7. Kết cấu luận văn
3.2.2. Bộ phận chính quyền của người bản xứ
Bộ máy chính quyền bản xứ ở Nam Định cũng tương tự như ở các địa phương khác ở Bắc Kỳ và vẫn được duy trì theo mô hình cũ trước năm 1884. Tuy nhiên càng về sau thì bộ máy chính quyền bản xứ các dần bị lấn át quyền lực và mang nhiều tính hình thức.
Ở cấp tỉnh
Đứng đầu tỉnh Nam Định vẫn là chức tổng đốc. Trong những năm cuối của thế kỷ XIX, do còn phải dành nhiều thời gian cho việc đối phó với các phong trào nổi dậy của người bản xứ mà chính quyền thuộc địa vẫn duy trì bộ máy quản lý cấp tỉnh như cũ. Tuy nhiên, sau khi Paul Doumer sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, ông ta đã bãi bỏ hàng loạt các chức quan đứng đầu tỉnh của Nam Triều vào cuối năm 1899 với mục đích thống nhất tổ chức chính quyền trong cả nước và cũng là để tiết kiệm chi tiêu ngân sách của thuộc địa [7; 24].
Khi Paul Peau sang thay thế người tiền nhiệm, ông ta đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy chính quyền bản xứ mà trước tiên là cho tái lập lại chức quan đầu tỉnh nhằm lấy lại sự linh hoạt của bộ máy chính quyền các địa phương. Theo đó, Nam Định cùng với Hải Dương, Hà Đông và Bắc Ninh là 4 tỉnh được tái lập lại chức tổng đốc năm 1904. Với bộ máy chính quyền bản xứ, các chức năng truyền thống của tổng đốc vẫn được giữ nguyên như giai đoạn trước đó là: chỉ huy hoạt động của bộ máy chính quyền bản xứ; nêu các ý kiến giải quyết các vấn đề do chính quyền cấp dưới đề xuất.
Từ sau đạo dụ của vua Khải Định ký ngày 26 tháng 12 năm 1918 về việc tổ chức lại ngạch quan trường thì bộ máy hành chính của Nam triều có nhiều thay đổi. Đây là lần đầu tiên vai trò và trách nhiệm của tổng đốc được chính quyền thuộc địa quy định cụ thể trong một văn bản pháp quy. Theo đó tổng đốc là người giúp việc trực tiếp của công sứ trong việc điều hành và quản lý công việc của một tỉnh. Tổng đốc có nhiệm vụ đề xuất ý kiến về việc vận hành bộ máy chính quyền cũng như duy trì sự ổn định của dân chúng trong tỉnh. Theo sự chỉ đạo của công sứ, tổng đốc chịu trách nhiệm thực hiện các vấn đề thuộc về lễ nghi. Ngoài ra ông ta còn là người đề xuất, giới thiệu và tiến cử các quan lại thuộc quyền quản lý của mình trong việc thăng thưởng.
Ngoài ra, từ nay Tổng đốc kiêm nhiệm thêm chức năng của một viên quan tòa án cấp 2 trong lĩnh vực tư pháp [7; 90].
Dưới thời thuộc địa, sự hiện diện của chính quyền người Pháp ở cấp tỉnh mà đứng đầu là công sứ đã thu hẹp và hạn chế đáng kể quyền lực của tổng đốc. Tổng đốc trên danh nghĩa là người đứng đầu bộ máy chính quyền bản xứ nhưng trên thực tế, việc điều hành phụ thuộc vào sự chỉ đạo của công sứ, tổng đốc chỉ được nêu ý kiến chứ không có quyền quyết định, phê chuẩn các vụ việc.
Từ năm 1884 đến năm 1921, Nam Định trải qua 5 đời tổng đốc bao gồm: Vũ Trọng Bình (1883); Cao Xuân Dục (1889), Lê Văn Huê (1896); Đoàn Triển (1915) và Phạm Văn Thụ (1921) [26; 98].
Bố chính là viên quan thứ hai trong bộ máy chính quyền bản xứ. Đây là
chức quan chịu trách nhiệm chính trong việc thu thuế và truyền đạt mệnh lệnh của triều đình [48; 408]. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ thuộc địa ở Nam Định vẫn tồn tại chính chức quan này. Tuy nhiên đến năm 1898, chức quan này bị bãi bỏ do liên quan tới vấn đề tham nhũng.
Án sát là người lo việc hình án của địa phương. Tuy nhiên vai trò của
chức quan này thường bị lấn át bởi tổng đốc hay tuần phủ. Chính vì vậy năm 1910, chính quyền thuộc địa đã ban hành quyết định về vai trò và trách nhiệm của quan án sát các địa phương. Theo đó, trong các vụ án dân sự, hình sự, thương mại, án sát đóng vai trò là người xét hỏi, đối chất với can phạm và là người ký và tuyên án.
Ban đầu, án sát thuộc ngạch quan hành chính, về sau án sát được chuyển dần sang ngạch quan tư pháp vào năm 1923, song song với đó cũng là quá trình mất dần quyền lực của quan án sát. Theo tinh thần nghị định năm 1918, án sát không còn là người đứng đầu cơ quan xét xử bản xứ mà trở thành người hỗ trợ cho viên phó chánh án người Pháp. Tuy nhiên, trong một
vài trường hợp đặc biệt án sát có thể được công sứ giao cho việc tổ chức chính quyền.
Đốc học là chức quan chuyên lo việc giáo dục ở địa phương. Nhưng chỉ phục trách các trường thuộc hệ thống giáo dục nho học. Ban đầu, đốc học là chức quan thuộc ngạch hành chính. Sau này, do ảnh hưởng của cuộc cải cách giáo dục mới được tách ra khỏi ngạch này. Từ sau năm 1918, đốc học không còn do người Việt phụ trách mà chuyển sang tay người Pháp.
Các đốc học các tỉnh đều là những người được trưởng thành trong môi trường nho học và có đỗ đạt nhất định. Quy chế hồi tỵ không được áp dụng triệt để trong việc bổ nhiệm đốc học. Ở Nam Định có trường hợp Khiếu Năng Tĩnh là người địa phương nhưng được bổ nhiệm làm đốc học Nam Định trong những năm đầu thế kỷ XX. Chính thời gian làm đốc học Nam Định ông đã có đóng gớp to lớn vào việc nghiên cứu về lịch sử, truyền thống quê hương.
Ở cấp huyện
Trước khi thành lập thành phố Nam Định năm 1921, Khu vực tỉnh lỵ của tỉnh Nam Định vẫn trực thuộc quyền quản lý của tri huyện Mỹ Lộc. Bộ máy quản lý cấp huyện cũng có mô hình tương tự như ở cấp tỉnh nhưng chỉ có điều là quá trình chuyên môn hóa các ngạch bậc diễn ra rất mờ nhạt mà các chức quan vẫn chủ yếu nằm ở ngạch hành chính. Và vai trò của tri huyện vẫn bao trùm bộ máy chính quyền.
Bên cạnh đó, trong hệ thống chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện còn tồn tại một bộ phận đó là các lại viên. Họ là những người giúp việc trong các dinh tổng đốc, nha quan án, nha đốc học và các phủ huyện với nhiệm vụ chính là trông nom, sao chép, sắp xếp các giấy tờ và thực hiện các công việc mà tổng đốc, án sát, đốc học, tri phủ, tri huyện giao phó. Trước năm 1907, tổng đốc có quyền thuyên chuyển lại viên nằm trong địa bàn quản lý của mình. Tuy nhiên về sau, quyền này được chuyển vào tay công sứ, tổng đốc chỉ đóng vai trò tham vấn ý kiến [7; 46].