Giai đoạn từ năm 2013 đến nay

Một phần của tài liệu Hòa giải ở cơ sở (qua thực tiễn tỉnh hải dương) (Trang 54 - 57)

Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của nó trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế cần được hoàn thiện như: Pháp lênh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh này chưa quy định cụ thể, đầy đủ về cơ chế, chính sách cho công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, năng lực của đội ngũ hòa giải viên nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải ở một số địa phương; việc khen thưởng, chế độ đãi ngộ, thù lao đối với hòa giải viên chưa được ghi nhận; chính sách hỗ trợ về kinh phí cho hoạt động của Tổ hòa giải chưa được quy định. Do đó, hoạt động của Tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn; vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương không rõ ràng, dẫn đến tình trạng nhiều nơi cho rằng công tác hòa giải ở cơ sở là công việc, là trách nhiệm của ngành Tư pháp; trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa được quy định; trách nhiệm của UBND các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải còn chung chung.

Vì vậy, trong công cuộc đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, từ tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua và thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này, ngày 20 tháng 6 năm 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật hòa giải ở cơ sở và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Luật hòa giải ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều quy định nguyên tắc, chính sách của nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở;

trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Để triển khai thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, ngày 27 tháng 02 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở. Nhằm đảm bảo kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, ngày 30 tháng 7 năm 2014, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTP-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Căn cứ tình hình cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở được kế thừa và phát triển theo Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Cơ quan tư pháp địa phương bao gồm: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 24/12/2014, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác hòa giải ở cơ sở, cụ thể:

Sở Tư pháp có trách nhiệm:

+ Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công tác hòa giải trình Ủy ban cấp tỉnh ban hành;

+ Theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hướng dẫn việc thực hiện quy định của cấp trên về tổ chức và hoạt động hòa giải trong phạm vi địa phương;

+ Tổ chức và hướng dẫn Phòng Tư pháp tổ chức bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải

cho người làm công tác hoà giải;

+ Sơ kết, tổng kết và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về công tác hoà giải của tổ hoà giải ở địa phương; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hoà giải ở địa phương.

Phòng Tư pháp có trách nhiệm:

+ Theo sự chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên và Ủy ban nhân dân cấp huyện, hướng dẫn các Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch triển khai thực hiện các quy định về công tác hoà giải ở địa phương; đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp huyện biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở địa phương;

+ Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở địa phương theo hướng dẫn của cơ quan Tư pháp cấp trên;

+ Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải của tổ hoà giải ở địa phương và báo cáo về công tác hoà giải với Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan tư pháp cấp trên; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hoà giải của tổ hoà giải ở địa phương.

Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm: + Hướng dẫn hoạt động của các tổ hòa giải;

+ Thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ hoà giải ở địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên; + Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải của tổ hoà giải ở địa phương, báo cáo công tác hoà giải với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan tư pháp cấp trên; tổ chức thi đua, khen thưởng công tác hoà giải ở địa phương.

Hòa giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của quần chúng, hoạt động của tổ chức này mang tính xã hội rộng lớn góp phần quan trọng vào việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Quản lý công tác hòa giải không chỉ là trách nhiệm của cơ quan tư pháp mà còn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương với sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể chính

trị - xã hội ở cơ sở. Điều 30, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận:

1. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở, phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

2. Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa

giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật [46].

Một phần của tài liệu Hòa giải ở cơ sở (qua thực tiễn tỉnh hải dương) (Trang 54 - 57)