Tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển dưới rất nhiều hình thức, nội dung đa dạng và phong phú, với những kết quả, lợi ích nhất định. Trước những tình hình đó, người ta đã mô tả dưới các dạng mô hình liên kết cơ bản sau:
- Mô hình tập trung (the centralized model)
Mô hình tập trung là mô hình các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trực tiếp ký hợp đồng với các trang trại. Hợp đồng này chỉ có hai bên tham gia trực tiếp là doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và các trang trại. Các doanh nghiệp đặt hàng cho các trang trại sản xuất nông sản để doanh nghiệp chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Trong những hợp đồng kiểu này, lượng sản phẩm doanh nghiệp đặt hàng các trang trại được phân bổ ngay từ đầu mùa vụ và chất lượng được giám sát một cách chặt chẽ.
Mô hình tập trung đảm bảo nông dân tiêu thụ được nông sản, doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Ngoài ra mô hình này hình thành sự liên kết giữa doanh nghiệp và các trang trại, tạo ra vùng sản xuất tập trung với chất lượng cao, an toàn theo quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và tạo sự phát triển bền vững cho các trang trại.
- Mô hình trang trại hạt nhân( The nucleus Estate Model)
Mô hình trang trại hạt nhân tương tự như mô hình tập trung nhưng bên mua sản phẩm là doanh nghiệp nắm quyền sở hữu đất đai, chuồng trại, vườn cây. Bên bán sản phẩm chỉ thực hiện hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và bán lại sản phẩm cho doanh nghiệp. Chủ thể tham gia trực tiếp vào mô hình này cũng chỉ bao gồm doanh nghiệp và các trang trại. Trong đó các trang trại do nông dân sản xuất thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Do đó, các hộ nông
dân trực tiếp sản xuất nông sản trên đất của doanh nghiệp có thể xem là người lao động trong doanh nghiệp.
- Mô hình đa chủ thể ( The Multipartite Model)
Tham gia mô hình này bao gồm nhiều chủ thể khác nhau như Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại. Đặc điểm của mô hình này là các chủ thể khác nhau sẽ có tránh nhiệm và vai trò khác nhau. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân gắn kết nhà khoa học với nông dân, gắn kết nhà tài chính với nông dân và tiêu thụ sản phẩm của nông dân nên họ biết được thị trường cần gì để đặt hàng cho nông dân sản xuất. Ngoài ra doanh nghiệp cũng chinh là người đặt hàng cho các nhà khoa học, ngân hàng, cung cấp các dịch vụ cho mình và cho nông dân. Vai trò của Nhà nước là xử lý mối quan hệ giữa các bên ký kết hợp đồng, quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết những vấn đề khó khăn nảy sinh do thị trường, thiên tai gây ra, đồng thời vận động, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các bên tham gia sản xuất theo hợp đồng.
Đặc trưng của mô hình này là mối quan hệ đa chiều. Cơ chế của mô hình này là sự liên kết và phối hợp nhiều chủ thể khác nhau cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định. Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là hạt nhân ký hợp đồng trực tiếp với các trang trại để thu mua nông sản. Ngân hàng căn cứ vào hợp đồng giữa doanh nghiệp và các trang trại để cho vay đầu tư phát triển sản xuất, phát triển thị trường. Doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học để giải quyết các vấn đề kỹ thuật sản xuất nảy sinh. Các tổ chức dân sự xã hội như hiệp hội ngành hàng sẽ vận động, theo dõi, giám sát các hợp đồng giữa doanh nghiệp và trang trại. Nhà nước căn cứ vào hợp đồng để xử lý các mẫu thuẫn phát sinh.
- Mô hinh trung gian( The Intermediary Model)
Đây là mô hình doanh nghiệp ký hợp đồng mua sản phẩm của nông dân thông qua các đầu mối trung gian như hợp tác xã, tổ hợp tác xã, nhóm nông dân hoặc một số hộ đại diện cho các hộ nông dân. Đặc điểm của mô hình này là Doanh nghiệp không ký kết hợp đồng trực tiếp với nông dân mà thay vào đó doanh nghiệp thuê các tổ chức trung gian thực hiện vai trò của mình.
Mô hình này tồn tại khi nên sản xuất nông nghiệp còn manh mún và phân tán. Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản khó thực hiện việc ký kết hợp đồng cung cấp vật tư, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân vì để thực hiện ký hợp đồng cho từng hộ nông dân thì chi phí giao dịch tăng cao và bản thân họ không đủ năng lực kiểm soát trực tiếp quá trình sản xuất của từng hộ nông dân.
Mô hình này góp phần làm giảm chi phí giao dịch nhờ đầu mối hợp đồng giảm đi, việc kiểm soát sản xuất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn. Người trung gian đóng vai trò đại diện cho nông dân, tạo nên sức mạnh tập thể để thương lượng với doanh nghiệp.
- Mô hình phi chính thức
Đây chính là hợp đồng miệng giữa nông dân với người mua gom ( thương lái). Người mua là người cung cấp vật tư phân bón nên họ thực hiện phương thức ứng trước vật tư phân bón cho nông dân và đến khi thu hoạch họ nhận lại sản phẩm.
Mô hình phi chính thức thường được áp dụng trong cung cộng đồng, sản xuất ở quy mô nhỏ. Mối quan hệ giữa nông dân và người mua là mối quan hệ thân tình, láng giềng rất chặt chẽ nên hợp đồng mua bán khá được đảm bảo. Tuy nhiên, mô hình này khó mở rộng phạm vi hoạt dộng vì những người thương lái thường gặp rủi ro lớn, không đảm bảo khả năng tái hoạt động.( Lê Trường Giang, 2013)