II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU CÀ PHÊ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2001-2005.
2. Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu.
lượng cà phê xuất khẩu.
Việt Nam đã có một sản lượng cà phê khá lớn với phẩm chất thơm ngon vốn có của giống tốt được sản xuất trên các Cao nguyên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rât thích hợp. Tuy nhiên cà phê xuất khẩu lại không có chất lượng tương xứng và vì vậy đã thua thiệt về giá cả và sức cạnh tranh so với các nước khác.
Một thời gian dài trước đây công nghiệp chế biến cà phê đã không được quan tâm đầy đủ, có sự thiếu sót về nhận thức, có khó khăn về vốn đầu tư, và trình độ công nghệ thấp kém chậm đổi mới, tổn thất sau thu hoạch khá lớn (không dưới 10% giá trị) và đã có những cơ sở sản xuất tổn thất nghiêm trọng, thất thu hàng tỉ đồng vì chất lượng hạt xấu. Mặt khác, hơn 80% cà phê được sản xuất ra từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ thiếu các điều kiện sơ chế tối thiểu. Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, các đại lý mua cà phê cũng thiếu hệ thống kho tàng và thiết bị chế biến. Có thể nói công nghiệp chế biến cà phê đã không theo kịp với sự phát triển nhanh của sản xuất , việc này đã gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất cũng như Nhà nước. Đứng trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng của khách hàng thì việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu phải được coi là nhiệm vụ rất quan trọng trong chiến
lược phát triển của ngành. Công nghiệp chế biến phát triển sẽ làm tăng chất lượng sản phẩm cà phê, từ đó tăng lượng xuất khẩu hàng năm.
Về nguyên liệu chế biến:
Có được nguồn nguyên liệu tốt thì mới chế biến được những sản phẩm chất lượng cao. Để đạt được điều đó cần thực hiện các biện pháp sau:
- Quy hoạch vùng cà phê nguyên liệu, có diện tích và sản lượng đảm bảo đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoạt động.
- Vùng nguyên liệu phải được thâm canh cao, giống tốt cho năng suất cao và ổn định.
- Hướng dẫn nông dân kỹ thuật thu hái, sơ chế bảo quản để giảm thiểu những tổn thất sau thu hoạch về số lượng cũng như chất lượng cà phê. Cần tăng cường công tác bảo vệ đảm bảo cho việc thu hoạch được tốt, loại bỏ tập quán hái quả xanh trong nhân dân, thu hái quả chín phải được trên 95%. Với tỷ lệ đó mới thực hiện được công nghệ chế biến ướt hoặc khi chế biến phơi xát khô vẫn đạt yêu cầu chất lượng, xuất bán theo tiêu chuẩn thử nếm mới đảm bảo hương vị tốt.
- Tạo mối liên kết giữa công nhân và nông dân, giữa trồng và chế biến cà phê trong các tổ chức hợp tác nhằm điều hoà lợi ích giữa các bên. Từ đó tạo ra nguồn nguyên liệu vững chắc, phát triển ổn định lâu dài cho nhà máy chạy hết công suất và đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất kinh doanh.
Về máy móc thiết bị chế biến:
Trong những năm qua do bị động và lúng túng trước sự bùng nổ về sản lượng cà phê nên trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho chế biến thường bị chắp vá và không đồng bộ ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm. Do vậy, trong thời gian tới cần sửa chữa và khai thác tối đa máy móc hiện có, đồng thời phải có dự án lựa chọn thiết bị hiện đại, đồng bộ và có hiệu quả cao kết hợp với việc nghiên cứu áp dụng các thiết bị chế biến nhỏ, gọn ở khu vực cà phê tư nhân. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh cà phê tập trung đầu tư xây dựng nhà kho bảo quản, đổi mới công nghệ thiết bị tiên tiến hiện đại đánh bóng, sấy khô và tách màu bằng laser để nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam, chuyển từ
xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô sang xuất khẩu cà phê đã qua chế biến sâu. Tập trung vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê hoà tan tại các vùng chuyên canh cà phê lớn, cà phê hoà tan có giá trị cao, giá ổn định, bảo quản lâu dài.
Một việc không kém phần cấp bách là tổng công ty cà phê Việt Nam phải sớm thành lập doanh nghiệp cơ khí thiết bị chế biến cà phê để sản xuất và cung ứng các máy móc thiết bị chuyên dùng trong công nghiệp chế biến cà phê. Nhu cầu trang bị đồng bộ rất lớn song không thể chế tạo hoặc mua sắm chắp vá như hiện nay và cũng không nên nhập thiết bị toàn bộ cho khâu chế biến sơ cấp trong khi doanh nghiệp Việt Nam có thể làm tốt đảm bảo chất lượng với giá cả thấp hơn nhập khẩu rất nhiều.
Hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cà phê:
Chất lượng cà phê xuất khẩu là vấn đề sống còn của ngành cà phê trong xu thế thương mại hoá quốc tế. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng bằng các phương pháp kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến, bảo quản thì cần rà soát sửa đổi, bổ sung và sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn cà phê Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn cà phê thế giới. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền phổ cập rộng rãi tiêu chuẩn chất lượng cà phê Việt Nam đến tận người sản xuất, người thu mua, tạo cho mọi người có ý thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín của cà phê nước ta trên thị trường quốc tế và khu vực. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần nghiên cứu và triển khai áp dụng hệ tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000, có như vậy sản phẩm xuất khẩu của chúng ta mới hoà nhập vào thị trường quốc tế.