Các công trình nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và sử dụng hợp lý lãnh thổ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 38 - 43)

9. CẤU TRÚC LUẬN ÁN

1.2.4. Các công trình nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và sử dụng hợp lý lãnh thổ

thổ có liên quan đến tỉnh Thừa Thiên Huế

Có thể tổng hợp các công trình theo 4 nhóm sau với mục tiêu kế thừa tối đa những thành quả khoa học để vận dụng vào luận án.

1.2.4.1. Các công trình nghiên cứu các điều kiện tự nhiên và môi trường

Theo hướng này, đã có nhiều công trình nghiên cứu về các thành phần tự nhiên như: địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, sinh vật tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) được luận án tham khảo và vận dụng. Tiêu biểu là các công trình sau:

- Các công trình nghiên cứu địa chất, địa hình - địa mạo: Trước năm 1975, địa chất, địa hình khu vực TTH đã được các nhà địa chất người Pháp như Fromaget. J (1927, 1941), Saurin. E (1935, 1944, 1950…) và nhiều công trình tổng hợp của các nhà địa chất Liên Xô (cũ) thực hiện. Sau năm 1975, hàng loạt nghiên cứu về cấu trúc kiến tạo của lãnh thổ nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung đã được công bố. Nhiều tác giả đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa các hoạt động kiến tạo địa chất và đặc điểm địa hình của lãnh thổ nghiên cứu như Nguyễn Khoa Lạnh (1994) [56], Bùi Hữu Nghĩa (1996) [68]. Xác định ảnh hưởng của nhân tố địa chất - địa mạo đến các tai biến thiên nhiên trên lưu vực sông Hương tỉnh TTH đã được Uông Đình Khanh và cộng sự tiến hành vào năm 2003 [38]. Đây là những tài liệu có giá trị góp phần xác định lịch sử phát triển địa chất, địa mạo, đặc điểm địa hình cũng như vai trò của chúng trong quá trình phát sinh đất tỉnh TTH.

- Các công trình nghiên cứu về khí hậu, thủy văn, sinh vật và môi trường: Có rất nhiều công trình nghiên cứu về đặc điểm khí hậu, thủy văn khu vực Bình - Trị - Thiên nói chung và tỉnh TTH nói riêng. Đó là các công trình của Nguyễn Thị Hiền,

Nguyễn Khanh Vân (1995) “Tài nguyên khí hậu vùng Bắc Trung Bộ” [29], Nguyễn Việt với “Đặc điểm khí hậu thủy văn Thừa Thiên Huế” [103], “Đánh giá tổng hợp về hạn hán ở tỉnh Thừa Thiên Huế” [104], Nguyễn Hoàng Sơn với “Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững lưu vực sông Hương” [78]… Các đề tài đã tập trung tìm hiểu những đặc điểm khí hậu, tài nguyên nước, tiến hành quan trắc các yếu tố khí hậu qua nhiều năm, đây là nguồn số liệu đáng tin cậy giúp cho việc nghiên cứu của luận án.

Tỉnh TTH đã tiến hành nhiều đề tài, dự án nhằm tăng độ che phủ rừng, bảo vệ các nguồn tài nguyên khác. Các tác giả Trịnh Việt An (1999) [1], Nguyễn Văn Cư (2000) [14], Nguyễn Lập Dân và NNK (2001) [20]… đã nghiên cứu về hiện tượng xâm thực bờ biển, sạt lở bờ sông, từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết. Ngoài ra, các công trình như: “Xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm (1994 - 1998) tỉnh Thừa Thiên Huế” (Đỗ Nam, 1999) [65], “Hiện trạng và định hướng hoạt động quan trắc môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế” (2010) [10] đã báo cáo khá đầy đủ về diễn biến và hiện trạng môi trường của tỉnh, từ đó dự báo xu thế thay đổi môi trường trong tương lai và đề xuất các giải pháp, biện pháp thích ứng. Công trình “Xây dựng đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Hương” [17] do Nguyễn Văn Cư chủ trì đã nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân và dự báo ô nhiễm môi trường, xây dựng đề án tổng thể bảo vệ môi trường, cung cấp ngân hàng dữ liệu về môi trường lưu vực sông Hương... Ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu khác về tài nguyên thiên nhiên, tai biến môi trường của tỉnh TTH với sự hỗ trợ của GIS, viễn thám góp phần tăng hiệu quả khai thác và bảo vệ, quản lý tài nguyên…

1.2.4.2. Các công trình nghiên cứu về đất

Năm 1975, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đã tiến hành khảo sát, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/100.000 cho khu vực Bình - Trị - Thiên (trong đó có tỉnh TTH ngày nay) theo hệ thống phân loại cũ. Năm 1976, UBKHKT Nhà nước ban hành bản đồ thổ nhưỡng khu vực Bình - Trị - Thiên tỷ lệ 1/100.000 [98] và sau đó được bổ sung chỉnh lý vào năm 1984 [99].

