Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và lịch sử khai thác lãnh thổ

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH và tổ CHỨC bộ máy QUẢN lý HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH từ năm 1884 đến năm 1921 (Trang 33 - 36)

7. Kết cấu luận văn

1.2.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và lịch sử khai thác lãnh thổ

vùng đất Nam Định

Nam Định là một tỉnh ven biển phía Đông Nam của Đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Phía đông giáp tỉnh Thái Bình lấy sông Hồng làm ranh giới tự nhiên, phía tây giáp tỉnh Ninh Bình lấy sông Đáy làm ranh giới thứ nhiên, phía bắc giáp tỉnh Hà Nam và phía nam và đông nam giáp biển Đông.

Diện tích tự nhiên hiện nay của tỉnh Nam Định khoảng 1637,4 km2 chiếm khoảng 0,5 % diện tích cả nước. Dân số Nam Định đạt khoảng 1.888.400 người (1999) chiếm khoảng 2,47% dân số cả nước. Tỉnh Nam Định có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội với đường sắt xuyên Việt chạy qua dài 42 km gồm 5 ga tàu. Quốc lộ 10 và quốc lộ 21 là hai hệ thống giao thông đường bộ chiến lược của Nam Định kết nối tỉnh với các tỉnh vùng Đông bắc, Bắc Trung bộ và trung tâm Hà Nội. Hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh dài khoảng 251 km với hệ thống sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ cùng với hệ thống cảng sông Nam Định và cảng biển Thịnh Long tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông nội thủy và đường biển.

Tỉnh Nam Định nằm trong vùng ảnh hưởng của khu vực tăng trưởng kinh tế tam giác Hà Nội- Hải Phòng – Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 90 km và cách Hải Phòng khoảng 100km. Đây là giao điểm thuận lợi để phát triển kinh tế [36; 19].

Thành phố Nam Định hiện nay là trung tâm hành chính- chính trị của tỉnh Nam Định. Diện tích tự nhiên là 46,35 km2 , dân số gồm: 241.009 người (số liệu năm 2005). Thành phố hiện nay gồm 20 phường nội thị và 5 xã ngoại thành [25; 133]. Phía đông giáp tỉnh Thái Bình, huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, phía nam giáp các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, phía nam giáp huyện Nam Trực, Vụ Bản, phía bắc giáp huyện Mỹ Lộc. Sông Đào chảy xuyên qua thành phố theo hướng đông bắc- tây nam. Sông Hồng chảy bên rìa phía tây của thành phố làm ranh giới tự nhiên với tỉnh Thái Bình qua xã Nam Phong [36; 23]..Theo quyết định số 2106/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 11 năm 2011, thành phố Nam Định được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nam Định.

Trong lịch sử, thành phố Nam Định thuộc khu vực trung tâm của vùng hạ châu thổ Bắc Bộ trong tam giác châu theo quan điểm của giáo sư Trần Quốc Vượng mà đỉnh là Phố Hiến và hai cạnh bên là Quảng Ninh và Ninh Bình [49; 179]. Từ xa xưa, vùng đất xứ Sơn Nam Hạ nói chung và vùng đất Thiên Trường- Nam Định nói riêng đã sớm trở thành địa bàn tụ cư của nhiều cộng đồng người Việt cổ còn để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay.

Nam Định vốn là một vùng đất địa linh nhân kiệt sản sinh ra nhiều anh hùng cho dân tộc. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, nơi đây đã sớm bộc lộ những tiền đề quan trọng để trở thành một trung tâm đô thị sầm uất của đất nước.

Dấu tích con người xuất hiện trên đất Nam Định từ thời đại đá mới cách ngày nay khoảng hơn 6000 năm. Người Việt cổ chủ yếu sinh sống trên các dãy núi Ngăm, Núi Hổ, núi Gôi thuộc địa phận huyện Ý Yên và huyện Vụ Bản ngày nay [36; 177- 183]. Đến khi vùng hạ châu thổ Bắc Bộ được bồi lắng và tương đối ổn định, cư dân Việt cổ đã dần di chuyển sang phía đông để

chiếm lĩnh những vùng đồng bằng ven các con sông lớn để hình thành lên các điểm quần cư đông đúc.

