Những khó khăn, hạn chế

Một phần của tài liệu Chính sách đối với đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở tinht nghệ an (Trang 28 - 30)

Là tỉnh giàu tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế –xã hội. Bên cạnh những thuận lợi căn bản và những thành tựu đạt được, Nghệ An đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đó là xa các cực tăng trưởng và các trung tâm kinh tế - văn hoá lớn của cả nước nên sức thu hút đầu tư thấp, phải tự vươn lên bằng nội lực của chính mình. Diện tích Nghệ An lớn nhất nước, địa hình phức tạp, đồi núi chiếm 83%, có 419 km đường biên giới, dân số đông với nhiều tộc người thiểu số và tôn giáo; thiên nhiên khắc nghiệt, hậu quả chiến tranh nặng nề; điểm xuất phát về kinh tế thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống hạ tầng xã hội còn yếu kém là những rào cản không nhỏ trong quá trình phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế –xã hội của Tỉnh hầu như phải xây dựng lại từ đầu sau chiến tranh.

Trên 2/3 diện tích tự nhiên bao gồm 242 xã, 1,4 triệu dân với 7 dân tộc thiểu số cùng sinh sống thuộc khu vực miền núi, vùng cao; địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều núi đèo và sông suối; cơ sở vật chất kỹ thuật (điện, giao thông, trạm xá, trường học...) còn rất nghèo nàn; đồng bào du canh du cư còn nhiều, dân trí thấp, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Tài nguyên thiên nhiên phong phú về chủng loại nhưng trữ lượng nhỏ bé, lại nằm vùng sâu, khó khai thác công nghiệp.

Công tác quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng gặp khó khăn, đặc biệt ở các huyện miền núi: Diện tích rộng, các xã, bản ở cách xa nhau, giao thông bị chia cắt, thông tin bị gián đoạn.... đặc biệt trong những mùa nước lũ.

Nghệ An có tiềm năng lớn về lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn rất thấp. Sự phân bố dân số và trình độ dân trí không đồng đều, trình độ cán bộ cơ sở còn có sự chênh khá lớn giữa các vùng, miền; đặc biệt đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng cao trình độ còn rất thấp

Bên cạnh truyền thống văn hoá với những bản chất tốt đẹp rất đáng trân trọng, thì con người xứ Nghệ thường nóng nảy, bảo thủ, còn ảnh hưởng không ít tư tưởng phong kiến, nho giáo, tính cục bộ địa phương, làng xã. Đây là một hạn chế của con người Nghệ An. Hầu hết những người đỗ đạt thường đi thoát li, ít khi ở lại quê hương sinh sống lập nghiệp, cống hiến tài năng góp phần xây dựng quê hương. Mặt khác, do tư tưởng hẹp hòi, cục bộ, nên cũng rất khó khăn trong việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài về tham gia xây dựng làng xã, quê hương.

Tất cả những yếu tố trên ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý và điều hành đội ngũ cán bộ trong HTCT ở cơ sở. Đó cũng chính là rào cản hạn chế sự đóng góp của đội ngũ cán bộ cơ sở trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của Nghệ An.

Một điểm đặc thù khác cũng phải lưu ý ở Nghệ An là ngay ở cơ sở xã, phường có một đội ngũ lớn, đông đảo các đồng chí cán bộ đảng viên có quá trình, có trình độ, còn nhiệt huyết về nghỉ hưu, sinh hoạt. Bên cạnh thuận lợi cho phong trào cơ sở thì cũng là một thách thức đòi hỏi HTCTCS, cán bộ cơ sở phải có và phải trau dồi thường xuyên phẩm chất đạo đức và khả năng lãnh đạo.

Cho đến nay, so với tình hình chung cả nước thì Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo. Mức tăng trưởng kinh tế vẫn dưới tiềm năng. Nền kinh tế chủ yếu vẫn là kinh tế nông nghiệp, đến năm 2005 trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn (37,9%) so với công nghiệp (27,5%); chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, hiệu quả sản xuất chưa cao; sức cạnh tranh của sản phẩm nội tỉnh yếu. Tốc độ đô thị hóa chậm. Thu nhập bình quân đầu người mới chỉ bằng 64% mức bình quân chung của cả nước, nội lực trong dân còn rất mỏng, nguồn thu ngân sách mới đáp ứng được 58% nhu cầu chi thường xuyên, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao (8% theo chuẩn cũ). Lao động thiếu việc làm còn lớn.

Nhiều vấn đề xã hội như: Tệ nạn ma tuý, tham nhũng, lãng phí, tội phạm còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông còn nhiều, an ninh biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đời sống của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất nhiều khó khăn. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng ở một số đảng bộ cơ sở còn hạn chế. Hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, cải cách hành chính chưa có tiến bộ đáng kể.

Với đặc điểm và những hạn chế nêu trên, gây những khó khăn nhất định trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Do vậy, đòi hỏi mọi cán bộ, Đảng viên và mọi người dân Nghệ An nói chung và đội ngũ cán bộ cơ sở nói riêng phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, vừa phải tháo vát, mưu trí, vừa phải có sức khoẻ, đồng thời phải có kiến thức trình độ nhất định về các mặt để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của Tỉnh trong giai đoan mới.

Thông qua việc xem xét và phân tích kỹ những điều kiện, môi trường sống và làm việc của người cán bộ cấp xã, để thấy được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động, công tác, cũng như trong việc phấn đấu rèn luyện, học tập và trưởng thành đối với người cán bộ cơ sở nói chung, và cán bộ ở những vùng, miền khác nhau nói riêng. Đây là những căn cứ thực tiễn để chúng ta đề xuất, kiến nghị các giải pháp sát đúng và phù hợp: đảm bảo giữa tính đổi mới và tính kế thừa, vừa đảm bảo chế độ, chính sách theo tiêu chuẩn chung, vừa đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng vùng miền, từng địa phương và từng dân tộc nhằm từng bước xây dựng ĐNCBCS của tỉnh Nghệ An có đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới- giai đoạn CNH, HĐH đất nước.

Một phần của tài liệu Chính sách đối với đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở tinht nghệ an (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)