So với quy trình cơ bản của công tác thiết kế kênh phân phối, có quá nhiều công đoạn quan trọng mà Công ty đã bỏ qua. Với sự yếu kém trong công tác thiết kế kênh như vậy, hậu quả tất yếu dẫn đến là kênh phân phối hoạt động kém hiệu quả. Ðể tiếp tục hoàn thiện cấu trúc kênh phân phối, Công ty cần bổ sung các bước sau vào quy trình thiết kế kênh:
- Nhận dạng nhu cầu phải tổ chức kênh: Đặc điểm nổi bật trong công tác tổ chức kênh phân phối của công ty là tính tự phát. Công ty không nhận dạng được nhu cầu phải tổ chức kênh, thời điểm phải tổ chức kênh mà thường đưa ra quyết định dựa trên tính chủ quan. Trên thực tế, có rất nhiều thời điểm cần phải tổ chức kênh như: Khi đưa sản phẩm mới ra thị trường, khi công ty thâm nhập một thị trường mới hay khi xảy ra sự xung đột giữa các nhà phân phối trung gian. Nhưng công ty đã không có được những biện pháp tổ chức kênh để thích ứng trước các
biến động này. Xuất phát từ lý do trên, kênh phân phối của công ty hoạt động không hiệu quả, tính thích nghi kém trước những biến động của thị trường. Do vậy, cần có các hoạt động năm bắt những biến động của thị trường để đưa ra chiến lược tổ chức kênh phân phối linh hoạt, mau chóng thích nghi với thị trường.
- Xác định mục tiêu phân phối: Các mục tiêu phân phối cần được xây dựng trên những cơ sở thực tiễn trong quá trình dự báo, nghiên cứu các xu hướng phát triển của thị trường và các ngành có tính chất tương đồng. Căn cứ trên chiến lược phát triển mà công ty đã xác lập, các mục tiêu cần được đưa ra cho từng kênh bán hàng, trên từng vùng thị trường dựa trên chỉ tiêu doanh số bán hàng và đưa ra các phương án thực hiện chỉ tiêu cho các đơn vị.
- Đánh giá các biến số ảnh hưởng đến cấu trúc kênh: Để đưa ra một cấu trúc kênh phân phối có hiệu quả, việc xem xét, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường sản phẩm vật liệu phụ trợ cho nghành vật liệu xây dựng nói chung và thị trường sản phẩm nhôm xây dựng nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hoạt động này là căn cứ để công ty lựa chọn thị trường mục tiêu, xác định cấu trúc kênh, lựa chọn được các thành viên kênh. Đó là cơ sở cho một cấu trúc kênh giàu tính thích nghi, cho phép tận dụng tối đa mọi nguồn lực đem lại hiệu quả trước một môi trường kinh doanh đầy biến động. Các yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc kênh phân phối của công ty cần xem xét và đánh giá là:
+ Chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với việc phát triển thị trường các sản phẩm vật liệu xây dựng cũng như các quy chuẩn vật liệu sử dụng trong nghành nói chung và thị trường nhôm xây dựng nói riêng.
+ Đặc điểm, hành vi tiêu dùng của khách hàng sử dụng sản phẩm nhôm xây dựng tại các vùng, khu vực thị trường khác nhau.
+ Cấu trúc kênh phân phối của các đối thủ cạnh tranh: Công ty Công nghiệp Tungshin, Tungkang, Sông hồng, Đô thành
+ Những đặc điểm, nguồn lực của Công ty như: Khả năng tài chính, sản phẩm hiện có và mạng lới tiêu thụ tại Miền Bắc cần già soát toàn bộ lại hệ thống thanh lọc lại.
Nhôm Nam Hải đang phụ thuộc quá lớn vào các đại lý cấp 1 tại các tỉnh trong công tác phân phối sản phẩm. Khi đại lý lớn phát sinh các vấn đề tài chính, vấn đề mà Công ty không có quyền kiểm soát, hệ thống phân phối sản phẩm sẽ bị thiếu hàng, làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình cung cấp sản phẩm. Để tránh tình trạng này, một cấu trúc kênh có thể thay thế là biện pháp mà Công ty cần tập trung tìm cách giải quyết. cụ thể:
+ Đối với thị trường Hà Nội và các thành phố lớn, nơi có tỷ trọng sản phẩm rất cao được phân phối từ đại lý cấp 1, Công ty cần chuẩn bị sẵn phương án giao quyền cho Đại diện thương mại bán hàng trực tiếp phân phối sản phẩm tới từng điểm bán hàng với chiết khấu tương đương với chiết khấu của Tổng đại lý.
+ Đối với thị trường các tỉnh, nơi mà thị trường chưa được lấp đầy do những hạn chế của đại lý và cấu trúc địa lý có phạm vi quá rộng thì phân phối qua các đối tác thương mại trong các ngành hàng khác nhau, có tiềm lực tài chính, có hệ thống phân phối hiệu quả là biện pháp tối ưu nhất. Công ty cần khẩn trương, tích cực ký hợp đồng với các đối tác này.