7. Kết cấu luận văn
3.2.1. Bộ phận chính quyền của người Pháp
Sau khi chiếm được thành Nam Định lần thứ hai năm 1883, thực dân Pháp vẫn giữ nơi đây làm trung tâm hành chính của tỉnh Nam Định và từng bước thiết lập một bộ máy cai trị cấp tỉnh ở đây. Theo tinh thần của hiệp ước ngày 25 tháng 8 năm 1883 giữa triều đình Huế và đại diện chính phủ Pháp. Nhà Nguyễn buộc phải cho phép Pháp đặt ở mỗi tỉnh Bắc Kỳ một viên công sứ đứng đầu tỉnh và trực thuộc quyền quản lý của Thống sứ Bắc Kỳ, thay mặt thống sứ nắm tình hình mọi mặt của địa phương thông qua hệ thống quan lại người Việt [39; 575]. Do Nam Định là một tỉnh lớn ở Bắc Kỳ nên ngoài viên công sứ còn có thêm phó công sứ người Pháp làm phụ tá và cùng hiệp đồng cai trị. Giúp việc cho công sứ là tòa công sứ và hội đồng hàng tỉnh.
Công sứ là người đứng đầu tòa công sứ, là đại diện cao nhất của chính
quyền thực dân ở tỉnh, có quyền thay mặt toàn quyền, thống sứ, là người duy nhất phụ trách việc bảo đảm thực thi các luật, sắc lệnh và nghị định, giám sát thi hành tình hình an ninh và có trách nhiệm thi hành, đề xuất các biện pháp để tăng cường phát triển kinh tế trong tỉnh. Công sứ chịu trách nhiệm trước thống sứ thông qua mệnh lệnh trực tiếp hay sự chỉ đạo của chính quyền cấp trên trừ các nha chuyên môn.
Về mặt hành chính, công sứ chỉ quản lý người Âu, người nước ngoài gốc Á và những người bản xứ có yếu tố Pháp. Công sứ không trực tiếp can thiệp vào quyền hạn của chính quyền bản xứ cấp tỉnh, nhưng nếu bộ máy này làm việc không hiệu quả hoặc không phù hợp, công sứ có quyền thay thế họ.
Công sứ đóng vai trò là người trung gian giữa người Âu với chính quyền bản xứ. Đặc biệt ông ta chính là người có trách nhiệm ghi vào lý lịch của toàn bộ nhân viên dưới quyền bao gồm cả chính quyền Pháp và chính quyền bản xứ những đánh giá về năng lực và phẩm chất của họ.
Về mặt tài chính, công sứ thừa lệnh chi trả các khoản chi tiêu thuộc về tỉnh do ngân sách cấp xứ chi trả theo tài khóa từng năm, trừ các khoản chi phí lớn về xây dựng như: sửa đường, cầu…Công sứ là người phụ trách việc thu thuế, cấp thẻ, chứng nhận và các văn bản pháp lý chứng minh việc đóng thuế của người dân. Tuy nhiên, công sứ không được thiết lập các loại thuế mà chỉ được đề xuất lên thống sứ để xem xét.
Về mặt tư pháp, công sứ là người đứng đầu tòa án cấp tỉnh, là giám đốc nhà tù tỉnh đồng thời có trách nhiệm và có quyền tiếp nhận đăng ký sinh tử của người Âu.
Hàng tháng công sứ phải viết báo cáo tổng hợp gửi chính quyền cấp trên. Báo cáo được chia làm hai phần là chính trị và kinh tế và được tập hợp dựa trên các báo cáo của các chính quyền cấp dưới trình lên. Kết thúc mỗi quý và mội năm, công sứ cũng phải lập báo cáo gửi thống sứ Bắc Kỳ và Toàn quyền Đông Dương để báo cáo chung tình hình của địa phương [7; 28].
Công sứ thường được lấy từ ngạch cai trị. Với tỉnh lớn như Nam Định thì công sứ được lấy từ ngạch quan cai trị hạng nhất hoặc hạng hai, với các tỉnh nhỏ hơn thì có thể lấy từ ngạch quan cai trị hạng ba [19;37]. Ngoài chế độ lương bổng theo quy định chung, mỗi năm công sứ được nhận 12000 đồng là tiền phụ cấp chi phí đi lại.
Ngoài việc giải quyết các vấn đề tại tòa công sứ, việc đi thị sát trực tiếp các địa phương cũng là một việc rất quan trọng mà các công sứ phải tiến hành. Tuy nhiên, đây là việc thường bị các công sứ bỏ bê do những bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa với người bản xứ.
