Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh về tình yêu thương con người, sống có tình nghĩa đòi hỏi một hệ thống giải pháp đồng bộ, liên quan đến các chủ thể
của quá trình dạy - học trong nhà trường. Chúng tôi chỉ nêu các giải pháp trực tiếp trong luận văn này.
Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy nhà trường: cần đặt công tác giáo dục tư tưởng lên hàng đầu, đảm bảo sự nhất trí cao với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Các Chỉ thị, Nghị Quyết, Quy định của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, ngành cần được triển khai và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đúng kế hoạch. Đảng ủy nhà trường cần có chủ trương, đường lối đúng đắn và phù hợp với thực tiễn. Đó là, thực hiện việc ngăn ngừa và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Bởi đây là căn bệnh như Hồ Chí Minh nói là nó rất dễ mắc phải đối với cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo. Bên cạnh đó, nhà trường cần có biện pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng gian lận trong thi cử, tình trạng mua bán điểm, bằng. Đồng thời, cần chỉ đạo đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn cho người học, tạo một môi trường lành mạnh cho sinh viên. Đầu năm học, nhà trường nên tổ chức cho sinh viên ký cam kết phòng chống ma túy, thực hiện luật giao thông, thực hiện môi trường xanh, sạch, đẹp và nếp sống văn minh học đường. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ chức các hoạt động xã hội cho sinh viên phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, năng động. Thông qua đó, tìm các tấm gương tiểu biểu, khen thưởng, tuyên dương trước toàn trường, động viên các em học tập và làm theo.
Phát huy vai trò của Ban giám hiệu, các phòng, khoa chức năng: Thực hiện quản lý kết hợp với việc phối hợp cùng giáo viên trong việc giảng dạy cũng như giáo dục sinh viên vào các hoạt động tích cực. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục tình yêu thương con người, sống có tình nghĩa. Để thực hiện tốt công tác này, trường cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho sinh viên. Trước hết là phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức truyền thống về tình yêu thương con người,
sống có tình nghĩa giữa những thành viên trong gia đình như cha mẹ - con cái; vợ chồng, anh chị em. Sau đó là tình cảm yêu thương trong làng xóm, láng giềng, và các mối quan hệ khác. Trong môi trường học tập, đó là tình cảm thầy trò, bạn bè luôn có sự gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong học tập và các hoạt động tập thể khác. Ngoài ra, cần giáo dục cho sinh viên về lòng tự hào trước những trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời nhắc nhở sinh viên biết ghi ơn công lao của các anh hùng dân tộc đã ngã xuống cho sự nghiệp của đất nước. Từ đó, giúp các em có tình yêu nước, sự đoàn kết trước thế lực thù địch chống lại âm mưu của chúng ở thời đại ngày nay.
Khắc phục tình trạng xem nhẹ vai trò của các môn học mang tính định hướng lý tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống như các môn khoa học Mác - Lênin.
Cần phối hợp chặt chẽ giữa Khoa Lý luận chính trị, Phòng Công tác học sinh – sinh viên, Phòng đào tạo, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên để thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Đồng thời, xây dựng quy chế liên quan đến việc rèn luyện đạo đức sinh viên và phổ biến quy chế cho sinh viên ngay từ đầu khóa học.
Nhà trường cần đặt mua thêm nhiều hơn báo, tạp chí để tăng cường thông tin cho sinh viên. Điều này giúp sinh viên tự tìm hiểu, có điều kiện tiếp cân, nghiên cứu và nâng cao ý thức tự học hỏi, rèn luyện đạo đức. Cũng từ đó, tránh xa lối sống ăn chơi xa đọa, say mê game bạo lực mà làm tha hóa tình người.
Có kế hoạch tuyên truyền và mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn. Bên cạnh đó, nhà trường nên tổ chức những buổi nói chuyện ngoại khóa về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và thế giới cho sinh viên. Nội dung các buổi nói chuyện ngoại khóa tập trung vào chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh....Trên cơ sở đó, phát huy tình yêu nước, yêu đồng bào, yêu tổ quốc của sinh viên, đồng thời giúp các
em có nhận thức đúng đắn trong các hành động của thế lực bên ngoài đối với chủ quyền đất nước
Cần kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức nói chung, giáo dục tình yêu thương con người, sống có tình nghĩa nói riêng cho sinh viên. Bởi lẽ, gia đình là môi trường đầu tiên trong hình thành nhân cách con người. Trong gia đình, cha mẹ là người biết rõ nhất mặt mạnh, mặt yếu; hiểu được tâm lý, tính cách; và có điều kiện quan tâm hơn hết tới con cái. Từ đó, có phương pháp giáo dục phù hợp với từng thành viên trên cơ sở của tình yêu thương và trách nhiệm. Để làm được điều này, trường cần có biện pháp để liên hệ với gia đình sinh viên. Trường nên thường xuyên thông báo kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên tới các bậc phụ huynh; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc khuyến khích những sinh viên học giỏi, chăm ngoan; có biện pháp giáo dục đối với sinh viên cá biệt. Từ đó, tạo môi trường tốt nhất có thể cho các em học tập và trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân.
