Đặc điểm chính trị, kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương

Một phần của tài liệu Các tội xâm phạm tính mạng của con người trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu xét xử của tòa án tỉnh bình dương ) (Trang 64 - 67)

- So sánh tội bức tử với tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (Đ.101 BLHS):

2.1.Đặc điểm chính trị, kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương

Bình Dương là tỉnh thuộc vùng miền Đông Nam bộ được tái lập vào năm 1997 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Sông Bé; phía bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía tây giáp tỉnh Tây Ninh và phía nam giáp TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Cơ cấu hành chính của tỉnh Bình Dương gồm một thành phố, 02 thị xã và 04 huyện. Cụ thể là: Thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, huyện Bến Cát, huyện Phú Giáo, huyện Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng; có 91 xã phường và thị trấn. Thành phố Thủ Dầu Một là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của Tỉnh.

Với vị trí địa lý đang có, Bình Dương thật sự là một cửa ngõ quan trọng của miền Đông Nam Bộ, là trạm trung chuyển nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, cũng như các tỉnh cao nguyên Đông Nam Bộ.

Bình Dương có diện tích tự nhiên 269.442,84 ha (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ). Tính đến tháng 3 năm 2013, toàn tỉnh hiện có: 267.349 hộ, 1.729.865 nhân khẩu, có 929.778 nữ, 1.428.343 nhân khẩu tuổi từ 15 trở lên. Trong đó người thường trú: 228.806 hộ, 920.066 nhân khẩu, có 483.369 nữ, 663.308 nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên; tạm trú: 809.799 nhân khẩu, có 446.409 nữ, 765.035 nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên.

Dân số tỉnh Bình Dương tương đối trẻ, độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao, cụ thể là: Số người ở độ tuổi từ 20 - 44 tuổi chiếm 49,3% dân số toàn

tỉnh, trong đó số người từ 20 - 34 tuổi chiếm 35,1% dân số, riêng độ tuổi từ 10 - 19 tuổi chiếm 20,8%.

Từ năm 1998 đến nay, với sự hình thành các khu công nghiệp, Bình Dương đã giải quyết cho hơn chục nghìn lao động có việc làm. Từ việc thu hút đông đảo lao động từ các tỉnh đổ về nên tạo ra sự gia tăng dân số cơ học rất lớn và kéo theo sự hình thành hơn 4000 cơ sở cho thuê nghỉ trọ. Với tình hình này, công tác quản lý nhân khẩu, nhất là các hộ thuộc diện KT3, KT4, hộ độc thân ở tỉnh Bình Dương là hết sức khó khăn và phức tạp.

Với mật độ dân số khá cao, dân số trẻ, số người ở độ tuổi lao động đông đảo, nên có không ít người trong độ tuổi lao động không tìm được việc làm thích hợp và đã có nhiều người trong số họ đã đi vào con đường phạm tội trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí cả giết người.

Về đặc điểm về kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam Việt Nam (gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương). Sau khi tái lập, phát huy thành quả đạt được từ tỉnh Sông Bé, công tác quy hoạch và phát triển các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bình Dương diễn ra với tốc độ nhanh và trên phạm vi toàn tỉnh.

Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích 8.751 ha (trong đó 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động), 8 cụm công nghiệp (tổng diện tích gần 600 ha), trong đó 03 cụm đã lấp kín diện tích, 05 cụm đang tiếp tục đền bù giải tỏa và 01 khu liên hợp dịch vụ, đô thị, công nghiệp với diện tích gần 4.200 ha, hiện nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình tạo lực, các khu tái định cư theo quy hoạch và nhiều công trình khác mang tầm khu vực về tính văn minh hiện đại.

Bình Dương có gần 13.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhiều loại hình kinh doanh như: dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, dệt nhuộm, xi mạ, cơ khí, chế biến thực phẩm chủ yếu với qui mô vừa và nhỏ… Trong đó, đầu tư trong nước có gần 10.800 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký: 86.413 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài có 2.150 dự án, với tổng số vốn: 13,82 tỷ USD. Tỉnh đã tiến hành Điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tập trung đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, GDP tăng bình quân khoảng 14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực. Công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ công nghiệp - xây dựng 63%, dịch vụ 32,6% và nông lâm nghiệp 4,4%.

Với những thành tựu về phát triển công nghiệp, Bình Dương nhanh chóng trở thành là nơi được nhiều người trên khắp mọi miền tổ quốc đến tìm việc, sinh sống. Có những xã phường trước đây vốn là địa bàn thuần nông, bị tàn phá sau chiến tranh, đời sống người dân chỉ dựa vào thu nhập từ công việc đồng án nhưng với chủ trương trải thảm đỏ mời gọi đầu tư thì bỏng chốc đồng ruộng trở thành công trường, nhà máy...

Xét về mặt tích cực, những thay đổi trên đã đưa Bình Dương trở thành là một trong những địa phương có nhịp sống hết sức năng động; vươn lên vị trí tốp đầu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình an ninh trật tự nói chung và tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh nói riêng phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có sự gia tăng tội phạm xâm phạm tính mạng của con người. Tội phạm xâm phạm tính mạng con người trên địa bàn tỉnh đã liên tục gia tăng cả về số lượng, lẫn tính chất huy hiểm của hành vi, để lại hệ lụy cho biết bao gia đình và cộng đồng xã hội.

Một phần của tài liệu Các tội xâm phạm tính mạng của con người trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu xét xử của tòa án tỉnh bình dương ) (Trang 64 - 67)