Phát huy truyền thống và những tiềm năng, thế lợi sẵn có, cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng, Nghệ An đã tập trung khai thác nội lực, thu hút ngoại lực tạo nên dấu ấn mới cho xứ Nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong những năm qua, thắng lợi có ý nghĩa lớn nhất là kinh tế phát triển nhanh và đúng hướng, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao, thời kỳ 1991-2000 đạt 8%, giai đoạn 2001-2005 đạt trên 10,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: đến năm 2005 tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 44,27% năm 2000 xuống 36,7%; tỷ trọng ngành công nhiệp- xây dựng tăng từ 18,62% năm 2000 lên 27,5%; kinh tế dịch vụ- du lịch- thương mại tăng khá, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh, ngành càng khởi sắc. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà các kỳ đại hội đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt một số chỉ tiêu chủ yếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tổng sản lượng lương thực, giá trị sản xuất công nghiệp và giảm tỷ lệ đói nghèo... của Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XV (nhiệm kỳ 2000-2005) đã về đích kế hoạch trước 2 năm.
Các ngành kinh tế tăng trưởng mạnh đã tạo đà tăng thu ngân sách. Nếu như năm 1996 tổng thu ngân sách đạt 481 tỷ đồng, thì đến năm 2004 đạt 1.662 tỷ đồng tăng hơn gấp 3 lần, năm 2005 phấn đấu ước đạt 1.783 tỷ đồng. Đời sống nhân dân cũng được nâng cao. Đến năm 2003 tỷ lệ đói nghèo giảm còn 11,6%, năm 2005 còn 8,0%. Kết cấu kỹ thuật hạ tầng được tăng cường đầu tư xây dựng nâng cấp. Bằng công sức đóng góp của nhân dân, hệ thống giao thông, thuỷ lợi ở nông thôn đã từng bước được hoàn thiện. Diện mạo thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các thị trấn, thị tứ ngày càng khang trang, xanh sạch đẹp, bộ mặt nông thôn khởi sắc.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, Nghệ An còn rất quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Đặc biệt trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo phát huy truyền
thống hiếu học, phong trào thi đua học tập được phát động sôi nổi khắp nơi, quy mô các cấp học, ngành học phát triển mạnh. Hàng năm, số lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng không ngừng tăng. Các chương trình văn hoá cơ sở phát huy hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đến năm 2005 toàn tỉnh có trên 80% số hộ đạt tiểu chuẩn gia đình văn hoá, phong trào thể dục-thể thao quần chúng phát triển mạnh.
Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững ổn định chính trị ở tất cả các vùng, miền trong tỉnh (vùng tôn giáo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo...).