Nâng cao chất lượng và đổi mới hình thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên: Tăng cường vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên của trường trong việc: Tuyên truyền các nghị quyết của Đoàn, Hội. Tổ chức thực hiện nền nếp – kỷ cương; các phong trào thi đua trong học tập – sinh hoạt, các hoạt động nội, ngoại khóa; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa – uống nước nhớ nguồn... nhằm thu hút học sinh đến tập thể, đến những hoạt động bổ ích; để giáo dục về lòng nhân ái, truyền thống, đạo lý con người Việt Nam qua đó để giáo dục đạo đức học sinh, xây dựng kế hoạch quyên góp, ủng hộ đồng bào lũ lụt, đồng bào vùng sâu vùng xa để học sinh, sinh viên từng chi đoàn quyên góp, chia sẻ sức người và sức của nhằm nâng cao tinh thần tương thân tương ái, nâng cao lòng nhân ái cho mỗi học sinh, sinh viên.
Để phát huy tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các tổ chức cần có thêm các hoạt động, diễn đàn, các buổi tọa đàm, hội
thảo tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh như: Bác Hồ với sinh viên; tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, phát triển các mô hình tình nguyện tại chỗ, đẩy mạnh hoạt động tình nguyện, xây dựng mái trường xanh, sạch, đẹp, không có tệ nạn xã hội.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ giáo viên: Công tác chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong giáo dục tình yêu thương con người cho sinh viên. Do vậy, giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp liên kết bền chặt với giáo viên bộ môn và các đoàn thể trong nhà trường nhằm giáo dục cho sinh viên, từ việc tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, năng lực từng sinh viên đến việc xử lý tình huống. Điều này cần có sự nghiêm khắc của thầy cô, đồng thời phải có tấm lòng yêu thương, thể hiện trách nhiệm, lòng vị tha; thông cảm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn. Đôi khi các thầy cô cần giành thời gian để tâm sự và cho các em những lời khuyên bảo, động viên chân tình, tạo niềm tin, động lực cho sinh viên phấn đấu hoàn thiện bản thân. Hình ảnh người thầy luôn có ảnh hưởng đến sinh viên. Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm không những cần năng lực chuyên môn, mà còn đòi hỏi phải thực sự là tấm gương sáng về tác phong, tư cách đạo đức; những chuẩn mực trong trang phục, lời nói, cách ứng xử... như vậy, lời nói của giáo viên mới có trọng lượng. Như vậy, cần xây dựng được đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, tốt về đạo đức, trở thành tấm gương sáng cho sinh viên noi theo. Nhà trường nên thường xuyên tổ chức những cuộc Hội thảo khoa học về vấn đề đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời đưa ra tiêu chí, tuyên truyền sâu rộng đến tất cả giáo viên thực hiện kết hợp giữa dạy chữ và dạy người.
Phát huy tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu của sinh viên trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Trước hết, sinh viên luôn tự giác tu dưỡng bản thân, học hỏi điều hay, bảo vệ lẽ phải và quyết liệt chống cái tiêu cực. Bên cạnh đó cần phải trau dồi kiến thức qua sách báo, giao lưu bạn bè qua các hoạt động tập thể để hoàn thiện
bản thân. Ngoài ra mỗi sinh viên cần có ý thức trong việc phê bình và tự phê bình nhằm uốn nắn mình hướng tới cái thiện. Mỗi hành động hằng ngày có thể sẽ tạo nên thói quen mai sau. Do vậy, cần tu dưỡng lòng nhân ái, tình yêu thương con người và hành động cho có tình nghĩa. Mỗi việc làm cần xuất phát từ trái tim và biểu hiện ra rõ ràng như gây quỹ từ thiện, góp quần áo cũ, sách vở cũ cho những người có hoàn cảnh khó khăn... Hành động của từng cá nhân tuy nhỏ nhưng nhiều người góp lại thì cũng tạo niềm vui lớn, có ý nghĩa sâu sắc tới những người nhận. Hãy cho đi để được nhận. Cho tình yêu thương để nhận tình thương yêu và giúp người cũng là giúp mình, yêu người cũng là yêu mình. Đúng như Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta từng dạy.
