Vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH và tổ CHỨC bộ máy QUẢN lý HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH từ năm 1884 đến năm 1921 (Trang 36 - 40)

7. Kết cấu luận văn

1.2.2. Vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng

Trên mảnh đất Nam Định ngày nay còn lưu giữ lại nhiều dấu tích của công cuộc chống ngoại xâm của ông cha ta dưới thời Bắc thuộc. Các cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục đều được nhân dân vùng đất Nam Định nhiệt tình hưởng ứng. Chính tinh thần chiến đấu bền bỉ của người dân Việt mà sau hơn một nghìn năm Bắc Thuộc, dân tộc ta gìn giữ được giá trị truyền thống để rồi hồi sinh và lan tỏa trong thời kỳ độc lập tự chủ.

Chiến thắng của Ngô Quyền năm 938 đã chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc. Trong chiến thắng chung của dân tộc đó có sự tham gia, đóng góp của những nghĩa tướng và nhân dân vùng đất Nam Định [36; 199].

Đây cũng là địa bàn để lại nhiều dấu ấn trong công cuộc thống nhất đất nước thế kỷ X. Trong cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, nghĩa quân của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh có một bộ phận không nhỏ là người dân vùng Nam Định. Đến khi lên ngôi vua, lập ra nhà Đinh và chọn Hoa Lư (Ninh Bình) làm đất đóng đô thì Nam Định lại trở thành vùng đất yếu địa, cửa ngõ quan trọng cho sự tồn vong của chính quyền Hoa Lư từ phía đông bắc. Trong cuộc chiến chống quân Tống trên sông Bạch Đằng dưới triều Tiền Lê, vùng đất Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng trở thành tuyến phòng thủ chính yếu nhất, vững vàng nhất bảo vệ kinh đô Hoa Lư.

Nam Định từng là vùng đất căn bản dưới thời Ngô – Đinh- Tiền Lê nay lại trở thành một địa bàn trọng yếu của quốc gia Đại Việt dưới thời Lý. Vùng đất Nam Định dưới thời Lý thuộc về phủ Ứng Phong thuộc lộ Hải Thanh [15; 18]. Là cửa ngõ phía nam của Thăng Long, Nam Định thường xuyên được nhà nước quan tâm phát triển kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng. Từ đây có thể nối với Thăng Long qua hệ thống đường sông thuận tiện và là vị trí thiết yếu trong việc đối phó với các mối nguy hại từ Chăm-pa từ phía nam.

Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, năm 1231 vua Trần Thái Tông đã trở về cố hương Tức Mặc dâng lễ ở tiên miếu và ban thưởng yến tiệc cho các bô lão. Năm sau, triều đình lại cho sửa sang, tôn tạo lại nhà thờ của dòng họ. Đồng thời ban thưởng tước vương cho những người có công giúp triều Trần xây dựng cơ nghiệp [36; 225]. Triều đình cũng rất quan tâm đến việc củng cố phát triển mảnh đất bản thổ của vương triều. Theo đó, triều đình đã quyết định xây dựng một hành cung quy mô lớn trên quê hương Tức Mặc.

Hành cung Tức Mặc được xây dựng đầu xuân năm 1239 và hoàn thành sau khoảng 1 năm khởi công. Đây là nơi để các vua Trần nghỉ ngơi khi về thăm quê. Tuy nhiên cần thấy rằng công trình được xây dựng trong hoàn cảnh nhà Trần mới lên ngôi, việc chống phá của các thế lực cát cứ vẫn còn tiềm ẩn. Vùng đất Thanh Hóa- Nghệ An ở phía nam vẫn còn đang ẩn chứa những nguy cơ biến loạn. Việc xây dựng hành cung Tức Mặc nằm ở phía nam thành Thăng Long, là địa bàn quan trọng trên hành trình nam tiến để gắn kết triều đình trung ương với vùng đất Thanh – Nghệ.

Bên cạnh đó, lúc này cũng đang diễn ra những biến loạn của nội tộc vương triều, đặc biệt là sau loạn sông Cái năm 1237 do Trần Liều cầm đầu. Điều này đã khiến cho các vua Trần, quan tâm chú ý đến việc cố kết hơn nữa đoàn, kết, thống nhất nội tộc. Việc xây dựng hành cung Tức Mặc như một biểu tượng của tinh thần nhớ về cội nguồn tổ tiên, gắn kết các quý tộc Trần vì lợi ích chung của dòng họ [15; 28].