đất trống đồi trọc trên địa bàn tỉnh TTH [100].

Năm 2004, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp tiến hành phúc tra, chỉnh lý, bổ sung, cập nhật bản đồ đất tỷ lệ 1/100.000, kiểm kê số lượng, chất lượng đất đai tỉnh TTH [102]. Năm 2005 - 2007, tỉnh TTH đã tiến hành chuyển đổi theo phân loại đất của FAO - UNESCO trên bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 của từng huyện, thị nhằm mục đích cung cấp cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương nói riêng và tỉnh TTH nói chung [15], [16]. Hiện nay, việc xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất 5 năm 1 lần theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo cáo kiểm kê đất đai và các bản đồ quy hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn cũng được tỉnh TTH chú trọng, đầu tư thực hiện theo đúng tiến độ [77].

1.2.4.3. Các công trình nghiên cứu về thoái hóa đất

Trong 2 năm 2001 - 2002, các tác giả Nguyễn Đình Kỳ, Trần Duy Tứ với đề tài “Đặc điểm lớp phủ thổ nhưỡng vùng gò đồi sáu tỉnh Bắc Trung Bộ” [47], chuyên đề “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng đến sự hình thành lũ lụt miền Trung”…đã phân tích điều kiện hình thành và các quá trình thoái hóa đất tại khu vực nghiên cứu [48]. Năm 2008, Nguyễn Đình Kỳ và cộng sự đã nghiên cứu lớp phủ thổ nhưỡng, ảnh hưởng của nó đến các tai biến tự nhiên từ đó đề xuất các giải pháp giảm thiểu thiệt hại ở lưu vực sông Hương thuộc tỉnh TTH [55]. Công trình “Nghiên cứu xây dựng các giải pháp tổng thể sử dụng hợp lý các dải cát ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận” (Trần Văn Ý, 2004) [106] đã đề cập hướng sử dụng hợp lý dải đất cát ven biển tỉnh TTH.

Đặc biệt, các công trình liên quan chặt chẽ đến luận án như: công trình “Nghiên cứu, đánh giá và dự báo thoái hóa đất vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam phục vụ quy hoạch bền vững” [54] , “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá tiềm năng thoái hóa đất phục vụ cho thành lập bản đồ thoái hóa tiềm năng vùng Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế” [52] của Nguyễn Đình Kỳ năm 2005; “Nghiên cứu tổng hợp địa lý phát sinh và thoái hóa đất phục vụ sử dụng hợp lý tài nguyên đất và phòng tránh thiên taikhu vực Bình - Trị - Thiên” [33] của Nguyễn Anh Hoành năm 2007 đã xây dựng và lựa chọn các tiêu chí, phương pháp đánh giá, phân cấp tiềm

năng thoái hóa, cụ thể hóa đặc điểm xuất hiện ở các cấp nguy cơ thoái hóa đất. Các nghiên cứu trên và nhiều công trình khác cũng đã phản ánh tính đặc thù thoái hóa đất, dự báo, ngăn ngừa thoái hóa đất cho nhiều vùng miền trong đó có tỉnh TTH.

Năm 2012, NCS đã tham gia vào đề tài “Thoái hóa đất ở tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất giải pháp ngăn ngừa, hạn chế thoái hóa” [60]. Đề tài đã làm rõ các quá trình hình thành, các dạng thoái hóa đất chủ yếu ở tỉnh TTH, thành lập bản đồ thoái hóa đất của tỉnh. Từ đó, đề xuất hệ thống giải pháp để ngăn ngừa thoái hóa và sử dụng đất bền vững.

Như vậy, các công trình nghiên cứu thoái hóa đất có liên quan đến tỉnh TTH đã tập trung vào các vấn đề: đặc điểm lớp phủ thổ nhưỡng; chỉ tiêu đánh giá, phân loại các cấp thoái hóa đất, hệ thống giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên đất, ngăn ngừa thoái hóa đất. Đây là những tài liệu tham khảo có giá trị giúp luận án xác định quan điểm và phương pháp, dữ liệu phục vụ đánh giá thích hợp đất đai của luận án.

1.2.4.4. Các công trình nghiên cứu về tổng hợp điều kiện tự nhiên, đánh giá đất đai phục vụ phát triển nông lâm nghiệp

Các công trình ứng dụng các chỉ tiêu trong đánh giá như Vũ Tự Lập trong “Địa lí địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Tập bản đồ địa lí địa phương Việt Nam” [57], [58] đã dựa trên tổ hợp chỉ tiêu kiểu địa hình và nhiệt - ẩm, phân chia trên lãnh thổ TTH thành 17 loại cảnh quan để đề xuất hướng khai thác cho lãnh thổ này.