Từ năm 1884 đến năm 1921, Nam Định trải qua 5 đời cai trị của các công sứ lần lượt là: Đại tá Brionval (1884); Brière de l’ Jsle (1887); Neyret (1889); Tissot (1909) và Morel (1920) [26; 99].
Tòa Công sứ được tổ chức theo sắc lệnh ngày 3 tháng 2 năm 1886. Đây
là cơ quan giúp việc quan trọng cho công sứ đồng thời là cơ quan cấp dưới theo ngành dọc của Phủ Thống sứ Bắc kỳ ở cấp tỉnh. Tòa công sứ bao gồm các phòng: phòng phụ trách chung; phòng phụ trách các công việc liên quan đến người Âu; phòng phụ trách các công việc liên quan đến người bản xứ; phòng phụ trách ngân sách. Tất cả đều đặt dưới sự điều hành trực tiếp của viên chánh văn phòng tòa sứ. Đây vừa là cơ quan tổng hợp, vừa là cơ quan hành pháp và tư pháp của công sứ ở cấp tỉnh [45; 70].
Trong tòa công sứ có sự phân biệt về vị trí và công việc rất rõ rệt giữa người Âu và người bản xứ. Nhân viên người Âu bao gồm: Phó công sứ, tham biện kế toán, tham biện phụ trách các vấn đề bản xứ….trừ phó công sứ xếp vào ngạch quan cai trị còn lại các nhân viên người Âu này đều xếp vào ngạch thư ký. Nhân viên người bản xứ bao giờ cũng đông hơn nhân viên người Âu về số lượng nhưng công việc của họ thường chỉ hạn chế ở mức hỗ trợ nhân viên người Âu trong một số công việc như sao chép, sắp xếp văn bản, hồ sơ, chạy giấy tờ. Tuy nhiên họ lại tỏ ra rất hiệu quả trong việc làm cầu nối trung gian giữa bộ phận thực thi điều hành người Pháp vốn không thạo ngôn ngữ và văn hóa với người bản xứ.
Tòa công sứ với quy mô không lớn nhưng khối lượng công việc thì rất nhiều. Đặc biệt là khi Nam Định được đầu tư lớn để phát triển công nghiệp. Vì vậy, hoạt động của cơ quan này luôn trong tình trạng quá tải.
Hội đồng hàng tỉnh được chính thức thành lập theo Nghị định của
Ủy ban Tư vấn thành lập theo Nghị định ngày 30 tháng 4 năm 1886 của Tổng trú sứ Trung- Bắc Kỳ. Hội đồng hàng tỉnh có chức năng, nhiệm vụ tư vấn, góp ý kiến với chính quyền về các việc như: chi phí cho các vấn đề kinh tế, xã hội, phân chia khu vực hành chính các cấp trong tỉnh, bảo quản đường sá, đê điều….Ngoài ra, Hội đồng hàng tỉnh có thể lập các bản thỉnh nguyện để kiến nghị với chính quyền song chỉ được đề cập tới các vấn đề có tính chất kinh tế hoặc hành chính chung chung còn những vấn đề liên quan đến chính trị thì tuyệt đối cấm [32; 156]. Ủy viên hội đồng phải được tuyển lựa thông qua bầu cử.
Công sứ nắm vai trò quan trọng trong hội đồng hàng tỉnh bởi ông ta không chỉ là chủ tịch hội đồng mà còn có toàn quyền giải quyết các vấn đề nghị bàn trong hội đồng hàng tỉnh. Công sứ là người đề xuất nội dung thảo luận, xem xét có nên tiếp tục nghị bàn một vấn đề nào đó hay không. Chính vì vậy các vấn đề được đặt ra hay giải quyết đến đâu phần nhiều phụ thuộc vào vai trò của công sứ. Công sứ có quyền đề nghị Thống sứ Bắc kỳ ra nghị định giải tán Hội đồng hàng tỉnh khi cần thiết [7; 36].
Có thể nói hội đồng hàng tỉnh là một hình thức cơ quan dân biểu gồm những đại diện của tầng lớp chóp bu trong bộ máy chính quyền cơ sở để phát biểu về những vấn đề liên quan đến địa phương họ cai quản. Nhưng thực tế, hội đồng hàng tỉnh chỉ là một cơ quan tư vấn mà những tư vấn của họ không xuất phát từ nhu cầu thực tế của dân chúng mà lại chính từ những chỉ đạo có mục đích của những người lập ra nó.