Trung tâm đô thị Nam Định trƣớc năm 1884

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH và tổ CHỨC bộ máy QUẢN lý HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH từ năm 1884 đến năm 1921 (Trang 43 - 50)

7. Kết cấu luận văn

2.1. Trung tâm đô thị Nam Định trƣớc năm 1884

2.1.1. Các trung tâm đô thị ở Nam Định trước thời Nguyễn (Thế kỷ X- Thế kỷ XVIII)

Dưới thời Lý, trên vùng đất Nam Định ngày nay, triều đình đã cho xây dựng hành cung Ứng Phong để thỉnh thoảng vua về nghỉ. Tuy nhiên, phải đến khi nhà Trần lên ngôi, thay thế nhà Lý, vùng đất Thiên Trường Nam Định mới thực sự trở thành một trung tâm chính trị- xã hội của đất nước. Hành cung Thiên Trường được xây dựng trên sự nối tiếp của hành cung Tức Mặc và nhanh chóng trở thành một trung tâm quyền lực thực sự lúc bấy giờ. Tuy nhiên, yếu tố “thị” của Thiên Trường còn hết sức mờ nhạt [1; 40].

Dưới thời Trần, để bảo vệ cho hành cung Tức Mặc- Thiên Trường khi có binh biến xảy ra, nhà nước đã cho đào một con sông chạy vòng qua hành cung Tức Mặc- Thiên Trường và nối liền sông Đáy với sông Hồng. Con sông chạy chủ yếu qua địa phận làng Vị Hoàng nên có tên là sông Vị Hoàng1. Đây là một sông nhánh tách ra từ sông Hồng chia nước từ ngã ba Vường, qua cửa kênh Phụ Long chảy qua huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản và Nam Trực. Càng về sau, lực chảy của dòng sông này càng mạnh. Khi đó, nhà nước đã cho lập một quân doanh ngay bên bờ sông Vị Hoàng như một trạm bảo vệ cho sự an toàn của hành cung Thiên Trường.

Sang đến thế kỷ XVI, hoạt động giao thương trên các hệ thống sông ở Đàng Ngoài phát triển mạnh mẽ, Vị Hoàng lại có cơ hội trở thành một tuyến giao thông huyết mạch. Và cũng từ đó, trên địa bàn thuộc khu vực làng Vị Hoàng đã dần hình thành một trung tâm đô thị ngay bên sông Vị Hoàng.

1 Có ý kiến cho rằng, việc đào con sông Vị Hoàng đã làm ảnh hưởng đến long mạch khiến họ Trần bị bại

vong. Mời xem thêm: Nguyễn Ôn Ngọc (1895), Nam Định tỉnh dư địa chí mục lục, Tài liệu lưu tại Bảo tàng

Sông Vị Hoàng không phải là một con sông dài và cũng không trực tiếp đổ ra biển. Nhưng so với các con sông khác ở vùng hạ Châu thổ sông Hồng thì sông Vị Hoàng lại có những ưu thế vượt trội riêng. Hai đầu của con sông này đều là các ngã ba quan trọng trên con đường giao thương lên Thăng Long và đi các khu vực khác, dòng chảy của con sông khá rộng và lực chảy mạnh đã khiến con sông như một “cây cầu tự nhiên” kết nối hệ thống thương mại giữa sông Hồng và sông Đáy. Sông Vị Hoàng đã nhanh chóng trở thành tuyến đường vận tải quan trọng của nhà nước phong kiến qua các thời kỳ lịch sử, cửa ngõ từ biển vào lục địa để rồi đến với Thăng Long hay với các tuyến giao thương nội địa chính yếu khác [15; 77].

Từ thế kỷ XVI, Vị Hoàng còn có vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại của đất nước. Tương tự như phố Hiến, Vị Hoàng thời kỳ này đóng vai trò như một tiểu Thăng Long, một mắt xích quan trọng trong hệ thống thương mại của vùng cửa sông Đàng Ngoài. Càng về sau, hệ thống giao thương ở các cửa sông Bắc Bộ càng có xu hướng chuyển dịch về phía nam. Chính vì vậy, các cửa sông trên khu vực Sơn Nam càng có vai trò quan trọng. Từ đó, trung tâm kinh tế Vị Hoàng cũng có những bước khởi sắc mới.