Năm 1255, vua Trần Thái Tông hành hương về hành cung Tức Mặc khi mà bóng đen xâm lược của quân Mông Cổ đang dần bao trùm lên biên giới nước ta. Có thể thấy đây không chỉ là một chuyến về thăm quê đơn thuần, mà đây còn là một chuyến đi để sắp đặt những công việc quan trọng cho công cuộc chống ngoại xâm. Thực vậy, khi quân Mông Cổ tấn công thành Thăng Long, hành cung Tức Mặc đã trở thành một hậu cứ quan trọng để triều đình lãnh đạo cuộc kháng chiến [36; 226].

Dưới thời Trần, hành cung Tức Mặc- Thiên Trường là một khu vực hành chính trọng yếu của đất nước hơn là một trung tâm kinh tế gần kinh thành Thăng Long [1; 40]. Phủ Thiên Trường luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nó tồn tại tương đối độc lập với lộ Thiên Trường, có mối liên hệ mạnh mẽ với kinh đô Thăng Long và trở thành trung tâm quyền lực tối cao của đất nước. Đây là nơi điều hành thực sự của

đất nước, là chốn lui về của triều đình khi có giặc ngoại xâm phương Bắc và cũng là nơi kiểm soát cửa ngõ phía nam của kinh thành Thăng Long trước những hiểm họa từ phương Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Minh, vùng đất Thiên Trường đã có nhiều đóng góp trong chiến thắng vẻ vang chung của dân tộc. Làng rèn Vân Chàng đã tích cực tham gia vào việc chế tạo vũ khí cho nghĩa quân Lê Lợi chống quân Minh [15; 79]. Nhiều người con của quê hương Thiên Trường đã hưởng ứng đi theo nghĩa quân Lam Sơn và trở thành những tướng chỉ huy tài năng, có công lớn với công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Dưới thời Lê Sơ, vùng đất Thiên Trường trở thành một địa bàn quan trọng nằm trên tuyến đường về quê hương Thanh Hóa của các vua nhà Lê. Như chúng ta đã biết, từ năm 1433 trên vùng đất Lam Kinh, quê hương của Lê Lợi, triều đình đã cho xây dựng kinh đô thứ hai thường được gọi là Tây Kinh, sau Đông Kinh (Thăng Long). Hằng năm trên con đường thủy về với quê hương Lam Kinh, con đường thủy xuôi dòng sông Đáy qua cửa Đáy rồi vào cửa Thần Phù, từ đó tiếp tục hành trình về Thanh Hóa là thuận lợi hơn cả. Bởi vậy mà Thiên Trường - Sơn Nam đã sớm được các vua Lê chú ý quan tâm.

Bên cạnh đó, Thiên Trường- Sơn Nam vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ kinh sư và phát triển lãnh thổ quốc gia Đại Việt về phía Nam. Vùng sông nước nơi đây đã nhiều lần trở thành nơi nhà nước tiến hành diễn tập thủy trận. Triều đình cũng đặt Sơn Nam cùng với Thuận Hóa và Quảng Nam trong mối quan tâm đặc biệt về tổ chức quản lý trong chiến lược đảm bảo an ninh và quốc phòng của đất nước [15; 82].

Trong thế kỷ XVI- XVIII, Thiên Trường- Sơn Nam đã trở thành địa bàn quan trọng trong cuộc chiến giành quyền lực giữa các thế lực phong kiến ở Việt Nam. Dưới thời Lê – Mạc phân tranh vùng đất Sơn Nam bị bị xé lẻ dưới sự ảnh hưởng của cả hai phe, vùng đất phủ Thiên Trường cũ là địa bàn

của nhà Mạc. Đây là địa bàn trọng yếu để nhà Mạc tấn công Thăng Long. Dưới thời chiến tranh Lê – Trịnh, vùng đất này lại trở thành nơi tích trữ lương thực và tiền bạc của đất nước.

Như vậy có thể thấy, vùng đất Nam Định trong lịch sử là một địa bàn hiểm yếu trong chiến lược an ninh- quốc phòng của các vương triều phong kiến. Nơi đây được coi như phên dậu, vùng hậu cứ an toàn bảo vệ kinh đô Thăng Long trước những mối đe dọa của họa xâm lăng. Chính yếu tố “đô” đã đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành yếu tố “thị” trên mảnh đất này trong suốt chiều dài lịch sử.

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH và tổ CHỨC bộ máy QUẢN lý HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH từ năm 1884 đến năm 1921 (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)