Khái niệm các tội xâm phạm tính mạng của con ngườ

Một phần của tài liệu Các tội xâm phạm tính mạng của con người trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu xét xử của tòa án tỉnh bình dương ) (Trang 26 - 30)

Theo BLHS năm 1999, các tội xâm phạm tính mạng của con người được ghi nhận trực tiếp trong Chương XII (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người) thông qua 11 điều từ Điều 93 đến Điều 103. Tại các điều này, hành vi xâm phạm tính mạng của người khác được ghi nhận trực tiếp trong CTTP cơ bản và người thực hiện các hành vi xâm phạm tính mạng của con người đã xâm hại đến quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của người khác.

Nghiên cứu về các tội xâm phạm tính mạng con người, trong BLHS năm 1999, có nhiều sửa đổi, bổ sung so với trước. Điều 101 của BLHS năm 1985 được tách thành 3 tội đó là: Tội giết người (Điều 93), Tội giết con mới đẻ (Điều 94), Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

(Điều 95). Tội xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 103 BLHS năm 1985) được tách thành 2 tội, đó là Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97), Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 107). Tội vô ý làm chết người được tách thành 2 tội, đó là Tội vô ý làm chết người (Điều 98) và Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99)… Như vậy, BLHS năm 1999 qui định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý tội phạm.

Tuy nhiên, xét về khách thể bị xâm hại, hành vi xâm phạm tính mạng con người không chỉ được ghi nhận 11 điều trong Chương XII mà còn được ghi nhận trong một loạt các điều ở các chương khác của BLHS, như tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân- Điều 84, Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội có hành vi xâm phạm sức khoẻ như cố ý gây thương tích, hiếp dâm, tội cưỡng dâm thuộc Chương XII; các tội xâm phạm sở hữu (Chương XIII) được quy định ở các Điều 133- tội cướp tài sản, Điều 134 - tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Điều 136 – tội cướp giật tài sản; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng thuộc Chương XIX, qui định tại các Điều 202 tội vi phạm các qui định về điều khiển an toàn giao thông đường bộ, Điều 203-Tội cản trở giao thông đường bộ, Điều 204 – Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn, Điều 205 - Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, Điều 206 - Tội tổ chức đua xe trái phép, Điều 207- Tội đua xe trái phép, Điều 208 - Tội vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt… Các tội có hành vi xâm phạm tính mạng con người này có đặc điểm là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không chỉ xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng

con người mà còn xâm phạm đến các quan hệ xã hội khác như an ninh chính trị của Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam, quan hệ sở hữu, an toàn công cộng, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính, hoạt động tư pháp…Thông qua việc thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng con người, người phạm tội mới thực hiện được mục đích phạm tội khác của mình hoặc hậu quả phạm tội (làm chết người) là bộ phận cấu thành tội phạm riêng biệt. Các hành vi xâm phạm tính mạng con người thường được quy định ở cấu thành tội phạm tăng nặng, thể hiện tính chất rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Mặc dù được quy định trực tiếp tại Chương XII hay là gián tiếp tại các chương, điều khác trong BLHS như đã trình bày thì các tội có hành vi xâm phạm tính mạng con người đều mang một đặc tính là người phạm tội có hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác mà đối tượng tác động chính là thân thể của bị hại. Hành vi xâm hại đến tính mạng con người được thể hiện dưới dạng hành động như đánh đập, đấm đá, dùng hung khí tấn công… hoặc thể hiện dưới dạng không hành động, tức là không làm một việc theo pháp luật qui định dẫn đến nạn nhận chết, như bác sỹ không cho bệnh nhân uống thuốc, mẹ không cho con bú…

Tất nhiên, không phải bất kỳ hành vi nào xâm phạm tính mạng con người cũng bị coi là tội phạm mà các tội có hành vi xâm phạm tính mạng con người phải là hành vi trái PLHS. Khi xem xét các tội cụ thể đó phải căn cứ vào các dấu hiệu pháp lý của tội phạm mà BLHS yêu cầu. Không thể coi là tội phạm xâm phạm tính mạng con người khi hành vi đó chưa được quy định trong BLHS. Mặt khác, các tội xâm phạm tính mạng con người chỉ có thể được thực hiện do người có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS thực hiện. Bởi chỉ khi có đủ tuổi chịu TNHS và có năng lực TNHS thì người đó mới có đủ khả năng nhận thức được đầy đủ tính chất thực tế và tính chất pháp lý của

hành vi do mình thực hiện, cũng như có khả năng điều khiển được hành vi đó. Khi chủ thể của hành vi tại thời điểm thực hiện hành vi là người có đủ năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS, thì hành vi do chủ thể đó thực hiện có tính chất lỗi. Tức là chủ thể của các tội xâm phạm tính mạng con người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị LHS cấm.

Về khái niệm các tội xâm phạm tính mạng của con người được qui định tại Chương XII BLHS năm 1999, đã có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết của các nhà khoa học đề cập đến:

- Theo Bình luận khoa học BLHS năm 1999, Nhà xuất bản Công an nhân dân của nhiều tác giả, năm 2002: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, có lỗi, gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

- Giáo trình LHS Việt Nam, trường Đại học luật Hà Nội, năm 2003, đưa ra định nghĩa: Tội phạm xâm phạm tính mạng con người là những hành vi hành động hoặc không hành động, có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của người khác.

- Theo Sách Bình luận khóa học BLHS - Tập I, của nhiều tác giả do PGS.TS Trần Minh Hưởng làm chủ biên, Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2012: Tội xâm phạm tính mạng con người là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến quyền được sống của con người.

Từ những nghiên cứu được trình bày ở trên, có thể đưa ra khái niệm các tội xâm phạm tính mạng con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong chương XII BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, hoặc vô ý, xâm phạm đến quyền sống của con người và

việc xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến quyền sống của con người phản ánh đầy đủ nhất bản chất của các tội phạm này.

Các tội xâm phạm tính mạng con người được quy định trong chương XII từ Điều 93 đến Điều 103 của BLHS 1999 gồm:

1) Tội giết người (Điều 93); 2) Tội giết con mới đẻ (Điều 94);

3) Tội giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95); 4) Tội giết người do vượt quá dưới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96); 5) Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97);

6) Tội vô ý làm chết người (Điều 98);

7) Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99);

8) Tội bức tử (Điều 100);

9) Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (Điều 101);

10)Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102);

11) Tội đe dọa giết người (Điều 103).

Một phần của tài liệu Các tội xâm phạm tính mạng của con người trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu xét xử của tòa án tỉnh bình dương ) (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w