KẾT LUẬN
Yêu thương con người, sống có tình nghĩa là một phẩm chất cao đẹp trong đạo đức Hồ Chí Minh. Người đã tiếp thu truyền thống nhân nghĩa của dân tộc và nâng nó lên thành một tình cảm rộng lớn. Yêu thương là trước hết dành cho những người cùng khổ; yêu thương được thể hiện trong mối quan hệ hàng ngày với những người trong gia đình, bạn bè, đồng chí...; và yêu thương còn dành cho cả những người có sai lầm, khuyết điểm nhưng đã nhận rõ khuyết điểm, sai lầm và cố gắng sửa chữa. Với quan điểm này, Người đã thể hiện cụ thể bằng hành động, bằng thực tế trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Từ việc nhỏ như khoác tấm áo cho người chiến sĩ đỡ lạnh đến việc giải phóng dân tộc thoát khỏi lầm than giành tự do, độc lập...Tất cả những gì Hồ Chí Minh làm cho dân tộc ta đã đưa Người trở thành tấm gương sáng. Đặc biệt trong giáo dục đạo đức cho sinh viên hiện nay, giá trị đạo đức ngày càng có ý nghĩa.
Tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức nói chung, giáo dục tình yêu thương con người, sống có tình nghĩa nói riêng có vai trò quan trọng cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Người đã chỉ ra nội dung và phương châm, phương pháp giáo dục nhằm giúp sinh viên hình thành những phẩm chất đạo đức mới đáp ứng được các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, xu thế chung của thế giới và trong nước đã có ảnh hưởng sâu rộng đến việc đời sống tinh thần của con người. Nhất là cơ chế thị trường của nền kinh tế mở đã tác động trực tiếp đến người dân Việt Nam nói chung, tầng lớp sinh viên nói riêng. Bên cạnh những tích cực, có không ít tác động tiêu cực, thậm chí làm tha hóa lối sống, tình cảm con người của sinh viên. Việc chạy theo lối sống thực dụng, vì đồng tiền khiến nhiều sinh viên có những hành động mất nhân tính. Đôi khi, họ làm theo nhân vật trong game mà không biết hành vi của mình có tác hại ra sao.
Hay như sa đọa vào ma túy làm họ không kiểm soát được hành vi và hủy hoại bản thân, không nghe người khác khuyên bảo... Điều này đặt ra những yêu câu bức thiết trong giáo dục đạo đức, lối sống cũng như giáo dục tình yêu thương con người cho thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên.
Cùng xu thế chung của sinh viên cả nước, sinh viên trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc cũng chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Về cơ bản, đại bộ phận sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc tin tưởng vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, sống có ước mơ, có hoài bão, chấp nhận dấn thân, tình nguyện vì cộng đồng. Nhiều sinh viên đã biết gắn lợi ích bản thân với lợi ích dân tộc, thi đua rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập thân, lập nghiệp. Khắc phục mọi trở ngại, thiếu thốn, sinh viên ra sức học tập, tích cực nghiên cứu khoa học, không ngừng trau dồi đạo đức tác phong, giữ gìn nhân cách. Thực hiện lối sống đẹp, đông đảo sinh viên hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện vì Tổ quốc, vì cộng đồng. Các tấm gương tiêu biểu xuất sắc trong học tập và rèn luyện xuất hiện ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một bộ phận có lối sống thực dụng, thờ ơ trước những vấn đề chính trị – xã hội của đất nước, thiếu ý chí vươn lên trong học tập và cuộc sống, thiếu tích cực, chủ động trong hoạt động đoàn thể.
Những hạn chế, bất cập trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận. Đổi mới công tác giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức nhằm đào tạo ra một đội ngũ trí thức trẻ có đủ phẩm chất và năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức đã trở thành một nhiệm vụ hàng đầu của các trường đại học, cao đẳng trong giai đoạn hiện nay. Đây là yêu cầu bức thiết của nhà trường, đồng thời cũng là mục tiêu trong đào tạo giáo dục đạo đức cho sinh viên. Hơn nữa, nó cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc giáo dục tình yêu thương con người, sống có tình nghĩa trong sinh viên. Để thực hiện điều này, Nhà trường
đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng bộ phận khi tham gia hoạt động của trường. Bên cạnh đó, với những đặc điểm riêng chịu ảnh hưởng của địa phương, ngành và hệ đào tạo, sinh viên trong trường cần có biện pháp giáo dục cụ thể phù hợp. Đặc biệt chú trọng hơn công tác thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ánh sáng đạo đức của Người mãi là kho báu cho thế hệ sinh viên Việt Nam trong đó có sinh viên trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc tu dưỡng, phấn đấu, học tập và làm theo.