Dưới thời Hùng Vương, đời sống kinh tế của cư dân vùng đất Nam Định đã có những biến chuyển đáng kể. Nghề trồng lúa nước, nghề chăn nuôi, nghề làm gốm và nghề chế tác đá đều có những bước phát triển mạnh mẽ. Khi ấy, vùng đất Nam Định tương đương với địa bàn huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và Thành phố Nam Định ngày nay đều thuộc bộ Lục Hải của nước Văn Lang.

Sau khi nước Âu Lạc bị Triệu Đà đánh chiếm năm 179 TCN, đất nước bước vào thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1 nghìn năm. Trải qua các triều đại đô hộ phong kiến, các chính quyền phương Bắc luôn tìm mọi cách để đồng hóa dân tộc ta. Khi đó nước Âu Lạc bị đổi thành các quận của Trung Quốc. Nam Định dưới đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc quận Giao Chỉ, đời Ngô thuộc Châu Giao, đời Lương thuộc quận Ninh Hải, đời Tùy lại thuộc quận Giao Chỉ và đến đầu đời Đường đặt làm châu Tống, lại lệ thuộc vào châu Giao [33; 375].

Cho đến thế kỷ thứ X, Nam Định đã trở thành một địa bàn tự cư đông đúc [27; 248]. Khu vực phía bắc sông Đại Giang (nay là sông Ninh Cơ) bao gồm các huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc ngày nay đều là các làng cổ. Khu vực phía nam sông Ninh Giang chủ yếu là các làng mới được hình thành khoảng thế kỷ XVIII- XIX [30; 110].

Nhà Trần vốn quê gốc ở vùng sông nước vùng Đông Bắc nay thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng về vùng đất Nam Định để khai khẩn làm ăn hình thành lên hương Tức Mặc sau này. Đây được đánh giá như bước đi đầu tiên trong chuyển hướng kinh tế chính của họ Trần từ đánh bắt cá ven sông, ven biển sang trồng trọt, canh tác nông nghiệp [15; 22]. Sau này khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, nhà Trần còn cho dân cư đến vùng Thiên Trường để dựng làng.

Sang thời Lê Sơ, vùng đất Nam Định tiếp tục được khẩn hoang, lấn dần ra phía biển hình thành lên các làng thuộc huyện Xuân Trường sau này. Cư dân nơi đây đã bền bỉ bám đất, bám làng hăng say thau chua rửa mặn để canh tác lúa nước sau này trở thành những cánh đồng trù phú. Công cuộc khai hoang, mở rộng lãnh thổ ra phía biển tiếp tục được tiến hành trong thế kỷ XVI- XVIII và thực sự được đẩy mạnh ở đầu thế kỷ XIX sau những chính sách khai hoang của nhà Nguyễn. Đến cuối thế kỷ XIX, vùng đất Nam Định ra hình hài như bây giờ.

Thành phố Nam Định ngày nay nằm trên vùng đất tương đối ổn định. Ít bị ảnh hưởng bởi quá trình hình thành lãnh thổ trong suốt 10 thế kỷ. Cho đến thế kỷ XII, vùng đất thuộc thành phố Nam Định ngày nay đã tương đối ổn định về mặt địa chất. Mặc dù vậy, với lịch sử hình thành lãnh thổ lâu dài và liên tục đã tạo cho vùng đất này một nhịp độ phát triển sôi động. Từ đó hình thành nên con người Nam Định những khí chất tốt đẹp, bản lĩnh mạnh mẽ trong cuộc sống.

Những điều kiện tự nhiên và lịch sử khai thác lãnh thổ của vùng đất Nam Định đã trở thành tiền đề quan trọng cho sự định hướng phát triển kinh tế và hình thành các trung tâm đô thị trên địa bàn Nam Định trong lịch sử.

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH và tổ CHỨC bộ máy QUẢN lý HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH từ năm 1884 đến năm 1921 (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)