Đây là nơi thu hút hàng hóa từ miền biển đưa lên, từ vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, kể cả Thăng Long, Phố Hiến đi xuống. Từ Vị Hoàng có thể lên phố Hiến dễ dàng qua hệ thống đường sông. Ngoài các thuyền buôn nội địa còn có tàu thuyền của người Trung Quốc và người Xiêm. Hàng hóa rất đa dạng từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như lúa gạo, hay các sản phẩm miền biển như cá, mắm, miếu nhưng phong phú hơn cả là các mặt hàng tơ lụa [36; 265]. Đây cũng là nơi tập trung dân cư đông đúc đặc biệt là sau khi Vị Hoàng trở thành thủ phủ của Sơn Nam Hạ lộ. Ngoài cư dân gốc của làng Vị Hoàng xưa còn có các luồng dân cư ở các nơi khác về tụ cư sinh sống. Đó là các thợ thủ công từ các làng nghề kéo về đây lập nghiệp, những người

trong hệ thống chính quyền vì công việc mà mang cả gia đình tới đây sinh sống. Binh lính làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực lỵ sở. Đặc biệt là các thương nhân về đây tìm kiếm cơ hội làm ăn.

Có thể thấy cho đến cuối thế kỷ XVIII, trên vùng đất của thành phố Nam Định ngày nay đã hình thành một trung tâm đô thị sầm uất đó là đô thị Vị Hoàng. Đây là điểm trung chuyển quan trọng của các tuyến giao thương quốc tế đi vào Đàng Ngoài qua các cửa sông của sông Hồng và sông Đáy trước khi lên phố Hiến, Thăng Long và các trung tâm thương mại khác. “ thể nói, đến thế kỷ XVIII, Vị Hoàng đã bước đầu trở thành một khu đô thị mà phần thị đang có xu hướng phát triển hỏa nhịp với một loạt đô thị ven sông

biển vào thế kỷ XVII- XVIII ở Bắc Bộ” [36; 266].

2.1.2. Trung tâm đô thị ở Nam Định dưới triều Nguyễn (1802 - 1884)

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long lập ra nhà Nguyễn, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, kết thúc hơn 200 nội chiến liên miên. Dưới thời Nguyễn hệ thống tổ chức và bộ máy hành chính không ngừng được kiện toàn từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là sau những cải cách lớn dưới thời vua Minh Mệnh (1820- 1840).

Đầu thời Nguyễn, Nam Định là một phần của trấn Sơn Nam Hạ thuộc Bắc Thành. Trấn Sơn Nam bao gồm 5 phủ tương ứng với vùng đất Nam Định và Thái Bình hiện nay. Đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), triều đình đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định. Tên Nam Định chính thức xuất hiện từ đây. Về mặt địa giới hành chính, về cơ bản không thay đổi [36; 269]..

Sang năm 1831, Minh Mệnh tiến hành cuộc cải cách hành chính quy mô lớn, xóa bỏ các trấn thành lập các tỉnh. Nam Định trở thành một trong 31 tỉnh của cả nước lúc bấy giờ. Về mặt địa giới Nam Định lúc này bị thu hẹp. Ba huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Thần Khê trước kia được sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên. Phần đất hai phủ Thiên Trường và Nghĩa Hưng (tức Nam Định

ngày nay) không có gì thay đổi, nhưng có một số điều chỉnh nhỏ. Nhà Nguyễn đã cho xây dựng ở Nam Định một trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa quan trọng được phân chia chức năng rất rõ ràng.

Khu vực trị sở hành chính bao gồm hệ thống thành quách, dinh thự, văn miếu và trường thi để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và văn hóa tại địa phương. Thành Nam Định được xây từ thời Gia Long khoảng năm 1804- 1805. Đây là ngôi thành lớn thứ hai ở Bắc Thành. Ban đầu thành Nam Định được đắp bằng đất với chu vi khoảng 1440 tầm, gồm 5 cửa: phía nam 2 cửa, mặt bắc 1 cửa, mặt đông 1 cửa, mặt tây 1 cửa. Phía bên ngoài thành có hào, bên trong có dựng lỵ sở của trấn. Cách đều tường thành 6 tầm ở bốn mặt thành đều có hồ nước rộng 20 tầm. Thành cách sông Vị Hoàng 192 tầm từ của Đông Nam bên trái trấn thành và cách chợ Vị Hoàng 50 tầm từ cửa Đông Bắc bên trái trấn thành [8; 205].

Năm Minh Mệnh 14 (1833), thành Nam Định được xây lại bằng đá và gạch. Chân đế của của tường phía dưới xây bằng gạch đá xanh, phía trên bằng đá ong dày 6,7m. Tường xây bằng gạch cao 3,7m. Cách tường 6,7m có hào sâu 2,4m, rộng 6,8m [26; 43-46]. Thành được xây trên địa bàn của đất Vị Hoàng với 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc tỏa ra 4 hướng.

