Những điểm tồn tại hiện nay:
LTNBTCNN năm 2009 hiện nay đã khắc phục những hạn chế của các văn bản trước đó và quy định cụ thể từng cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa đầy đủ và cũng gây nhiều khó khăn trong công tác bồi thường cho người bị oan. Thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp nhiều vụ an oan tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan nhà nước. LTNBTCNN năm 2009 quy định một căn cứ quan trọng là có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có bản án, có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường.48 Việc quy định như vậy rõ ràng thể hiện mục đích là bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và theo giải thích của cơ quan soạn thảo luật thì quy định này nhằm “bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và lợi ích của Nhà
nước, tức là LTNBTCNN 2009 được ban hành là bảo vệ lợi ích cá nhân, tổ chức bị người thi hành công vụ gây ra thiệt hại nhưng đồng thời cũng bảo đảm sự hoạt động ổn định, có hiệu quả của các cơ quan công quyền”.49
Thực tiễn thi hành luật cho thấy, quy định này đã gây cản trở không nhỏ tới việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị oan với các cơ quan công quyền. Việc yêu cầu ra văn bản của cơ quan nhà nước đã khó, trong đó có nội dung thừa nhận hành vi của họ là sai trái lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan trốn tránh trách nhiệm không ra văn bản hoặc văn bản không đúng quy định, nên không thể yêu cầu bồi thường.
Việc người bị hại, bị kết án oan phải tự mình chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra khi yêu cầu bồi thường nhà nước cũng là một vấn đề rất khó trong quá trình đòi bồi thường. Người yêu cầu bồi thường thiệt hại không có công cụ, phương tiện, thậm chí không có điều kiện thì việc chứng minh là rất khó, thậm chí là không thể.
Mặc khác việc xác định thiệt hại và mức bồi thường theo quy định của Luật hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Luật mới chỉ quy định đến việc xác định các thiệt hại vật chất trực tiếp từ hành vi có lỗi của cơ quan nhà nước; chưa tính toán đến các thiệt hại và cơ sở xác định thiệt hại về tinh thần, trường hợp khi một người bị oan sai, khi ra tù họ rất khó để hòa nhập với cộng đồng xã hội. hoặc những thiệt hại khác phát sinh từ thiệt hại trực tiếp do hành vi có lỗi của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, các yêu cầu đòi bồi thường nhà nước nếu có thì thường mức bồi thường được yêu cầu cũng không cao và tâm lý của người dân là ngại đối đầu với các cơ quan nhà nước.
Ví dụ: Vụ của ông Nguyễn Xuân Hòa, ngụ xã Vinh Hưng, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) kiện Ủy ban nhân dân huyện này yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 3,6 ti đồng vì đã ra quyết định cưỡng chế và buộc tiêu hủy tôm nuôi sai quy định. Theo hồ sơ, tháng 6-2009, ông Hòa hợp đồng thuê hơn 2 ha ao của một hợp tác xã để nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Đến ngày 5-8, Ủy ban nhân dân huyện Phú Lộc ra quyết định cưỡng chế, buộc tiêu hủy toàn bộ số tôm nuôi.
Tại tòa, ông Hòa đã đưa ra kết luận của Ủy ban nhân tỉnh Thừa Thiên Huế xác định UBND huyện Phú Lộc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy toàn bộ tôm nuôi là trái với quy định của Chính Phủ. UBND tỉnh cũng buộc UBND huyện bãi bỏ quyết định cưỡng chế và bồi thường thiệt hại theo Luật trách
nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cái sai của chính quyền địa phương thì đã làm rõ nhưng vấn đề mấu chốt là việc chứng minh thiệt hại. Đại diện UBND huyện không đồng ý bồi thường, cho rằng khi huyện tổ chức cưỡng chế thì trong hồ không còn tôm vì ông Hòa vớt bán trước. Trong khi đó ông Hòa lại không cung cấp được bằng chứng chứng minh điều ngược lại. Vì vậy, Tháng 9-2011, Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc xử sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của ông Hòa.50
Luật quy định nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về người bị thiệt hại là đẩy khó khăn cho người bị thiệt hại. Bằng trình độ và hiểu biết hạn chế, một số trường hợp người bị thiệt hại gặp không ít khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại. Trên thực tế, hành vi trai pháp luật của người thi hành công vụ rõ ràng đã gây ra thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại là nghĩa vụ của người bị thiệt hại mà người bị oan lại không chứng minh được thiệt hại nên không đủ căn cứ để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, chính vì vậy họ không thể tự mình cũng như yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như trong trường hợp của ông Hòa trong ví dụ nêu trên, vì không chứng minh được thiệt hại nên bị bác đơn khởi kiện.
Từ những tồn tại trên, người viết đề xuất một số giải pháp:
Trên thực tế, việc xác định cơ quan có trách nhiệm là một rào cản lớn hạn chế người bị oan đối với yêu cầu trách nhiệm bồi thường từ các cơ quan nhà nước. Có thể nói, việc quy định nhiều cơ quan khác nhau có thể chịu trách nhiệm bồi thường đã làm mất nhiều thời gian, tiền của và công sức của cả Nhà nước và người bị oan. Người viết cho rằng nên đơn giản hóa thủ tục và quy định về một cơ quan đại diện cho Nhà nước bồi thường oan là yêu cầu cấp thiết, bên cạnh đó cần quy định thêm trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm các cơ quan trong tiến hành tố tụng khi các cơ quan này có liên quan dẫn đến oan người vô tội. Việc bồi thường như vậy không những tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết bồi thường mà còn thuận lợi cho việc thi hành án về trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên sửa đổi theo hướng quy định trách nhiệm chứng minh thiệt hại là của cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Về phía người bị thiệt hại, luật nên quy định người bị thiệt hại được thực hiện quyền yêu cầu bồi thường khi cho rằng người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho mình không cần phải chứng minh thiệt hại.
Quy định nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về cơ quan có trách nhiệm bồi thường, bên cạnh đó quy định này còn là cơ sở pháp lý ràng buộc cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thực hiện việc chứng minh thiệt hại, từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan được bảo vệ một cách kịp thời. Mặc khác, việc quy định trách nhiệm liên đới trong bồi thường nhằm xác định trách nhiệm các cơ quan trong tiến hành tố tụng được nhanh chóng không tốn thời gian, miễn cơ quan nào có liên quan đến vụ án oan đó và dẫn đến oan người vô tội thì cơ quan đó có trách nhiệm liên đới bồi thường. Quy định như vậy sẽ giải quyết được các vấn đề về xác định hành vi người thi hành công vụ trái pháp luật hoặc có bản án, có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng xác định thiệt hại, bên cạnh đó cũng nhằm tránh trách nhiệm của các cơ quan nhà nước không ra văn bản hoặc văn bản không đúng quy định.