mạng của con người
a) Khách thể của tội phạm
Theo LHS Việt Nam, những quan hệ xã hội được coi là khách thể bảo vệ của LHS là những quan hệ xã hội được xác định trong Điều 8 của BLHS, đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Các quan hệ xã hội này là khách thể của tội phạm, nếu bị tội phạm xâm hại đến và gây nên (hoặc đe dọa thực tế gây nên) thiệt hại đáng kể, nhất định.
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được LHS bảo vệ và bị tội phạm xâm hại gây nên thiệt hại. Không có sự xâm hại quan hệ xã hội được PLHS bảo vệ thì không có tội phạm.
Khách thể của tội phạm với tính chất là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm cùng với các yếu tố khác của nó là cơ sở để đặt vấn đề TNHS của một người. Khách thể của tội phạm bao giờ cũng có ảnh hưởng nhất định ở các mức độ khác nhau đến bản chất xã hội pháp lý của tội phạm, cũng như đến tính nguy hiểm cho xã hội của nó. Khách thể của tội phạm có ý nghĩa quan trọng đối với việc truy cứu TNHS vì sự đánh giá về mặt pháp lý hình sự các dấu hiệu thuộc khách thể của tội phạm là nhằm xác định xem hành vi phạm tội được thực hiện đã xâm hại đến quan hệ xã hội nào được bảo vệ bằng PLHS và vai trò của các dấu hiệu đó trong việc truy cứu TNHS đối với hành vi đã được thực hiện thực tế ra sao.
Như vậy, với ý nghĩa là những quan hệ xã hội bị tội phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại, khách thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm có vị trí đặc biệt.
Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng của con người được quy định từ điều 93 đến Điều 103 BLHS là quyền sống của con người bị xâm phạm hoặc bị đe dọa xâm phạm trực tiếp.
Khách thể của tội phạm xâm phạm tính mạng con người là một trong những khách thể quan trọng nhất được LHS bảo vệ. Đó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng.
Con người - với tư cách là chủ thể của các mối quan hệ xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho mọi người đã được thể chế hoá trong Hiến pháp và trong nhiều văn bản
PLHS của Nhà nước. Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Cuộc sống của con người được tính từ thời điểm được sinh ra cho đến khi chết. Người chết là người mà tim ngừng đập, thần kinh ngừng hoạt động, tức là khi người đó không còn khả năng tiếp nhận những yếu tố bảo đảm của sự sống. Như vậy, cần phải phân biệt con người đang sống hiện tại với con người đang sống khi chưa lọt lòng mẹ (còn ở trong bào thai) và người chết với người ốm đang chết từng bộ phận. Chỉ còn một số bộ phận hoạt động thì vẫn coi là người còn sống.
Đối tượng tác động của nhóm tội này là những chủ thể có quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng. Đó là những người đang sống, những người đang tồn tại trong thế giới khách quan với tư cách là con người một thực thể tự nhiên và xã hội.
Quyền sống được đảm bảo bằng sự an toàn trong cuộc sống của mỗi người. Cuộc sống được tính từ thời điểm lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc chào đời, có khả năng độc lập tiếp nhận những yếu tố vật chất cho đến khi chết - tắt thở, trái tim ngừng đập theo qui luật của tự nhiên. Và như vậy, PLHS bảo hộ người đang sống, con người có khả năng độc lập tiếp nhận các yếu tố đảm bảo cuộc sống cho dù tình trạng sống hay khả năng tiếp nhận những yếu tố ở mức độ là tối thiểu.
Trong một số tội, cấu thành tội phạm đòi hỏi ở đối tượng tác động không chỉ là con người đang sống, đang tồn tại mà còn đòi hỏi ở họ những dấu hiệu đặc trưng khác. Ví dụ như đối với tội giết con mới đẻ đòi hỏi trẻ sơ sinh tính từ thời điểm lọt lòng mẹ đến 7 ngày tuổi; hoặc đối tượng tác động của tội bức tử là người có mối quan hệ lệ thuộc vào người phạm tội.
Như vậy, có thể khái quát lại, khách thể của các tội phạm xâm phạm quyền sống của con người là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Đối tượng tác động của tội phạm là những người đang
sống cụ thể, đang tồn tại trong thế giới khách quan với tư cách là một con người, một thực thể tự nhiên và xã hội.
b) Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, là tổng hợp các dấu hiệu do LHS qui định và các tình tiết phản ánh hành vi bên ngoài của sự xâm hại cụ thể gây nguy hiểm đáng kể cho khách thể được bảo vệ bằng PLHS. Các dấu hiệu thuộc nội dung mặt khách quan của tội phạm gồm có hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả tác hại, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả; những dấu hiệu bên ngoài khác như thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện…Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng đều phải có những biểu hiện bên ngoài. Không có những biểu hiện bên ngoài thì không có những yếu tố khác của tội phạm và do vậy cũng không có tội phạm.
Mặt khách quan của tội phạm là một trong bốn yếu tố của tội phạm. Không có mặt khách quan thì cũng không có các yếu tố khác của tội phạm và do vậy cũng không có tội phạm. Việc xác định hành vi cụ thể có cấu thành tội phạm hay không thường bắt đầu từ việc nghiên cứu mặt khách quan. Chỉ khi đã xác định trong hành vi của con người có những dấu hiệu khách quan của tội phạm thì vấn đề xem xét mặt chủ quan mới được đặt ra. Ngoài ra, trong cấu thành tội phạm tăng nặng, giảm nhẹ, qua nghiên cứu các giáo trình cho thấy, ngoài ý nghĩa trong việc định tội danh, việc nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm còn có ý nghĩa trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Trong nhiều trường hợp còn có ý nghĩa trong việc xác định mặt chủ quan của tội phạm nhất là việc xác định lỗi và qua đó có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt.
Nghiên cứu về mặt khách quan của nhóm tội xâm phạm tính mạng con người trong LHS Việt Nam, nhiều giáo trình, công trình nghiên cứu, bài viết của các nhà khoa học đưa ra quan điểm như:
Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng con người tuy hình thức thể hiện có khác nhau nhưng có cùng tính chất là đều trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thiệt hại về tính mạng hoặc đe dọa gây thiệt hại về tính mạng con người. Trong những hành vi phạm tội của nhóm tội này có những hành vi có thể được thực hiện bằng cả hình thức hành động và không hành động.
Hậu quả các hành vi xâm phạm tính mạng con người (trừ hành vi đe dọa giết người theo Điều 103) có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thiệt hại đến quyền sống của con người, thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất là chết người. Dấu hiệu hậu quả chết người chỉ là dấu hiệu bắt buộc đối với cấu thành tội phạm ở các Điều 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99 và Điều 102 BLHS. Ở các cấu thành tội phạm còn lại hậu quả chết người không phải là dấu hiệu bắt buộc.
-Theo Bình luận khoa học BLHS, năm 2010, do Tiến sỹ Trần Văn
Luyện làm chủ biên, các tội xâm phạm tính mạng con người là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của con người; được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội là những tổn hại về thể chất gây chết người.