Bên trong thành Nam Định là các hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động của bộ máy chính trị. Sát mặt thành phía nam là vị trí cột cờ. Nằm đối diện với cột cờ về phía bắc khoảng 100m là Vọng Cung. Đây là nơi quan lại các cấp về đây tế cáo trời đất, bái vọng triều đình mỗi dịp xuân thu nhị kỳ. Tại trung tâm của thành là kho lương thực và kho bạc. Kho lương thực có thể chứa được khoảng 3000 tấn lúa và muối, thực phẩm [26; 47].

Đồn thủy vốn là đồn của thủy quân được thiết lập từ thời Lê- Trịnh. Đến thời Nguyễn thì chuyển về Vị Hoàng, chặn lối đi từ cửa Độc Bộ vào Thành Nam. Đồn Thủy nằm cách bãi tập của lính ở phía Nam thành một cánh

đồng khá rộng theo dòng sông Đào. Năm Minh Mệnh thứ 13, Đồn Thủy được xây dựng bẳng gạch gồm 3 nhà lính. Đây là nơi tập trung các cơ thủy binh của Nam Định. Tại đây tập trung khoảng 4500 quân của 3 thủy sư cơ tả, hữu, trung [15; 132].

Ngoài ra triều đình còn cho xây dựng ở đây Văn Miếu và Trường Thi ở phía tây thành. Đây là nơi tổ chức các kỳ thi Hương trong suốt nửa sau thế kỷ XIX. Tuy nhiên các kỳ thi Hương ở trương thi Nam Định không diễn ra đều đặn mà diễn ra với mật độ dày hơn. Đến năm 1919, kỳ thi Hương cuối cùng được thực hiện ở đây, chấm dứt vai trò chính thống của nền giáo dục nho giáo ở nước ta. Văn Miếu được xây dựng dưới thời Minh Mệnh (1833) với diện tích khoảng 4 mẫu có tường gạch bao quanh. Tháng tám hàng năm các quan đầu tỉnh cùng các văn thân đều tề tựu về đây để tế các bậc tiên hiền của đạo Nho [26; 194].

Cạnh khu vực hành chính là khu vực đô thị sầm uất với các phố xá, chợ, bến. Cho đến thời Nguyễn, ở Vị Hoàng đã hình thành diện mạo của một đô thị rõ rệt. Địa giới của đô thị Vị Hoàng được hình thành trên địa phận của 3 xã là Vị Hoàng, Năng Tĩnh và Phụ Long. Tuy nhiên, địa bàn chủ yếu, nơi tập trung dân cư đông đúc và kinh tế phát triển nhất lại nằm trên địa phận của đất Vị Hoàng.

Vị Hoàng là một trong 8 xã của tổng Đông Mặc huyện Mỹ Lộc, phủ Xuân Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Đây là xã nằm ở khu vực giáp phía Nam của Tức Mặc. Theo địa bà thời Gia Long (1805) và được lập lại vào thời Minh Mệnh (1830), địa giới hành chính của Vị Hoàng được xác định là phía bắc giáp với xã Tức Mặc, Đông Mặc, Phù Nghĩa; phía đông giáp với xã Phù Long, sông Vị Hoàng và một con ngòi nước nhỏ (sau này được khơi thành sông Đào hiện nay); phía tấy giáp xã Năng Lự (sau đổi thành Năng Tĩnh), Đông Mặc, Vụ Bản; phía nam giáp với xã Vạn Diệp, Lương Xá, Bách Cốc [15; 112].

Đối chiếu với bản đồ hành chính Nam Định, có thể hình dung Vị Hoàng ở đầu thế kỷ XIX tương ứng với các khu vực của thành phố Nam Định ngày nay như sau:

Thôn Thị Thượng: là khu phố cổ của Nam Định bao gồm các phố Minh Khai, Bắc Ninh, Hoàng Văn Thụ, Hàng Sắt, Bên Ngự.

Thôn Khoái Đồng: Bao gồm khu vực từ đường Đồng Tháp Mười ra tới bờ sông giáp phố Minh Khai, phía Tây giáp đường Nguyễn Du, phía nam là sông Đào và một phần xóm gốc Mít

Thôn Thị Hạ: Là khu vực từ chợ Đò Chè đến bến Thóc, men theo sông Đào.

Thôn Lộng Đồng: còn có tên là thôn Gia Hòa, tức thôn Cầu Gia nay thuộc xã Lộc An, trên đường 10 đi Ninh Bình [26; 51-53].

Đến năm 1865, Vị Hoàng được đổi tên thành Vị Xuyên do kiêng tên Húy của chúa Nguyễn Hoàng, vị chúa khai sinh cơ nghiệp của nhà Nguyễn.