Hoàng Đức Triêm trong “Phân vùng địa lí tự nhiên lãnh thổ Bình Trị Thiên” đã lựa chọn 5 chỉ tiêu là độ dốc, độ dày tầng đất, số tháng đủ ẩm, số ngày có nhiệt độ thích hợp và số ngày lạnh để xây dựng bản đồ các dạng sinh thái (68 dạng) cho vùng đồi Bình Trị Thiên, trên cơ sở đó đề xuất các hệ canh tác theo mô hình sinh thái NLN [87]. Công trình “Đánh giá, phân hạng điều kiện sinh thái tự nhiên lãnh thổ trung du Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cho nhóm cây công nghiệp nhiệt đới dài ngày” (Lê Văn Thăng, 1995) [81], đã lựa chọn 15 chỉ tiêu để đánh giá điều kiện sinh thái cho nhóm cây nhiệt đới dài ngày (cao su, cà phê vối và hồ tiêu) và phân chia lãnh thổ Quảng Trị và TTH thành 71 loại cảnh quan để phục vụ cho mục tiêu phân hạng sinh thái tự nhiên của đề tài. Cũng theo hướng này, còn có các công trình

của các tác giả Nguyễn Đăng Độ [22], Hà Văn Hành [28] và Bùi Thị Thu [84] về đánh giá và phân hạng điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển NLN cho các huyện A Lưới, Phú Lộc, lưu vực sông Hương… Đây là những nguồn tài liệu quan trọng giúp luận án kế thừa có chọn lọc những chỉ tiêu về đất đai, đối tượng đưa vào đánh giá phù hợp với phát triển NLN trên địa bàn tỉnh TTH.

Năm 2005, Nguyễn Văn Cư và cộng sự trong công trình “Điều tra cơ bản tổng hợp có định hướng điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên các huyện tỉnh Thừa Thiên Huế” [15], [16], năm 2010 “Xây dựng đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Hương” [17] đã tiến hành điều tra cơ bản tổng hợp có định hướng điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên các huyện, thị xã trong tỉnh TTH. Đề tài đã xây dựng tập bản đồ về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (bản đồ địa hình - địa mạo, phân vùng khí hậu, thảm thực vật, cảnh quan đất, bản đồ đất, hiện trạng sử dụng đất, tai biến môi trường và định hướng sử dụng đất ở tỷ lệ 1/25.000) phục vụ định hướng sử dụng đất NLN và thủy sản.

Theo hướng đánh giá đất đai, năm 2004, Lê Năm [67] với “Đánh giá điều kiện tự nhiên phục vụ định hướng sử dụng đất đai nông lâm nghiệp vùng đồi núi tỉnh Thừa Thiên Huế” đã xây dựng bản đồ ĐVĐĐ vùng đồi núi tỉnh TTH với 42 ĐVĐĐ phục vụ mục tiêu sử dụng đất đai NLN ở khu vực nghiên cứu. Ngoài ra còn có nhiều đề tài về áp dụng các mô hình sản xuất, nhằm phát triển NLN ở các huyện trong tỉnh như “Đánh giá hiệu quả cây bản địa đã trồng trong chương trình 327, đề xuất cơ cấu cây bản địa phục vụ chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng ở tỉnh Thừa Thiên Huế” của Chi cục Phát triển Lâm nghiệp [9], “Đánh giá tổng hợp tiềm năng nông nghiệp huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế” của Hồ Chín, Lê Thị Việt Phương [12], “Quy hoạch lại sản xuất và đề xuất một số mô hình nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng bền vững ở vùng cát nội đồng hai huyện Phong Điền và Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế” của Lê Văn Thăng [83]…

Về định hướng phát triển KT - XH nói chung và phát triển NLN nói riêng, các ban ngành trên địa bàn tỉnh TTH có các báo cáo, dự án đáng chú ý sau: “Kế hoạch phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế 2008 - 2020” [92], “Xây dựng kế

hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2011 - 2015” [93], “Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009 - 2020” [94], “Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ đầu 2011 - 2015 tỉnh Thừa Thiên Huế” [95], “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020” [96]… Tuy nhiên, các định hướng phát triển kinh tế, sử dụng đất đai trong các tài liệu này chỉ mang tính kế hoạch, chưa có quan điểm và phương pháp đánh giá.

Qua phân tích, xem xét các tài liệu có liên quan đến nội dung và lãnh thổ nghiên cứu của luận án, có thể đưa ra một số nhận xét sau:

- Những tài liệu trên là những công trình khoa học có giá trị cao về khoa học và lý luận. Đây được xem là nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu trong quá trình lựa chọn phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu.

- Trong một số công trình nghiên cứu liên quan đến lãnh thổ TTH, các đề tài đã đi sâu vào nghiên cứu các điều kiện tự nhiên trong đó có đề cập đến thổ nhưỡng. Tuy nhiên chưa có công trình nào đánh giá mức độ thích hợp của các ĐVĐĐ cho các loại hình sử dụng NLN cụ thể trên toàn tỉnh TTH cũng như đề xuất định hướng phát triển NLN bền vững trong mối tương quan với hiện trạng thoái hóa đất.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tổng hợp lớp phủ thổ nhưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững (Trang 38 - 43)