Luật Việt Nam hiện hành

Một phần của tài liệu Đánh giá năng lực áp dụng nguyên tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong thực hành tâm lý học lâm sàng cho trẻ em và vị thành niên (Trang 34 - 38)

1.3.1.1. Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức nghề nghiệp

Luật pháp vừa là công cụ đánh giá hành vi của nhà tâm lý, vừa là nguồn để xây dựng đạo đức nghề tâm lý. Nói luật pháp là công cụ đánh giá vì đây là ranh giới bắt buộc chấp hành, mối liên hệ giữa hai hình thái này được thể hiện ở chỗ “pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa” [22]. Với những nước chưa có quy tắc đạo đức nghề tâm lý như Việt Nam để điều chỉnh chuyên sâu hành vi của người hành nghề thì có thể áp dụng các nguyên tắc chung của pháp luật như là các

25

nguyên tắc “sàn”, nguyên tắc cơ sở. Vượt qua ngưỡng này không chỉ phản ánh giá trị đạo đức của người hành nghề không chỉ vô cùng thấp mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, thậm chí là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải loại trừ. Sẽ không thể chấp nhận được nếu một người hành nghề được coi là có giá trị nhân bản lại có hành vi đi ngược với các giá trị xã hội. Ở các nước phát triển, nghề tâm lý và nhà tâm lý chịu sự quản lý, giám sát rất chặt chẽ bởi các cơ quan nhà nước và phải tuân theo luật pháp chuyên ngành dành cho ngành nghề này.

Song, pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cũng có sự mâu thuẫn nhất định nên trong những trường hợp cụ thể, việc lựa chọn tuân theo pháp luật hay quy tắc đạo đức là một vấn đề nan giải. Mappes và cộng sự (1985) chỉ ra 3 lĩnh vực có thể tồn tại mâu thuẫn giữa đạo đức và pháp luật gồm: quảng cáo, bảo mật thông tin và quyền truy cập hồ sơ của thân chủ. Pháp luật có thể cho phép (quyền) và bắt buộc (nghĩa vụ) nhà tâm lý thực hiện hay không thực hiện một hành vi nào đó, nhưng hành vi đó lại đe dọa phá vỡ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Mappes và cộng sự (1985) gợi ý cách thức để dung hòa các mâu thuẫn bằng cách chủ động hợp tác với Đoàn Luật sư, các cơ quan lập pháp, tư pháp để vừa bảo vệ quyền lợi cho công chúng lẫn ngăn ngừa các rủi ro cho nhà tâm lý khi cung cấp dịch vụ. Đồng thời, các Ủy ban đạo đức cần tăng cường giáo dục thành viên, tuyên truyền đại chúng hay cung cấp thông tin qua các tạp chí chuyên ngành nhằm cải thiện nhận thức của nhà tâm lý [10].

1.3.1.2. Các văn bản pháp luật điều chỉnh về ngành dịch vụ tâm lý

Vì hoạt động tư vấn tâm lý là hoạt động hướng đến con người, bảo vệ quyền con người và vì con người, cho nên các văn bản sau đây cần được quan tâm như Hiến pháp 2013, các Điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người mà Việt Nam là thành viên hoặc công nhận, Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017), Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em 2004 (từ 1/6/2017 là Luật Trẻ em), Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, Luật người khuyết tật 2010 và các văn bản khác có liên quan. Những nguyên tắc được rút ra sau đây được khái quát từ các nội dung trong Chương II Hiến pháp 2013 về Quyền con người và bảo vệ quyền con người. Các luật và văn bản dưới luật đã nêu ở trên có nhiệm vụ cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp.

26

1.3.1.3. Các nguyên tắc pháp luật mang tính đạo đức

A – Nguyên tắc bảo vệ quyền con người và nhân phẩm

Theo Hiến pháp 2013 thì quyền con người được Nhà nước đảm bảo thực hiện và “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2 Điều 14). Mỗi người phải “tôn trọng quyền của người khác” cũng như không được “xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác” (điều 15). Quyền con người được Nhà nước bảo hộ một cách toàn vẹn và đầy đủ về “tính mạng” (Điều 19), “về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20). Các cá nhân cũng có quyền tự do biểu đạt ý kiến, suy nghĩ của mình theo quy định của pháp luật (Điều 25) [28]. Các quyền này được tiếp tục chi tiết và cụ thể hóa tại Chương III của Bộ luật dân sự các năm 2005 và Điều 34, Điều 35 Bộ Luật dân sự năm 2015 [29].

B – Nguyên tắc bình đẳng

Hiến pháp quy định rằng “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” và “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16). “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” (Khoản 1, điều 26) [28]. Có một điểm cần lưu ý, quyền bình đẳng giới chỉ ghi nhận 2 giới nam và nữ trong Hiến pháp và chưa quy định đối với người có giới tính thứ ba. Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định rằng “không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử” (Điều 3) trong các quan hệ dân sự [29]. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là cào bằng hay ngang hàng tuyệt đối. Nhà nước cũng dành sự quan tâm tới trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ và một số đối tượng đặc biệt khác để thực hiện sự bảo hộ riêng rẽ đối với họ. Các chế độ ưu tiên sẽ được quy định trong từng trường hợp cụ thể tại các luật chuyên ngành.

C – Nguyên tắc bảo mật

Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định rằng “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình . Thông tin về đời sống riêng tư , bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luâ ̣t bảo đảm an toàn” . “Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái

27

luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” [28]. Trong Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” [29]. Đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên thì từ 1/6/2017, việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ phải được sự đồng ý của trẻ theo Điều 6, Luật Trẻ em [31].

D – Nguyên tắc tự bảo vệ

Đây là 1 nguyên tắc cơ bản nhằm chống lại sự gây hại của các chủ thể khác trong xã hội và đem lại sự bồi hoàn thích đáng nếu sự tổn hại do hành vi vi phạm của người khác gây ra là có thật. Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định rằng “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Và “nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” [28]. Người bị thiệt hại có quyền tự mình hoặc nhờ người khác bảo vệ theo các quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, nhà tâm lý có thể gặp những mối nguy cơ tiềm tàng do biết được những thông tin bí mật liên quan đến tội phạm hay sự tấn công của người khác. Với nguyên tắc này, nhà tâm lý có công cụ hữu hiệu để bảo vệ thân chủ, bảo vệ người bị hại hoặc bảo vệ chính mình trước sự tấn công phi lý của chủ thể khác.

E – Nguyên tắc chịu trách nhiệm

Được suy ra từ các nguyên tắc trên, nguyên tắc này được hiểu là khi tham gia quan hệ xã hội nếu chủ thể xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm cũng như ảnh hưởng của hậu quả lên các chủ thể liên quan. Theo Điều 15, Hiến pháp

28

2013, quyền không tách rời khỏi nghĩa vụ, mỗi người đều “có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội” [28]. Trường hợp nhà tâm lý là bên cung ứng dịch vụ vi phạm các thỏa thuận hoặc các nguyên tắc pháp luật thì phải bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh do hành vi vi phạm gây ra [29]. Trường hợp nhà tâm lý không tuân thủ các quy định về nghề nghiệp thì tùy mức độ vi phạm mà phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về mặt hành chính hoặc hình sự.

Một phần của tài liệu Đánh giá năng lực áp dụng nguyên tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong thực hành tâm lý học lâm sàng cho trẻ em và vị thành niên (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)