Sự tình trong các vế khác nhau hoàn toàn về tham thể

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP: Cấu trúc ngữ nghĩa và cấu trúc lập luận trong câu ghép (qua tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng) (Trang 47 - 51)

(QUA TÁC PHẨM MIẾNG NGON HÀ NỘI CỦA VŨ BẰNG) 2.1 THEO LOẠI SỰ TÌNH MÀ CÁC VẾ TRONG CÂU GHÉP

2.2.2.Sự tình trong các vế khác nhau hoàn toàn về tham thể

Bên cạnh trường hợp câu ghép có chung nhau một hoặc một số tham thể nào đó thì cũng có những trường hợp các sự tình được biểu hiện trong các vế của câu ghép có tham thể hoàn toàn khác biệt, nghĩa là các sự tình trong các câu ghép này không có chung bất kì một tham thể nào (kể cả tham thể cơ sở hay tham thể mở rộng). Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, các câu ghép biểu hiện sự tình trong các vế khác nhau hoàn toàn về tham thể hoặc là câu ghép đẳng lập nói về những sự tình khác nhau hoặc là các câu ghép có những sự tình trong quan hệ thời gian với nhau. Ví dụ:

[] Người đi bộ đỡ chết mà ông vặn lái ôtô cũng thích.

[] Phở Nhà Thương Phủ Doãn ăn được nhưng nước hơi nhạt; phở Đông Mỹ ở Phố Mới ăn êm nhưng tẩy gừng hơi quá tay; phở Cống Vọng, kéo xe, ngon nhưng nước dùng hơi hôi; phở Mũ Đỏ ở đằng sau miếu chợ Hôm vô thưởng vô phạt, ăn khá, nhưng chưa có gì quyến rũ.

[] Gỏi trứng sam, làm khéo – đừng để dập mật và ruột sam – ăn mát và ngọt; gỏi sườn lợn, bóp thính và giã tỏi cho vào trộn đều với lá lộc và nước chấm, ăn sậm sực mà lạ miệng; gỏi tôm nhúng giấm dùng với bánh đa, rau và tương ngọt ăn thơm ngát, bùi, hơi béo, nhưng không vì thế mà không mát ruột.

[] Mắm tôm phải là thứ mắm tôm “tiến”, lọc cho sạch; riềng giã thực kĩ, cần nhiều, kém thì không dậy mùi; mẻ cũng phải lọc đi lọc lại.

Trong các ví dụ trên, mỗi sự tình biểu hiện ở mỗi vế của câu ghép không cùng tham thể. Đó là những câu ghép đẳng lập, có cấu trúc ngữ pháp tương đồng nhưng mỗi vế thể hiện một nội dung ý nghĩa khác nhau nên không đòi hỏi tham thể giống nhau (kể cả tham thể cơ sở và tham thể mở rộng). Tuy là câu ghép đẳng lập nhưng xét về kiểu quan hệ thì có thể nói rằng các sự tình được nói đến ở mỗi vế câu có quan hệ thời gian đồng thời, đó là đều xảy ra,

việc chọn sự tình nào đứng trước, sự tình nào đứng sau phụ thuộc vào ý tưởng, mục đích, nhịp điệu của câu.

Sự tình trong các vế khác nhau hoàn toàn về tham thể có quan hệ thời gian kế tiếp có thể được liên kết với nhau bằng các yếu tố ngôn ngữ cụ thể (các hư từ) hoặc bằng ngữ điệu (dấu phẩy). Ví dụ như:

[] Những thứ đó được băm nhỏ rồi dàn lên một cái đĩa lớn; đoạn, người ta rưới tiết đã được hòa vào nước xáo, đánh lên cho đều.

[] Thứ bánh này quấy ở trong nồi xong được múc vào trong những cái đĩa đàn to bằng bàn tay đứa trẻ, đến khi nguội và ráo, người ta bóc ra rồi tãi trên mẹt lót lá chuối để đem bán một đồng vài bốn chiếc cho khách hàng.

Ở những ví dụ trên, các sự tình được biểu hiện trong các vế có các tham thể hoàn toàn khác biệt và đều có quan hệ kế tiếp theo thời gian. Nói cách khác, sự tình nêu ở vế trước xảy ra trước, sự tình nêu ở vế đi sau xảy ra sau.

TIỂU KẾT

Khảo sát câu ghép trong tác phẩm Miếng ngon Hà Nội ở cấu trúc ngữ nghĩa, chúng tôi chú ý hơn về nghĩa miêu tả. Nghĩa là chú ý đến phương diện đơn vị (các sự tình mà các vế trong câu ghép biểu hiện) và quan hệ (quan hệ giữa các sự tình trong câu ghép: cùng loại/ khác loại, các sự tình có chung tham thể/ không chung tham thể). Chúng tôi nhận thấy rằng:

- Theo loại sự tình mà các vế câu ghép biểu hiện thì trường hợp khác loại sự tình nhiều hơn cùng loại sự tình (167 câu ghép cùng loại sự tình/ 188 câu ghép khác loại sự tình). Trong câu ghép biểu hiện cùng loại sự tình thì sự tình trạng thái chiếm số lượng nhiều hơn cả (66,5 %), sau đó đến sự tình hành động (17,4 %), sự tình quan hệ (14,9 %) và ít nhất là sự tình quá trình (1,2 %). Như vậy, từ việc khảo sát câu ghép dưới góc độ ngữ nghĩa, chúng tôi thấy được sự phong phú của các sự tình được phản ánh trong tác phẩm và đặc biệt,

với sự áp đảo của các sự tình trạng thái, chúng tôi thấy được tình cảm đa chiều của tác giả Vũ Bằng trước những món ngon của Hà Nội.

- Theo bình diện ngữ nghĩa, mỗi câu ghép được xác định bởi một tập hợp các sự tình, trong đó, sự hiện diện và vai trò của tham thể là yếu tố quan trọng để xác định các sự tình và nhận diện các kiểu quan hệ nghĩa ở trong câu. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy các câu ghép trong tác phẩm Miếng ngon Hà Nội có thể chung nhau tham thể chỉ chủ thể, đối thể, thời gian, địa điểm, cảnh huống,... và cũng có trường hợp hoàn toàn khác biệt về tham thể ở mỗi sự tình biểu hiện trong câu ghép. Điều này giúp ta khẳng định rằng việc sử dụng tham thể linh hoạt là cách để tạo ra sự hấp dẫn ở các sự tình mà người viết muốn thể hiện qua từng vế câu của câu ghép.

Chương 3

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP: Cấu trúc ngữ nghĩa và cấu trúc lập luận trong câu ghép (qua tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng) (Trang 47 - 51)