Khái quát về thể loại kí

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP: Cấu trúc ngữ nghĩa và cấu trúc lập luận trong câu ghép (qua tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng) (Trang 25 - 26)

Nghĩa gốc của chữ “kí” là ghi chép một sự việc gì đó để không quên. Đây là loại hình văn học có nhiều biến thể. Nội dung và hình thức của những tác phẩm được xếp vào loại kí vô cùng phong phú, đa dạng. Trong ý thức tiếp nhận của người đọc và giới nghiên cứu chuyên nghiệp, kí là loại hình văn học trung gian. Nó nằm ở quãng giữa văn học nghệ thuật và các thư tịch, văn bản hành chính, công vụ. Xét về đặc trưng thể loại thì kí có những đặc trưng cơ bản sau:

- Kí là sự can dự trực tiếp của nghệ thuật vào đời sống xã hội. - Kí là sự thông tin về sự thực của các giá trị nhân sinh.

- Kí có cách xử lí riêng về khoảng cách giữa thời gian sự kiện và thời gian trần thuật.

- Kí kết hợp linh hoạt các phương thức tự sự, trữ tình, nghị luận với những thao tác tư duy khoa học.

Nói cách khác, kí là một thể văn phản ánh hiện thực đời sống một cách nghệ thuật mà chân xác, linh hoạt, bộc lộ những ý nghĩ, cảm xúc trực tiếp của cá nhân riêng lẻ về những sự việc, sự vật, con người, cuộc đời vừa có giá trị thẩm mĩ, có ấn tượng lớn với cá nhân ấy, vừa có tính thời sự, được xã hội

quan tâm. Như đã nói, kí là một loại hình văn học bao gồm nhiều thể, nhiều tiểu loại. Các thể và biến thể của kí hình thành một cách tự nhiên trong quá trình vân động của lịch sử văn học. Hiện nay vẫn tồn tại nhiều cách phân loại khác nhau. Dựa vào đối tượng trần thuật , có thể chia kí thành ba nhóm tiểu loại lớn: kí sự kiện, kí nhân vật và kí phong cảnh. Cách phân chia truyền thống thường dựa vào sự hiện diện của phương thức phản ánh đời sống tham gia vào cấu trúc thể loại. Theo đó, người ta chia kí thành hai nhóm lớn. Nhóm thứ nhất thiên về tự sự gồm các thể chính như kí sự, phóng sự, nhật kí. Nhóm thứ hai nghiêng về trữ tình với các thể chính như tùy bút, bút kí, tản văn,...

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP: Cấu trúc ngữ nghĩa và cấu trúc lập luận trong câu ghép (qua tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng) (Trang 25 - 26)