý đến mối quan hệ giữa các yếu tố phát sinh, thoái hóa đất vì sự thay đổi của mỗi một yếu tố sẽ dẫn đến việc hình thành các loại đất khác nhau về đặc điểm, mức độ thoái hóa. Đây được xem là các yếu tố góp phần vào sự phân hóa giá trị của các ĐVĐĐ. Do đó, quan điểm này được vận dụng để nghiên cứu đặc điểm các nhân tố tự nhiên lãnh thổ trong xây dựng bản đồ ĐVĐĐ, phân tích mối quan hệ giữa các hợp phần trong cấu trúc của mỗi ĐVĐĐ, cung cấp cơ sở cho việc lựa chọn và phân cấp chỉ tiêu đánh giá.

1.3.1.3. Quan điểm sử dụng đất bền vững

Sử dụng đất bền vững là quá trình sử dụng đất nhằm đạt hiệu quả kinh tế, cải thiện xã hội trong thời điểm hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái đất trong tương lai. Hội Khoa học Đất Việt Nam (2000) đã cụ thể hóa tiêu chí sử dụng đất bền vững đáp ứng các mặt sau [34]:

- Bền vững về mặt kinh tế: Là sử dụng đất hợp lý sao cho cây trồng đạt năng suất cao, chất lượng tốt và được thị trường chấp nhận, nghĩa là mang lại lợi nhuận cao;

- Bền vững về mặt môi trường: Là loại sử dụng phải bảo vệ đất, ngăn cản sự thoái hóa đất, bảo vệ môi trường thiên nhiên;

- Bền vững về mặt xã hội nhân văn: Là thu hút được lao động, đảm bảo đời sống xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống con người.

Áp dụng quan điểm này, khi đề xuất phát triển các loại hình NLN trên lãnh thổ cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế, xã hội, đồng thời phải chú ý bảo vệ tài nguyên môi trường đất, ngăn ngừa thoái hóa, cải thiện chất lượng đất.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 43 - 45)