Khái quát chung về sở giao dịch ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam 1 Sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của sở giao dịch ngân hàng

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI SỞ GIAO DỊCH NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔPHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM (Trang 38 - 41)

NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

2.1.Khái quát chung về sở giao dịch ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam 1 Sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của sở giao dịch ngân hàng

2.1.1. Sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của sở giao dịch ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam

Ngày 01 tháng 04 năm 1963, Ngân hàng ngoại thương (NHNT) chính thức được thành lập theo Quyết định số 115/CP do Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 30 tháng 10 năm 1962 trên cơ sở tách ra từ Cục quản lý Ngoại hối trực thuộc Ngân hàng Trung ương (nay là NHNN Việt Nam). Theo Quyết định nói trên, NHNT đóng vai trò là ngân hàng chuyên doanh đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tại thời điểm đó hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại bao gồm cho vay tài trợ xuất nhập khẩu và các dịch vụ kinh tế đối ngoại khác (vận tải, bảo hiểm...), thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, quản lý vốn ngoại tệ gửi tại các ngân hàng nước ngoài, làm đại lý cho Chính phủ trong các quan hệ thanh toán, vay nợ, viện trợ với các nước xã hội chủ nghĩa (cũ)... Ngoài ra, NHNT còn tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN Việt Nam về các chính sách quản lý ngoại tệ, vàng bạc, quản lý quỹ ngoại tệ của Nhà nước và về quan hệ với Ngân hàng Trung ương các nước, các Tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.

Ngày 21 tháng 09 năm 1996, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 286/QĐ-NH5 về việc thành lập lại NHNT theo mô hình Tổng công ty 90, 91 được quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 07 tháng 03 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ.

NHNTVN là NHTM quốc doanh đầu tiên tiến hành cổ phần hóa theo quyết định 230/2005/QĐ-TTg ngày 21/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến thời

điểm tháng 6/2008, NHNTVN chính thức cổ phần hóa xong và đổi tên là Ngân hàng thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (NHTMCPNTVN).

Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, Vietcombank đã có những đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế đất nước, phát huy tốt vai trò của một ngân hàng đối ngoại chủ lực, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế trong nước, đồng thời tạo những ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu.

Từ một ngân hàng chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại, Vietcombank ngày nay đã trở thành một ngân hàng đa năng hoạt động đa lĩnh vực, cung cấp cho khách hàng đầy đủ các dịch vụ tài chính hàng đầu trong lĩnh vực thương mại quốc tế; trong các hoạt động truyền thống như kinh doanh vốn, huy động vốn, tín dụng, tài trợ dự án…cũng như mảng dịch vụ ngân hàng hiện đại: kinh doanh ngoại tệ và các công vụ phái sinh, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử…

Sở hữu hạ tầng kỹ thuật ngân hàng hiện đại, Vietcombank có lợi thế rõ nét trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý tự động các dịch vụ ngân hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao. Các dịch vụ: VCB Internet Banking, VCB Money, SMS Banking, VCB Cyber Bill Payment, …đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút đông đảo khách hàng bằng sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, dần tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt (qua ngân hàng) cho khách hàng.

Sau gần nửa thế kỷ hoạt động trên thị trường,Vietcombank hiện có trên 12.500 cán bộ nhân viên, với 1 Hội sở chính tại Hà Nội, 1 SGD, gần 400 Chi nhánh và Phòng Giao dịch trên toàn quốc, 3 công ty con tại Việt Nam, 2 công ty con tại nước ngoài, 1 văn phòng đại diện tại Singapore, 5 công ty liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát triển một hệ thống Autobank với 1.700 ATM và 22.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) trên toàn quốc. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới hơn 1.300 ngân hàng đại lý tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với bề dày hoạt động và đội ngũ cán bộ có chuyên môn vững vàng, nhạy bén với môi trường kinh doanh hiện đại, mang tính hội nhập cao…Vietcombank luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn và của hơn 6 triệu khách hàng cá nhân.

Bằng trí tuệ và tâm huyết, các thế hệ cán bộ nhân viên Vietcombank đã, đang và sẽ luôn nỗ lực để xây dựng Vietcombank xứng đáng với vị thế là “Ngân hàng hàng đầu vì Việt Nam thịnh vượng”.

Sở giao dịch NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (SGD NHNTVN) là một chi nhánh đặc biệt được tách ra từ Ngân hàng Ngoại thương trung ương (NHNTTW) kể từ đầu năm 2006. Trước năm 2006, hoạt động của SGD là một bộ phận kinh doanh trực thuộc NHNTTW (cả về bộ máy tổ chức và hạch toán). Từ năm 2006, SGD NHNTVN trở thành một đơn vị kinh doanh giống như những chi nhánh khác, hạch toán phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng, tài sản của SGD do Hội sở chính cung cấp, hoạt động theo ủy quyền của Hội sở chính, tuy nhiên vẫn có con dấu riêng và bảng cân đối kế toán riêng.

Sau khi tách ra hoạt động độc lập với Hội Sở chính được gần 7 năm, SGD đã nhanh chóng khẳng định được vị thế “anh cả” trong đại gia đình Vietcombank. Bên cạnh hoạt động như một Chi nhánh Vietcombank với thị phần lớn trong nhiều lĩnh vực tại Hà Nội, SGD còn là nơi tiên phong thực hiện các chủ trương chính sách của Vietcombank, đi đầu trong việc thử nghiệm và triển khai các sản phẩm mới cũng như thực hiện một số nghiệp vụ đặc thù khác. SGD luôn là đơn vị dẫn đầu trong toàn hệ thống Vietcombank về quy mô huy động vốn, ngay cả trong những thời điểmm công tác huy động vốn gặp nhiều khó khăn. SGD cũng là một trong hai đơn vị có đóng góp lớn nhất cho lợi nhuận của Vietcombank.

Các hoạt động chủ yếu của Sở Giao dịch được chia thành các mảng: huy động vốn trên thị trường 1, cho vay với các tổ chức kinh tế và dân cư, bảo lãnh, thẻ và các dịch vụ ngân hàng khác. Số vốn còn thừa hoặc thiếu trong huy động vốn sẽ gửi (cho vay) hoặc vay NHNTTW.

Trong khuôn khổ đề tài này chỉ nghiên cứu về hoạt động của SGD NHNTVN nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng trong thời gian từ năm 2009 trở lại đây. Đồng thời do là một đơn vị hạch toán phụ thuộc thuộc hệ thống NHNTVN nên xét về góc độ huy động vốn sẽ chỉ bao gồm các nghiệp vụ huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư, tức là thị trường 1. Còn việc huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) do NHNT TW điều tiết, vì vậy cũng sẽ không nằm trong giới hạn nghiên cứu của đề tài này.

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI SỞ GIAO DỊCH NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔPHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM (Trang 38 - 41)