Vị Hoàng là một trung tâm đô thị bên sông và nằm về phía đông của thành Nam Định. Sông Vị Hoàng đóng vai trò là trục chính của trung tâm, các nẻo đường đều tỏa ra từ phía bờ sông.

Bến sông Vị Hoàng, hay cảng sông Vị Hoàng là một bến cảng quan trọng trên tuyến đường từ kinh đô Huế ra Bắc Thành và ngược lại. Các thuyền công vụ của triều đình đi từ kinh đô ra Bắc dừng lại ở bến Vị Hoàng đều được chính quyền sở tại ghi chép cụ thể để báo cáo về trung ương. Đây còn là một trạm kiểm soát quan trọng của triều đình đối với các thuyền buôn nước ngoài đến giao thương ở các tỉnh Bắc Thành. Các thuyền buôn nhà Thanh đi vào nội địa qua các cửa Liêu, Lác đều phải khai báo thông tin cụ thể về người, hàng hóa và nộp thuế quan trước khi ngược lên Bắc Thành. Không những thế, Vị Hoàng còn là nơi giao điểm giữa hai luồng nước mặn từ biển vào và nước ngọt từ đất liền chảy ra, thuyền bè từ nội địa muốn ra khơi buộc phải chờ con

nước. Vì thế bến Vị Hoàng còn trở thành nơi tập trung, neo đậu tàu bè trong lúc chờ xuất dương. Điều này cũng góp phần quan trọng vào sự sầm uất và thịnh vượng của khu vực này.

Chợ Vị Hoàng vốn ra đời trên đất làng Vị Hoàng từ các thế kỷ trước nay trở nên nhộn nhịp hơn. Chợ họp theo phiên một tháng 6 lần. Mặt hàng chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng của địa phương như nông sản, vải vóc, gia súc….Ngoài chợ Vị Hoàng, khu vực này còn các chợ Hạ, chợ Đò Chè, Bến Gỗ, Bến Thóc, Bên Nứa. Đây là một loại hình chợ bến với tính chuyên môn cao chỉ buôn bán một vài sản phẩm đặc trưng như thóc, gỗ, nứa…

Trên địa bàn buôn bán sầm uất phía đông thành Nam Định có xuất hiện khu dân cư với nhà cửa san sát hình thành nên 7 khu phố bao gồm: phố Hàng Cót, Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song, Hàng Sắt, Bến Ngự [15; 143]. cả 7 phố đều nằm trải theo dòng sông Vị Hoàng từ thôn Thị Thượng đến thôn Thị Hạ. Mỗi mặt khu phố đều bán một mặt hàng đặc trưng cụ thể nào đó. Chính sự phát triển sầm uất của đô thị Vị Hoàng khiến cho nơi đây tiếp tục trở thành một nơi tập trung dân cư về đây làm ăn, sinh sống. Vẫn như giai đoạn trước, cư dân ở đây bao gồm người dân gốc Vị Hoàng, người ở nơi khác di cư đến và đông đảo cộng đồng người Hoa lập nghiệp sinh sống. Tuy nhiên, việc phân bố dân cư lại theo từng khu vực, từng phố riêng biệt mà không thấy sự xen lẫn một cách rõ ràng.

Mỗi cộng đồng dân cư ở Vị Hoàng đều lựa chọn cho mình một phương thức kinh tế phù hợp. Trong khi người Việt tập trung vào các hoạt động thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ thì cộng đồng người Hoa lại tập trung vào việc buôn bán thuốc bắc và buôn gạo ra nước ngoài. Trên cơ sở đó, mỗi cộng đồng dân cư cũng hình thành cho mình một giá trị văn hóa tinh thần riêng để ngày hôm nay hình thành nên đặc trưng văn hóa thành nam đa dạng và đặc sắc.

Cho đến thời Nguyễn, trên vùng đất Thiên Trường- Vị Hoàng xưa đã hình thành một trung tâm đô thị vừa là thủ phủ của địa phương vừa là một trung tâm kinh tế sầm uất. Sự lụi tàn của Phố Hiến thời kỳ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự khởi sắc của Vị Hoàng- Nam Định với vai trò là đô thị vệ tinh, cửa ngõ của trung tâm kinh tế Bắc Thành- Hà Nội.

Như vậy có thể nói cho đến trước thời kỳ thuộc địa, Tức Mặc- Thiên Trường- Vị Hoàng- Nam Định đã có một lịch sử phát triển lâu dài và bền vững. Đây là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của thành phố Nam Định thời kỳ thuộc địa, trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của Bắc Kỳ và Đông Dương.

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH và tổ CHỨC bộ máy QUẢN lý HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH từ năm 1884 đến năm 1921 (Trang 43 - 50)